Vè Thất thủ Kinh đô như cho thấy con mắt, cái nhìn con người bản địa, chỉ có thể “mục sở thị” những diễn biến, những nhân vật đang trong chuyển động trước mắt: bài vè ghi nhận biến cố như một “trường thi”, gieo vần gieo điệu thi vị hóa, qua đó cõi dân vạn đại thử kết nối cái mắt thấy với một cách diễn giải đơn sơ, nhiều cảm tính, về các sự kiện. Đâu là nguồn cơn sâu xa của biến cố? Số phận tại An Nam đây đã được định đoạt ở tận đâu một châu lục xa xôi cách một phần tư vòng quả đất? Những “sử liệu” vừa nêu thuộc bộ BAVH là của những người Pháp trực tiếp trải nghiệm lịch sử tại thuộc địa Đông Dương, lại gần như không có kết nối diễn giải với những gì đang diễn ra ở chính quốc, ở tận cõi trời Âu đang bước vào giai đoạn kiện toàn thể chế “quốc gia-dân tộc” (Etat-nation513) theo nghĩa hiện đại. Mà vì sao việc chiếm thuộc địa là một nhiệm vụ, một sự thể hiển nhiên? Người bản địa đọc “sử nước mình” sẽ như bị khuôn định về không gian: diễn ra như riêng tại địa bàn xứ An Nam, và mặc định về thời gian: hậu bán thế kỷ XIX, từ những phát súng đầu tiên của tàu chiến Pháp tại vịnh Đà Nẵng, năm 1847 rồi năm 1858, đến giai đoạn “tứ nguyệt tam vương” rối loạn tại triều đình Huế sau khi vua Tự Đức băng hà… Thời đoạn bị hạn chế, tầm nhìn như bị khống chế thu rút vào không gian trước mắt. Chuyện gì đang xảy ra tại châu Âu vào những năm 1884-1885? Nước Pháp là loại “mẫu quốc” nào (theo hai nghĩa “métropole” và “modèle”!) khi khoác lấy những tham vọng vừa mở rộng lãnh thổ (expansion coloniale), vừa mở rộng “sứ mệnh nhân văn” (mission civilisatrice), khi áp đặt chế độ thuộc địa và bảo hộ tại vương quốc Đại Nam? Vào tháng 7 năm 1885, vừa khi kinh đô nhà Nguyễn rơi vào tay lực lượng Pháp thì, ngay tại chính trường Pháp ở thủ đô Paris, chuyện gì đang diễn ra, những gì đang gây tranh cãi?
513 Theo như cách nói của Edgar Morin: “L’Etat-Nation est à la fois création et créateur de l’Europe moderne”, trong L’Etat-Nation. Trong G.Delannoi & P.-A. Taguieff, (Eds.), Théories du nationalisme, Paris, éditions KIME, 1991 (p. 319-324).
Chuỗi vấn đề nằm trong tính toán địa chính trị toàn cầu: trong suốt thế kỷ XIX, các cường quốc phương Tây gia tăng cạnh tranh về khu vực ảnh hưởng trên tất cả các mặt, nước Pháp đương thời không là một ngoại lệ về tham vọng địa chính trị. Tại châu Âu, các cường quốc đương thời, gồm 11 nền quân chủ châu Âu, nước Pháp, Đế chế Ottoman và Mỹ, đã dành hơn 3 tháng trời, từ ngày 14 tháng 11 năm 1884 đến ngày 28 tháng 2 năm 1885, để bàn thảo tại Hội nghị Berlin514, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Đức Otto von Bismarck, nhằm đề ra các nguyên tắc phân chia khu vực ảnh hưởng tại châu Phi. Từ thời điểm đó bắt đầu sự bùng nổ việc mở rộng, tranh giành chiếm đóng thuộc địa không sao tránh khỏi giữa các cường quốc phương Tây. Sau châu Phi thì đến lượt các châu lục khác…
514 Acte général de la conférence de Berlin de 1885. Date: 26 février 1885. Objet: La conférence qui réunit à Berlin les représentants de 14 pays européens, de novembre 1884 à février 1885, a pour objet de régler pacifiquement les litiges relatifs aux conquêtes coloniales en Afrique. Source: https://mjp.univperp.fr/traites/1885berlin.htm#:~:text=Objet%20%3A%20La%20 conférence%20qui%2aux%20conquêtes%20coloniales%20en%20Afrique.
