G
ần bốn năm không quay lại, cậu lái xe qua đây bèn dừng lại nhìn ngắm một lát. Điếu thuốc thứ hai mới hút hết phân nửa thì cô kéo cửa xe ngồi vào.
Ngây ngất!
“Cậu…”, sự tương ngộ đến trong tình huống bất ngờ như vậy khiến cô hoảng loạn, không biết phải nói gì, giọng nghe cũng không giống cô nữa, “Xin lỗi, tôi... tôi nhầm xe”.
Cậu nhún vai: “Cũng không trách cậu được, taxi ở thành phố này cũng màu đỏ! Trước giờ những người vẫy xe toàn các bà lớn tuổi, tớ đang chán vì chẳng có cô gái xinh đẹp nào bị lừa, hôm nay cuối cùng cũng đợi được một cô”. Cậu vẫn biết nói đùa như thế. So sánh với sự bối rối hoảng hốt của cô, cậu thản nhiên hơn nhiều: “Cậu khỏe không, Dung Dung?”.
“Ờ… khỏe, thế còn cậu?”. Cô không dám ngẩng đầu lên, chỉ đưa mắt liếc nhanh: áo len màu be, tóc húi cua, da đen đi, nam tính hơn.
“Cũng không đến nỗi nào.”
Mở đầu thật là quá tẻ nhạt, nhưng sự việc xảy ra quá sức bất ngờ, cô vắt óc mãi vẫn không nghĩ ra được chủ đề nào khác.
Cần gạt nước hoạt động quét tuyết đọng trên kính, cậu nhấn nút kéo cửa sổ lên, khởi động xe: “Đi đâu, tớ đưa cậu một chuyến”.
Lúc này, một luồng đèn pha từ phía sau rọi tới, còi xe “tin tin” vang lên hai tiếng, kéo cô trở về với hiện tại.
Một cách vô thức, cô quay đầu lại và nhận ra chiếc xe đỗ phía sau. Cô sợ đến nỗi vã đầy mồ hôi lạnh, như thể một người vợ ngoại tình bị bắt tại trận.
Xa nhau bốn năm, cô từng nhiều lần đặt giả thiết, nếu được gặp lại cậu một lần nữa, cô sẽ xiết bao vui mừng. Chỉ cần bên cạnh cậu không có cô gái nào, cô nhất định sẽ chẳng thèm nói gì mà bổ nhào về phía cậu, hôn cậu điên cuồng.
Cô không thể nào tưởng tượng nổi lúc hai người tương ngộ thực sự lại ở trong tình huống thế này: hoảng sợ, xấu hổ và bất an. Nói những lời nhàm chán, cử chỉ vì thận trọng mà thành khoa trương.
Người đàn ông lái xe vẫn đang nói: “Tớ nhớ chỗ này có một dàn nho leo. Vào mùa hè, chim chóc của cả khu rừng đều tụ về đây ăn, có hôm nửa đêm chúng ta đi trộm được tận nửa giỏ về đưa bố cậu đem ngâm rượu nho, vị hóa ra không tệ...”.
Câu chuyện cậu nhắc đến ấy cô vẫn nhớ, cô cũng muốn ở lại lâu hơn, cũng muốn cùng cậu chia sẻ câu chuyện xưa cũ về rượu vang năm đó. Thế nhưng cô lại không thể không cắt ngang lời cậu: “Xin lỗi, có thể lái xe đến chỗ ngã rẽ trước mặt không? Tớ sẽ xuống ở đó”.
Cậu nhìn cô, lại quay đầu nhìn đến chiếc xe phía sau rồi đột nhiên hiểu ra.
Xe lao đi như một mũi tên. Chúc Dung Dung ngồi không vững, bị va mạnh về phía sau. Chỉ vừa kịp nắm lấy tay vịn đã nghe thấy giọng nói bình tĩnh của cậu truyền tới: “Đến nơi rồi”.
Cô không kịp khoác lại áo khoác, chỉ ôm cả áo lẫn túi vào ngực. Lúc vội vã xuống xe, cô vừa kịp mở miệng “cảm ơn cậu”, nhưng chẳng đợi được đến từ “Hứa Ninh” kịp thốt ra, chiếc xe màu đỏ đã giận dữ lồng lên xé gió vút đi mất dạng.
