Hội học thuật “Association des Amis du Vieux Huê” (AAVH, theo tên gọi thời đó “Hội Đô thành Hiếu cổ”) do những người Pháp làm việc và sinh sống tại Kinh thành Huế đề xướng, và theo đó ra đời tập san “Bulletin des Amis du Vieux Huê” (BAVH, “Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ”). Khi điểm lại toàn bộ các bài viết trong bộ BAVH, hiển nhiên thấy xuất hiện rất nhiều bài viết liên quan gần xa đến những sự kiện diễn ra trước và sau biến cố “23 tháng 5 năm Ất Dậu”:
Liên quan đến căn cứ Tân Sở:
• BAVH số 3/1914: “Une capitale éphémère: Tan-So” của H. De Pirey;
• BAVH số 4/1923: “Une page de l’histoire du Quang Tri, septembre 1885” của M.Jabouille; “La mort de Nguyen Van Tuong, Ancien Régent d’Annam” của A.Delvaux;
• BAVH số 1/1929: “Les postes militaires du Quang Tri et du Quang Binh en 1885-1890” của L.Cadière và H.Cosserat;
Liên quan đến cảnh quan Huế vào năm 1885 và quá trình hiện diện chính thức của phái bộ Pháp :
• BAVH số 1/1916: “La légation de France à Hué et ses premiers titulaires (1875-1893)”491 của A.Delvaux; “Le Hué de 1885” của R.Orband;
491 Bài dành rất nhiều trang cho sự kiện “23 tháng 5” từ góc độ của phía Pháp: quan điểm và chính sách của từng người đại diện đối với việc áp đặt chế độ bảo hộ tại An Nam.
• BAVH số 3/1918: “Les rues de la Concession de Hué” của chỉ huy Donnat;
Liên quan đến việc lên ngôi của vua Hàm Nghi, và áp lực của phía Pháp, cho đến khi bị Pháp bắt:
• BAVH số 2/1917: “L’intronisation du roi Hàm Nghi” của H.Le Marchant de Tigon;
• BAVH số 3/1924: “Comment on écrit l’Histoire: réception du colonel Guerrier à la Cour d’Annam le 17 août 1884” của H. Cosserat;
• BAVH số 3/1929: “L’aventure du roi Hàm Nghi”492 [dont Récit de Cao Luong, vieux notable du village de Quy Dat] của B.Bourotte
492 Bài rất chi tiết (t. 135-158), về các cuộc hành quân truy đuổi vua Hàm Nghi, cho đến phút cuối của Trương Quang Ngọc, với một số lời kể của các nhân chứng địa phương. Đáng chú ý, ở các trang 136 (bis), 142 (bis), 144 (bis) và 152 (bis), có các bản đồ do phía Pháp thiết lập, vạch ra con đường di chuyển của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, từ khi rời kinh thành Huế cho đến khi nhà vua bị bắt.