Theo với Hội nghị Berlin, chuyển biến chính sách đang diễn ra theo chiều hướng nào tại ngay nước Pháp vào tháng 7 năm 1885? Theo với trào lưu công nghiệp hóa, nước Pháp hiển nhiên cần mở rộng các khu vực ảnh hưởng có tiềm năng cung cấp nguyên vật liệu thô, đồng thời tìm những thương trường cho xuất khẩu hàng hóa chính quốc, thành một vòng tuần hoàn mới thu lợi được nhiều hơn nữa, trực tiếp hơn nữa515… Nước Pháp khi nhòm ngó sang các vùng đất châu Phi, châu Á đã là nền Đệ Tam Cộng hòa (IIIè République,1870-1940), chính danh là một chế độ cộng hòa đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát (valeurs universelles) của Cách mạng Pháp 1789. Tuy nhiên, cái “nhân văn nhân bản” phát đi từ Tuyên ngôn Nhân quyền (26 tháng 8 năm 1789) rồi cũng như mờ đi hay được “diễn giải lại”516 trước những xu hướng chính trị theo áp lực của tư bản công nghiệp: những diễn biến chính trường517 dưới nền Đệ Tam Cộng hòa của Pháp có thể cho thấy sự đối đầu nghị trường công khai giữa các khuynh hướng chính trị, có liên quan và tác động đến những diễn biến ở đất nước Đại Nam xa xôi…
515 So với “thương mại tam giác” (“commerce triangulaire”) trong nhiều thế kỷ trước đó: buôn nô lệ từ châu Phi sang châu Mỹ, sản vật (bông vải, đường, thuốc lá, kim loại quý) từ châu Mỹ sang châu Âu, hàng hóa rẻ tiền từ châu Âu sang châu Phi, rồi cứ như thế quay vòng.
516 “LA FONDATION DU RÉPUBLICANISME COLONIAL. RETOUR SUR UNE GÉNÉALOGIE POLITIQUE”, Pascal Blanchard et Nicolas Bancel La Découverte | “Mouvements” 2005/2 n°38 (p. 3)
517 Eric Schmieder, “La Chambre de 1885-1889 et les affaires du Tonkin”, in Revue française d’histoire d’outre-mer, tome 53, n°192-193, 1966 (p. 153-214)
Jules Ferry518 (1832-1893), về mặt đối ngoại, là khuôn mặt hàng đầu chủ trương mở rộng thuộc địa, đứng đầu phái “thuộc địa hóa”, đặc biệt thái độ của ông đối với bán đảo về sau sẽ được gọi là “Đông Dương” (“péninsule indochinoise”): ông tích cực tán thành việc chiếm đóng vùng Bắc Kỳ đến mức có biệt danh là “gã Bắc Kỳ” (“Ferry (le) Tonkinois”). Và đằng sau một thái độ chính trị “thực dân” (colonialiste) là cả một nền tảng ý thức hệ về chủng tộc, rõ ràng về “kỳ thị chủng tộc”. Tin tức về biến cố “kinh thành thất thủ ngày 5 tháng 7”, theo dương lịch, chỉ mất một hay hai ngày để về đến chính quốc: báo Le Figaro đưa tin vào ngày 6/7/1885. Trong cuộc đấu khẩu tại Quốc hội về chính sách thuộc địa (vào ngày 28 tháng 7 năm 1885, hơn ba tuần sau ngày lực lượng của tướng De Courcy chiếm đóng kinh thành Huế), J. Ferry nói519:
518 Đối với những cải cách trong nước, ở vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1879-1883), J. Ferry là người đặt nền móng cho chế độ “giáo dục công lập, thế tục hóa, miễn phí và bắt buộc” tại Pháp.
519 Bài phát biểu của Jules Ferry có tựa đề: “Les fondements de la politique coloniale” (“Nền tảng chính sách thuộc địa”).
“Những chủng tộc thượng đẳng, nghĩa là những xã hội phương Tây đã đạt đến một trình độ phát triển cao về kỹ thuật, khoa học và luân lý, vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đối với những “chủng tộc hạ đẳng”, nghĩa là những dân tộc chưa đặt chân vào con đường của tiến bộ. Đó là những quyền và nghĩa vụ của “nền văn minh” đối với “sự man dã”.
[…] Ở khắp mọi nơi, phải đẩy lùi những thế lực cổ xưa của sự ngu dốt, mê tín, sợ hãi, áp bức giữa người với người. Như thế, về cơ bản, hành động đem lại văn minh [cho các chủng tộc hạ đẳng] được xác định như là một công việc giải phóng [“œuvre d’émancipation” sic]: với công việc này, thông qua công việc này, sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại sự bất công, sự nô lệ, sự khuất phục trước “Bóng đêm Ma quỷ” [“les Ténèbres” sic], một công việc đấu tranh đã được tiến hành từ hơn một thế kỷ nhân danh tinh thần Khai Sáng”520.
