Cùng một sự kiện, có bao nhiêu cách mô tả, tường thuật và diễn giải?
Ngày “23 tháng 5” là chuyện binh biến tang thương của người dân Cố đô Huế, là chuyện bi đát của một vương triều đánh mất chủ quyền. Xét về mặt quân sự là một chuyến “hành quân” quy mô của phía Pháp (hơn 1000 quân), đối mặt với một cuộc nổi dậy vũ trang lớn của phía Đại Nam… Trong cuốn “Quân sử III” của sử gia Phạm Văn Sơn, biến cố 1885 được thuật lại rất chi tiết ở phần đầu chương X có tựa đề: “Vụ đánh úp quân Pháp ở Huế đêm 4 rạng ngày 05-07-1885”548. Sử gia Việt Nam vẫn nói đây là một “vụ đánh úp” từ phía quân Việt Nam, và mô tả chi tiết lực lượng phía Pháp khi tướng De Courcy đặt chân đến Việt Nam. Ngược lại, điều thật kỳ lạ, trong cuốn “Histoire militaire de la France”549 (“Lịch sử quân sự của nước Pháp”), không tìm thấy dòng nào, chi tiết nào về “trận phản công vẻ vang” tháng 7 năm 1885. Công trình quân sử của Pháp cũng không hề nhắc đến De Courcy hay “chiến công” tại kinh thành nhà Nguyễn! Tác phẩm quân sử của Pháp có vẻ quan tâm nhiều hơn đến “chiến dịch tại Bắc Kỳ” khi phải đối đầu với quân Trung Hoa và lực lượng nổi dậy bản địa: có nhắc đến Đề Thám550, đi kèm với từ “giặc cướp” (“piraterie551” sic)… Phải chăng giải quyết “chuyện An Nam đô hộ phủ” với nhà Thanh là quan trọng hơn nhiều? Và đã phải cần đến hai Hòa ước Thiên Tân, năm 1883 và 1884, để chính thức bứt tách xứ An Nam khỏi vòng chư hầu của Thiên triều?
548 Phạm Văn Sơn, “Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945) – Quân sử III”, Nhà xuất bản Sài Gòn 1971, t. 231-240.
549 “Histoire militaire de la France” (sous la direction d’André Corvisier), “De 1871 à 1940” (sous la direction Guy Pedroncini), PUF Paris 1992.
550 “Histoire militaire de la France” (sous la direction d’André Corvisier), “De 1871 à 1940” […], (p. 66)
551 François Thierry cũng dùng từ này khi nói về Đề Thám: “le retour au maquis du vieux pirate Hoàng Hoa Thám, une sorte de Robin des Bois vietnamien” (t. 209)
Ngày nay, nhiều sử gia Pháp (mà có khi chỉ là sử gia nghiệp dư552!) trình bày và phân tích công bằng hơn về chế độ thuộc địa Pháp, đặc biệt tại vùng Đông Dương: những sử gia ngày nay nhận xét về chính những trang sử mà người xưa để lại, dù là đồng hương hay không. Chẳng hạn trường hợp Bác sĩ Hocquard, nổi tiếng với tác phẩm “Une campagne au Tonkin” (“Một chiến dịch ở vùng Bắc Kỳ”) được tái bản gần đây, đặc biệt kèm theo những cước chú nhận xét của sử gia Philippe Papin. P. Papin đã có lời dẫn nhập, chia sẻ về những nhận xét của vị bác sĩ quân y đa tài, nhất là chuyện quan sát ghi chép về con người và cảnh quan bản địa:
552 Như trường hợp nhà báo Pierre Daum với tác phẩm “Immigrés de force – Les travailleurs indochinois en France (1939-1952)”, éd.Solin – Actes Sud 2009.
