Luận điểm trọng tâm của chương này được bắt nguồn từ cuốn sách A Course in Miracles. Như tôi đã giải thích, đó là một cuốn sách dẫn dắt tinh thần có nội dung cơ bản xoay quanh quá trình xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Theo nội dung của cuốn sách thì trong đầu chúng ta luôn tồn tại hai tiếng nói. Một thuộc về cái tôi ích kỷ và cái còn lại thuộc về cội nguồn yêu thương. Cả hai tiếng nói đều hiện hữu cùng lúc, nhưng một cái thường rất ồn ào và thu hút nhiều sự chú ý của chúng ta. Tôi nghĩ chắc bạn cũng đoán được đó là cái nào rồi. Cuốn sách cho chúng ta biết rằng, tiếng nói của cái tôi ích kỷ không những gây ồn ào mà còn truyền đạt những thông điệp sai lầm. Vậy tại sao chúng ta lại mải mê lắng nghe nó?
Đó thật sự là một bí ẩn. Cái tôi ích kỷ không phải bạn của chúng ta. Nó có vẻ giống y một người bạn nhưng về bản chất, chắc chắn nó không phải là bạn. Nó cố gắng khiến chúng ta cảm thấy mình đặc biệt bằng cách tách rời tập thể. Có thể lúc này, nó nịnh nọt rằng bản thân ta vượt trội hơn mọi người, nhưng lúc khác, nó lại sỉ nhục chúng ta là kẻ thấp kém. Đó là cách nó khiến ta mất thăng bằng và rối bời. Tuy nhiên, sự tồn tại của cái tôi ích kỷ phụ thuộc vào việc ta có lắng nghe nó hay không. Chính vì vậy, nó sẵn sàng làm bất cứ điều gì để duy trì sự ảnh hưởng đối với ta. Nó luôn nài ép ta vứt bỏ lời lẽ thiện chí, cách ứng xử khéo léo của mình và đối mặt với cuộc đời bằng thái độ giận dữ, hung hăng, sợ hãi hay cô lập.
Ngược lại, tiếng nói êm ái của cội nguồn yêu thương truyền đạt cho chúng ta ý nghĩa về tình yêu và hòa bình, tha thứ và nhường nhịn, hy vọng và chấp nhận. Nó không bao giờ vạch ra ranh giới chia cắt ta và người khác. Nó luôn làm nổi bật sợi dây liên kết thiêng liêng giữa người với người. Nó dạy chúng ta cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Nó liên tục nhắc nhở rằng, chúng ta đang ở đúng nơi mình cần và sức mạnh nội tại trong bản thân luôn sẵn sàng nâng đỡ ta.
May mắn thay, tất cả chúng ta đều tự do trong tư duy và điều đó cho phép chúng ta lựa chọn tiếng nói mình muốn nghe. Chúng ta luôn có quyền lắng nghe tiếng nói êm ái và dịu dàng của bình yên. Chúng ta có thể quyết định thay đổi tư duy, và cuộc sống sẽ thay đổi theo.
Thận trọng với chọn lựa
Nếu bạn đang theo đuổi sự bình yên thì bạn cần thận trọng với những chọn lựa của mình. Cái tôi ích kỷ luôn dụ dỗ bạn ngồi lê đôi mách, chỉ trích, so bì, phán xét, ghen tỵ, sợ hãi và tức giận với người khác. Đó rõ ràng không phải là những lựa chọn dẫn bạn đến bình yên. Lựa chọn dựa trên sự chi phối của cái tôi ích kỷ có thể trở thành thói quen. Nhưng chúng ta đã chứng minh được rằng, mọi thói quen đều có thể bị bẻ gãy. Nếu thật sự mong muốn tận hưởng một cuộc sống bình yên thì trước khi thực hiện bất cứ việc gì, bạn phải thận trọng đánh giá hành động của mình, với sự giúp đỡ từ cội nguồn yêu thương. Trước khi phát biểu hay hành động, thậm chí trước khi lên kế hoạch cho một sự kiện trong tương lai, bạn hãy tỏ ra khôn ngoan bằng cách dừng lại ít phút và cân nhắc. Nếu lựa chọn đang xem xét không dẫn đến một trải nghiệm bình yên, thì tốt nhất bạn nên chọn lại.
