Những tin tức sai lệch cung cấp cho Paris vừa là do không nắm vững [tình hình], cũng vừa muốn khoe khoang chiến công: tìm đâu cho ra 1.100 khẩu pháo còn sử dụng được trong khi lực lượng Việt Nam chỉ có vỏn vẹn khoảng 20 khẩu pháo, cộng thêm hai khẩu súng máy. Không những [để kể công] De Courcy đếm luôn [vào số chiến lợi phẩm] tất cả những thứ na ná như là những khẩu pháo, từ những khẩu ra đời từ thế kỷ XVIII cho đến những khẩu pháo xưa cổ bằng gang hay bằng đồng đã hết sử dụng, dùng để trang trí trên tường thành, mà ông tướng nhà ta còn tính thêm lên khoảng 30%156. Lực lượng tấn công của phía Việt Nam không phải là ba vạn mà chỉ hơn khoảng một vạn lính: sự thổi phồng như vậy nhằm làm nổi bật công trạng của 300 lính Pháp với một người chỉ huy tài ba can đảm khi phải đối mặt với một đối phương đông đảo có quân số đông gấp cả trăm lần. Mặt khác, tin đồn về khả năng một cuộc phản công của quân Việt hoàn toàn không có cơ sở: quân Việt Nam, phần thì bỏ chạy phần thì tự tan rã, không sao có khả năng tập hợp lại để một lần nữa, tấn công Tòa Khâm sứ của phái bộ Pháp. Nhưng cho đến tận ngày hôm sau, De Courcy vẫn còn lo lắng một cuộc phản công như vậy nhắm vào phái bộ. Cuối cùng, lúc bức điện vừa nêu được gửi đi, kinh thành vẫn chưa hoàn toàn rơi vào tay quân Pháp. Thực tế là thành Huế, cũng như những vùng lân cận, nhiều ngày sau đó vẫn ở trong tình trạng hoàn toàn vô chính phủ. Duy chỉ có Hoàng cung và Tử Cấm Thành là hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của tiểu đoàn 3 lính Bắc Phi. Vùng kinh thành nói chung và Hoàng thành nói riêng vẫn để mặc cho đám cướp phá hôi của, có thể là lính Pháp, mà cũng có thể là lính Việt Nam bỏ ngũ, những đám ăn theo bám theo quân chiến thắng, hay chính dân cư nghèo đói hay những người dân bình thường vùng Kinh thành. Ở nhiều khu phố của kinh thành vẫn còn những đám cháy nơi các phủ đường hay dinh cơ vì không có phương tiện gì để dập tắt. Có rất nhiều lời chứng về mức độ thiệt hại, về tình trạng cướp bóc ở khắp nơi, khắp chốn: trách nhiệm của ai thì có rất nhiều ý kiến khác nhau.
156 Tổng số khẩu pháo thu được là khoảng 800 (Adolphe Delvaux, “La prise de Huê par les Français 5 juillet 1885”, BAVH, 1920-II, p. 291); James Scott thì ước tính khoảng gần một trăm khẩu pháo đã lâu đời, “những khẩu pháo gần như là đồ cổ” [“guns more or less antiquarian” sic], cho toàn bộ hỏa lực của sáu công sự của Thành Nội Huế (James Scott, France and Tonking. A narrative of the campaign of 1884 and the occupation of Further India, Londres, 1885, p. 299).
Một lần di chuyển các khẩu Thần Công [dưới thời Pháp thuộc], ảnh chụp được Thượng thư Bộ Công cung cấp157
157 DG: BAVH số 4/1917.
Tướng De Courcy hoàn toàn không còn kiểm soát được tình hình và rồi các bức điện ông gửi về Paris, cố ý hay vô tình, đều vẫn sai lệch. Hôm sau, ngày 6, ông cho đánh đi bức điện như sau:
“Tình hình yên ổn. Lực lượng Việt Nam đã hoàn toàn rút chạy. Cung điện của vua không bị cháy và được quân lính [Pháp] giữ gìn tôn trọng. Cung điện lưu trữ rất nhiều tác phẩm có giá trị lớn về nghệ thuật. Ta đã nắm được trong tay Phụ chánh Tường. Thương vong phía chúng ta là 10 người chết và 62 người bị thương, trong đó có 20 trường hợp bị thương nặng. Tôi đã gửi một bản bố cáo cho nhân dân An Nam có chữ ký của tôi với chữ ký của ông Tường, lên án hành động quân sự kinh tởm của ông Thuyết và mời gọi, với tất cả lòng kính trọng, việc hồi loan của vua và Hoàng Thái hậu.”158