Tuyết vẫn rơi! Cô nhìn mãi con đường thẳng xa tít tắp, hai hàng xe cộ mải miết đi về hai hướng ngược nhau. Cô đứng thế rất lâu mới hoàn hồn lại, vừa cựa quậy thì những bông tuyết trên vai thi nhau rơi xuống.
Cô lặng lẽ khoác lại áo khoác rồi quay đầu đi ngược trở về.
Xe của Nguyên Diệp đỗ đúng tại chỗ ban nãy Hứa Ninh vừa đỗ. Anh vẫn cái phong thái cố định mỗi lần chờ đợi suốt bốn năm nay, tựa nửa người vào cửa xe, gương mặt cúi xuống trầm lặng.
Nhìn thấy cô đi tới, anh liền phủi những bông tuyết bám trên áo da, kéo cửa ngồi vào ghế lái.
Đèn xe bật sáng, động cơ khởi động, nhưng Chúc Dung Dung vẫn không lên xe, cứ đứng ở bên cạnh xe, rõ ràng là tâm trí đang trong tình trạng bất ổn.
Nguyên Diệp đeo găng tay, chậm rãi hỏi: “Cô đã đi đâu vậy?”.
Cảm giác hoảng loạn khó gọi tên khiến cô rịn mồ hôi ngay cả khi nhiệt độ xuống dưới âm thế này, sự linh hoạt thường ngày biến đâu mất hết, mở miệng hồi lâu mà không thốt ra nổi một từ. Loại bất an này chắt ra từ trong xương tủy, giống như bản năng vậy.
Nguyên Diệp hết kiên nhẫn, nhíu mày: “Lên xe!”. Anh cúi đầu, các ngón tay thon dài lướt trên những chiếc CD trong hộp đĩa, cuối cùng lấy ra một chiếc đặt vào trong máy. Ngẩng đầu lên nhìn thấy Chúc Dung Dung vẫn đang đứng ngoài xe, anh liền ấn một hồi còi nhắc nhở.
Chúc Dung Dung giật mình, lúc này mới trở về với thực tại.
Cô vừa kéo cửa xe, chân vẫn còn chưa bước vào trong thì bỗng nghe tiếng bố cô hét gọi tên từ phía sau: “Dung Dung?!”, giọng nói của ông mang theo sự kiềm chế, “Con định đi đâu?”.
Loại xe đắt tiền thế này, ông Chúc không phải lần đầu nhìn thấy, những tin đồn lan truyền trong khu chung cư cũng quá nhiều không thể không để vào tai. Ông sầm mặt xuống: “Nói cho bố biết, con đi đâu?”.
Chúc Dung Dung hoảng hốt, hoang mang thu chân về, đóng mạnh cửa xe sập lại. Váy cô bị kẹp ở cửa, cô luống cuống giật mạnh ra nhưng không được, lại đành hé mở cửa xe, cuối cùng cũng giải cứu được chiếc váy tội nghiệp. Cô ngượng ngùng cúi xuống cố gắng vuốt phẳng những nếp gấp hằn trên váy, lòng cân nhắc trước mắt sẽ lừa thiên dối địa như nào.
Ông Chúc đã bước tới gần, cúi lưng nhìn qua kính xe: “Bạn con à?”.
“Không phải!”
Bố cô nhìn cô chằm chằm: “Thế vì sao con lại lên xe người ta?”.
“Đây là… xe chuyên dụng… xe chuyên dụng gọi qua một phần mềm đặt xe đó bố…”
Ông Chúc đâu có ngốc, tất nhiên không tin, huống hồ anh chàng “tài xế xe chuyên dụng” này đã bốc lửa lên đầu, từ trong xe lao ra, thẳng tiến đến trước mặt hai bố con: “Lằng nhằng cái gì thế hả?”.
Chúc Dung Dung nhắm mắt lại thầm hét lên “Oh my God!”.
Không đợi đến khi Nguyên Diệp tới gần, ông Chúc nhìn thấy anh trước tiên lặng người đi, sau đó tròn mắt, bước những bước dài về phía trước với vẻ không thể tin nổi, nắm lấy tay Nguyên Diệp trong lòng bàn tay mình, kích động gọi tên “Tôn tiên sinh”.
Chúc Dung Dung ngớ người!
