“Kho báu ngươi ở đâu, linh hồn ngươi ở đó”569
Trong câu chuyện “kinh đô thất thủ”, có một chứng nhân “thiên mệnh” xuyên suốt dòng sự kiện, chúng ta rất mong được lắng nghe về những gì đã thực sự xảy ra từ khi buộc phải rời hoàng cung (ngày 5 tháng 7 năm 1885) cho đến khi buộc phải rời quê hương (ngày 13 tháng 12 năm 1888). Chẳng hạn như về chuyện “Dụ hay Chiếu Cần Vương570”, là do ai chủ động đề ra và thảo ra vào thời điểm hay tại cứ điểm nào… Thế nhưng thật đáng tiếc, đã không mấy khi chính thức lên tiếng: vua Hàm Nghi571! Ngày nay, công trình nghiên cứu của Amandine Dabat giúp soi sáng thêm về dòng đời xô đẩy lạ thường của vị vua đầu tiên của triều Nguyễn bị Pháp bắt đi đày. Một trong những lý do của sự im lặng của cựu hoàng ở chốn lưu đày, theo như lời dẫn của Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, có lẽ khởi đầu không do từ chủ ý của nhà vua:
569 “Là où est ton trésor, là aussi sera ton coeur” (Tân Ước, Matthieu 6:21)
570 Trần Viết Ngạc, “Không có CHIẾU CẦN VƯƠNG nào cả!”, (khoavanhoc-ngon- ngu.edu.vn)
571 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger”, Sorbonne Université Presse, Paris 2019 (485 pages).
“Câu chuyện cuộc đời của hoàng đế Hàm Nghi rất hấp dẫn cuốn hút. Hoàng đế An Nam bị đày đến Algérie thuộc Pháp dưới nền Đệ Tam Cộng hòa. Ngài bị kìm hãm giữa hai nước thuộc địa nằm trong Đế chế Pháp. Các khía cạnh chính trị trong thời gian hoàng đế bị lưu đày nằm trong sự chi phối [của ba cực:] ở chính quốc, với Bộ Thuộc địa; ở Đông Dương, với Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ tại Trung Kỳ; và ở Algérie thuộc Pháp với Toàn quyền tại Algérie. Nghiên cứu mặt chính trị của tình thế thuộc địa như vậy chỉ rõ ra những trò chơi quyền lực, những tác động ảnh hưởng, những mối bất đồng xuất hiện đây đó trong các bộ phận khác nhau của Chính phủ Pháp […] Chính phủ Pháp đã có sự giám sát chặt chẽ đối với Hàm Nghi: [cựu hoàng] đi đâu cũng có người đi kèm và phải xin phép để được đi ra khỏi thành phố Alger. Người ta cho theo dõi thư tín [của cựu hoàng] trao đổi với các nơi ở Algérie hay nước Pháp, và cấm hoàn toàn thư từ liên lạc với khu vực Đông Dương: mục tiêu là ngăn cựu hoàng thiết lập liên lạc với quê hương mình.”572
572 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 18)
Hay, theo một cách nào đó, phải tin vào chính lời cựu hoàng, về phần mình, sẽ bộc bạch về sau với con gái, là công chúa Như May (1905-1999), trong một bức thư, cha gửi cho con gái đầu lòng, vào tháng 5 năm 1927: “Một bậc hiền nhân An Nam xưa kia đã nói: “Khi không có được hạnh phúc thì chẳng thể nào có Chuyện có Sử để mà kể lại””573?
573 “Un sage annamite d’autrefois a dit: “Quand on n’est pas heureux, on n’a pas d’Histoire à raconter””, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 394)
Một vị quân vương không kìm nén được cảm xúc?
Sự giám sát “chính trị” như vậy bộc lộ rõ qua thư từ, văn thư qua lại giữa giới chức cầm quyền Pháp574, thậm chí là đề phòng cả việc vua Hàm Nghi trốn về lại quê hương575: chẳng hạn chuyện đề cử một người “thông dịch”576 khác là một tình huống có tính toán… Xét riêng mặt thuần tuý vật chất, người Pháp đã đối xử chu đáo với “Hoàng thân Ưng Lịch” (hay “Hoàng thân An Nam”577): số tiền chu cấp hàng tháng, hàng năm578 cho cựu hoàng vượt rất xa lương của một giảng viên đại học thâm niên của Pháp579 cùng thời gian đó. Nhưng vật chất đầy đủ không làm vơi đi nỗi bi ai bi thương của kẻ lưu đày…
574 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger”: “en mars 1891, Etienne [sous-secrétaire d’Etat aux Colonies], dans une lettre à Louis Tirman [gouverneur général en Algérie] avait manifesté la crainte que Hàm Nghi n’établisse des contacts avec l’Indochine. Selon lui, les agissements du parti de la résistance en Annam et Tonkin au nom de Hàm Nghi rendaient indispensable une surveillance plus étroite autour du prisonnier” (p. 81)
575 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 89-91)
576 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 90-93)
577 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 63): sau khi “vua Hàm Nghi” bị bắt giữ và mất ngôi vị, Tổng trú sứ Rheinart quy định gọi cựu hoàng là “prince Ưng Lịch”, “Hoàng thân Ưng Lịch”; chính quyền Pháp sau đó sẽ gọi cựu hoàng là “Hoàng thân Ưng Lịch” hay “Hoàng thân An Nam”. Thông hành Pháp cấp cho cựu hoàng ghi là “Prince d’Annam”, về sau có thể đọc lai lịch tước vị “đầy đủ hơn” trên phiếu đăng ký kết hôn của vua Hàm Nghi vào tháng 11 năm 1904 tại Tòa Thị chính Alger: “Prince Ưng Lịch, dit Mé Dat, ancien roi d’Annam, ayant porté le nom de règne de Hàm Nghi dit Prince d’Annam”…
578 “Ngày 1 tháng 9 năm 1904, chu cấp hàng năm, dành cho Hàm Nghi, từ 30.000 quan Pháp từ năm 1899, được nâng lên 80.000 quan mỗi năm, chiếu theo một nghị định của toàn quyền Đông Dương [Paul Beau]” (Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Em- pereur en exil, artiste à Alger”, p. 339). Hoàng thân kết hôn với cô Marcelle Laloë cuối năm 1904.
Chú ý, vào khoảng 1900, một quan Pháp tương đương với 2,37 euro (theo thời giá năm 2006, xem De la valeur des choses dans le temps - www.histoire-genealogie.com)
579 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 60-62): xem các bản so sánh đối chiếu về thu nhập!