• BAVH số 3-4/1939: “1885-1890 – Le deuxième bataillon des chasseurs annamites” của C.Gosselin
• BAVH số 1/1944: “Quelques papiers du Capitaine Mouteaux” L.Cadière
Liên quan trực tiếp sự kiện Thất thủ Kinh thành:
• BAVH số 2/1920: “La prise de Hué par les Français, 5 juillet 1885” của A.Delvaux;
• BAVH số 4/1923: “La mort de Nguyễn Văn Tường” của A.Delvaux;
• BAVH số 4/1923: “Une page de l’histoire du Quang-Tri, septembre 1885” của M.Jabouille;
• BAVH số 3-4/1939: “Souvenirs d’un troupier: la prise de Hué; colonnes de police” của A.Poupard;
• BAVH số 3/1941: “Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam” của A.Delvaux (chap.V: “Nguyễn Văn Tường et Ton Thất Thuyết”; chap.XV: “Faits principaux du règne de Hàm Nghi”, của Lemaire; chap. XVI: “Le Général De Courcy – Guet-apens de Hué – Fuite de la Cour”; chap.XVII: “Court séjour du roi Hàm Nghi à Tân Sở”; chap.XVIII: “Réorganisation du Gouvernement annamite. Intronisation du Roi Đồng Khánh”; chap. XIX: “Traversée du Laos – Rentrée du Roi Hàm Nghi en Annam – Proclamations diverses”; chap.XX: “Le Prince Thuyết quitte le Roi Hàm Nghi, séjourne au Yunnam, puis se rend dans la province de Canton – Sa mort”; chap.XXI: “Poursuites dirigées contre le Roi Hàm Nghi – Sa prise”; chap.XXII: “Le Prince Hàm Nghi à Alger”; xem Avant- propos của Delvaux )
• BAVH số 1/1942: “Complainte annamite sur la prise de Hué par les Français” của E. Le Bris; “Le camp de Tan-So” của A.Delvaux;
Liên quan đến vua Đồng Khánh:
• BAVH số 3/1920: “L’intronisation du roi Dong-Khanh” của H.Cosserat;
• BAVH số 4/1920: “Au sujet du mariage de la deuxième fille de S.E. Nguyễn Hữu Độ avec Sa Majesté le Roi Đồng Khánh” của H.Cosserat;
• BAVH số 2/1924: “Les familles illustres de l’Annam – S.E. Nguyen Huu Do” của L.Sogny;
• BAVH số 3/1924: “Les fêtes du Têt en 1886 à Hué: promenade publique du roi [Đồng Khánh]” của H.Cosserat;
• BAVH số 1/1937: “Un sceau royal retrouvé en France” của L.Sogny. V.v.
Như vậy ngay từ tập 3 năm đầu tiên ra đời (1914) tại Kinh thành Huế dưới triều vua Khải Định, bộ BAVH đã có một bài viết liên quan trực tiếp đến biến cố “23 tháng 5”, có tựa đề “Une capitale éphémère: Tan-So” (“Một kinh thành đoản hạn: Tân Sở”), dưới ngòi bút của H. De Pirey, một nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Paris493. Bài viết này, theo cước chú, vốn được trình bày tại một buổi họp của hội AAVH vào ngày 24 tháng 6 năm 1914. Bài viết mở đầu như sau:
493 MEP: Missions Etrangères de Paris
“Tướng De Courcy đặt chân đến [Đông Dương] vào tháng 5 năm 1885 để thay cho tướng Brière de l’Isle. Vào tháng 6, vị tướng chỉ huy mới quyết định đi Huế, ngày 2 tháng 7, vị tướng đặt chân đến cảng Thuận An cùng với một đoàn quân gồm 19 sĩ quan và 1024 lính. Đêm ngày thứ Bảy 4 tháng 7, rạng sáng ngày Chủ Nhật 5 tháng 7, [quân đội của] tướng De Courcy bị tấn công bởi một lực lượng An Nam lên đến 30.000 quân. Tất cả những sự kiện đó vẫn còn ghi khắc trong tâm trí chúng ta. Ngày 9 tháng 11 năm 1910, trong một báo cáo hấp dẫn, đại úy Bastide thuộc lữ đoàn 9 thuộc địa đã trình bày lại cuộc tấn công được [phía An Nam] chuẩn bị thật tài tình khéo léo mà lịch sử đã lên án với tên gọi là “cái bẫy sập tại Huế”494. Đại úy đã cho chúng ta thấy sự kháng cự thật tuyệt vời của lực lượng Pháp với sự chỉ huy của trung tá Pernod, tiếp đó là sự trốn chạy của vua Hàm Nghi.”