520 Michel Winock, “Une République très coloniale - La colonisation en procès”, p. 4, mensuel N°302 daté octobre 2005: el-302https://www.lhistoire.fr/parution/mensu
Sử gia Michel Winock gọi đó là một lối “lập luận có sắc màu nhân đạo” (argument humanitaire). Nhưng theo M.Winock, mưu đồ “thuộc địa” thực sự của J. Ferry, là chính trị và kinh tế:
“Lập luận thứ nhất [của Jules Ferry] mang tính chính trị. Mười bốn năm sau thất bại trước nước Phổ, Ferry mong muốn đóng góp vào việc đưa nước Pháp trở lại ngang hàng với các nước đứng đầu. Ferry nói đến “sự cần thiết có trên các vùng đại dương những vùng hậu cần, những nơi trú thuyền, những cảng quốc phòng và cung ứng”. Ferry nhấn mạnh đến sự “cạnh tranh”, sự tranh đua giữa các cường quốc, sự tăng trưởng dân số và kinh tế của các nước láng giềng, và rồi nói to lên: “Chính sách trầm tư đắn đo521 hay bỏ cuộc, đó là con đường rộng mở dẫn đến sự suy đồi [quốc gia]”. Đối mặt với những người theo khuynh hướng quân chủ (monarchistes) còn rất đông đảo, Ferry muốn chứng minh với các đối thủ chính trị là những “ý đồ tham vọng lớn”, những “tư tưởng lớn” không phải là đặc quyền của những chế độ đã suy sụp, và rằng một “chế độ dân chủ” [khuynh hướng cộng hoà522] cũng có khả năng có những ý đồ và tư tưởng lớn. Nhiệm vụ và bổn phận của một chính phủ dân chủ là mang đi gieo trồng khắp nơi “ngôn ngữ, tập quán, lá cờ, lực lượng vũ trang và tinh thần tài năng [của tổ quốc]”.
521 “Politique de recueillement” (sic), cf. “L’Histoire militaire de la France, de 1871 à 1940” (tome 3, sous la direction de Guy Pedroncini) chap. VI, p. 119
522 “LA FONDATION DU RÉPUBLICANISME COLONIAL. RETOUR SUR UNE GÉNÉALOGIE POLITIQUE”, Pascal Blanchard et Nicolas Bancel La Découverte | “Mouvements” 2005/2 n°38 | pages 26 à 33
Nhưng, cùng thời gian đó, không phải tất cả các nhà chính trị đều ủng hộ cách tiếp cận của J. Ferry về vấn đề thuộc địa. Georges Clémenceau523 (1841-1929), vào ngày 31 tháng 7 năm 1885, đã nổi tiếng với bài phản bác J. Ferry ngay tại Quốc hội, có tựa đề: “Thuộc địa hóa có là một bổn phận khai hóa [văn minh]?” (“La colonisation est-elle un devoir de civilisation?”):
523 “Un retour sur la question coloniale - Quand Georges Clemenceau condamnait Jules Ferry” in Le Monde diplomatique, novembre 2001, p. 28
“Các chủng tộc thượng đẳng có một quyền thực thi trên các chủng tộc hạ đẳng: quyền này theo một sự biến hóa đặc biệt, lại đồng thời là một bổn phận về [đem lại] văn minh. Đó là những câu từ nguyên văn của luận điểm của ông Ferry, để rồi theo đó chính phủ Pháp thực thi quyền như thế đối với các chủng tộc hạ đẳng bằng cách đi đánh nhau chống lại những chủng tộc này, để ép buộc các chủng tộc hạ đẳng phải theo những điều tốt đẹp của văn minh. Chủng tộc thượng đẳng chăng? Chủng tộc hạ đẳng chăng? Nói thật nhanh là như thế! Về phần tôi, tôi đặc biệt đánh giá thấp [một quan niệm như vậy] từ khi tôi chứng kiến các nhà bác học Đức chứng minh “một cách khoa học” rằng nước Pháp đã phải thua trận chiến Pháp-Phổ vì lẽ người Pháp thuộc chủng tộc hạ đẳng so với người Đức. Kể từ đó, tôi xin được thú nhận, tôi phải cân nhắc kỹ điều này: khi tiếp xúc với một con người hay một nền văn minh, tôi có thể nào thốt lên, con người này hay nền văn minh này là hạ đẳng! Người Hindu [Ấn Độ] là chủng tộc hạ đẳng? Họ sở hữu cả một nền văn minh vĩ đại hết sức tinh tế từ hàng ngàn năm, nơi xuất phát đạo Phật vĩ đại lan truyền từ Ấn độ sang đến Trung Hoa, với bao phát triển thăng hoa rực rỡ về nghệ thuật mà ngày nay chúng ta còn được chiêm ngưỡng ở những đền đài di tích nguy nga tráng lệ! Người Trung Hoa, một chủng tộc hạ đẳng? Khi họ đã sở hữu cả một nền văn minh lâu đời chưa được khám phá hết, đã phát triển đến tột cùng? Khổng Tử với Khổng giáo, xếp vào loài hạ đẳng?”524