“Tác phẩm tập hợp một khối lượng lớn những cảnh sinh hoạt hàng ngày, với vô vàn mô tả chính xác: tiểu thương ở chợ, người múa tuồng hát rong, kẻ hát xướng, đoàn đưa tang, lễ cưới hỏi, lễ lạc tín ngưỡng, công đường xử án hay những bất công của chốn này […] bác sĩ Hocquard đã có tham vọng giải thích và làm cho những việc ông chứng kiến trở nên dễ hiểu [với người phương Tây]. Cuối cùng, điều tạo nên sự khác biệt [giữa bác sĩ] với những tác giả đi trước, đồng thời làm cho câu chuyện kể của bác sĩ rất đa diện phức hợp, hữu ích và thú vị, đó là ngoài sự cực kỳ chính xác trong những mô tả còn có sự quan tâm về phân tích và đặt để sự thể trong một bối cảnh nhất định.”553
553 Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (Hachette, Paris 1892; Arléa, Paris 1999, présenté et annoté par Philippe Papin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, p. 8)
Bác sĩ Hocquard có mặt tại vương quốc Đại Nam trong khoảng thời gian từ tháng giêng năm 1884 đến tháng 5 năm 1886, chủ yếu hoạt động theo các đoàn quân Pháp ở vùng Bắc Kỳ. Chỉ đến “ngày 30 tháng 9 năm 1885, cùng với một người bạn là họa sĩ Gaston Roullet554, vị bác sĩ, đi đây đi đó không mệt mỏi, mới rời vùng Bắc Kỳ để đi vào xứ An Nam, nơi ông sẽ đi bộ theo con đường cái quan, băng qua đèo Hải Vân, đi từ Tourane [Đà Nẵng] đến kinh thành Huế”555. Như vậy, khi biến cố kinh thành thất thủ xảy ra, Hocquard vẫn đang đồn trú ở Hà Nội, ông chỉ được nghe kể lại. Ở chương XXII, ông dành gần hai trang để viết về một sự kiện ông không trực tiếp chứng kiến hay tham dự. Sự kiện được thuật lại bởi ai và như thế nào, để rồi ngòi bút của bác sĩ Hocquard trở nên “hào hùng hào khí” với câu chuyện phản công của quân Pháp, dưới sự chỉ huy “can trường” của tướng De Courcy, vào đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5 tháng 7 dương lịch?
554 Về G.Roullet: Họa sĩ Gaston Roullet & Huế - khamphahue.com.vn; Peintres Officiels de la Marine,peintre officiel de marine-peintres-de-la-marine (peintres- officiels-de-la-marine.com)
555 Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (p. 13)
“Từng hồi từng lúc, do hết sức lo lắng và mặc cho nguy cơ bị trúng đạn pháo [từ quân An Nam bắn sang], tướng De Courcy lại đi lên cái chốt canh nhỏ trên nóc tòa Khâm sứ. Tướng quân đưa ống nhòm nhìn về phía bờ bên kia [dòng sông Hương], hướng góc bắc của thành nội, nơi các đội quân của ông đang bị cầm chân. Ai có thể đoán được kết cục của sự việc [vào thời điểm đó]: bị nhốt chặt trong các bức tường thành như trong một cái bẫy chuột, những người lính Pháp của chúng ta có nguy cơ bị tiêu diệt đến người cuối cùng? Thế nhưng không, ngược lại là đằng khác, những lực lượng can trường của chúng ta đã phản công, quyết chiến thắng bằng mọi giá lực lượng An Nam với số dân quân đông hơn gấp hai lần, đang tìm cách vây hãm quân Pháp vào một góc sâu của thành nội. Lực lượng Pháp đã tiến chiếm từng ngôi nhà, và vào lúc trời hừng sáng, cờ tam tài đã được kéo lên cao trên ngọn kỳ đài, là điểm cao nhất bao quát toàn bộ hoàng cung. Và như thế cũng đồng thời báo tin cho tướng De Courcy chiến thắng của tướng quân và việc chiếm lĩnh kinh thành [Huế]”556.