494 Nguyên văn: “que l’histoire stigmatise sous le nom de guet-apens de Huê”
Bài biết của De Pirey đã cung cấp tương quan lực lượng hai bên: hơn một ngàn quân Pháp đối đầu với ba vạn495 quân An Nam, những con số không có kiểm chứng, nhất là về phía lực lượng An Nam. Tác giả muốn nhấn mạnh cuộc “chiến đấu dũng cảm” của quân Pháp dù quân số không cân xứng? Vụ tấn công là một cái “bẫy sập” (“guet-apens”!) do phía An Nam chuẩn bị từ trước. Có nghĩa là “lỗi” do từ phía triều đình An Nam thiếu thiện chí, không hợp tác, không chịu khuất phục? Cuối cùng, “lịch sử đã lên án”: “lịch sử” của ai, của người Pháp, của thời khắc áp đặt thuộc địa? “Lịch sử” lại như được thêm một “nhiệm vụ tu từ” để phân định kẻ thắng, người thua, kẻ chiếm đóng, người bị chiếm đóng, người “nhân nghĩa”, kẻ “phản nghịch”…
495 Trần Trọng Kim viết ở cước chú: “Việc Tôn Thất Thuyết đánh quân Pháp ở Huế, sử ta không nói rõ số quân ta là bao nhiêu. Mà sách Tây có nơi chép là 2 vạn, có nơi chép là 3 vạn. Nhưng cứ những người biết việc ở Huế lúc bấy giờ, thì quân ta cả thảy độ chừng non 2 vạn trở lại, chứ không hơn” (Việt Nam sử lược, t. 544)
Bài viết của De Pirey đặt trọng tâm vào hai điểm: mô tả “cách bố trí thành Tân Sở” và con đường đoàn ngự đạo của vua Hàm Nghi thoát đi từ rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, cũng như vai trò của hai quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Một điểm có liên quan (đến tác phẩm “Le trésor de Huê” của François Thierry) đó là đề cập đến kho báu tại Tân Sở:
“Cung vua còn gồm có một nơi lưu trú thứ hai […], mặt tiền về hướng nam, có tên gọi là “Tiền Đường” [?]. Bên phải và lùi lại phía sau có những nhà kho nơi cất giữ kho lẫm kho báu hoàng triều được vận chuyển từ Huế ra, những kho lương thực, vải vóc nhung gấm phục vụ cho nhà vua, v.v.
Người ta còn khẳng định với tôi là toàn bộ kho báu chín trăm năm mươi rương hòm, trong số này bốn trăm hòm chứa đầy vàng, và năm trăm rưỡi hòm chứa đầy bạc. Trên đường trốn chạy, nhà vua đã chỉ có thể mang theo một trăm hòm.”496
496 H. De Pirey (MEP), “Une capitale éphémère: Tan-So”, BAVH 3-1914, p.
Tiếp đó, De Pirey nói rõ: “Khi quân Pháp đến nơi [thành Tân Sở] thì kho báu đã trống rỗng. Trong vùng, người ta kể rằng, đức vua vừa dời đi khỏi Tân Sở thì tất cả đã bị lấy đi”497. Như thế câu chuyện “kho báu triều Nguyễn sau ngày thất thủ Kinh đô”, hay là “kho báu của vua Hàm Nghi”498 trên đường bôn tẩu, có thể đã bắt đầu với những mẩu chuyện truyền tai truyền miệng trong dân gian khi chứng kiến đoàn ngự đạo với nhiều rương hòm cồng kềnh di chuyển từ nơi này sang nơi khác kể từ Tân Sở. Cũng có thể câu chuyện kho báu được “khuếch tán” hơn nữa với những bài viết đồng dạng kiểu De Pirey… Trong khi chính De Pirey cũng thú nhận là “chỉ được nghe người ta kể lại”:
497 H. De Pirey (MEP), “Une capitale éphémère: Tan-So”, BAVH 3-1914, p. 220
498 - “Kho báu vua Hàm Nghi, sự thật và huyền thoại: Kết cục bi thương”: tienphong.vn
- “Theo dấu tích kho báu Vua Hàm Nghi” (NGUYỄN HỒNG LAM): daidoanket.vn
- “Những cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi”: thanhnien.vn