524 Georges Clemenceau, “La colonisation est-elle un devoir de civilisation?”: Georges Clemenceau (31 juillet 1885) - Histoire - Grands discours parlementaires - Assemblée nationale (assemblee-nationale.fr)
Như vậy, không phải tất cả người Pháp tại chính quốc đều cùng quan điểm hay lập luận của Jules Ferry. Nhưng vì nhiều lý do hay động cơ khác nhau525, như ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển chính quốc thay vì tiêu tốn nguồn lực ở những vùng đất xa xăm… Nội các J. Ferry, trước đó, đã phải từ chức vào ngày 30 tháng 3 năm 1885, vì một chuyện “nơi thuộc địa xa xôi”: việc lui quân ở mặt trận Kỳ Lừa - Lạng Sơn bị xem là một thất bại quân sự thảm hại, trở thành “vụ việc Bắc Kỳ” (“affaire du Tonkin”) do từ hai bức điện không chính xác của tướng Brière de l’Isle. Và rồi tức khắc sau đó vì một chuyện “sát sườn” với các nhà tư bản chống lưng cho chính phủ: với tin tức như vậy từ chiến trường, rồi phản ứng ở nghị trường, trái phiếu chính phủ sụt giảm 3% giá trị tại thị trường chứng khoán Paris!
Những người Pháp, sinh sống tại kinh thành Huế, viết trong BAVH, khi bàn trở lại biến cố “bẫy sập tại Huế”, có còn lưu tâm ghi nhớ những tranh luận nghị trường như thế ngay tại chính quốc chỉ vài thập kỷ trước? Những lập luận thượng đẳng/hạ đẳng của J. Ferry sẽ vẫn còn ăn sâu vào tâm thức những con người thực dân: chiếm thuộc địa là làm “công đức văn minh” cho người bản xứ. Lập luận của J. Ferry chính là “phần hồn” của công cuộc thuộc địa hóa, tạo ra một “động lực tinh thần” cho mọi hành động mưu toan tại xứ bản địa526. Công bằng mà nói, chuyện thuộc địa hóa không riêng gì là người Pháp: người Anh tại Ấn Độ và Bắc Mỹ, người Đức tại Tây và Đông Phi, người Hà Lan tại Nam Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á, người Ý ở châu Phi, châu Á và vùng Balkan, người Bỉ ở Trung Phi… Khác chăng là cách tiếp cận ban đầu và cách xử lý vào giai đoạn phi thực dân hóa. Xét về lịch sử địa chính trị, từ xa xưa đến ngày nay, nhiều “đế chế” đã mở rộng lãnh thổ, áp đặt chế độ chính sách từ bên ngoài, gây chết chóc cho người bản xứ, thế nhưng lại như thoát tiếng “thực dân đế quốc”, phải chăng vì đã không hùng hồn tuyên bố ngay từ đầu thành một “học thuyết khai hóa” để trở thành một chính sách nhất quán của một Nhà Nước? Nhà Nước của nền Đệ Tam Cộng hòa ra đời và phát triển với rất nhiều tham vọng: củng cố ý thức quốc gia về mặt đối nội và mở rộng lãnh thổ cũng như ảnh hưởng về mặt đối ngoại. Và điều này, theo nhiều sử gia hiện nay, không hề là một mâu thuẫn, tự thân hay ngẫu nhiên, giữa những giá trị phố biến được nêu cao từ cách mạng Pháp 1789 và công cuộc khai hóa khai thác thuộc địa527. P. Blanchard và N. Bancel viết:
525 Jean-Numa Ducange, “La gauche et la question coloniale”, in Le Monde diplomatique n°805, avril 2021, p. 27
526 DG: Tại Việt Nam vào thời Pháp thuộc, rất nhiều con đường lớn được đặt tên “Jules Ferry”: Tại Hà Nội (nay là phố Hàng Trống), tại Đà Nẵng (nay là đường Trần Phú), thậm chí dựng tượng ở Hải Phòng. Ở Huế, như ngẫu nhiên, tên hai vị “danh nhân nước Pháp” giao cắt nhau ở bờ nam sông Hương, ngay ở góc đường có khách sạn Morin: “đường Jules Ferry”, nay là đường Lê Lợi, và “cầu Clémenceau”, nay là cầu Trường Tiền…
527 “LA FONDATION DU RÉPUBLICANISME COLONIAL. RETOUR SUR UNE GÉNÉALOGIE POLITIQUE”, Pascal Blanchard et Nicolas Bancel, La Découverte “Mouvements” 2005/2 n°38, p. 26-33