158 Archives Affaires étrangères MD. Asie. 47, f°38.
Thực tế là tình hình vẫn chưa ổn định, nhiều nhân chứng cho biết vẫn còn các đám cháy và nạn cướp bóc. Và câu “ta đã nắm được trong tay Phụ chánh Tường” không mô tả đúng sự thể sự việc, viết như vậy như thể là người Pháp đã bắt giữ được Nguyễn Văn Tường. Trong khi câu chuyện lại hoàn toàn khác. Ngày 5 tháng 7, quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường đến nơi trú ngụ của Giám mục Caspar tại tu viện Kim Long, gần Kinh thành: quan Tường mệt mỏi, đã không ăn gì từ đêm hôm trước. Ông được mời bữa ăn nhẹ và đàm luận rất lâu với Giám mục: vị này thuyết phục quan Phụ chánh trở về nhận lại vị trí đứng đầu nội các của triều đình nhà Nguyễn và hợp tác với Pháp. Quan Phụ chánh đề nghị Giám mục đưa đi gặp tướng De Courcy để có thể đàm phán. Khi quan Phụ chánh xuất hiện, De Courcy rất bất ngờ, chẳng biết phải làm gì, liền cho tạm giữ lại ở một trong các tòa nhà của Thương Bạc, dưới sự giám sát của đại úy Schmitz cùng một nhóm lính Pháp. Như thế rõ ràng quan Phụ chánh Tường tự mình đến trình diện ở sở chỉ huy của lực lượng Pháp.
Ba ngày sau biến cố, ngày 7 tháng 7, De Courcy lại gửi tiếp một bức điện khác cho Paris:
“Chúng ta đã là người chủ tuyệt đối tại đây. Quân đối phương đã tan rã. Vài đám cháy riêng lẻ ở khu vực phái bộ và một số nơi trong Thành Nội. Hoàng cung vẫn được nguyên vẹn nhờ vào tính kỷ luật của tiểu đoàn Bắc Phi đã chiếm đóng và bảo vệ. Hoàng cung cất giữ rất nhiều tài sản lớn: năm triệu nén bạc, con số này còn sẽ tăng lên rất nhiều nếu tôi tìm thấy thêm các nén vàng. Về [đồ vật có] giá trị nghệ thuật thì vô số vô giá. Tôi vẫn chờ các chỉ thị.”159
159 Archives Affaires étrangères MD. Asie. 47, f°48.
Vào ngày 7, tướng Pháp như thể đã nhìn nhận, ngoại trừ khu vực hoàng cung, tình hình bên ngoài vẫn chưa trở lại bình thường vì lẽ vẫn còn các đám cháy bùng lên trong kinh thành và vùng lân cận. Thực tế là, trong hai ba ngày đầu sau biến cố, phía chỉ huy Pháp đã không quan tâm đến lời đề nghị của Nguyễn Văn Tường, và đã không có người làm trung gian để tiếp xúc dân chúng kinh thành: do không còn chính quyền và lực lượng duy trì an ninh trật tự, kinh thành Huế với các vùng lân cận đã rơi vào tình trạng hỗn độn vô chính phủ. Trong số các đám cháy có hậu quả nghiêm trọng, người ta lấy làm tiếc khi kể đến các vụ cháy thiêu rụi một phần hay toàn bộ văn khố của nhiều bộ, hay những bộ sách thuộc thư viện hoàng gia: riêng bộ phận chuyên lưu trữ bản thảo văn thư viết tay đã thoát được nạn hỏa là do nhờ được đặt ở một tòa nhà riêng biệt ngay giữa một hồ nhân tạo160.
160 DG: Tác giả có lẽ muốn nói đến “Tàng Thư lâu” triều Nguyễn đối diện hồ Tịnh Tâm, nay vừa được hồi sinh vào ngày 15/3/2021: Khai trương không gian Tàng Thư Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn - thuathienhue.gov.vn/vi-vn.