“Tôi đã đi tận nơi để xem những gì còn lại của thành [Tân Sở]. Tại chỗ, tôi đã hỏi han dân cư trong vùng, rất nhiều người trong số họ đã chứng kiến những sự kiện diễn ra vào năm 1885. Và hôm nay đây tôi xin trình bày kết quả của những cuộc điều tra cá nhân. Bản thân tôi không thể cam đoan về tính chính xác tuyệt đối của những thông tin mà người ta cung cấp cho tôi. Nhưng diễn biến lịch sử của giai đoạn này vẫn còn hết sức rối rắm, tôi nghĩ là không nên xem thường bất cứ nguồn thông tin tư liệu nào, dù cho về sau phải kiểm tra lại tất cả, rồi theo đó thanh lọc tất cả những chi tiết xem ra không chính xác.”499
499 H. De Pirey (MEP), “Une capitale éphémère: Tan-So”, BAVH 3-1914, p. 211
Nhưng kết luận bài viết là của De Pirey, từ quan niệm và chính kiến của De Pirey, đối với những người bị cho là chịu trách nhiệm về sự nổi dậy:
“Ngày càng chắc chắn rằng nỗ lực lớn lao [nổi dậy từ phía An Nam] có mục đích không phải là vì đức vua hay vì vương triều, mà đó chỉ là một phương sách do từ tham vọng của Nguyễn Văn Tường, nhằm mở rộng ngôi vị quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Trong cả vùng Mai Lộc, mọi người đều nhất trí cho rằng Nguyễn Văn Tường cho thiết lập căn cứ Tân Sở với mục tiêu được ấp ủ là loại bỏ đi nhà vua và cả Tôn Thất Thuyết, nhằm đưa con trai của mình lên ngôi, và, nếu có thể, thì có sự giúp đỡ của nước Pháp.
Đó là sự phê phán của những con người bình thường. Là không đúng, hay chính xác là như vậy? Tôi không thể đưa ra câu trả lời. Nhưng khi lịch sử đưa ra phán xét cuối cùng về con người [Nguyễn Văn Tường] mà nước Pháp đã đưa đi đày đến hơi thở cuối cùng, thì lịch sử cũng sẽ phải soi rọi xem xét những nhận thức từ những ai đã chứng kiến ông Tường hành xử và đã chịu bao đau khổ do từ chủ trương của ông Tường.” 500
500 H. De Pirey (MEP), “Une capitale éphémère: Tan-So”, BAVH 3-1914, p. 220
Một chân dung như vậy về Nguyễn Văn Tường có đúng với tuồng diễn biến của biến cố hay nhân cách của quan Phụ chánh hay không501? Bài của De Pirey có thể xem là “bản nhạc dạo đầu” của BAVH và AAVH về “sự kiện 1885”. Tập BAVH số 2 tháng 4-6, năm 1920, có một bài dài của Adolphe Delvaux, nhà truyền giáo thuộc MEP, có tựa đề “La prise de Hué par les Français (le) 5 juillet 1885” (“Người Pháp đánh chiếm [kinh thành] Huế ngày 5 tháng 7 năm 1885”), thuật lại thật chi tiết biến cố “thất thủ kinh đô”. Theo bốn phần: I. Nguyên nhân và chuẩn bị [quân cơ], II. Tướng De Courcy đến Huế, III. Thế phòng thủ, IV. Thế phản công, V. Sau khi chiến thắng (tổng cộng là 35 trang, t. 259-294). Cước chú cho biết, bài viết được trình bày tại buổi họp thường kỳ của AAVH vào ngày 9 tháng 9 năm 1919. Đáng chú ý là dòng tiếp theo của cước chú nêu rõ nhận xét của một “người trong cuộc” tầm cỡ:
501 Công trình của Nguyễn Quốc Trị cung cấp một chân dung hoàn toàn khác: Nguyễn Quốc Trị, “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020).
“Đức Cha Caspar [1841-1917], nguyên là giám mục tại Huế, viết [nhận xét] cho tác giả [A.Delvaux] về báo cáo này vào ngày 6 tháng 4 năm 1914 như sau: “Việc đọc những trang báo cáo này thật thoải mái. Người đọc không cảm thấy bất cứ cảm giác chỏi nào với sự thật lịch sử. Các sự kiện nối tiếp nhau, liền mạch thật hấp dẫn; vai trò của các quan phụ chính [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết] được phác họa ra một cách công bằng vô tư, với nguyên nhân đưa đẩy dẫn đến các sự kiện đã được nêu bật”.”