“Cuộc chinh phục thuộc địa trên năm châu lục, nhân danh những giá trị phổ biến và quyền con người, cho phép củng cố, ở ngay chính quốc, vừa chế độ cộng hòa (như vậy theo đó là quyền lực Nhà Nước), vừa cả những giá trị được những người theo khuynh hướng cộng hòa chủ xướng, những giá trị vốn sẽ đóng góp và đảm bảo cho tình cảm dân tộc. Như vậy, từ đó, động lực thúc đẩy cho một “Đại Pháp vĩ đại hơn nữa” [“Plus grande France” sic ] rõ ràng mang tính cách “cộng hòa” và hậu cách mạng [“républicain et post-révolutionnaire” sic ], đồng thời vẫn lấy cảm hứng (và hoàn toàn chủ ý xây dựng nên) từ một tâm tưởng biểu trưng quốc gia [“un imaginaire national” sic] vạch ra từ thời những cuộc Thập Tự chinh cái định mệnh [hay “sứ mệnh”] của nước Pháp là đi chinh phục. Vào mỗi cơ hội [lịch sử], người ta đã luôn nhận ra [nơi con người Pháp] việc tìm kiếm cái định mệnh mang tính phổ biến [với giá trị toàn cầu], là cái khả năng phát huy “mẫu hình Pháp”, được hiểu, được quan niệm như là độc nhất [vô nhị], phổ biến và thượng đẳng. Vì nước Pháp đòi hỏi sự bình đẳng giữa người với người nên nước Pháp, hơn bất cứ nước nào khác, có quyền mở rộng thuộc địa trên thế giới.”528
528 “LA FONDATION DU RÉPUBLICANISME COLONIAL. RETOUR SUR UNE GÉNÉALOGIE POLITIQUE” (p. 25): “L’épopée coloniale sur les cinq continents au nom des valeurs universalistes et des droits de l’homme permet de raffermir, en métropole, et le régime républicain (et donc le pouvoir de l’État) et les valeurs portées par les républicains, valeurs qui doivent contribuer à assurer le sentiment national. La dynamique de la Plus grande France est dès lors clairement républicaine et post-révolutionnaire, tout en puisant dans (et en construisant délibérément) un imaginaire national traçant, depuis les Croisades, le destin conquérant de l’hexagone. À chaque fois, on retrouve cette quête d’un destin universel capable de promouvoir le “modèle français” – par définition unique, universel, supérieur. C’est parce que la France revendique l’égalité des hommes qu’elle a, plus que d’autres, le droit de coloniser le monde.”
Trở lại với tương quan “Đại Pháp - Đại Nam” vào thời điểm “1885”, xét về trình độ phát triển đương thời, chỉ cần nhìn kỹ các bức hình chụp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để dễ dàng nhận ra sự tụt hậu thảm hại về quân sự quốc phòng của nước Đại Nam dưới thời vua Tự Đức. Đối mặt với một lực lượng Pháp trang bị vũ khí hiện đại thì người lính Việt Nam vẫn còn đi chân trần (chỉ có các quan là cân đai áo mũ hia ủng nghiêm chỉnh), với “mỗi đội 50 người lính chỉ có 5 khẩu súng, mỗi người chỉ bắn 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phải đền tiền”529! Nhưng sự yếu kém không chỉ là chuyện “cơ bắp”, đó còn là chuyện tại “(đất) Thần kinh (triều đình) trung ương”: như là sự lệch pha của lịch sử các dân tộc, trong khi ở đất nước bên bờ Đại Tây dương, J. Ferry giương cao ngọn cờ “Cộng hòa” để đối mặt với phe “vị Quân chủ” (monarchiste), thì ở bên này bờ Thái Bình dương, phe kháng Pháp tại triều đình An Nam, sau thất thủ kinh thành lại vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ “Cần Vương” trung quân ái quốc: vì vua mà xả thân cho đất nước… Người Việt Nam phải chăng đã trả giá đắt cho sự lệch pha về lựa chọn loại hình “tư tưởng chủ đạo” hay “ý thức hệ”530 của thời đại? Người Việt Nam thời đó chưa có tầm nhìn của người Nhật để quyết tâm lựa chọn: “hoặc là ngồi ngang hàng dự tiệc với các cường quốc, hoặc là nằm trên thực đơn bàn tiệc các nước lớn”531, như lời nhận xét của một trí thức người Nhật dưới thời Minh Trị (1868-1912).