Vua Hàm Nghi nhiều lần tỏ ra “cương nghị” khi đối diện với kẻ xâm lược, F. Thierry viết về thời điểm vua bị bắt (người dịch chủ ý tô đậm một số câu chữ):
“Ngày 1 tháng 11, một đoàn quân do đại úy Boulangier chỉ huy tiến về vùng thung lũng hẹp của thác nước Tá Bào nơi vua Hàm Nghi ẩn náu. Tiền quân gồm Trương Quang Ngọc và Nguyễn Định Thình với một toán nhỏ người Mường. Đến nơi, không hề có người canh gác, tiến đến gần con suối trước nơi vua ở, nơi đây chỉ là một cái chòi đơn sơ có khung gỗ, có vách tre đan và lợp bằng lá cọ. […] Nghe tiếng đánh nhau, Tôn Thất Thiệp xuất hiện, tay cầm kiếm, bị đâm một mũi lao. Tiến vào bên trong chòi, hoàng đế đang có mặt, ngài bật ngồi dậy trên chiếc giường tre, vật dụng duy nhất của nơi trú thân tồi tàn. Đức vua nắm kiếm, nhận ra là mình đã bị phản bội, ngài đưa kiếm cho Ngọc và nói: “Giết ta đi chứ đừng giao nộp ta cho quân Pháp!”. Đức vua bị một trong số người Mường theo phục vụ tước kiếm và giữ chặt […] Vua Hàm Nghi liền được đưa về Huế.”580
580 François Thierry, “Le trésor de Huê …” (p. 138-139)
Thái độ của nhà vua khi bị giải về Huế và chuẩn bị lên đường đi đày:
“Phóng viên đặc biệt của tờ Le Temps đã gửi về ban biên tập tòa báo một bài viết như sau, ghi ngày 1 tháng 12 năm 1888, kể lại câu chuyện: “[Vua] Hàm Nghi về đến Thuận Bài (cửa [Tam] Giang) tại Thuận An, đi kèm có cả một đoàn quân hộ vệ đông đúc do một sĩ quan hiến binh chỉ huy. Tổng trú sứ Rheinart từ Huế ra đón. Cuộc tiếp kiến diễn ra ngắn ngủi, vị quân vương hoàn toàn dửng dưng với số phận dành cho mình. Khi người ta hỏi ngài có muốn nhắn tin cho anh em hay ai đó trong hoàng tộc, ngài nói là chẳng quen biết ai ở kinh thành.””581
581 François Thierry, “Le trésor de Huê …” (p. 139)
Thế nhưng vị quân vương không hẳn là một con người “cứng cỏi cương quyết” để đối mặt với những biến cố hết sức nghiêm trọng. Trở lại với thời điểm khi vua chuẩn bị rời kinh thành, F. Thierry viết:
“Và rồi, vào thời khắc trời tờ mờ sáng, lúc đức vua đang được dâng hầu bữa điểm tâm thì đột ngột được báo tin quân Pháp đã đánh tràn vào Thành Nội, đang tiến gần đến hoàng cung! […] Đã 5 giờ sáng, Phụ chánh Nguyễn Văn Tường phải có ngay những biện pháp khẩn cấp để đảm bảo một nơi an toàn cho vua: ông cho gọi ngay phu kiệu, quạt hầu, lọng vàng để lên đường ngay tức khắc. Tôn Thất Thuyết từ phía các tường thành thất thần chạy về để hộ tống đoàn ngự giá đi ra theo cửa Quảng Đức, hướng tây-nam của Kinh thành rồi nhắm hướng bến đò. […] Vì muốn rời khỏi kiệu, vị vua trẻ bị lún chân vào bùn nhão ở bờ sông. Thật là điềm xấu. Nhà vua bật khóc. Không sao tìm được một chiếc đò [để qua sông].”582
582 François Thierry, “Le trésor de Huê …” (p. 101-102)
Đọc những dòng trên đây của F. Thierry, người đọc hẳn sẽ rất phân vân: từ đâu xuất hiện hình ảnh một vị quân vương “đa cảm dễ xúc động” như vậy… Ngày nay, với công trình của A. Dabat, chúng ta có những góc nhìn bổ sung về vua Hàm Nghi những ngày cuối cùng ở kinh thành Huế và tại Sài Gòn, trước khi bị đưa lên con tàu Biên Hòa để sang Algérie. Theo lời những nhân chứng tiếp xúc với ngài hay theo chân ngài đến nơi lưu đày, ở cùng với ngài trong nhiều năm lưu đày, nhà vua đã nhiều lần (bật) “khóc”. Thư của Toàn quyền Đông Dương Richaud gửi cho Jules Kranzt, Bộ trưởng Hải quân và Thuộc Địa (từ Sài Gòn, đề ngày 1 tháng 12 năm 1888):
“Thái độ [vua Hàm Nghi] là hết sức đàng hoàng đúng mực: nhà vua […] đã khóc và nhắc lại nhà vua chỉ là một đứa trẻ (“un enfant” sic), đã van xin khỏi bị lưu đày. Quả thật, chuyện đi đày làm nhà vua rất hoảng sợ. Hàm Nghi, như chính nhà vua đã nói, chỉ là một đứa trẻ: sinh ra vào năm [18]70. […] Nhưng nhà vua đã là một ngọn cờ [kháng chiến] và việc giam giữ ngài tại Algérie đã được Đức vua [Đồng Khánh] cũng như Viện Cơ mật xem như là một biện pháp để bảo vệ những quyền lợi của triều đình Huế cũng như của phía Pháp.”583
583 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 42)
Người thông dịch theo chân vua sang Algérie, trong báo cáo gửi cho phía Pháp, đã viết như sau, về ngày 13 tháng 12 năm 1888, khi phía Pháp thông báo cho hoàng thân, rằng ngài sẽ lên tàu ngay tối hôm đó:
“Hoàng thân lắng nghe lời thông báo với một sự hờ hững thật đáng chú ý […]. Nhưng sau khi [phía Pháp] đã thông báo xong, Hoàng thân trông có vẻ ngẫm ngợi, và rồi mặc dù ngài gắng sức che giấu đi, vài giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhợt nhạt của người. […] Hoàng thân bước đi bên cạnh vị đại úy [Basire], chúng tôi theo sau và trong chốc lát chúng tôi đã ở chân cầu thang gần cửa ra vào của trại lính, nơi xe đang chờ chúng tôi: Hoàng thân bước lên ngồi bên phải đại úy Basire, một viên thiếu úy trang bị vũ khí đầy người và người phiên dịch đang ở phía đối diện […] [Đến cảng] đại úy Basire là người đầu tiên đặt chân lên chiếc xuồng máy [sẽ chở Hoàng thân ra tàu Biên Hòa đang neo đậu], ông đưa tay giúp Hoàng thân bước sang xuồng. Nhưng khi bước đi trên cầu tàu, bước chân của Hoàng thân sải chậm đến nỗi người ta có cảm giác như chân của ngài chẳng còn tuân theo ý ngài. [Ngài] như quay mặt đi không nhìn về phía đám đông như thể ngài không muốn nhìn cảnh đồng bào của mình đang trong niềm thương mến xúc động […] Hoàng thân không sao kìm nén được những dòng nước mắt lăn dài trên gò má nhợt nhạt.”584
584 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 43-44)
Vẫn theo lời kể của người thông dịch, “về đến phòng dành riêng cho ngài trên tàu, hoàng thân lại khóc nức nở sướt mướt”… Những hình ảnh này cũng không mấy khó hiểu: nhà vua (bị đưa) lên ngôi lúc còn là một đứa trẻ 13 tuổi sống với mẹ. Kinh đô thất thủ thì mới 15 tuổi… Ngoài ra, qua thư từ công văn, chúng ta cũng hiểu rõ hơn một số ý đồ của người Pháp khi đưa vua Hàm Nghi sang Algérie, với những quan điểm khác nhau về “con bài Hàm Nghi”, từ Toàn quyền Richaud tại Đông Dương đến Tổng trú sứ Rheinart tại Huế, từ Toàn quyền Tirman tại Alger đến Krantz, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa585. Trong các công văn trao đổi giữa các quan chức Pháp, có thể thấy nhiều người có cảm tình với “hoàng thân Ưng Lịch”586, rất nhiều lần người đọc sẽ bắt gặp những câu chữ như “le Prince est un enfant (“Hoàng thân là một đứa trẻ”), l’enfant exilé (“đứa trẻ bị lưu đày”), jeune enfant587 (“đứa trẻ nhỏ tuổi”), le jeune roi588 (“vị vua trẻ tuổi”), enfantillages (“trò trẻ con”), le petit prisonnier (“người tù bé nhỏ”)589”. Và rồi họ quan niệm “ngọn cờ Hàm Nghi” bị lợi dụng để dấy lên phong trào Cần Vương chống Pháp: nghĩa là nhà vua không có trách nhiệm về vụ binh biến ở kinh thành Huế. Thư của Toàn quyền Richaud gửi cho Jules Kranzt, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, đề ngày 12 tháng 12 năm 1888, ngay trước lúc vua Hàm Nghi lên đường sang Algérie, có đoạn như sau:
585 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 48-51)
586 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 63-65)
587 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 74)
588 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 80)
589 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 83)
“Thưa ngài Bộ trưởng, tôi đặc biệt muốn ngài lưu ý về tình trạng hiện nay của Hàm Nghi: hoàng thân chỉ là một đứa trẻ và không có kinh nghiệm nào về cuộc sống; sự tình cờ ngẫu nhiên của cuộc chiến đã biến hoàng thân thành kẻ thù, trước đây, của chúng ta, và hôm nay đây là tù nhân chúng ta bắt giữ. Hoàng thân có quan hệ trực tiếp với ngôi báu, vì lẽ nếu mai đây vua Đồng Khánh không còn, thì hoàng thân có thể được xem xét kế vị. Từ đây đến thời điểm đó, nếu hoàng thân được hướng dẫn tốt, sẽ là một công cụ quý báu trong tay chúng ta.