Như vậy bài viết của Delvaux đã được “ấn chứng” bởi một trong những nhân vật đã tham gia tích cực vào dòng sự kiện ngày “23 tháng 5” tại kinh thành Huế: trên đường rời kinh thành, đến đoạn Kim Long, Nguyễn Văn Tường đã vào gặp giám mục Caspar để nhờ trung gian thương thuyết với tướng De Courcy… Điều cần lưu ý, Adolphe Delvaux là người tham gia AAVH, bỏ nhiều công sức nhất cho việc tìm hiểu sự kiện năm 1885 tại Kinh thành. Ông viết trong Lời dẫn của một bài tổng kết dài trong tập BAVH số 3/1941 (t. 216):
“Không thể chối cãi là một trong những gương mặt kỳ lạ nhất trong lịch sử Pháp-An Nam chính là Hoàng thân Hàm Nghi. Từ gần bốn mươi năm nay, tôi đã tập hợp thành một bộ hồ sơ đặc biệt để ghi chép mọi chi tiết về con đường đi đi lại lại đầy phiêu lưu, với bao chuyện thăng trầm ly kỳ bi tráng của Hoàng thân. Ngay từ năm 1906, tôi đi khắp các vùng Mai Lãnh và Lào-Bão [sic], tham quan kỹ lưỡng nơi Hoàng thân rút về ở Tân Sở. Tôi đã phỏng vấn nhiều nhân chứng mắt thấy tai nghe, đã nghiên cứu cặn kẽ các công trình và bài báo liên quan đến giai đoạn đó, ngoài việc tham khảo các bài vè dân gian, tôi còn kín đáo âm thầm khai thác hàng đống tài liệu được lưu trữ ở Văn khố của Tòa Khâm sứ tại Huế.”
Một lưu ý khác, gần như tất cả các nguồn tham khảo hay tham chiếu được ghi nhận ở các cước chú là của các tác giả người Pháp và ít nhiều có tham dự vào biến cố ngày “23 tháng 5”, thậm chí là những nhân vật chủ chốt như Puginier, Sylvestre hay Caspar502! Ví dụ:
502 Adolphe Delvaux, “La prise de Hué par les Français (le) 5 juillet 1885” (BAVH, 2-1920): Về lời kể của Giám mục Caspar về tình hình kinh thành và ý đồ của tướng De Courcy, xem ở t. 267; về thái độ của ngay chính vị Giám mục tại Huế khi đến chào tướng De Courcy 2 ngày trước biến cố: “Ngay ngày 3 tháng 7, Giám mục tại Huế [Caspar] đến chào Tướng [De Courcy] và hai bên trao đổi ngay về tình hình chính trị. Giám mục lưu ý tướng quân là dân An Nam đông hơn bình thường và có vẻ náo nhiệt hơn bình thường, các chuyến đò ngược lên dòng sông một cách kỳ lạ. Tóm lại, tình thế không phải là không đáng lo” (t. 269).
Trong cuốn “Quân dân Việt Nam chống Tây xâm – Quân sử III” (t. 238), sử gia Phạm Văn Sơn hết sức nghiêm khắc về “tư cách làm trung gian” của nhà tu hành: “Hồi 11 giờ ngày hôm ấy, 05/7/1885, giữa lúc kinh thành còn đang khói lửa mịt mù, xác chết ngổn ngang, tiếng kêu khóc vì đạn lạc tên bay, vị bị hãm hiếp còn đang rên rỉ, thì Tường đã nhờ tên Tu sĩ gián điệp Caspar ở Kim Long đưa ông ra đầu hàng với De Courcy”.