“Tôn tiên sinh, anh làm cả nhà chúng tôi tìm kiếm thật là khổ sở! Hôm đó tôi bận thanh toán viện phí, quay lại nhìn đã không thấy anh đâu nữa rồi! Anh đi đâu vậy? Tốt rồi tốt rồi, coi như đã tìm được anh rồi! Lần này anh nhất định phải cho chúng tôi cơ hội báo đáp ân nghĩa!”, ông Chúc nói liền một hơi, mở miệng ngẩng mặt về phía trên lầu hét lớn, “Hai mẹ con ơi! Mau xuống đây, Tôn tiên sinh đến này!”.
Chưa nói đến độ cao của ba tầng lầu, mới chỉ tính đến cánh cổng lớn của khu nhà và khoảng cách giữa các căn hộ, ít nhất cũng phải hai trăm mét, dĩ nhiên bà Chúc không thể nghe thấy.
Ông Chúc run rẩy moi điện thoại ra, gọi cho vợ. Mẹ Chúc Dung Dung lệnh trước tiên ông phải dùng toàn bộ sức lực để giữ Tôn tiên sinh lại đó, không được để ân nhân âm thầm chạy thoát lần nữa, bà sẽ lập tức xuống hỗ trợ một tay.
Trong lúc đợi vợ “ứng cứu”, người đàn ông trung niên thô tháp không giỏi nói năng này cứ “ăn chắc” bằng cách nắm chặt tay Nguyên Diệp không rời. Thấy Chúc Dung Dung cứ đần thối mặt mày đứng sững một bên, ông chẳng chút nương tay mà cốc một cái đánh chát vào đầu con gái: “Thế mà không biết đường gọi bố! Còn không đến mà hỏi han Tôn tiên sinh đi! Lần này coi như con lập công lớn, tự nhiên lại tìm được Tôn tiên sinh!”.
Chúc Dung Dung ngạc nhiên nhìn Nguyên Diệp, đúng lúc anh cũng vô tình quét ánh mắt qua, vẫn bộ dạng đẹp trai ngời ngời và thản nhiên không chút cảm xúc đó.
Trước sau không quá nửa phút, bà Chúc đã đem theo con trai, chân không chấm đất, chạy như bay tới. Không kịp dừng lại để thở, bà gạt phăng chồng ra, nắm chặt lấy tay Nguyên Diệp, trước tiên là một sự im lặng nghẹn ngào, sau đó là một tràng tri ơn cảm đức.
Bà Chúc bắt con trai quỳ xuống rập đầu cảm tạ, Chúc Khang Khang không chịu, bà nhanh như cắt phát thật mạnh mấy cái vào mông nó, nó gào lên khóc oa oa.
Người đi đường hiếu kỳ, xúm đông xúm đỏ vào xem.
Bấy giờ ông Chúc mới sực tỉnh, nhắc nhở: “Trước tiên vào nhà đã!”. Cả nhà lúc này mới xúm quanh “áp giải” theo “Tôn tiên sinh”, mừng rỡ ngất trời hành quân về nhà. Không đợi hàng xóm nhao tới hỏi han, ông bà Chúc đã sung sướng khôn xiết chủ động giải thích: “Trời cao có mắt, đại ân nhân của nhà chúng tôi đã tìm thấy rồi!”. Mọi người nghe vậy đều thi nhau nhiệt tình giơ cao ngón cái tỏ ý biểu dương anh hùng cứu người.
Bà Chúc đi được mấy bước liền quay đầu lại, moi trong túi ra mấy trăm tệ bảo Chúc Dung Dung đi mua mấy dây pháo mừng.
Chúc Dung Dung bĩu môi: “Hẳn là cần mời một đội múa lân sư tử nữa mẹ nhỉ?”.
Bà Chúc ngẫm nghĩ một hồi, nói nghiêm túc: “Hôm nay muộn quá rồi, cuối tuần chúng ta làm mấy chục mâm mời anh ấy, lúc đó hãy gọi múa lân! Mời cả phóng viên lẫn các phương tiện truyền thông nữa! Càng sôi động càng tốt!”.