Vì lợi ích của chính sách thuộc địa của nước Pháp, tốt hơn cả là thời gian lưu trú tại Algérie của hoàng thân sẽ có ích cho hoàng thân. Rằng hoàng thân sẽ từ đó trở về [quê hương] với một ý nghĩ đúng đắn về nền văn minh của chúng ta và rồi sẽ thực sự gắn bó với nước Pháp. Tôi nghĩ là một kết quả như vậy có thể dễ dàng có được nếu gắng sức với những phương pháp tốt. Hoàng thân dễ gây thiện cảm và thông minh, ngài sẽ nhanh chóng nhận ra sự vượt trội của các định chế nước Pháp.”590
590 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 47-48)
Năm đầu tiên bị lưu đày hết sức khó khăn đối với hoàng thân Ưng Lịch, vị bác sĩ theo dõi sức khoẻ cho ngài đã phát hiện “tình trạng trầm cảm” (état dépressif):
“Ban ngày, Hàm Nghi tỏ vẻ vui tươi, nhanh nhẹn; nhưng (theo những người xung quanh nhận xét), một cách đều đặn, từ sáu giờ tối cho đến sáu giờ sáng hôm sau, những ý tưởng buồn bã áp đảo [đầu óc hoàng thân]; người ta đã bắt gặp hoàng thân khóc lóc, và đêm nào cũng vậy. Trạng thái như thế tương tự như ở những người bị chứng trầm cảm u sầu […] cần phải quan tâm đến trạng thái tinh thần của hoàng thân. Bị hoàn toàn lạc lõng, xa quê hương, quá đau đớn vì thân phận đoạ đày: tất cả làm cho hoàng thân không ngừng bị vây bủa trong nỗi buồn chán tột cùng.”591
591 Báo cáo y khoa (duy nhất được toàn quyền Algérie lưu trữ) của bác sĩ Grellet về hoàng thân Hàm Nghi, gửi cho đại úy Vialar, vào ngày 11 tháng 2 năm 1889. Cf. Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 103-104)
Một vị hoàng thân nghệ sĩ đi vào thế giới thượng lưu tại thuộc địa
Lối thoát tâm lý nào đây cho con người vong quốc và lưu đày? Theo một mẩu tin ngắn trên tờ Le Magasin pittoresque, “Hàm Nghi có thể đã từ chối một món quà là chiếc đồng hồ do Toàn quyền Louis Tirman trao tặng, với lý do là “Tôi muốn quên đi ý niệm về thời gian sau khi đã bị mất tự do”592... Sau hơn một năm bị lưu đày ở đất Bắc Phi, vị quân vương An Nam đã là một con người khác về mặt sinh hoạt giao tiếp và tinh thần, ngày thường: học tiếng Pháp và chữ “quốc ngữ”, song song với việc duy trì đọc sách chữ Hán, đi vào con đường nghệ thuật qua nhiều thể loại, âm nhạc, nhiếp ảnh và hội hoạ593, chơi thể thao như là quần vợt, đấu kiếm, hay săn bắn594…
592 “Je veux perdre la mesure du temps ayant perdu la liberté” in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 105)
593 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 98-104)
594 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 141-143)
Trong công trình nghiên cứu, A. Dabat đã nêu lên một loạt câu hỏi chưa từng được đề cập: Hoàng thân Ưng Lịch có lúc nào đó muốn trở về với ngôi vua An Nam hay tìm lại vai trò chính trị hay không? Những người Việt Nam hoàng thân đã tiếp xúc tại Alger có trao đổi hay ảnh hưởng qua lại với hoàng thân hay không? Những trường hợp như Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Cầm, Trần Văn Thông hay Thân Trọng Huề595, về sau sẽ có một số hoạt động chính trị tại Đông Dương, có là những con người chịu ảnh hưởng qua lại về chính trị hay tinh thần khi tiếp xúc với hoàng thân tại Alger?
595 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 226-242)
A.Dabat đã cố lý giải, diễn giải thông qua việc giải mã những thư từ trao đổi của hoàng thân với tất cả các phía… Một việc không mấy dễ dàng vì thư từ không còn đầy đủ hay chỉ là những bản nháp không rõ ràng! Thông qua phân tích thư từ của hoàng thân, A.Dabat đã đi đến kết luận:
“Mạng lưới quan hệ được hoàng thân mở rộng ra theo năm tháng, từ 1895 đến 1905, và mang lại những kết quả liên quan đến điều kiện sinh sống nơi lưu đày. Tuy nhiên hoàng thân không có những ý đồ chính trị ở vùng Đông Dương, dù hoàng thân đã có thể kết nối liên lạc với những cựu học sinh [người Việt Nam] đang theo học trường phổ thông trung học tại Alger, về sau trở thành bạn thân của hoàng thân.
[…] Cùng thời kỳ này, hoàng thân cũng kết nối được những mối liên hệ cụ thể đầu tiên với vùng Đông Dương, thông qua trung gian của những người bạn, là sĩ quan hay nhà truyền giáo [người Pháp] đi lại nhiều trong Đế chế [thuộc địa] Pháp, ngoài ra còn phải kể đến những người Pháp hay người Việt Nam đã [làm địa chỉ trung gian] nhận giúp cho hoàng thân thư từ thư tín đến từ Đông Dương. Sự tiếp xúc tái lập liên lạc như vậy, dù bị Chính phủ Pháp cấm đoán và theo dõi, dẫn chúng ta đến câu hỏi về bản chất của những mối liên hệ liên lạc của hoàng thân với quê hương trong thời gian đó. Những mối liên lạc này hình như chỉ có tính chất thiên về văn hóa [như trao đổi về quà cáp, sách báo596], quan hệ thân hữu hay thăm hỏi chuyện gia đình597. Những thân hữu liên lạc có cung cấp cho hoàng thân những tin tức chính trị liên quan đến Đông Dương, thì hoàng thân tự thân cũng không bày tỏ yêu cầu hay đưa ra những nhận xét liên quan. [Cựu hoàng] Hàm Nghi hẳn ý thức được rằng những điều kiện đi đày thoải mái dành cho bản thân không những xuất phát từ những hỗ trợ về mặt chính trị của bạn bè thân hữu phía Pháp, mà nhất là còn do thái độ hành vi nghiêm túc của hoàng thân ở tư cách một người bị án biệt xứ. […]
596 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 227, p. 242)
597 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger”: hoàng thân bày tỏ ý định nhận nuôi con cháu, đưa từ Việt Nam sang Alger (p. 234-236)
Chuyện chính trị hoàn toàn vắng mặt trong quãng thời gian này của hoàng thân.[…] Hoàng thân không quan tâm đến những gì diễn ra bên ngoài [sinh hoạt thường nhật]: hoàng thân sống ẩn dật và thu mình vào cái tiểu vũ trụ gồm những thân hữu thân thích và sinh hoạt sáng tác nghệ thuật.” 598
598 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 242); “Le prince ne commente jamais la politique dans ses lettres: non seulement il n’en connaît probablement pas toutes les subtilités, il ne maîtrise pas assez le français pour en parler, mais cela ne l’intéresse pas. Il vit retiré du monde. Il semble ainsi qu’il n’ait pas choisi ses relations politiques en fonction de leurs opinons, mais de ce qu’elles pouvaient lui apporter concernant ses conditions d’exil.” (idem, p. 223)
“Đức vua An Nam” ngay từ đầu, khi bị599 đặt lên ngôi báu đã không hề có sự “tự do” lựa chọn, và rồi bị buộc rời kinh thành trong lúc giao tranh nổ ra, bị vào thế bôn ba kháng chiến, bị bắt giữ, bị giải về kinh thành để rồi bị đi đày. Có lẽ ngài đã phải sống cái tâm thức ray rứt của một con người mất tự do… Phải chăng giờ đây, ở chốn Bắc Phi xa xăm, không hẹn ngày về lại quê hương, học hỏi ngôn ngữ và các môn khoa học, đi vào âm nhạc và nghệ thuật tạo hình, hay là chơi thể thao, đã là những lối thoát tinh thần, như là một lựa chọn dễ chịu, dễ chấp nhận nhất ở chốn lưu đày, có thể giúp ngài tìm lại phần nào cái khát vọng tự do không thể nào nguôi ngoai. Cuối cùng, chốn lưu đày buộc dẫn đến một sự lựa chọn: con đường giải thoát bằng nghệ thuật. Và, dường như, nghệ thuật, với hoàng thân, là chốn lưu đày cuối cùng…Vị quân vương trở thành người nghệ sĩ sáng tạo vì chính mình, vì sự giải thoát chính mình? Nghệ thuật đối với hoàng thân An Nam đã trở thành một dạng liệu pháp thông qua nghệ thuật (art-thérapie)600? Và rồi chính lựa chọn này đã đưa đẩy hoàng thân An Nam, vào năm 1899, đến thụ giáo với nhà điêu khắc lừng danh đương thời, tác giả bức tượng nổi tiếng “Le Penseur” (“Con người trầm tư”): Auguste Rodin (1840-1917).