Để minh chứng cách người An Nam tổ chức đề kháng theo truyền thống, tham khảo là một tác phẩm lịch sử Trung Quốc và xứ An Nam của người Pháp viết: “Histoire générale de Chine. Tome XII.p. 28 – Histoire de l’Annam, par Adr. Launay. p. 69” (cước chú (1), t. 260);
Để minh chứng về kế hoạch nổi dậy trên cơ sở tham chiếu “Hịch Cần Vương” của vua Hàm Nghi, tham khảo là: “L’Annam du 5 juillet 1885 au 4 avril 1886, par le Général XXXX (sic), Paris, chez Chapelot, 1901, p. 156” (cước chú (2), t. 260);
Để minh chứng sự can dự của nước Trung Hoa vào vụ việc tại An Nam, tham khảo là: “E.Louvet, Vie de Mgr Puginier, Hanoi chez Schneider, 1894, p. 386” (cước chú (2), t. 261);
Để minh chứng “kế hoạch diệt trừ người có đạo để thắng Pháp” với dự phần của người Trung Hoa, tham khảo là: “Vie de Mgr Puginier, p. 398”: “proclamation du commissaire Péng, gouverneur des deux Kouang dans: Documents chinois, par S.Couvreur. S J. 4è édit. 1906, à Ho Kiên Fou, p. 57, n°8.”. v.v.
Lần này với bài của Delvaux, tương quan lực lượng đối kháng có khác so với bài của Pirey: “Một nhân chứng người bản địa, căn cứ theo lượng lương thực phân phát cho quân lính chiến dịch, ước chừng quân số dưới quyền quan đại thần Thuyết khoảng chừng từ 5-6 ngàn người. Theo trích dẫn của R.B. từ Union-Indochinoise (1889) và Tướng XXXX, ước chừng số quân của Thuyết là 10 hay 12 ngàn người. Trong khi đó lực lượng của Tướng De Courcy là 1.387 người với 31 sĩ quan, gồm cả 363 người (với hơn 12 sĩ quan) thuộc lực lượng đồn trú ở Huế.”503 Tiếp đó, bài viết của Delvaux hết sức chi tiết trong cuộc đối đầu giữa hai lực lượng, theo từng mặt trận và theo từng thời khắc từ đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, rồi kết thúc với danh sách quân Pháp bị thương vong và rồi được tưởng thưởng504 (t. 274-291).
503 Adolphe Delvaux, “La prise de Hué par les Français (le) 5 juillet 1885” (BAVH, 2-1920, p. 272)
504 Adolphe Delvaux, “La prise de Hué par les Français (le) 5 juillet 1885” (BAVH, 2-1920, p. 274-291)
Liên quan đến của cải, bài viết có đoạn như sau: “Trong một căn phòng của Hoàng Thái hậu (bà Từ Dũ), người ta tìm thấy một khay bằng vàng khối, đường kính 50 – 60 cm, trên đó còn bữa cơm chưa dùng xong. Tại nhà hát, còn chất đống khoảng một trăm thùng nén bạc, dây buộc thùng bằng mây đã khá cũ.”505
505 Adolphe Delvaux, “La prise de Hué par les Français (le) 5 juillet 1885” (BAVH, 2-1920, p. 291)
Delvaux dành hai trang (t. 293-294) để kết thúc về vai trò của ông Tường sau khi “ra hàng” qua trung gian của giám mục Caspar… Như vậy, một số bài viết trong bộ BAVH liên quan đến ngày “23 tháng 5” cho người đọc biết được những thái độ khác nhau của những người Pháp, ở những vị trí khác nhau, đối với diễn biến tại kinh thành Huế, trước và sau khi nổ ra cuộc nổi dậy từ phía An Nam: cái nhìn gần như thuần tuý của người da trắng về sự kiện tại xứ da vàng… Để rồi, về sau, bao nhiêu sử gia bản địa đã căn cứ vào những bài như vậy để “viết sử nhà”506? Đã chịu ảnh hưởng trong chừng mực nào để, theo đó, về sau, viết lên “những trang sử Việt”? Hiển nhiên, khó có thể nào xem những tác giả người Pháp các bài viết trên đây về ngày “23 tháng 5” tại kinh thành Huế là thuộc nhóm “người ngoài cuộc507 khách quan và công bằng” (theo như cách phân định đã nêu trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ đối với các vị thừa sai đầu tiên đến châu Á), vì lẽ họ đã là một bộ phận “tham gia tích cực” vào quá trình thuộc địa hóa, thậm chí, trong một số tình huống nhất định, là một “bên tham chiến” (partie belligérante)…