Chúc Dung Dung dùng dao bổ bưởi. Sau những tiếng gọt soàn soạt, lớp vỏ màu xanh mềm mại được bóc tách ra, hương thơm the mát lan toả bốn phía, những múi bưởi đào mọng nước dần xuất đầu lộ diện. Vỏ cả quả bưởi được Chúc Dung Dung vát đi một nửa, làm thành một chiếc mũ ngộ nghĩnh. Chúc Khang Khang đội lên, dương dương tự đắc, chạy vào đứng trước gương làm mặt xấu. Một lát sau, cậu chàng đã lại chạy ra hóng chị đòi ăn bưởi.
Chúc Dung Dung lột vỏ múi bưởi nhét vào cái miệng đang há ra của đứa em trai, nó ăn không ngon thì cô tự ăn, thấy vừa thơm vừa ngọt, nước cái đều tràn trề.
Mẹ cô từ trong bếp đi ra, chùi tay vào tạp dề, móc ra mấy tờ tiền màu hồng nói với chồng: “Anh ra chợ mua cho em một ít thịt quay, hai cân tai lợn, hai cân đuôi lợn, hai cân thịt bò, một con vịt muối... về nhé!”.
Chúc Dung Dung chẳng ngẩng đầu lên, chọc vào một câu: “Ăn hết nổi không nhỉ?”.
Chúc Khang Khang nói leo: “Con muốn ăn cánh ngỗng!”.
Bà mẹ bước tới cho hai đứa con mỗi đứa một cái cốc đầu: “Mẹ bảo con bóc mời Tôn tiên sinh ăn, thế nào mà toàn hai đứa tự ăn! Sao lại mất lịch sự đến thế, Tôn tiên sinh là khách quý mà! Tiếp đãi giúp mẹ!”. Rồi bà quay sang nói với chồng: “Mua thêm cánh ngỗng nhé!”. Nghĩ ngợi chốc lát, có vẻ không yên tâm, bà lại nói thêm: “Đừng có tham gần mà mua ở chợ nhé! Đồ ở chợ không ngon. Vào siêu thị mua, đến cửa hàng thịt quay số ba tính từ đầu dãy, nhớ nhé!”.
Ông Chúc ậm ừ đáp lời, cúi mình hỏi Nguyên Diệp: “Tôn tiên sinh muốn ăn gì, tôi sẽ đi mua về ngay!”.
Chúc Dung Dung nhìn qua khóe mắt, Nguyên Diệp ngồi thẳng đơ trên ghế, đến hai chân cũng không buồn vắt lên, tay cầm một tách trà bằng sứ trắng có quai, bên trong là món trà Đại bàng không biết đã bao nhiêu tuổi rồi, bề mặt nước trà lều phều một lớp bọt màu xám do quá hạn sử dụng.
Nguyên Diệp chỉ bưng tách, hoàn toàn không nhấp môi.
Chúc Dung Dung nói: “Anh ấy thích uống trà Long Tỉnh loại hái trước khi mưa ạ”.
Cô vừa nói xong thì Nguyên Diệp nhìn sang, bà Chúc cũng nhìn qua. Ông Chúc tán đồng rối rít, đi giày da vào, ngân nga một điệu nhạc bước ra cửa.
Ý đồ của mẹ cô lộ rõ ràng, Chúc Dung Dung lập tức bị triệu vào trong bếp cùng ra tay.
Nhà trước giờ chẳng mấy khi có khách là đàn ông, Chúc Khang Khang khoái chí ra sức thể hiện, lấy từng món đồ chơi để lần lượt trước mặt Nguyên Diệp. Nó bò bên chân Nguyên Diệp, lấy các khối hình bằng gỗ xếp chồng lên nhau thật cao, rồi một phát xô đổ xuống. Nó có vẻ hết sức thích thú với quá trình lặp lại này, không hề chán nản hay mệt mỏi.
“Chú!”, Chúc Khang Khang ngẩng cái đầu loăn xoăn tóc, đôi mắt to tròn, vầng trán đầy đặn, nhìn hết sức đáng yêu, trông rất giống chị, “Mẹ cháu nói, tất cả máu trong người Khang Khang đều là chú cho, phải không ạ?”.
Cái kiểu máu mủ sinh học này với trẻ con, chỉ cần quan tâm đến nó một lần là sẽ không chạy đâu thoát nổi. Nguyên Diệp dựa người trên sô pha, vờ như không nghe thấy.
Mắt Chúc Khang Khang đen láy nhìn chăm chăm vào anh, chờ đợi câu trả lời. Một lúc lâu sau, anh đành ậm ừ một tiếng qua quýt.