599 “Ưng Lịch từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ ruột chứ không được nuôi dạy tử tế như hai người anh ruột ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, cậu bé Ưng Lịch hoảng sợ và không dám nhận áo mũ người ta dâng lên. Sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân, tức ngày 2 tháng 8 năm 1884, Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Khi đó Ưng Lịch mới 13 tuổi.” (trích Wikipedia, ngày 6/6/2021)
600 “La peinture semble avoir pour lui une fonction cathartique, et lui permet sans doute d’exprimer sa souffrance” in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 186)
“Trong một bài báo đăng ở tờ Gil Blas [1879-1940], được lưu trữ ở văn khố Bảo tàng Rodin [Paris], đề ngày 1 tháng 9 năm 1899, Maurice Guillemot đã kể lai chuyến viếng thăm của hoàng thân tại xưởng của nhà điêu khắc: “Hoàng thân muốn hướng về con đường nghệ thuật […], ngài đã muốn gặp Rodin […]./[…] Nhà điêu khắc đã hướng dẫn cho hoàng thân những kỹ thuật về tạo khuôn, đổ khuôn, tạo sắc, tăng kích cỡ, ngoài vấn đề kỹ thuật chế tác còn có tất cả vẻ đẹp tổng thể lộng lẫy của tác phẩm điêu khắc”.”601
601 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 328-330)
Điều cần lưu ý, vào thời kỳ đó, nhất là ở vào hoàn cảnh thuộc địa như đất nước Algérie, nghệ thuật cũng là con đường của bậc vương gia, dẫn đến thế giới thượng lưu. Hoàng thân Ưng Lịch còn quan tâm đến âm nhạc, đến những nhạc cụ “phong lưu” như đàn dương cầm, đến những môn thể thao là chỉ dấu thời thượng của giới quý tộc thời gian đó như đấu kiếm (escrime). Nhưng cuối cùng chính hội họa là con đường “hội nhập” của cựu hoàng vào văn hóa Pháp và nhất là vào giới thượng lưu Pháp tại Algérie: những bức tranh được cựu hoàng vẽ, tặng cho những vị quyền quý hay thân hữu Pháp, thắt chặt các mối giao hảo602. Ở một nơi mà cựu hoàng không hề có người thân, người đồng hương bên cạnh, ngoại trừ người thông dịch603 phụ trách phiên dịch (với một nhiệm vụ đặc biệt: viết báo cáo đều đặn, giai đoạn 1888-1891, về hoàng thân cho Toàn quyền Pháp tại Algérie). Dù không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái trong thế giới đó, như A.Dabat đã nhận xét khi ghi chép lại theo thư nháp của hoàng thân:
602 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 100)
603 Về người thông dịch Trần Bình Thanh bên cạnh vua Hàm Nghi tại Alger, xem Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger”, Sorbonne Université Presse, Paris 2019 (p. 53-54, p. 90)
“Hoàng thân ý thức rằng mình thuộc về thành phần [thượng lưu] tinh anh của thủ đô Alger. Nhưng không phải lúc nào cái sinh hoạt phong lưu hào nhoáng cũng làm vui lòng hoàng thân, như hoàng thân đã viết cho người bạn Georges Lahaye vào năm 1894: “Tôi đã đi dự buổi tiệc khiêu vũ của ngài Toàn quyền nhưng tôi chẳng mấy […] vui thích, như bạn đã biết […], tôi chẳng nán lại lâu.”604
604 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 110)
Liên quan xa gần chuyện kho báu, là chủ đề chính của bản dịch, có thể có thêm một số thông tin qua công trình của A.Dabat. A.Dabat đã dành hơn bốn mươi trang (t. 249-289) để phân tích, qua thư từ bản thảo, mối quan hệ hết sức đặc biệt, và phức tạp, giữa Charles Gosselin (1852-1959) và hoàng thân Ưng Lịch. Điểm cần lưu ý, C.Gosselin đã từng phục vụ ở Đông Dương (1887-1889), và từng tham gia605 vào việc truy lùng đoàn bôn tẩu của vua Hàm Nghi606 tại vùng núi Quảng Bình. Trước khi đặt chân đến Đông Dương, nhân vật Gosselin không là một sĩ quan gương mẫu, hồ sơ quân tịch thì đầy chuyện yếu kém, tiền bạc, rắc rối kỷ luật607. Thế nhưng, sau khi về lại chính quốc, C.Gosselin đã xoay xở vận động để được chính phủ Pháp giao phó nhiệm vụ đi cùng với hoàng thân Ưng Lịch trong hai chuyến đi đầu tiên sang nước Pháp, 1893 và 1895. Sau những phân tích dài, thông qua những thư từ còn lưu giữ, về sự gặp gỡ kết thân giữa Gosselin và hoàng thân An Nam, A.Dabat đi đến kết luận về con người và mối quan hệ như sau:
605 C.Gosselin, “1885-1890 – Le deuxième bataillon des chasseurs annamites” in BAVH 1939-3 (p. 248-270); Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 255-259)
606 “La vie dans les petits postes du Quang-Binh vers 1888 – Papiers du Lieutenant Gosselin, présentés et annotés par L.Cadière” in BAVH 2-1942 (p. 155-221)
607 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 250-254)
“Viên sĩ quan [Gosselin], sau thời gian lưu trú lần đầu ở Đông Dương, với cấp bậc trung úy thuộc tiểu đoàn 2 lính bản địa, đã có đam mê về lịch sử An Nam và, [tại Algerie608], nắm lấy ngay cơ hội để gặp vua Hàm Nghi, để mong có được những tin tức lịch sử chưa từng được biết. Gosselin đã kết thân thành công với hoàng thân An Nam và rồi dành được sự tin cậy của chính phủ Pháp nhằm được giao nhiệm vụ tháp tùng hoàng thân sang Pháp, trong hai chuyến đi vào năm 1893 và 1895. Gosselin đã bày ra nhiều chiêu trò (stratagèmes sic) để được đài thọ những chuyến đi sang Đông Dương. Cái cớ chủ yếu của các chuyến công tác dường như là để tìm tòi tìm hiểu về lịch sử thời gian trị vì của vua Hàm Nghi. Tình bạn [giữa Gosselin và hoàng thân An Nam] có sắc thái o ép áp lực tình cảm (chantage affectif sic) [từ phía Gosselin đối với hoàng thân], và đi kèm theo, [đổi lại] từ phía Gosselin, là những lần chuyển gửi thông tin về gia đình của hoàng thân hay các món đồ từ Việt Nam. Cựu hoàng An Nam, theo đó, đã tận dụng những chuyến công tác hay du hành của viên sĩ quan Pháp [đến Đông Dương] để có được tin tức liên lạc của người thân hay giữ được kết nối với quê hương. Vào năm 1908, hoàng thân đã phải mở mắt ra để thấy rõ những hành vi thao túng khuynh loát, dối trá, cùng những thất vọng cay đắng nơi anh bạn [Gosselin], để rồi chấm dứt mọi liên lạc.”609
608 Qua trung gian một người bạn học cũ, đại úy René Reïbel, đang đồn trú tại Algérie, cf. Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 260)
609 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 330)
Charles Gosselin đã có lúc (1905), bày tỏ mong muốn viết một cuốn sách về vua Hàm Nghi, nhưng tác phẩm chưa bao giờ được hình thành610… Về Charles Gosselin, F.Thierry viết:
610 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 331): tuy vậy Charles Gosselin cũng đã viết được một tác phẩm khá công phu (559 trang) về xứ sở từ đó vua Hàm Nghi ra đi, có tựa là “L’Empire d’Annam” (Paris, 1904), với mục đích để người Pháp nắm hiểu “lịch sử và nhất là tính cách người An Nam” (t.XXVI của Lời Dẫn)