Khám phá đại lộ bình yên không phải là nhiệm vụ quá khó khăn nếu bạn thực hiện một cách nghiêm túc. Nó là đường một chiều đấy, các bạn ạ! Bình yên là sản phẩm được tạo ra từ những ý nghĩ yêu thương và cử chỉ ân cần. Nếu chúng ta đang suy nghĩ và hành động đúng theo cách tình yêu thương mong muốn, chúng ta sẽ cảm thấy bình yên. Nó phủ qua chúng ta như một ngọn sóng ấm áp. Những người được nhận cử chỉ ân cần và thái độ yêu thương của ta cũng sẽ cảm thấy ngọn sóng bình yên ấy, giống như ta.
Hãy phân tích quan điểm này kỹ hơn! Suy nghĩ yêu thương có thể là lời cầu nguyện xin được thông cảm hay tha thứ. Nó có thể là lời cầu nguyện mang hạnh phúc đến cho ai đó đang lâm bệnh nặng. Nó có thể là lời cầu nguyện không dành cho riêng ai mà nhân danh toàn thế giới đau khổ. Suy nghĩ yêu thương đôi lúc chỉ đơn giản là nhận ra sự thiêng liêng của mỗi cuộc gặp gỡ. Sẵn sàng thay đổi quan điểm bất cứ khi nào xung đột sắp phát sinh cũng là một suy nghĩ yêu thương. Đó là sự biến đổi không cần phát biểu thành lời với tất cả những người liên quan. Sự yêu thương của bạn được ghi dấu trong mọi hoàn cảnh và người khác sẽ cảm nhận được nó. Bày tỏ lòng tri ân tới mỗi khoảnh khắc của hiện tại và quá khứ cũng là cách thể hiện suy nghĩ yêu thương. Nhiệm vụ mà cội nguồn yêu thương muốn chúng ta thực hiện là nhận ra sự giận dữ luôn bắt nguồn từ sợ hãi, và gửi đến họ lời cầu nguyện hòa bình.
Cư xử tử tế, ân cần không hề khó. Có lẽ hành động dễ nhất và nẩy ra ngay lập tức là mỗi khi có cơ hội, hãy mỉm cười thay vì cau mày với người khác. Nhượng bộ trong tình huống bạn không thể kiểm soát được, hay nhượng bộ những người cứ khăng khăng cho rằng ý kiến của họ đúng cũng là một hành động tử tế. Bạn đừng hiểu lầm. Nhượng bộ không phải là để người khác hạ gục mà có nghĩa là lựa chọn sự hòa thuận, thay vì mắc kẹt trong mê cung của ảo ảnh chiến thắng. Đúng hay sai luôn là vấn đề liên quan đến nhận thức. Cãi nhau để giành chiến thắng trong luận điểm nào đó không bao giờ tạo nên cảm giác bình yên.
Bỏ đi khi cuộc chạm trán đang đến hồi căng thẳng là một lựa chọn tốt hơn nhiều. Nó giúp tình thế bớt gay go và chứng minh rằng luôn có cách tốt hơn để giao tiếp với mọi người. Chúng ta không cứ phải khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Chúng ta cũng không cần áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Sự bất đồng không đòi hỏi chúng ta phải làm rõ trắng đen, nhưng tiếp tục kéo dài sự bất đồng sẽ phá hỏng không gian dành cho sự bình yên chúng ta xứng đáng nhận được.
Thật ra, để thay đổi tâm trạng từ kích động sang điềm tĩnh, bạn cần một chút nỗ lực. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hít thở thật sâu trước khi hành động trong bất kỳ tình huống nào. Tiếp theo, hãy nghĩ đến tình yêu vào giây phút đó. Mỗi khi vận dụng phương pháp hành động đơn giản gồm hai bước này, bạn sẽ giúp tăng thêm cảm giác bình yên trong cuộc sống của mình và cả người khác. Mỗi chúng ta đều có thể tạo ra một tác động; thế giới thay đổi khi tư duy của bạn thay đổi.
“Tôi muốn bình yên hay chiến thắng?”
Luận điểm này đã được đề cập rồi, nhưng chúng ta hãy tập trung vào nó thêm một lần nữa. Mỗi ngày, có lẽ bạn có đến hàng trăm cơ hội để lựa chọn giữa bình yên và chiến thắng. Trong nhiều trường hợp, đó không phải là lựa chọn dễ dàng. Đôi lúc, bạn bị thu hút bởi một khía cạnh của vấn đề mọi người đang bàn cãi. Không tham gia vào cuộc tranh luận đó hoặc đi chỗ khác khiến bạn cảm thấy như vừa vứt bỏ vị trí của mình. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi quan niệm trên: Bỏ đi chỗ khác nghĩa là bạn đang lựa chọn điều có lợi nhất cho tất cả mọi người. Bằng cách từ chối tham chiến tới cùng, bạn tạo điều kiện để cả hai phe rút khỏi cuộc tranh luận mà không ảnh hưởng gì tới lòng tự trọng của họ.