Chúc Khang Khang quả nhiên hỏi tiếp: “Thế chú làm thế nào để cho máu vào người cháu vậy, chú?”.
Nguyên Diệp chẳng có hơi đâu mà trả lời, chỉ nhìn đăm đăm vào ti vi.
“Chú, Khang Khang muốn ăn hạt thông.”
“……”
Trẻ con chưa biết nhìn sắc mặt đoán ý, Chúc Khang Khang bước tới trước, xòe bàn tay nhỏ mũm mĩm, giữa lòng bàn tay dấp dính mồ hôi và cáu bẩn quả nhiên có mấy hạt thông. Thằng bé thấy người khách cứ nhìn chăm chăm vào ti vi, bèn giẫm lên trên ghế, đứng chắn thẳng trước mắt Nguyên Diệp: “Chú, chú bóc hạt thông cho Khang Khang ăn nhé!”.
“Đi ra!”, Nguyên Diệp trừng mắt.
Đôi mắt to tròn của Chúc Khang Khang nhanh như cắt đong đầy nước, miệng xệch xuống, có thể thấy rõ là chuẩn bị gào lên.
Khi Chúc Dung Dung đi ra khỏi nhà bếp thì Nguyên Diệp đang ngồi bóc hạt thông.
Anh cẩn thận tách vỏ từng hạt một, nhét vào cái miệng nhỏ tham lam ở cạnh chân mình. Thằng bé nhai nhai một hồi, nuốt ực xuống rồi lại nói: “Chú ơi, nữa!”.
Nguyên Diệp bực bội chỉnh lại: “Gọi là anh”.
Chúc Dung Dung xách túi rác mở cửa đi ra ngoài vứt, trước khi bước ra, khẽ liếc mắt nhìn về phía anh, khi về cũng lại liếc anh lần nữa. Trong lòng cô kinh ngạc không bút nào tả xiết: Từ lúc nào anh biết thương yêu người khác như vậy?
Sự kiên nhẫn của Nguyên Diệp có hạn, bị đứa trẻ quấy rầy phát mệt, anh bèn đứng dậy nói với Chúc Dung Dung: “Phòng ngủ của cô ở đâu, tôi vào nghỉ một lát”.
Chúc Dung Dung chỉ tay: “Trong đó, phòng thứ ba”.
Chiếc giường nhỏ chỉ rộng 1.2 mét, anh vóc người cao lớn, nằm vào một cái đã choán hết diện tích, khiến mấy chân giường trĩu xuống kêu cót két.
Ga giường in hình công chúa Bạch Tuyết đã phai màu, không có nệm, phần lưng cộm hẳn lên. Chân anh quá dài, vượt ra một đoạn ngoài thành giường. Căn phòng bài trí đơn giản, trừ cây đàn dương cầm đã bị khóa kỹ thì chẳng còn thứ gì giá trị. Đối diện là cửa sổ, đèn đường rọi qua kính cửa soi vào phòng, khiến buổi chiều muộn tuyết rơi trở nên ấm áp. Nhưng, không gian lại chẳng hề yên tĩnh chút nào! Bên ngoài cửa thậm chí ồn ào không ngớt.
Giọng của người phụ nữ là to nhất, nghe đầy giận dữ vì Chúc Khang Khang lật đổ thùng rác khiến rác rưởi rơi vãi khắp nơi. Tiếng trẻ con khóc thét lên lanh lảnh, xen lẫn câu thú tội “con tè ra quần rồi”. Người phụ nữ lục tung hòm xiểng tìm quần, vừa mắng thằng bé té tát vừa hỏi đứa con gái lớn đã bóc xong tỏi chưa. Tiếng bước chân đi dép lê lệt sệt anh cơ bản đã quen, chắc chắn là Chúc Dung Dung. Cô vào nhà vệ sinh, một lát sau có tiếng xả nước vang lên, khi bước ra ngoài cô hét lớn: “Bóc xong rồi! Để trên mặt tủ đó mẹ!”. Sau khi có tiếng cửa đóng lại, lại đến tiếng người đàn ông trung niên lồng lộng: “Anh mua các thứ về rồi đây! Tất cả đều đủ hết, chỉ có món vịt muối không mua được, đã bán hết mất rồi, cho nên anh mua nộm sứa thay thế. Vợ à, anh thông minh đấy chứ nhỉ?”. Tuy nhiên vợ ông liền cho ngay một trận cằn nhằn trách móc: “Đã có đến mấy món nộm rồi! Xin anh chịu khó trước khi làm gì hãy nghĩ ngợi một tí!”.