“các con số [về kho báu] vẫn không ngừng mê hoặc làm quay cuồng một số người: năm 1895, Charles Gosselin, người tự nhận nắm được những thông tin mật từ chính miệng vua Hàm Nghi, đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cho tiến hành dẫn dắt một chuyến thám sát để tìm lại kho báu bí ẩn ở vùng Quảng Bình mà ông ước tính khoảng hơn 60 triệu quan Pháp! Vì biết nhân cách đặc biệt và tính khí hoang tưởng của nhân vật Gosselin, giới chức đã không thông qua một chuyến phiêu lưu tìm kho báu như vậy611”. 612
611 Amandine Dabat, Exil d’empires: du trône de Huê aux collines d’Alger, Hàm Nghi (1871-1944), master 1, Langues, cultures et sociétés du monde, INALCO 2013, p. 62-70
612 François Thierry, “Le trésor de Huê…” (p. 124)
Đúng là C.Gosselin đã đề đạt qua một “Báo cáo [đệ trình] Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa về kho báu hoàng gia xứ An Nam, mang đi từ Huế vào tháng 6 năm 1885 và vẫn còn cất giấu tại tỉnh Quảng Bình613”. Vị sĩ quan Pháp tin rằng “kho báu tại Quảng Bình” trị giá (rất chính xác!) 60.283.200 quan Pháp, và mới chỉ thu hồi được có 4 triệu vào cuối tháng 7 năm 1885… Theo đó đưa ra đề nghị như sau:
613 “Rapport à Monsieur le Ministre des Colonies sur le trésor impérial d’Annam enlevé de Hué en Juin 1885 et resté caché dans la province de Quang Binh” gửi đi ngày 12 tháng 8 năm 1895, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 275-276)
“Tôi có vinh hạnh đề nghị ngài Bộ trưởng [Bộ Thuộc địa] trao đổi với Bộ trưởng Bộ Chiến tranh để tôi được biệt phái sang Bộ Thuộc địa, theo đó được cử đến tỉnh Quảng Bình […] nhằm tìm hiểu về tình hình kho báu và thu hồi đưa vào ngân khố của chính quyền bảo hộ [Pháp], một món tiền đã nằm yên vô ích từ mười năm nay […] tôi xin ngài Bộ trưởng giao cho tôi nhiệm vụ này, là thu hồi [kho báu] cho ngân quỹ chính quyền bảo hộ, một nhiệm vụ mà tôi tin rằng sẽ thành công: những hoàn cảnh khác nhau tôi đã trải qua, đã cung cấp cho tôi những tin tức mà tôi tin rằng chỉ duy nhất tôi nắm giữ.”614
614 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 276-277)
Ernest Brière, Khâm sứ tại An Nam, sau khi tiếp nhận thông tin từ Bộ Thuộc địa lại chẳng mấy tin vào lời đề nghị của C.Gosselin, ông viết trả lời cho bộ liên quan:
“Đại úy Gosselin đã lưu trú ở vùng Quảng Bình từ 1887 đến 1889. Tôi không muốn nói nhiều về những dư âm ký ức không thuận lợi mà viên đại úy đã để lại trong thời gian công tác. Điều cũng đáng ngạc nhiên là đại úy Gosselin, người đã có được thông tin về những sự việc quan trọng như vậy từ năm 1889, sao lại chờ mãi đến 1896 để tiết lộ ra.
Tôi nghĩ là, trước hết, mời đại úy Gosselin đến nói rõ ra những tin tức bản thân thực sự đang nắm giữ. Nhưng, nếu như thế, sẽ cần tiến hành phối hợp đều đặn với chính phủ An Nam, và không thể giao phó riêng việc tìm kiếm kho báu cho đại úy Gosselin cùng những người An Nam thân cận của đại uý.
Tôi nghi ngờ là những tìm kiếm như vậy có thể mang lại những kết quả nghiêm túc.”615
615 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 330)
Hai người “bạn thân nhất” của cựu hoàng, Charles Gosselin và Judith Gautier616 (1845-1917), như là hai thái cực, hướng về hai “kho báu” khác nhau nơi con người hoàng thân xứ An Nam: người thứ nhất có những toan tính cụ thể nào đó khi kiên trì tiếp cận cựu hoàng; người thứ hai, là một nhà thơ, lại miên man trong tình bằng hữu nuôi dưỡng qua thi phú kịch nghệ, qua đam mê văn hóa huyền cơ phương Đông, như bị thu hút bởi nhân cách kẻ lưu đày. Nữ sĩ Pháp đã viết nhiều bài thơ, tập thơ617 đề tặng, tỏ rõ sự ngưỡng mộ618 đối với hoàng thân An Nam. Và cả một vở kịch dựa theo chuyện đời “bi tráng” của vị hoàng thân khả kính xứ An Nam, đáng tiếc là vở kịch đã không còn được lưu giữ619…
616 Là con gái của nhà văn Théophile Gautier, khi còn trẻ sớm được tiếp xúc với những nhà văn, những nghệ sĩ lớn đương thời như Charles Baudelaire, anh em nhà Goncourt, Gustave Flaubert, Victor Hugo, Richard Wagner v.v. Bà để lại một di sản văn học hết sức phong phú, đủ các thể loại. Tháng 10 năm 1910, Judith Gautier là người phụ nữ đầu tiên trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Goncourt.
617 Tập thơ “Le Livre de Jade” (1902), trong Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 321)
618 Như bài thơ “Fils du printemps”, theo cách hoàng thân Ưng Lịch thường ký tên trên các bức tranh, bằng chữ Hán, là “Tử Xuân”: “Đứa con của mùa Xuân”, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 313-314; 148-149)
619 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 313)
“Tình bạn giữa Judith Gautier và Hàm Nghi kéo dài mười bảy năm: Judith đã dành cho hoàng thân một tình cảm nồng nàn say đắm, đã đưa đến một tình bằng hữu sâu sắc và lâu dài […] Họ chỉ ở bên nhau thời gian vài mùa hè nhưng đã thư từ trao đổi qua lại rất nhiều. Hoàng thân An Nam trở thành nguồn cảm hứng đối với Judith Gautier: cô dành tặng cho hoàng thân nhiều bài thơ, có những bài theo thể thơ chữ đầu620 (acrostiche sic). Judith Gautier cũng cố thúc đẩy hoàng thân viết những bài thơ chữ Hán, nhưng không có kết quả. Tình bạn giữa hai người nảy nở theo đam mê chung của hai người đối với âm nhạc và điêu khắc. Thư từ trao đổi giữa hai người đã soi rọi thêm một phần ít được biết đến trong cuộc đời của nhà thơ. Hoàng thân An Nam trả lời rất chu đáo thư từ liên lạc của J.Gautier, điều này cho thấy hoàng thân rất trân quý và ngưỡng mộ người bạn nữ sĩ. Tình bạn sâu sắc và chung thủy giữa hai người đã hun đúc cho những trao đổi về văn học nghệ thuật.”621
620 Một bài thơ như vậy có thể được đọc ở trang 314 với những chữ cái đầu dòng tạo thành tên “Hàm Nghi”, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 314)
621 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 331)
Đến đây, có thể nêu ra một câu hỏi: có chăng mối “dây mơ” mật thiết giữa tính cách dễ xúc động xúc cảm của hoàng thân Ưng Lịch (nhiều lần “bật khóc” trên đường lưu đày) với thiên hướng cảm thụ nghệ thuật được cơ duyên thăng hoa ở chốn lưu đày, qua những cuộc gặp gỡ tri kỷ tầm Judith Gautier, những lần tiếp cận sáng tác nghệ thuật tầm Auguste Rodin, những trao đổi thư từ văn chương tầm Gabriel Devéria622? Những tác phẩm từ chính cọ vẽ của hoàng thân An Nam cho thấy trường phái623, chủ đề624 và khuynh hướng màu sắc hay bố cục, thuộc về “nhãn lực biểu trưng625” của đời sống nội tâm kẻ chịu kiếp lưu đày626.