Cái tôi ích kỷ thường kiên quyết theo đuổi ý kiến của nó đến nỗi khiến chúng ta bị cuốn vào những cuộc tranh luận về các vấn đề chúng ta không thật sự quan tâm. Rõ ràng, chúng ta đã quen nghĩ rằng chúng ta có nhiệm vụ kết thúc mọi cuộc tranh cãi mình góp phần gây ra. Nhưng sự thật không phải thế. Không tiếp tục tranh cãi tới cùng là một quyết định mềm dẻo và linh hoạt. “Đối thủ” sẽ cố gắng cài bẫy để chúng ta tiếp tục cuộc tranh cãi, đặc biệt là khi họ nghĩ rằng chúng ta sắp bị quan điểm của họ thuyết phục. Và họ có thể ngăn cản chúng ta quyết định rút lui khỏi tranh cãi. Chúng ta có quyền lựa chọn. Chúng ta không bao giờ tìm thấy bình yên nếu tiếp tục ở lại trong những cuộc tranh luận đang dần nóng lên và chẳng có hy vọng kết thúc êm đẹp.
Càng về già, lòng mong muốn xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp càng lớn. Tôi từng trải qua một quá khứ chứa đầy những cuộc cãi vã căng thẳng về các chủ đề tôi không có kiến thức. Nhưng lúc nào tôi cũng hăm hở chứng minh mình đúng. Bằng cách ép buộc người khác đầu hàng, tôi hy vọng cuối cùng họ sẽ đồng ý với quan điểm của mình. Tôi nghĩ cảm giác bất an chính là kẻ nuôi lớn nỗi ám ảnh về chiến thắng. Nhưng bây giờ, tôi không còn chút hứng thú nào để tranh cãi nữa. Tôi vẫn có quan điểm riêng về vấn đề nào đó và tôi vẫn trung thành với triết lý cá nhân của mình. Tuy nhiên, đối với tôi, sự bình yên trong tâm hồn quan trọng hơn việc chiến thắng trong các cuộc tranh luận. Hơn nữa, chịu đựng sự kích động luôn đi kèm bất hòa không thể cung cấp cho cơ thể tôi nguồn năng lượng mình cần để hoàn thành những mục tiêu xa hơn.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến vấn đề sâu sắc hơn chứ không đơn thuần chỉ là sự lựa chọn bình yên hay chiến thắng của cá nhân. Mỗi lần đưa ra một lựa chọn hòa bình, chúng ta đã góp phần xây dựng hòa bình thế giới. Khi cảm thấy mình được tôn trọng, bạn không có ý định chia sẻ cảm giác dễ chịu đó cho người khác ư? Và khi đối diện với thái độ thù địch, chẳng phải bạn thấy căng thẳng, và vô tình, bạn bóp méo các mối quan hệ khác của mình? Mỗi hành động của chúng ta đều được nhân lên theo cấp lũy thừa. Khi ta chọn những hành động thân thiện, sự lựa chọn ấy sẽ lan tỏa ra khắp thế giới.
Chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi tránh xa rắc rối của người khác, khi dẹp bỏ mọi cố gắng lôi kéo ai đó dính vào chuyện của mình, đặc biệt nếu nó là thói quen hình thành từ lâu. Chọn lựa hòa bình thay vì chiến thắng là một bước tiến đòi hỏi rất nhiều rèn luyện. Nhưng bù lại, chúng ta sẽ giành được phần thưởng xứng đáng hướng đến cuộc sống và thế giới hòa bình.
Quyết tâm là điều quan trọng nhất
Quyết tâm là điều kiện cần thiết để thay đổi tư duy. Quyết tâm - một khái niệm nhẹ nhàng, không hề thúc ép hay áp đặt ai cả. Quyết tâm đơn giản là lời cam kết tiếp cận tình huống mới với tất cả những khả năng có thể xảy ra, thay vì áp đặt lên nó sự phỏng đoán chủ quan của mình. Quyết tâm là sẵn sàng thoát khỏi một lập trường hay quan điểm cũ kỹ và mở rộng trí óc để tiếp thu cái mới. Nó đòi hỏi chúng ta phải tịnh tâm suy nghĩ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào.