556 Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (chap.XXII, p. 603)
Ngày nay, F. Thierry viết như sau về “vị tiểu Napoléon” (“petit Napoléon”, theo như tiêu đề, t. 109 bản gốc) tại kinh thành Huế:
“Những tin tức sai lệch cung cấp cho Paris vừa là do thiếu hiểu biết [tình hình] cũng vừa là khoe khoang chiến công: tìm đâu cho ra 1.100 khẩu pháo còn sử dụng được trong khi lực lượng Việt Nam chỉ có vỏn vẹn khoảng 20 khẩu pháo, cộng thêm hai khẩu súng máy. Không những [để kể công] De Courcy đếm luôn [vào số chiến lợi phẩm] tất cả những thứ na ná như là những khẩu pháo, từ những khẩu ra đời từ thế kỷ XVIII cho đến những khẩu pháo xưa cổ bằng gang hay bằng đồng chẳng thể sử dụng, chỉ dùng để trang trí trên tường thành, mà ông tướng nhà ta còn tính thêm lên khoảng 30%557. Lực lượng tấn công của phía Việt Nam không phải là ba vạn mà chỉ hơn khoảng một vạn lính: sự thổi phồng như vậy nhằm làm nổi bật công trạng của 300 lính Pháp với một người chỉ huy tài ba can đảm khi phải đối mặt với một đối phương đông đảo có quân số đông gấp cả trăm lần.”558
557 Cước chú bản gốc: Tổng số khẩu pháo thu được là khoảng 800 (Adolphe Delvaux, “La prise de Huê par les Français 5 juillet 1885”, BAVH, 1920-II, p. 291); James Scott thì ước tính khoảng gần một trăm khẩu pháo đã lâu đời, “những khẩu pháo gần như là đồ cổ” [“guns more or less antiquarian” sic], cho toàn bộ hỏa lực của sáu công sự của Thành Nội Huế (James Scott, France and Tonking. A narrative of the campaign of 1884 and the occupation of Further India, Londres, 1885, p. 299)
558 François Thierry, “Le trésor de Huê…”, t. 109-110.
Liên quan đến biến cố, về nguyên nhân gần của cuộc đối đầu Pháp – Việt Nam tại ngay kinh thành Huế, cùng một sự việc, người đọc ngày nay có thể chiêm nghiệm hai cách nhìn đối lập nhau của “những con người đồng hương”. Đó là việc De Courcy đòi đem quân lính đi vào cổng chính giữa của Ngọ Môn để trình quốc thư cho vua Hàm Nghi. Bác sĩ Hocquard viết:
“Tướng De Courcy quyết định vào Huế với mục đích rõ rệt là chính thức trình quốc thư cho vua Hàm Nghi, nhưng có ý đồ riêng tư là muốn xem xét tại chỗ những quấy rối manh động tại triều đình và tìm hiểu chính xác về những gì cần phải làm để chấm dứt một tình hình rối ren như vậy. Tướng quân lên đường từ Hà Nội với một đội chỉ huy đông đảo, có quân hộ vệ là một tiểu đoàn lính Bắc Phi, theo như các hiệp ước đã ký kết, sẽ đóng quân đồn trú tại một trong các trại lính Pháp tại kinh thành Huế.
Có mặt ở Huế chưa được tròn một ngày thì tướng De Courcy đã bắt đầu gặp khó khăn: theo như lời các quan Phụ chánh, đức vua An Nam chỉ có thể tiếp kiến người thay mặt nước Pháp nếu vị này tuân thủ theo nghi thức tiếp đón của triều đình Huế. Nghi thức như thế là quá sức xúc phạm làm nhục [“humiliant” sic] và chẳng người châu Âu nào có thể chấp nhận khép mình vào. Triều đình Huế biết rất rõ là vậy, nhưng chỉ đơn giản [muốn gây khó khăn] để tranh thủ thời gian [chuẩn bị đánh Pháp]. Ông Thuyết, Thượng thư Bộ Binh, người tính tình nóng nảy và là kẻ thù không đội trời chung với người Pháp, là một trong hai quan Phụ chánh của vị vua trẻ tuổi: từ lâu ông Thuyết đã thúc giục Viện Cơ mật công khai cuộc chiến với người Pháp.”559