622 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 72, p. 194)
623 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 188)
624 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 183-189)
625 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 183-185); về một số tác phẩm hội họa của “họa sĩ Hàm Nghi” còn được lưu giữ: xem A. Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil…” ở các trang 412-457.
626 “Hàm Nghi: un artiste” in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 146-189): với một số tác phẩm tranh của hoàng thân An Nam.
“Trên hơn một nửa các tác phẩm hội họa của Hàm Nghi còn được lưu giữ, xuất hiện hình ảnh một cái cây đơn độc, có thể mang cùng một ý nghĩa biểu trưng [(ở câu cuối của đoạn văn trước đó:) như là một ẩn dụ về con người, đã xuất hiện nơi tranh của Gustave Courbet…]. Sự hiện diện, lập đi lập lại, một cái cây đơn độc giữa các bức tranh của hoàng thân có thể như muốn gợi lại những cảnh vật mà Hàm Nghi đã được thấy thời thơ ấu tại Huế. Vị hoàng đế thất sủng sáng tác tranh theo ký ức (sự xuất hiện tập tiểu luận Nghiên cứu về những cảm nhận và ký ức trong kỹ thuật hội họa trong số văn thư lưu trữ cá nhân của hoàng thân, có thể nhấn mạnh chú ý hơn về điểm này). Nội dung một bức thư gửi cho một người bạn có thể cho phép nghĩ rằng Hàm Nghi đã như nhớ lại cây cổ thụ thường được trồng ở nơi đền miếu tại Việt Nam và, qua hình bóng này, hoàng thân muốn gợi lên nỗi u hoài về chốn quê hương: “Những sáng tác như thế […] đã thuộc về cuộc đời, cảnh đời của tôi. Tôi đọc theo các bức hoạ: nỗi thăng trầm của những ý tưởng u buồn của bản thân, niềm vui của tôi với muôn vàn sắc thái, và rồi tôi điểm lại từng lớp một, từng nếp gấp trong tâm hồn tôi, là suối nguồn nuôi dưỡng con người tôi, theo đó mang lại sự khuyến khích cổ vũ, sự an ủi vỗ về”627.”628
627 Bản nháp thư gửi cho trung tá De Gondrecourt, ngày 1 tháng 1 năm 1897, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 331)
628 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 184-185)
Từ “con bài Hàm Nghi” trong tay người Pháp, với những tính toán vận thế thuộc địa lâu dài tại Đông Dương, cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, hoàng thân Ưng Lịch, theo dòng đời cơ may tình cờ, có đã trở về (hay tìm ra) con người thật của mình, khi trở thành một nghệ sĩ tạo hình, tạo cơ hội hiển hiện cho màu sắc, cho vật chất vô tri? Để rồi, tương tác-hỗ tương, tạo lập (hay tái lập) ngay chính mình trong một không gian địa lý-văn hóa hoàn toàn xa lạ? Làm sao, đã bất đắc dĩ chịu kiếp lưu đày vong quốc (apatride629), không để rơi tiếp vào đáy vực vong thân (aliénation), sau khi đã trải qua mười lăm năm lưu đày, kể từ mùa mưa năm 1888?
629 Điểm đáng chú ý, trên hộ chiếu nước Pháp cấp cho “Hoàng thân An Nam” (“M.le Prince d’Annam” sic) phần về quốc tịch ghi rõ “protégé français” (sic): hiểu là “người được nước Pháp bảo trợ”, không phải là một “quốc tịch” chính thức… cf. Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 68-69)
Hoàng thân xứ An Nam lập gia đình với cô Marcelle Laloë vào tháng 10 năm 1904: “Từ năm 1904 trở đi, cuộc sống thường ngày của hoàng thân xứ An Nam mang dấu ấn của sinh hoạt gia đình và giao lưu thời thượng. […] Năm 1906, Hàm Nghi mua một sở đất630 tại El Biar [Alger] để xây biệt thự [sẽ đặt tên là] Gia Long”631. Biệt thự Gia Long! Hoàng thân Ưng Lịch, chịu cảnh ly hương, có đang phải sống thân phận hoài hương “Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi632” khi ngóng trông về nguồn cội “thế tổ633” của vương triều?
630 “[hơn] 9 ha […] có sẵn nhà lợp ngói, nhà nông trại, những căn dành cho việc nông trang, đất đai, vườn nho, những cụm rừng và vườn cây”, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 377)
631 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 376)
632 “Ngựa Hồ hí gió Bắc / Chim Việt làm tổ cành Nam”
633 Miếu hiệu của vua Gia Long là Thế Tổ Cao Hoàng đế.
Quân vương và thư tín
Trước khi tiếp xúc với đời sống văn hóa phương Tây, vua chúa Việt Nam (và đa số người Việt Nam cùng thời) chưa có thói quen đích thân, trực tiếp hay thường xuyên trao đổi thư từ riêng tư với người thân hay người ngoài. Trong khi đó, tại các nước châu Âu, trao đổi thư từ, đặc biệt phổ biến trong giới quý tộc và tầng lớp trí thức, có thể xem là khởi điểm sự thể hiện tự do tư duy của thế kỷ Khai sáng634. Từ trường hợp của vua Hàm Nghi, văn hóa văn chương xứ An Nam đã tiếp thu một trải nghiệm khác, sâu xa hơn với thể loại thư tín: vị cựu hoàng đã trao đổi rất nhiều, và với rất nhiều giới, qua thư từ, một phương tiện giao tiếp qua văn viết, chỉ ra một văn phong rất đặc biệt, văn phong thư tín (style épistolaire). Công trình của Amandine Dabat đặt nền móng trên sự phân tích những thư từ qua lại giữa hoàng thân xứ An Nam với bạn bè, Pháp có, Việt có, với quan chức người Pháp, tại Algérie hay tại chính quốc, với người trong hoàng tộc hay quan chức triều đình Huế v.v. Đồng thời qua phân tích thư từ công văn giữa những vị trong những giới này với nhau, nhất là giới quan chức Pháp trong tam giác: chính phủ Pháp - Toàn quyền Đông Dương - Toàn quyền Algérie, có liên quan đến hoàng thân An Nam. Nhờ đó, độc giả bình thường hay nhà nghiên cứu ngày nay, có cơ hội đi vào một “thể loại sử liệu – sử văn” hết sức độc đáo, nhiều khi rất đỗi “riêng tư”, hết mực “chân thành”, có thể hé lộ con người thường tình của những nhân vật vốn được bao phủ, “hun đúc”, trong rất nhiều loại hào khí, hào quang. Qua phân tích thư từ, A.Dabat giúp chúng ta một cái nhìn đa chiều và biến hóa theo dòng thời gian về những suy tư và lo toan của hoàng thân tại đất Alger. Viết cho/với ai, về chuyện gì, và bằng ngôn ngữ nào?