506 “Thời kỳ thực dân, tự nó, dẫn đến việc công bố những sao lục quan trọng của người Pháp viết về lịch sử Việt Nam. Không đáng ngạc nhiên là phần lớn các công trình này cho thấy sự lệch lạc của quan niệm coi Pháp là trung tâm. Đặc biệt là trường hợp những ghi chép của Pháp về thời kỳ thực dân chuẩn bị trong thế kỷ XIX được viết bằng những ký ức về sự phát triển của nước Pháp còn hiện rõ trong tâm trí. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những nghiên cứu trước đây của người Pháp hẳn không được đánh giá đúng mức, do lan tràn những lệch lạc bắt nguồn từ quan niệm về tính ưu việt văn hóa và sứ mệnh khai hóa văn minh rất dễ nhận thấy.” Trong “Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản: Vấn đề của việc diễn giải mang tính dân tộc chủ nghĩa lịch sử Việt Nam thế kỷ 19”, của Milton E. Osborne, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 03/3/2020.
507 Nguyễn Thừa Hỷ, “Việt Nam, thế kỷ XVII, XVIII, XIX (qua các nguồn tư liệu phương Tây)” (t. 394-395).
Biến cố “thất thủ kinh đô” bắt nguồn từ sự chuẩn bị “đánh úp” (“guet-apens”) từ phía triều đình Đại Nam, từ sự chuẩn bị tại căn cứ Tân Sở của phe chủ chiến do hai quan Phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết âm mưu? Hay nguồn cơn là mưu đồ từ lâu của phía người Pháp, từ “chiến dịch tại Bắc Kỳ508”, đã nhắm sang vùng Trung Kỳ, muốn nhổ đi tận gốc rễ nguồn lực vật chất của triều đình Huế, tước đi tiềm năng kinh tế tài chính của vương triều? François Thierry viết:
508 Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonquin”, Hachette, Paris 1892.
“Theo một số hiếm hoi nhà nghiên cứu, việc người Pháp chiếm lấy kho báu triều đình nhà Nguyễn không phải với ý đồ nắm lấy những tài sản vô cùng lớn mà họ không hề biết về số lượng khối lượng, mà mục đích đầu tiên trước hết là tước đi hết mọi phương tiện tài chính vật lực [triều đình] có thể sử dụng để chống lại người Pháp, như là tài trợ cho đám Cờ Đen, mua vũ khí hiện đại từ Trung Hoa, v.v.”509
509 François Thierry, “Le trésor de Huê - Une face cachée de la colonisation de l’Indochine”, t. 31
Trong một thời gian dài, vì nhiều lý do: bối cảnh lịch sử không thuận lợi, khoảng cách lịch sử với sự kiện không lớn, tài liệu không đầy đủ hay chưa khai thác đến nơi đến chốn, đã đưa đẩy người “chép sử” (!) vào ba tình huống không mấy dễ chịu: nặng về thiên kiến định kiến (préjugés ou clichés), một phần trách nhiệm không nhỏ là do sự nhồi nhét “giáo khoa học đường” (didactique scolaire) trong một thời gian dài; nghiên cứu mang tính tư biện (spéculatif) thiếu nền tảng học thuật vững chắc; và lập lại thông tin tiếp nhận một cách cơ học (psittacisme), theo dạng “Tăng Sâm giết người”, lặp đi lặp lại để rồi cuối cùng thành chuyện hiển nhiên sự thật... Sự thiếu thốn tài liệu, dữ liệu, như Y. Tsuboï đã nhấn mạnh, phải chăng đã thêm muôn phần khó khăn cho công việc “ta chép sử ta”? Và rồi dẫn đến hiện tượng tiếng vang tiếng dội giữa trùng điệp núi rừng sử ca (écho), người đọc sử đã không sao nhận thức rõ nguồn gốc đích thực, cơ sở xác thực giữa các công trình nghiên cứu…