559 Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (chap.XXI, p. 522)
Ngọ Môn với binh lính Pháp theo con mắt của bác sĩ Hocquard560
560 Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (p. 489)
Ngày nay, hơn một thế kỷ sau, Philippe Papin viết ở cước chú theo với đoạn bài viết trên đây của Hocquard:
“Khó khăn để chấp nhận cái “nghi thức quá sức xúc phạm” theo kiểu cách vùng Viễn Đông vốn đã là nguyên nhân, chẳng hạn, của sự thất bại trong chuyến đi sứ của Mac Cartney ở Bắc Kinh vào năm 1793561 […] Trong trường hợp của chúng ta tại kinh thành Huế [với tướng De Courcy], chính là tình huống ngược lại: triều đình Huế không thể chấp nhận cái nghi thức đầy xúc phạm do tướng De Courcy áp đặt. Nếu triều đình đã [hết sức nhân nhượng] chấp nhận tướng De Courcy đi vào hoàng cung theo cửa chính giữa [của cổng Ngọ Môn] cùng với đoàn quân tùy tùng có mang vũ khí, thì triều đình lại không thể nào chấp nhận việc phái đoàn Pháp vượt qua “hàng cột thứ hai”. De Courcy thậm chí còn đòi vua Hàm Nghi bước xuống khỏi ngai vàng để đón tiếp De Courcy, rồi đích thân nhận từ tay De Courcy bản hiệp ước được Quốc hội Pháp phê chuẩn. Các cuộc thương thuyết giữa Pháp và triều đình Huế đã diễn ra suốt từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 7 [1885].”
561 Sứ thần Anh đã không chịu chào theo lối “khấu đầu” bái lạy (“kotow”) trước Hoàng đế Trung Hoa: “14 septembre 1793, Macartney en ambassade auprès de Qianlong” (Hérodote.net, 27/11/2018)
Như vậy, có thể tổng kết, về tất cả những gì diễn ra vào những ngày kinh đô thất thủ, nhiều người Pháp, từ Delvaux đến De Pirey, trên các số tạp chí BAVH, từ Gosselin562 đến Hocquard, tất cả đều viết về sự kiện “23 tháng 5” sau khi “được nghe kể lại”. Để rồi nhiều sử gia về sau, căn cứ vào sử văn dạng nghe kể lại như thế để hoàn thành các “công trình sử lược”… Hậu thế phải chấp nhận cách diễn giải theo lối “ngón tay chỉ ngón tay chỉ… trăng”: có thể thấy, đây đó, một chút “ánh trăng”, để rồi chẳng mấy khi chú ý đến “chủ ý định hướng ngón tay”. Phương pháp luận còn hạn chế? Hay quyền lực, quyền lợi, xu hướng ý thức hệ, v.v. còn nhiều cản trở mâu thuẫn? Lời nói đã tạo điều kiện cho sự hình thành những diễn ngôn, ít nhiều chặt chẽ, những diễn ngôn lại tạo điều kiện cho những huyền thoại sinh sôi, theo như cách nói của Roland Barthes, “le mythe est une parole”:
562 “J’ai interrogé de la même manière des mandarins très en vue, des fils, des frères, des neveux de souverains morts, et j’ai poussé mes recherches à ce sujet jusqu’à étudier les pensées des hommes du peuple, des notables de village, gens âgé s et respectables […] Tous, princes et princesses, fils, frères et neveux des anciens rois, mandarins de tous degrés, gens du peuplé, tous ont été d’un avis unanime: Thuyet s’est montré criminel envers son souverain [Hàm Nghi], envers son peuple et envers nous [Français]” trong- Charles Gosselin, “L’Empire d’Annam”, p. 201.