Đôi khi, sự chống đối việc bài trừ các suy nghĩ và quan điểm cũ kỹ dường như áp đảo chúng ta. Chúng ta cứ nghĩ rằng cách hành động và tư duy như cũ phù hợp với mình hơn vì ít nhất, ta biết mình nên mong chờ điều gì. Nhưng rất nhiều người không nhận ra rằng, từ chối đón nhận một quan điểm mới mẻ cũng có nghĩa là cản trở tiếng nói của cội nguồn yêu thương. Làm như thế, chúng ta đã vô tình khiến cho tình yêu không có cơ hội thực hiện vai trò của nó đối với những quyết định, ý kiến và nhận thức của ta về người khác trong khoảnh khắc hiện tại. Có thể chúng ta từng được nó giúp đỡ để đưa ra những quyết định vẫn còn ý nghĩa quan trọng đến tận bây giờ. Nhưng giờ đây, chúng ta đang mắc kẹt và không sẵn sàng dành chỗ cho một quan điểm mới, phù hợp hơn, phát triển hơn. Điều này xảy ra vì cái tôi ích kỷ thường nắm quyền kiểm soát suy nghĩ cũ kỹ, biến nó thành vật sở hữu và dùng để “quật lại” chúng ta. Theo sự miêu tả trong cuốn A Course in Miracles thì cái tôi ích kỷ luôn lên tiếng trước, lớn nhất và toàn nói sai.
Vậy, quyết tâm mở rộng tâm trí với tiếng nói của yêu thương đến từ đâu? Thật ra, nó luôn nằm ngay trước mắt ta, chỉ là không thu hút được sự chú ý của ta mà thôi. Vấn đề là ta phải thận trọng suy nghĩ và đảm bảo bất kỳ hành động nào ta đang cân nhắc cũng không gây tổn thương cho người khác. Tất nhiên, cái tôi ích kỷ có thể lén lút phá hoại các dự định tốt đẹp ấy, vài người nói rằng nó còn có khả năng bắt chước tiếng nói của yêu thương. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tĩnh tâm, cực kỳ tĩnh tâm, để đảm bảo là mình đang lắng nghe đúng vấn đề. Bạn hãy ghi nhớ tựa đề của chương này: “Một trong hai tiếng nói từ tâm trí bạn luôn sai”, và lựa chọn cẩn thận.
Tiến trình thay đổi có thể bắt đầu lại mỗi ngày
Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên nhìn thấy tấm áp phích với dòng chữ rất lớn và in đậm như thế này: “Mỗi lần một ngày”. Tôi thậm chí không hiểu ý nghĩa của dòng chữ đó. May mắn thay, một người tốt bụng đã nhiệt tình giải thích nó và giúp tôi giải tỏa thắc mắc. Chúng ta sẽ cảm thấy nản lòng ngay lập tức nếu cố hình dung mình làm việc gì đó, đặc biệt là một việc khó khăn, trong suốt quãng đời còn lại. Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng mình chỉ thực hiện nó mỗi lần một ngày. Đó là tất cả những gì chúng ta cần làm. Nếu phải từ bỏ thói quen dùng rượu và thuốc ngủ đến hết quãng đời còn lại, tôi sẽ khó lòng chấp nhận. Nhưng nếu chỉ nhịn dùng những chất này trong một ngày thì tôi có thể làm được. Suy nghĩ đó tiếp thêm cho tôi dũng khí để tiến hành quá trình cai rượu.
Đề xuất của tôi là chúng ta hãy vận dụng phương pháp tương tự để thay đổi lối tư duy cũng như cuộc sống của mình. Rất ít người có thể cam đoan từ bỏ hoàn toàn lối suy nghĩ hay hành động cũ kỹ trong suốt quãng đời còn lại. Nhưng thật dễ dàng để thay đổi lối cư xử, thái độ hay quan điểm nếu ta lựa chọn thực hiện việc này mỗi ngày, và chỉ trong khoảng thời gian của ngày hôm đó mà thôi.
Chúng ta chỉ cần sẵn sàng để tình yêu góp một phần nhỏ bé vào mỗi quyết định thay đổi của mình. Mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, hãy để tình yêu thương tham dự vào cuộc sống của chúng ta. Điều đó không những giúp chúng ta cảm thấy bình yên hơn mà còn khởi đầu sự bình yên trong cuộc sống của nhiều người khác nữa.