F. Thierry viết về thời khắc đoàn của vua Hàm Nghi phải chạy lánh sang đất Lào:
“Khi rời vùng Cam Lộ, đoàn ngự giá gồm chiếc kiệu của vua, bốn năm chiếc võng của các quan đại thần, mười con ngựa, ba con voi, 50 phu khuân vác, 200 lính cùng những chức quan nhỏ. Khi đến biên giới với nước Lào, đoàn đang ở trên sườn phía tây của dãy Trường Sơn, khu vực thung lũng [sông] Banghiang, phụ lưu của sông Mê Kông, dẫn về đến Xê Pôn [Tchepone]. Từ đây, ở phía tây-bắc có thể đi về Muong-Vang, rồi đến Mahasay (phía đông của Thakhek). Vào thời điểm đó, ở Lào đang là mùa mưa, năm đó, mưa gió lại rất dữ dội: đường đi lầy lội, khó di chuyển, hẹp và nhiều hố bùn. May mắn là người lãnh đạo địa phương của Mahasay gửi đến năm viên chức cao cấp để dẫn đường, giúp cho đoàn ngự giá đi băng qua tỉnh này. Để cảm ơn sự giúp đỡ, Tôn Thất Thuyết đã trao 4 con ngựa và mười khẩu súng. Nhưng chính quyền tại Bangkok vốn kiểm soát vùng này đã tức thì triệu tập người lãnh đạo tại Mahasay và phạt tiền lên đến 1600 ticals510 bạc (khoảng 2400 quan Pháp) và tịch thu quà tặng của ông Thuyết vì tội: cho đoàn người Việt Nam trên đường trốn chạy đi qua mà không báo cho triều đình tại Bangkok.”511
510 DG: Đơn vị tiền tệ xưa của Myanmar và nước Xiêm (Thái Lan), tương đương 3 quan Pháp vào năm 1866.
511 François Thierry, “Le trésor de Huê - Une face cachée de la colonisation française en Indochine”, t. 29-130
Không ngạc nhiên nếu độc giả có thể tìm lại gần như tất cả các chi tiết sự kiện trên đây trong bài viết “Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam” của A.Delvaux vào năm 1941, đặc biệt ở chương XIX: “Traversée du Laos – Rentrée du Roi Hàm Nghi en Annam – Proclamations diverses”512… Ngày nay, những kho lưu trữ được mở ra cho tất cả các nhà nghiên cứu, đã giúp củng cố chứng cứ cho các công trình sử học, để trở nên thuyết phục hơn. Nhưng độc giả vẫn phải tỉnh táo để nhận ra “tiếng dội tiếng vang” ở cõi “rừng trúc sử xanh”, sự “thẩm thấu” (osmose) qua lại, đầy cám dỗ, giữa những trang giấy úa vàng…
512 “Au Laos, c’était la saison des pluies, particulièrement rigoureuse en 1885, avec ses rivières débordées, ses plaines inondées, ses miasmes paludéens mortifères. La suite du jeune roi, étendu bien malade dans sa chaise à porteurs, comptait 4 ou 5 palan- quins, dix chevaux, trois éléphants, 50 porteurs de bagages et environ 200 soldats et mandarins de tout grade. Le Châu-Mường (chef de province) de Mahasay, appelé TONG HOM, prévenu officieusement de l’arrivée du Roi de l’Annam, députa cinq de ses employés à Ban-Ta-Pa-Tion pour accompagner la petite troupe et faciliter son ravitaillement et son logement pendant toute la traversée du mường. Le Roi lui fit envoyer, en récompense de ses bonnes dispositions, quatre chevaux et dix fusils; mais dès la fin de la saison des pluies TONG HOM fut mandé à Bangkok et condamné à une amende de 1600 ticaux (2400 francs), avec confiscation des cadeaux reçus, pour n’avoir pas demandé les ordres du Gouvernement siamois” (BAVH, 1941-3, p. 281)