529 Phạm Văn Sơn, “Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945) – Quân sử III”, Nhà xuất bản Sài Gòn 1971, t. 59.
530 “Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản: Vấn đề của việc diễn giải mang tính dân tộc chủ nghĩa lịch sử Việt Nam thế kỷ 19”, của MILTON E. OSBORNE, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 03/3/2020.
531 “Nous avons le choix entre la table des grands ou faire partie du menu”, trong “La puissance paradoxale”, revue L’Histoire, n° spécial 333 juillet-aout 2008 (p. 102)
Như thế, mở rộng tầm nhìn địa chính trị đương thời và thời đoạn lịch sử liên quan, biến cố “23 tháng 5” không bắt đầu từ căn cứ Tân Sở, từ phản ứng đối đầu của hai quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, được sử văn định danh là “phái chủ chiến”, mà từ một chuỗi dài hệ thống các mưu đồ và chính sách, khởi động từ khi nước Pháp lấy lại sinh lực một thập niên sau khi thất bại trước quân Phổ (1870-1871)532, có sách lược533 kể từ khi J. Ferry trở thành Thủ tướng nước Pháp (hai lần: 1880-1881; 1883-1885)… Hiểu biến cố lịch sử theo một thời đoạn tương đối dài như vậy, những từ như “đánh úp” hay “bẫy sập” (“guet-apens”), để áp trách nhiệm cho phe chủ chiến hay phía triều đình An Nam, trở nên hết sức tương đối… Mặt khác, khi đối chiếu thư từ công văn qua lại giữa các viên chức Pháp tại bản địa như Lemaire, Sylvestre, Brière de l’Isle, v.v. với các vị bộ trưởng ở chính quốc trong giai đoạn 1884-1885, độc giả ngày nay sẽ dễ dàng nhận ra các chủ ý và chuẩn bị cho các sự kiện tại kinh thành Huế534. Các sử gia ngày nay chỉ rõ hơn cái đàng sau của biến cố, một sự chuẩn bị từ Hà Nội:
532 “L’Histoire militaire de la France, de 1871 à 1940” (tome 3, sous la direction de Guy Pedroncini) chap. VI: “La marine française de 1871 à 1914” (p. 132-139)
533 Chính phủ J. Ferry, trước đó, đã thành công trong việc áp đặt chế độ bảo hộ tại Tunisie (hòa ước Bardo 1881), tiếp đó là Madagascar.
534 Nguyễn Quốc Trị, “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn”, quyển I, t. 355-365.
“Tại Bắc Kỳ, các lực lượng Việt Nam kháng cự từ năm 1883 với sự hỗ trợ của quân Cờ Đen, quân này chỉ chịu rút về Trung Hoa sau khi hòa ước Thiên Tân được ký kết [1885]. Để bẻ gãy sự kháng cự như thế từ phía Việt Nam mà chủ mưu là triều đình [tại kinh thành Huế], tướng De Courcy, nay đã rảnh tay với quân Trung Hoa, quyết định triển khai một sách lược được chuẩn bị ngay từ Hà Nội, đặc biệt do Sylvestre, “giám đốc dân sự vụ và chính trị” tại Bắc Kỳ lên kế hoạch: một cú ra đòn bất ngờ tại Huế để bắt giữ các quan phụ chánh [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết]. Nhưng Tôn Thất Thuyết đã ra tay trước vào [đêm ngày 4 rạng] ngày 5 tháng 7, tấn công lực lượng 1.100 quân của Pháp dưới quyền chỉ huy của tướng Roussel de Courcy bố trí ngay sát kinh thành Huế.”535
535 “LE CONTACT FRANCO-VIETNAMIEN”, Charles Fourniau, Trinh Van Thao, Philippe Le Failler et al., p. 41