634 Isabelle Le Pape, Amitiés épistolaires dans les arts au XVIIÌe siècle: cf. Amitiés épistolaires dans les arts au XVIIIe siècle | Le blog de Gallica (bnf.fr)
Bằng ngôn ngữ nào? Ngày vua Hàm Nghi lên đường đi đày, hẳn nhà vua chỉ biết tiếng Việt và chữ Hán: theo báo cáo của người thông dịch đi cùng, hoàng thân không biết một chữ nào tiếng Pháp và hoàn toàn trông cậy vào trung gian của người thông dịch, là Trần Bình Thanh. Người này viết, “Cho đến tháng 7 [năm 1889], cựu hoàng khước từ việc học tiếng Pháp, và chỉ từ tháng này trở đi, mới bắt đầu học tiếng Pháp một cách rất nghiêm túc với Thầy dòng Néopole.”635. Vì thầy Néopole thường bận công việc, hoàng thân đề nghị đại úy De Vialar, phụ trách giám sát (về sau là một trong những mối quan hệ thân thiết của hoàng thân), giới thiệu một thầy dạy tiếng Pháp có trả lương hẳn hoi. Khi giáo sư tiếng Pháp nghỉ hè thì hoàng thân trau dồi bằng cách đọc sách… Theo báo cáo của Trần Bình Thanh, hoàng thân vừa học tiếng Pháp, vừa tiếp tục đọc sách và viết chữ Hán: năm 1889, “hoàng thân nhờ người nhắn Gabriel Devéria gửi giúp các bộ dụng cụ (bút lông, nghiên mực) để viết chữ Hán”636. Năm sau, hoàng thân lại yêu cầu người bạn của mình là Charles Gosselin cung cấp những sách sử về xứ An Nam viết bằng chữ Hán. Vào khoảng 1893-1894, hoàng thân viết cho vị giáo sư tiếng Pháp của mình là có “một học sinh tại trường trung học Alger tên là Chiêu637 dạy cho hoàng thân chữ quốc ngữ”638. Như vậy, hoàng thân đã ở trong tam giác lựa chọn về mặt ngôn ngữ, để giao tiếp, nhất là viết thư, và tư duy. Và hiển nhiên đó cũng là ba áp lực! Có lẽ không có nhiều thời gian và điều kiện để hoàng thân duy trì chữ Hán. Hoàng thân viết cho Judith Gautier vào tháng 2 năm 1901, bằng tiếng Pháp:
635 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 94-95)
636 Thư gửi cho Henri de Vialar ngày 12 tháng 7 năm 1893, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil…” (p. 96)
637 Bùi Quang Chiêu (1872-1945): về mối quan hệ giữa hoàng thân Ưng Lịch với Bùi Quang Chiêu, cùng một số học sinh Việt Nam tại Alger, xem Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil…” (p. 112-132)
638 Thư cho giáo sư Monnet, in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil…” (p. 96)
“Về văn học Trung Hoa, tôi đã quên đi phần lớn, lý do cũng rất đơn giản: từ khi tôi đặt chân đến châu Phi, người ta đã buộc tôi trau dồi tiếp thu một cách tích cực cấp tốc [những kiến thức về] văn chương và khoa học Pháp, chuyện dẫn đến là tôi buộc phải gạt sang một bên, đôi phần xao nhãng các Tác giả xưa Da vàng [sic, viết hoa: “mes vieux Auteurs Jaunes”]. Ôi, ước gì tôi có được bên cạnh mình một bạn đồng môn, tôi sẽ rất sung sướng để có thể cùng nhau dịch và bình phẩm các tác giả nổi tiếng của đế chế Trung Hoa.”639
639Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil…” (p. 316-317)
Và có lẽ hoàng thân cũng cần rất nhiều thời gian để trau dồi hoàn thiện tiếng Pháp: phần lớn thư từ của hoàng thân được viết bằng tiếng Pháp, nhờ ai đó xem lại, chữa lại, và, trên bản nháp, vẫn còn để lại nhiều sai sót về ngữ pháp và chính tả640… Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nội dung chủ yếu của bức thư. Nhất là, với những điều bất ngờ, tình cờ gợi ra cho hậu thế: có thể từ đó cung cấp một nét chân dung hay đôi tham vọng thực sự của người viết, người nhận thư hay những người có liên quan… Một ví dụ, chẳng hạn như trong thư vua Bảo Đại, sau gần mười năm du học tại Pháp, gửi cho hoàng thân Ưng Lịch vào tháng 4 năm 1933, nhân dịp lễ thành hôn của công chúa Như Lý, vị vua trẻ tuổi, mới “hồi loan” vào năm 1932, đã viết như sau:
640 Như những thư của hoàng thân Ưng Lịch viết cho con gái đầu là Như May (sic) vào năm 1934! in Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil…” (p. 373,374)
“Bác kính mến [Cher Oncle, sic],
Ngài Charles đã chuyển thư của bác, cháu rất sung sướng khi nhận được báo tin lễ thành hôn của chị Như Lý […]
Cháu đã trở về kinh thành, Huế cũng vẫn y như cách đây mười năm, ngày cháu ra đi. Chẳng có gì thay đổi, và thời tiết khí hậu cũng vậy, làm cho trầm cảm, chẳng còn muốn làm những gì như mong muốn. Ngoài công việc, cháu nỗ lực chơi vài môn thể thao để không rơi vào sự trơ lì thụ động vốn là tình trạng phổ biến của cư dân xứ này.
Cháu mong được gặp lại bác nay mai, lý do là sức khoẻ của cháu không cho phép cháu ở đây [xứ An Nam] hai hay ba năm liền mà không có được 6 tháng ở Pháp. Cháu sẽ yêu cầu Chính phủ An Nam [được hưởng] một kỳ nghỉ theo [thông lệ] hành chính, theo cách các công chức Pháp, [theo lệ] cứ 2 năm một lần, để cháu có thể đi nghỉ dưỡng ở Vichy […]. Vĩnh Thuỵ”641
641 Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 372-373)
Những bộc bạch “hết sức người thường” của vị quân vương, về khí hậu vùng kinh thành, cùng với những ước muốn được nghỉ mát thường niên, tương tự như chế độ dành cho các công chức Pháp là ước muốn thật lòng, do đã thích nghi lâu dài với khí hậu ôn đới, hay muốn pha chút hài hước khi tự xem mình như một “công chức cao cấp” hưởng chế độ lương bổng của Nhà nước Bảo hộ? Cần phải nhắc lại, triều đình Huế đã mất dần và rồi mất hoàn toàn chủ quyền về ngân sách tài chính sau biến cố 1885, F.Thierry viết:
“Vào tháng 9 năm 1893, triều đình Huế bị buộc phải thiết lập ngân sách theo các chuẩn mực của Pháp, biện pháp này cho thấy nước Pháp đã ngừng vĩnh viễn việc rót vào ngân sách triều đình Huế phần triều đình được hưởng trên số thuế thu được tại Bắc Kỳ. Theo sắc lệnh ngày 9 tháng 8 năm 1894, tổng trú sứ Pháp phụ trách định kỳ hàng tháng kiểm tra tài chính của triều đình. Và theo một sắc lệnh khác ký ngày 13 tháng 6 năm 1895, nhân viên Pháp làm việc tại Bộ Hộ có trách nhiệm kiểm tra nguồn thu chi và giám sát về tài vụ kế toán của triều đình. Cuối cùng, ngày 15 tháng 8 năm 1898, theo một chiếu chỉ của triều đình, tất cả nguồn thu của ngân sách vương triều An Nam được chuyển sang thuộc ngân sách của chính quyền bảo hộ Pháp […] Kể từ ngày 8 tháng 6 năm 1900, một Hội đồng Bảo hộ xứ An Nam được thành lập, có trách nhiệm thiết lập ngân sách và quyết định tính chất cũng như chỉ tiêu thu thuế: trong thực tế, chính quyền của Liên hiệp Đông Dương nắm giữ mọi quyền lực về tài chính.”642
642 F.Thierry, “Le trésor de Huê …” p. 191-192
Những dòng thư tín của vị quân vương có giúp cho người đọc dễ hiểu hơn về những nhận xét của F.Thierry đối với vị vua vốn thường có lối sống gần hơn với giới thượng lưu, dù là An Nam hay là Pháp, do chính môi trường văn hóa xã hội nước Pháp tạo điều kiện?