Khi ngày mới đến, nếu muốn, chúng ta có quyền tự do cam kết một cách vui vẻ để lắng nghe và làm theo lời hướng dẫn của tình yêu thương. Lời cam kết ấy giúp chúng ta nuôi dưỡng hy vọng biến giấc mơ đẹp nhất của đời mình thành hiện thực. Tuy nhiên, hiếm khi nào chúng ta háo hức thay đổi ngay từ đầu, bất chấp những phần thưởng to lớn nó mang lại. Thay đổi đồng nghĩa với lạ lẫm, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định. Và hầu hết chúng ta đều không cảm thấy thoải mái với những thứ lạ lẫm. Cho nên, đôi lúc chúng ta sẽ phản kháng.
Tiếp tục bước đi trên lối mòn tư duy và hành động cũ kỹ cũng giống như xỏ chân vào chiếc dép đi trong nhà dễ chịu. Chúng có thể mòn vẹt rồi, nhưng chừng nào đế dép chưa bong ra thì chúng ta vẫn chưa muốn vứt chúng đi. Và không ai bắt ép chúng ta làm vậy. Không ai có quyền ra lệnh buộc chúng ta làm bất cứ việc gì.
Chính vì vậy, mục tiêu của chúng ta là cam kết thực hiện một thay đổi nào đó chỉ trong vòng một ngày, và chỉ khi nào ta muốn. Tôi nghĩ điều này nghe có vẻ chấp nhận được với hầu hết mọi người. Thậm chí, bạn có thể cắt giảm mục tiêu thay đổi của mình xuống nữa, nếu điều đó giúp bạn thực hiện dễ dàng hơn.
Ý tưởng mấu chốt ở đây là bạn có toàn quyền quyết định mình muốn thực hiện thay đổi như thế nào và vào lúc nào. Sự thật là chẳng ai quan tâm đến quá trình thay đổi hành vi, thái độ hay quan điểm của bạn đâu. Người được hưởng lợi ích từ những thay đổi là bản thân bạn mà thôi.
“Mỗi lần một ngày”, một quan niệm tuyệt vời! Chúng ta có thể làm được mọi thứ nếu biết cách chia công việc thành từng phần vừa sức mình. Chỉ có khoảnh khắc hiện tại là ta biết chắc mình còn sống. Chính vì vậy, hãy trân trọng sự thật là ngay bây giờ chúng ta có thể bắt đầu lại ngày mới của mình với một thái độ, quan niệm mới, kèm theo đó là cách cư xử thích hợp. Bất cứ thời điểm nào bạn chọn để bắt đầu cũng đều tốt cả. Hãy nắm lấy nó từ từ, từng chút một, và cuộc sống của bạn sẽ thay đổi.
Thời điểm bắt đầu do bạn quyết định
Tôi nghĩ là mình không sai khi giả thiết rằng chẳng ai mong muốn một cuộc sống rối ren và lộn xộn. Không ai thích thú với tình trạng kích động hoặc phán xét liên miên. Bị mắc kẹt trong cuộc tranh cãi, để thái độ của người khác kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình đương nhiên là chẳng vui chút nào. Thế nhưng, vài người chúng ta vẫn sống với tình trạng kể trên suốt thời gian dài. Tại sao vậy? Bởi vì họ sợ phải thay đổi lối sống của mình; bởi vì họ không nhận thức được rằng mình có sức mạnh để thay đổi lối tư duy cũng như hành động của bản thân; bởi vì họ không biết ngoài kia luôn có người sẵn sàng giúp đỡ họ thay đổi mọi thứ.
Cuộc sống vốn đơn giản hơn ta nghĩ. Chúng ta không cần gánh vác khó khăn một mình. Chúng ta không cần chịu trách nhiệm về cuộc sống của người khác. Hãy để sức mạnh nội tại chăm sóc cuộc sống, tâm hồn chúng ta. Khi đó, mọi biến cố, mọi mong đợi và mọi mối quan hệ ta có đều sẽ thay đổi. Cuộc sống của chúng ta nhất định sẽ tốt đẹp hơn nếu bản chất của nó đúng là như thế.
Nhưng không ai có quyền lên lịch trình thay đổi cuộc sống của bạn. Nếu quan tâm đến một cuộc sống nhiều niềm vui và thanh thản hơn, bạn hãy chọn thời điểm để bắt đầu. Thời gian chẳng bao giờ quay trở lại, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn phải bắt đầu thay đổi ngay bây giờ. Nếu cảm thấy không muốn thì bạn đừng làm gì cả! Tiếng nói của yêu thương sẽ chờ đợi lời mời gọi của bạn chừng nào còn cần thiết. Khi bạn đã sẵn sàng để thay đổi cuộc sống, nó sẽ cất cánh cùng nỗ lực của bạn.