Chỉ có thể quan niệm là nỗ lực nổi dậy kháng cự của hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết536 là tối hậu đường cùng, có chuẩn bị phương án, vì danh dự công thần, và, thật đáng tiếc… không thành công vì như tự tổ chức – tự đưa mình vào bẫy… Nhưng không thể quy kết537 cho hai ông tất cả những thất bại dẫn đến mất nước, thuộc trách nhiệm lèo lái của cả một triều đại vốn đã tụt hậu mọi mặt, cộng với sự chia rẽ suy yếu từ bên trong. Phải chăng, những “diễn ngôn quy trách nhiệm” cho hai đại thần Phụ chánh là “thuận lợi chính danh” cho sự can thiệp của người Pháp, và “thuận lòng thỏa hiệp” quyền bính quyền lợi của triều đình Huế từ triều Đồng Khánh trở đi? Với lại, dường như tất cả mọi việc đã được phía Pháp chuẩn bị “an bài” rất lâu trước đó (chậm nhất là từ mùa mưa năm 1884!) để lực lượng Việt Nam buộc phải nổ súng, kinh thành Huế buộc phải thất thủ, triều đình buộc phải bỏ chạy, một vị vua thân Pháp buộc phải lên ngôi… Nhân vật Jules Sylvestre đã nghiên cứu kỹ về xứ An Nam ở tất cả các mặt, đặc biệt về dân cư và kinh tế538. François Thierry viết:
536 Những lý do và tình cảm nào khiến “hoàng thân Ưng Lịch”, tức vua Hàm Nghi, ở chốn lưu đày Bắc Phi xa xôi vẫn còn nhớ đến quan Phụ chánh Tôn Thất Thuyết, và hỏi thăm tin tức gia đình của quan Phụ chánh, trong một bức thư gửi cho ông Thân Trọng Huề vào 1901? Cf. Amandine Dabat, “Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger” (p. 239)
537 Bài viết của Phan Khôi vào tháng 8 năm 1935 là điển hình cho thái độ phê phán hết sức nặng nề đối với đại thần Tôn Thất Thuyết: Tại sao tôi mạt sát ông Tôn Thất Thuyết | Nghiên Cứu Lịch Sử (nghiencuulichsu.com)
538 Jules Sylvestre, “L’Empire d’Annam et le peuple annamite – Aperçu sur la géographie, les productions, l’industrie, les mœurs et coutumes de l’Annam”, Paris 1889: Jules Sylvestre là Giáo sư ở Trường Khoa học Chính trị (Ecole des Sciences Politiques), so với J.Sylvestre, có thể nói De Courcy chỉ là một con người thiên về “cơ bắp”…
“Kế hoạch Sylvestre vạch ra như sau: “Tôi giả định là, một sáng nào đó, Tòa Khâm sứ nhận được tin là nhà vua [An Nam] đã cùng triều đình tẩu thoát, đồng thời lại đưa ra lời kêu gọi [nhân dân] nổi lên cầm vũ khí [chống lại quân Pháp] […]. Như thế tức thì các quan Phụ chánh sẽ bỏ Kinh thành Huế, đưa vua Hàm Nghi đi, vậy thì sẽ phải giữ ngay Chánh Mông tại điện vị này đang ở bên ngoài hoàng cung, phải giám sát chặt để ngăn vị này tự ý hay bị buộc phải đi theo [quan quân bỏ trốn khỏi kinh thành]: Chánh Mông sau đó sẽ được [phía Pháp] đưa về điện Thái Bình với nghi lễ thật long trọng […] để chính thức lên ngôi […] đồng thời có thể cùng lúc cho thành lập một hội đồng nội các mới [“Conseil de gouvernement” sic] chấp hành nhiệm vụ ngay tức khắc. Về các vị trí Thượng thư [trong nội các], tôi có thể đề nghị danh sách sáu vị được đề cử như sau”539. Kế hoạch vạch ra hoàn chỉnh vào ngày 19 tháng 11 [năm 1884] được trao cho các tướng Brière de l’Isle và Millot, nhưng kế hoạch chỉ được chuyển về Paris vào ngày 20 tháng 5 năm 1885.”540
539 Archives Affaires étrangères MD Asie 46, f°228-234
540 François Thierry, “Le trésor de Huê…”, p. 90-91.
Như thế, đâu là cái “mạng nhện”, và do phe nào giăng ra? Và phe nào sẽ là “con ruồi541” tội nghiệp, sẽ sa vướng vào lưới nhện, như cái tựa nhỏ542 gợi ý cho một mục trong sách của F.Thierry?
541 Trong tác phẩm “L’Empire d’Annam” (năm 1904), C. Gosselin vẫn viết theo hướng sự không chuẩn bị, vô tư lự của phía lực lượng Pháp, do tướng De Courcy chỉ huy, vào ngày hôm trước cuộc tấn công của phía Việt Nam, dù đã được công sứ De Champeaux và Giám mục Caspar cảnh báo (t. 198-199).