“tất cả đều có thể trở thành huyền thoại, thuộc về diễn ngôn. Huyền thoại không xác định theo đối tượng được nêu ra qua thông điệp, mà là theo phương thức thông điệp chỉ ra đối tượng […] một số đối tượng trở thành mồi mớm cho lời nói mang tính huyền thoại, rồi lại biến đi, nhiều đối tượng khác sẽ dành lấy chỗ để đi vào huyền thoại. […] huyền thoại là một lời nói [diễn ngôn] được lịch sử chọn lựa: không thể nào tự “bản chất” sự thể sự vật mà xuất hiện.”563
563 “tout peut être mythe, qui est justiciable d’un discours. Le mythe ne se définit pas par l’objet de son message, mais par la façon dont il le profère […] certains objets deviennent proie de la parole mythique pendant un moment, puis ils disparaissent, d’autres prennent leur place, accèdent au mythe. […] le mythe est une parole choisie par l’histoire: il ne saurait surgir de la “nature” des choses.” in Roland Barthes, Mythologies, coll. Essais, éditions du Seuil, 1957 (p. 193-194)
Phải chăng, những gì đã và đang diễn ra trong đời sống chính trị và học thuật ngay tại nước Pháp ngày nay, một lần nữa, đã chỉ ra một trong những ưu điểm của các nhà nghiên cứu Pháp, và văn hóa Pháp, là khả năng tự vấn564, tự trào565 hay tự hối lỗi, tự phê phán566? Tự vấn không chỉ giới hạn ở đối tượng của diễn ngôn, mà ngay cả về sự hình thành và biến hóa, biến tướng của diễn ngôn… Cũng là “di sản (thời) thuộc địa” (legs colonial), nhưng cách nhìn của mỗi bên, mỗi nơi, mỗi thời, mỗi người có khác nhau. Nhân đây, tương tự như điều đã thấy ở quá trình phát triển các ngành nghiên cứu khác có liên quan đến “diễn ngôn” như ngôn ngữ học, xã hội học, dân tộc học chẳng hạn, đặc biệt từ giữa thế kỷ XX, phải kể đến một yếu tố hoàn toàn khách quan đã tạo lợi thế cho các sử gia hiện đại: sự ra đời của máy ghi âm, ghi hình, tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu lưu trữ dữ liệu thực địa thực tế để theo đó phân tích, đối chiếu, chứng minh, với những nhân chứng567, vật chứng nhất định.
564 Dạng “Lettres persanes” của Montesquieu hay “Les carnets du Major Thompson” của Pierre Daninos; xem thêm công trình của nhà nghiên cứu người Anh Théodore Zeldin về người Pháp và nước Pháp: “Histoire des passions françaises 1848-1945” (5 tomes, Seuil, 1979-1981)
565 Như các vở kịch của Molière dạng “Le bourgeois gentilhomme”, hay văn hóa biếm họa theo dòng lịch sử nước Pháp: Michel Ragon, “Le dessin d’humour – Histoire de la caricature et du dessin humoristique en France” (éd. du Seuil, coll. Point Virgule, 1992)
566 Những lời xin lỗi chính thức, dù muộn màng, của Nhà Nước Pháp đối với những vụ như “Vel’d’Hiv” liên quan đến việc bắt bớ người Do Thái để giao nộp cho phát-xít Đức: “Le discours du Vel d’Hiv: un moment fort de la présidence Chirac” (AFP, Le Point 26/9/2019); gần đây hơn là “Báo cáo Stora” về cuộc chiến tại Algérie: “Rapport Stora: “La première pierre d’un édifice amené à se construire au travers des années” (marianne.net)”, v.v.
567 Công trình của Pierre Daum chẳng hạn: “Immigrés de force – Les travailleurs indochinois en France (1939-1952)”, éd.Solin – Actes Sud 2009.
Cuối cùng có thể nêu ra hai câu hỏi. Một, có những đế chế, đế quốc nào đã thực sự noi theo phong cách nhìn lại chân thực của người Pháp, của các sử gia Pháp, công khai phân tích hay chính thức nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ xâm chiếm đô hộ nước khác, áp bức bóc lột người bản địa? Hai, thái độ ngày nay, không sao né tránh được, là “đối xử”568 như thế nào đây với ký ức về những “con người cựu trào tự mặc định sứ mệnh khai phá, khai mở hay khai hóa (ex-colonisateur) những vùng đất bị xem là sơ khai (primitif)”, tưởng chừng như đã chìm sâu vào dĩ vãng xa xăm thời thuộc địa hoàng kim?
568 “Mémoire de la colonisation et de l’esclavage: “La meilleure des pédagogies, ce n’est pas de déboulonner les statues”, selon l’historien Pascal Blanchard” cf. https://www. francetvinfo.fr/culture/patrimoine/histoire