……
Cứ thế ồn ào liên hồi kỳ trận, tai không lúc nào ngơi. Thế nhưng những âm thanh lộn xộn đó lạ thay không hề khiến anh khó chịu. Anh nhắm mắt lại, yên lặng lắng nghe, hóa ra những âm thanh chộn rộn đậm màu cuộc sống bình thường đó chính là “gia đình”.
Sau đó, anh thật sự ngủ thiếp đi.
Không biết do quá mệt mỏi hay là do cảm giác gia đình rất an tâm ấy mà Nguyên Diệp vốn trước giờ yêu cầu điều kiện ngủ nghỉ hết sức cao, lại cứ thế ngủ ngon lành suốt một tiếng đồng hồ. Cho đến khi anh tỉnh giấc ra ngoài phòng khách thì cả nhà đã bày biện trang hoàng vô cùng đầy đủ, thậm chí còn bật cả đèn màu, chắc chỉ còn thiếu mỗi chữ “hỷ” dán trên tường nữa thôi.
Bàn nước đã bị đẩy ra ngoài ban công. Chính giữa phòng khách, chiếc bàn tròn lớn đã lâu không sử dụng được bày ra, cẩn thận trải lên chiếc khăn phủ trắng tinh, mười mấy món ăn lần lượt được bày lên bàn. Vòng ngoài là các món ăn nguội, chính giữa bàn bày các món nóng, cơm rượu ê hề, món nào cũng có, bày kín hết mặt bàn.
Bia rượu, nước ngọt tập trung tại chính giữa bàn. Đậu phộng, thuốc lá thơm, kẹo lạc bày trên chiếc đĩa màu đỏ được tặng do mua tận sáu lít Coca Cola.
Có ba ly rượu chuyên dụng, dễ thấy là vừa mới rửa, vẫn còn chưa lau khô nước, số ly cốc còn lại đủ hình đủ dạng khác nhau cho vào cho đủ quân số. Những chiếc ghế xếp quanh bàn ăn chỉ bốn cái có tựa lưng, được bày tại vị trí trung tâm và hai bên, đối diện kê thêm một cái ghế nhựa màu.
Ở trong nhà mình cần gì quy tắc nọ kia cho mệt, hai chị em đều đói lắm rồi, bèn nhào tới nhón thịt ăn. Chúc Khang Khang đã nhanh nhẹn chộp được một miếng thịt bò nhét vào miệng, bị mẹ tóm tại trận. Bà Chúc quát lên một tiếng, thành thạo cởi nút tạp dề, sải bước chạy tới hằm hằm một đũa quất lên lưng bàn tay thằng bé: “Cái đồ chó con hư đốn này thật không biết lịch sự! Khách còn chưa ngồi vào! Đi, qua bên kia chơi!”. Chúc Khang Khang ngoác mồm ra khóc oa oa, bị ông Chúc vác vào trong phòng vệ sinh rửa tay.
Lúc đó Chúc Dung Dung cũng dùng tay bốc một miếng sườn xào chua ngọt, vẫn chưa kịp cho vào miệng. Bà mẹ trừng mắt nhìn, lúc lắc chiếc đũa trong tay đi về phía con gái. Biết rõ được kết cục đau thương sắp đến, Chúc Dung Dung nhanh trí nghĩ ra một kế: “Mẹ tôi làm món sườn xào chua ngọt thơm lắm, không tin anh nếm thử xem”. Lời đó là nói với Nguyên Diệp.
Nguyên Diệp có bệnh ưa sạch sẽ, làm sao dám ăn thức ăn cầm trong tay cô. Lúc đó, anh vốn đang lật xem những giải thưởng Chúc Dung Dung đạt được hồi bé, nghe thấy nói vậy bèn bước tới hỏi một câu vu vơ “thật à”, rồi hết sức tự nhiên nắm lấy bàn tay cô đưa miếng sườn vào miệng.