542 “La mouche et l’araignée”, in François Thierry, “Le trésor de Huê…”, p. 93.
“Sylvestre đã căng “mạng lưới nhện” [để bắt mồi]: ông hoàn toàn có đầy đủ thông tin về những chuẩn bị của Tường và Thuyết nhằm tránh để triều đình rơi vào tay của phía Pháp. Ngoài vấn đề bố phòng quân sự [phía Việt Nam], Sylvestre còn nắm chi tiết về vấn đề tài chính được nghiên cứu rất kỹ. Cũng như về tất cả những chuyển dịch đi lại của phu phen Việt Nam ở những vùng núi của Cam Lộ, việc vận chuyển ngân quỹ [phía triều đình] cũng không thoát khỏi lưới tình báo của phía Pháp. Trước đêm định mệnh mồng 4 tháng 7 năm 1885543, ngay từ tháng 6, các quan Phụ chánh đã lệnh cho một quan võ chỉ huy ngự lâm quân, đề đốc Bích, cho di chuyển kho báu của hoàng gia đến một nơi an toàn, một phần đưa về Tân Sở, một phần phân bố ở các tỉnh phía bắc. Vào những ngày đầu của tháng 6, nhiều nhân chứng, đặc biệt là các vị thừa sai và người Việt có đạo, đã báo cho công sứ và các vị phụ trách lãnh sự phía Pháp về các đoàn dài phu khuân vác. Do đó, Jules Sylvestre, đang ở tại Hà Nội, đã được báo cáo rằng ở Huế, người ta thấy “từng đoàn dài vận chuyển tiền của, đầu tiên về hướng Cam Lộ, tiếp đó về hướng Lào và các tỉnh phía bắc kinh thành.”544
543 DG: Tối ngày 22 qua rạng sáng ngày 23 tháng 5 âm lịch, ngày “Thất thủ Kinh đô” theo cách gọi truyền thống của người Huế về ngày này.
544 François Thierry, “Le trésor de Huê…”, p. 94-95
Trong khi báo chí Pháp đưa tin545 về vụ “cái bẫy phục kích” tại kinh thành Huế chỉ một hai ngày sau đó, thế nhưng, những tuần tiếp sau biến cố kinh đô nhà Nguyễn mất vào tay quân Pháp, tại nghị trường thủ đô Paris, không hề thấy đề cập đến sự kiện tại An Nam. “Kinh đô Huế” thất thủ, hay “chiếm được”, là việc hiển nhiên theo với nền tảng “nhân văn thuộc địa hóa” đề xướng bởi Jules Ferry? Gần cả vạn người dân bản địa thương vong546 chỉ là chuyện tiểu tiết trong tiến trình mưu đồ lớn hơn về địa chính trị? Những diễn tiến tại Đông Dương, trước đó và những thập niên về sau, cung cấp câu trả lời đầy đủ hơn về sách lược của người Pháp…
545 Tờ Le Figaro đưa tin vụ “Guet-apens de Huê” vào ngày 6 tháng 7 năm 1885!
546 Claude-Antoine Poupard, “Souvenirs d’un troupier: la prise de Huê; colonnes de police” in BAVH 3-4/1939: “Nos pertes [côté français] furent sensibles, 5 officiers, 87 hommes gradés et soldats tués […] Les pertes de l’ennemi [annamite] furent très élevés. Nous avons brûlé, ne pouvant les enterrer, 1800 cadavres: aux dires des missionnaires, le Père Rémy, 6000 blessés se trouvaient soignés dans un village, à dix kilomètres de Hué.” (p. 244-245)
Câu chuyện “chủng tộc”, “thượng đẳng/hạ đẳng”, “đối đầu văn minh văn hóa” đã là chuyện của những “ngày xa xưa” xa xôi xa vời nào đó, chìm khuất đi trong biên niên sử những thế kỷ trước? Thời sự ngày nay, ở khắp các lục địa, vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, đã cung cấp những tín hiệu đáng sợ về sự ẩn hiện của những “hồn ma bóng cũ” của những thế kỷ trước: bạo lực và bạo động, từ âm ỉ đến bùng phát, do từ đối đầu tín ngưỡng, từ khác biệt về thang giá trị văn hóa, do từ kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giữa cộng đồng bản địa với người nhập cư…
Báo Le Petit Parisien đưa tin cái “bẫy sập tại Huế” vào ngày thứ Tư 8 tháng 7 năm 1885547
547 Nguồn: galllica.bnf.fr