“Thái tử về Việt Nam ngay [sau khi vua Khải Định băng hà] để đăng quang vào ngày 8 tháng giêng năm 1926 với niên hiệu Bảo Đại […] Lễ đăng quang lên ngôi vừa mới bế mạc thì vị hoàng đế trẻ tuổi đã vội lên đường trở lại sang Paris. Hoàng đế ở tại một biệt thự riêng, ở số 13 đại lộ Lamballe, thuộc quận 16, và các thầy dạy riêng đến tận biệt thự để giảng bài. Vị thiếu niên ít chú tâm đến việc học hỏi học tập diễn ra như vậy, lại hòa mình vào các sinh hoạt không thể tránh khỏi của một người trẻ tuổi thuộc tầng lớp thượng lưu sống giữa thủ đô Paris hoa lệ: tiếng dương cầm và các buổi hòa nhạc, chơi tennis và cưỡi ngựa, lái xe hơi và xem đua xe, du ngoạn khắp nước Pháp và du lịch nước ngoài. Vua Bảo Đại giao lưu với các giới cao sang quyền quý nhất như là quân vương (“sultan”) xứ Maroc, gia tộc Rothschild, dòng họ Bourbon-Busset, dòng họ Mallet, học chơi bài poker, thử các món khiêu vũ hiện đại nhất và tán tỉnh các cô gái ở những chốn “văn đàn luận đàm” của giới thượng lưu quyền quý tại Paris.”643
643 François Thierry, “Le trésor de Huê…” (p. 230-231)
Hay tất cả xuất phát từ tư chất cá tính của vị quân vương cuối cùng của triều Nguyễn? Hay là do “ý đồ mặc định” từ chính quyền bảo hộ Pháp để có được những “tấm bình phong” dễ bố trí? Mà nhà quý tộc trẻ tuổi hào hoa, được ngài cựu công sứ Charles kèm cặp “lập trình” nay mai sẽ lên ngôi Hoàng đế xứ An Nam, nào có thể cưỡng lại được sức cuốn hút của một Paris phồn hoa đô hội đang đắm say trong nếp sống mới sục sôi cuồng nhiệt trên tất cả các mặt xã hội, văn hóa, nghệ thuật, trong những “Năm tháng như điên như cuồng” giữa hai cuộc Thế chiến (“les Années folles644”, 1919-1929)…
644 “Les Années folles – La vie réinventée”: Les Années folles - La vie réinventée – série de podcasts à écouter – France Culture
Với chuyện ghi chép sử sách thì thật khó cho ai đó cầu mong “phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh, nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh645”… Những bức thư, công văn xuyên thế kỷ đã giúp các nhà nghiên cứu và hậu thế hiểu hơn về những vị quân vương triều Nguyễn, vị thì rất kiệm lời theo phong cách “hiền nhân” phương Đông, như trường hợp vua Hàm Nghi, vị thì viết “hồi ký hồi ức” theo phong cách các chính khách phương Tây, như trường hợp vua Bảo Đại646… Thư tín trao đổi của/ liên quan đến cựu hoàng Hàm Nghi, qua công trình tập hợp phân tích của A.Dabat, cho phép nhận diện ra nhiều uẩn khúc hay nét riêng tư của nhiều nhân vật đương thời, hữu duyên tương ngộ hay duyên nợ ba sinh, khi di chuyển giữa hai miền văn hóa Đông Tây cách biệt về địa lý, khác biệt về nền móng nhân văn. Và rồi nhận dạng rõ hơn chân dung đích thực, vượt qua cái diện mạo trang điểm của những diễn viên lão luyện trong tấn tuồng lịch sử cách đây hơn trăm năm. Theo như cách nhận định của nhà nghiên cứu Phan Ngọc, nhân tiếp cận phong cách chép sử hết sức công phu của một Tư Mã Thiên:
645 “Gió thổi qua bụi trúc, có tiếng lao xao. Gió đã đi qua, hoàn toàn yên lặng. Nhạn bay qua hồ nước, bóng nhạn in hình. Nhạn đã bay đi, mặt nước đâu còn hình ảnh.”
646 Bảo Đại, Le dragon d’Annam, Plon 1980
“Khi miêu tả một nhân vật lịch sử, các sử gia chỉ xét họ trong những giờ phút họ đóng vai trò lịch sử, họ chỉ xét nhân vật trong “tư thế lịch sử” của nó. Nhưng làm như thế tức là cắt xén nhân vật, biểu hiện nó một cách phiến diện và thậm chí có khi xuyên tạc vì trong những lúc cá nhân có ý thức về vai trò lịch sử của mình, họ thường đóng kịch. Tư Mã Thiên không làm như vậy. Ông không chỉ nắm Hàn Tín khi làm thượng tướng quân của Lưu Bang, mà còn nắm Hàn Tín ngay từ khi ăn nhờ, chui qua háng người ta ở ngoài chợ. Nhờ sống trong nhân dân và đến tận nơi điều tra, nên ông thấy Trần Bình từ khi chia thịt, thấy Phàn Khoái từ khi bán thịt chó. […] Tư Mã Thiên theo dõi một nhân vật là cốt tìm cho được cái bản chất của nó. Chính vì thế ông không bao giờ bỏ qua những cảnh thiếu thốn, nhục nhã mà nhân vật đã trải qua, vì ông biết bản chất con người thường lộ ra ở những lúc ấy. Đối với ông, nhân vật lịch sử vĩ đại đến đâu trước hết cũng một con người bình thường. […] Trong khi theo dõi nhân vật, ông không chạy theo sự kiện mà cốt tìm được cái quyết định tính cách của con người.”647
647 Phan Ngọc, Sử ký Tư Mã Thiên, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 2006 (Lời giới thiệu, t. 19-20)
Ngày nay, với vô vàn công cụ truyền thông, lời chứng của các vị quân vương, đại thần, “tôn nhân” hay “đại nhân”, không còn là lời chứng duy nhất, độc quyền độc tôn về “sử thuật” (récit historique). Những nhà nghiên cứu ngày nay nỗ lực tìm đến những con người đã bị nhấn chìm mất dấu, bị lãng quên mất tăm trong những biến cố bể dâu, với mong ước làm sao phục dựng lại đúng chân dung những con người, phía này, là bề trên, thì “sở nguyện hay ý chí góp phần thúc đẩy sử mệnh”, hay phía kia, là dân đen, thì bị cuốn phăng đi theo dòng định mệnh648. Họ như gặp nhau649 qua lời chứng mà không phải đối diện. Nhưng, dù muốn hay không, tất cả, một buổi nào đó, theo ánh triêu dương hay bóng tà dương của một thời đại, buộc phải đối mặt với Hoài niệm bản thân hay Ký ức cộng đồng…
648 Chẳng hạn như bộ phim tài liệu “Les Công Binh, la longue nuit indochinoise” (2013) của đạo diễn Lam Lê. Ông nói: “tôi đã gặp năm ông người Pháp để hỏi về chuyện công binh. Họ từng tốt nghiệp trường đào tạo quan chức thuộc địa (Ecole de l’Administration Coloniale), và bây giờ cũng đã ngoài 90 tuổi rồi. Cả năm vị quan chức Pháp này nhìn thẳng vào mặt tôi, trả lời: công binh Việt Nam sang Pháp… tại vì ở xứ họ không có công việc để làm, họ chết đói thì phải sang Pháp chứ! Không có quan chức nào của thời này công nhận rằng công binh Việt Nam bị chính quyền thuộc địa cưỡng bức sang Pháp… khổ cái chỗ đó. Từ bốn tiếng đồng hồ trong phần dựng phim ban đầu, tôi đành phải rút ngắn lại còn hơn hai tiếng. Tôi buộc phải thay đổi góc nhìn: tôi muốn kể câu chuyện này trong mắt của các bác công binh... tức là họ nhìn lịch sử thời mà họ sống, khi họ mới có 18 hay 19 tuổi, sang Pháp mà không biết tiếng Pháp, không hiểu lịch sử thế giới, không hiểu gì cả, vậy thì họ chấp nhận tình trạng làm nô lệ như thế nào?” (Công Binh, đêm dài Đông Dương: Phỏng vấn đạo diễn Lê Lâm - Tạp chí văn hóa (rfi.fr))
649 Pierre Daum, Immigrés de force – Les travailleurs indochinois en France (1939- 1952), éd. Solin, Actes Sud 2009