Cô thậm chí còn cảm nhận được đầu lưỡi anh, uốn cong, vừa mềm vừa ướt. Y như vừa bị bỏng, cô vội rụt tay lại, tai đỏ nhừ lên. Cô đã hiểu về anh ít nhiều, nhìn anh đầy vẻ đề phòng, không chắc chắn anh định giở trò gì.
Bà Chúc được ân nhân khen ngợi, lòng tự hào khôn xiết nên cũng chẳng có tâm trí đâu mà đi xét nét. Bát đũa đã bày biện tinh tươm, bà đẩy chiếc ghế trung tâm dành cho khách quý ra: “Mời! Tôn tiên sinh mời ngồi! Chắc chắn là Tôn tiên sinh đói rồi, thích thì ăn nhiều vào!”.
Sau đó, đĩa sườn xào chua ngọt được bà Chúc gạt quá nửa vào trong bát của Nguyên Diệp. Anh vốn không ưa những thức ăn ngọt, nhưng không chống đỡ nổi với sự nhiệt tình vô bờ bến của cả nhà, ăn một bữa tơi tả bụng dạ, tối tăm mặt mũi.
Mọi người đã vào chỗ đông đủ, ông Chúc thay mặt toàn thể già trẻ lớn bé trong nhà, nâng cốc trước là kính Nguyên Diệp, nói mấy lời cảm kích gọi là xuất phát tự đáy lòng, hai vợ chồng đều rưng rưng lệ.
Cả một cốc đầy rượu trắng được ông Chúc vô tư dốc thẳng vào miệng. Sau khi đặt cốc rượu xuống, ông lại giúp con trai rót một cốc nước quả rồi bảo nó nâng cốc lên quỳ xuống trước mặt Nguyên Diệp: “Tôn tiên sinh, sinh mệnh nhỏ này của Khang Khang là do anh cứu, tôi xin để tiểu tử này bái anh làm cha đỡ đầu, sau này nó sẽ là con trai của anh, đợi khi anh tuổi cao, nó sẽ chăm sóc anh báo đền!”.
Việc này đến vợ ông cũng chưa từng nhắc đến, hoàn toàn là nhất thời bốc đồng hứng chí. Bà Chúc cuống lên, can ngăn chồng, dùng mắt ra hiệu cho ông: “Ông ăn đĩa của ông, uống rượu của ông đi, lại đi nảy nòi ra cái ý gì vớ vẩn ngớ ngẩn đến thế hả?”.
Nhưng ông Chúc rượu đã lên đến đầu, gạt vợ ra, hét lên rồi uống: “Không có Tôn tiên sinh thì làm gì có Khang Khang của chúng ta nữa? Bà còn tiếc cái gì? Đi ra, đàn bà biết gì mà nói! Hôm nay việc này tôi quyết!”.
Bà Chúc bị cánh tay ông chồng ngăn cản, cáu kỉnh lượn một vòng, ghé sát tai ông: “Ông làm ơn mở mắt mà nhìn cho tôi được không? Tôi tiếc con tôi ấy hả? Ông không thấy Tôn tiên sinh đến đây vốn là để nhắm con gái nhà mình à? Ông tạo ra mối quan hệ cha con như vậy chẳng phải khiến anh ta và chúng nó thành cách nhau một thế hệ hay sao?”.
Thế nhưng bà Chúc vốn bẩm sinh đã có một giọng “oanh vàng”, nói là thì thầm bên tai ông chồng, nhưng tất cả những người ngồi đó đều nghe rõ từng lời một. Chúc Dung Dung ngượng ngùng vô cùng tận, vùi đầu vào gẩy đĩa cơm. Mắt cô liếc nhanh người ngồi bên, Nguyên Diệp đang gắp đồ ăn uống ngon lành, không phản ứng gì.
Ông Chúc vừa rồi do bận uống cốc rượu nên chưa tiện nói năng gì, lúc này trong tình trạng đầu óc hỗn loạn, nghe vợ nhắc nhở, liền như hiểu ra được điều gì, sắc mặt vỡ lẽ, ông há miệng hỏi: “Tôn tiên sinh, là anh muốn nhận Dung Dung làm con gái nuôi sao?”. Lời vừa ra khỏi miệng, đùi ông đã bị vợ véo cho một cái đau điếng khiến ông hú lên một tiếng thê lương.
Bà Chúc đành phải bồi rượu, cười phá lên “ha ha”: “Chồng tôi uống nhiều quá rồi, thật là làm trò cười mà!”.
Lúc này Nguyên Diệp đột nhiên đứng dậy, rót đầy cốc của mình, bước tới trước mặt ông bà Chúc. Mọi người đều bị hành động đột ngột này của anh thu hút, nhìn chằm chằm không rời mắt.
Nguyên Diệp cung kính nói với ông bà Chúc: “Cháu họ Nguyên, tên chỉ có một chữ Diệp. Cháu và Dung Dung ở bên nhau đã được bốn năm có lẻ, vẫn chưa xin phép cô chú, xin cô chú rộng lượng bỏ qua. Nguyên Diệp xin cạn ly trước để tỏ lòng tôn kính”.
Hai ông bà Chúc tròn mắt há miệng không nói nên lời, bàn tay Chúc Dung Dung đang lấy thịt giúp em trai bất thần run lên, miếng cánh ngỗng rơi tòm xuống bát canh làm canh bắn đầy mặt đứa em. Chúc Khang Khang vừa lau mặt vừa nhảy dựng lên hét: “Ai da! Chị chơi xấu! Đền cho em cái cánh ngỗng đi!”.
Nước bể bơi xanh lấp lánh, trong vắt nhìn xuống tận đáy. Một thân người mặt úp xuống, dập dềnh bất động trên mặt nước. Tóc người đó xoã ra xung quanh đầu, dập dờn theo nhịp sóng, ánh sáng tỏa ra từ đèn trên thành bể bơi vừa vặn phản chiếu lên cơ thể anh. Không biết anh còn sống hay đã chết. Đột nhiên, cơ thể đó dần dần chìm xuống, liền đó đến bóng cũng không còn thấy đâu, không biết bể bơi rốt cuộc sâu bao nhiêu, chỉ còn lưu lại một mặt nước vẫn còn đang gợn sóng. Vẫn còn đó giọng nói đầy ghê tởm: Thấy chết không cứu thì cũng chẳng khác gì kẻ sát nhân!
Như thể sét đánh ngang tai, Chúc Dung Dung choàng tỉnh giấc bật dậy, thở hồng hộc, toàn thân đẫm mồ hôi.
Cô lại nằm mơ, cơn ác mộng đó cứ lặp đi lặp lại, bốn năm nay hành hạ cô không biết bao nhiêu lần.
Cô bước xuống đi đến bên cửa sổ đứng một lát. Phong Nguyệt Trủng trong đêm tuyết đặc biệt yên tĩnh. “Nằm mơ à?”, anh thức dậy đi vệ sinh.
Lúc anh đi ngang qua Chúc Dung Dung, cô nhỏ giọng: “Cảm ơn anh”.
Nguyên Diệp đứng lại: “Gì?”.
“Hóa ra Khang Khang là do anh cứu”, mắt Chúc Dung Dung hơi hoe đỏ, “Sao anh không nói cho tôi biết?”.
Nguyên Diệp im lặng, thắt lại dây áo ngủ, tiếp tục bước về phía nhà vệ sinh: “Có gì mà phải nói chứ”.
Đã quá nửa đêm, Chúc Dung Dung mất ngủ, cô cứ nằm thẳng đơ trên giường chẳng buồn động đậy. Vốn tưởng Nguyên Diệp đã ngủ rồi, thì anh quay người lại hỏi một câu hết sức bất ngờ: “Họp hội học sinh trường hôm nay, sao cô không đi?”.
Chúc Dung Dung thầm giật mình, hỏi: “Sao anh biết?”.
Nguyên Diệp đáp: “Lúc chiều đi qua nhà hàng Hòa Bình, nhìn thấy băng rôn”.
“Ồ.”
“Trả lời đi!”
“Quên mất.”
Im lặng trở lại! Bốn bề tối om, đèn ngủ gắn trên tường cũng không bật, hai người có thể nghe thấy cả tiếng thở của nhau. Lúc cô tưởng anh đã ngủ rồi, thì anh lại lên tiếng: “Ngày kia có một vụ làm ăn, cô cùng đi với tôi. Vé máy bay đã đặt xong rồi, đến lúc đó lão Phó sẽ đến đón cô”.
Chúc Dung Dung hỏi: “Đi đâu?”.
“Bắc Kinh.”