II. Lời của vè, lời của dân trải qua cảnh tang thương
Đọc lại những phân tích lịch sử, người đọc ngày nay có thể không chỉ dừng lại ở nội dung sự kiện được trình bày: phong cách tu từ diễn đạt cũng đáng quan tâm vì đậm màu “thời gian”, do bị ràng buộc, chi phối theo những giai đoạn căng thẳng của lịch sử. Bài “Vè thất thủ kinh đô” là loại “vè lịch sử”: về lịch sử và có tính lịch sử. Thuộc thể loại văn học dân gian, với một ngôn ngữ theo lối truyền khẩu rất mộc mạc, có vần điệu, dễ nhớ, theo lối than thở kể lể (mode récitatif) về một sự kiện tang thương của kinh thành Huế. Mở đầu, phần thứ nhất, là từ trận quân Pháp đánh chiếm cảng Thuận An vào tháng 8 năm 1883:
“Năm Mùi thất thủ Thuận An,
Tài gia bá hộ các làng kêu ca.
Đàn ông cho đến đàn bà,
Hưu trí hưu dưỡng ai mà cũng xung.
Nam triều chán chi kẻ anh hùng,
Để Thuận An thất thủ, khổ trong đoạn tình.
Việc triều đã có quân binh,
Hãy còn việc mình ta phải dụ dân”463
463 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 41)
Phần thứ nhất (655 câu, theo bản của Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương) kết thúc với câu chuyện tướng De Courcy ra điều kiện nộp vàng bạc464 đề nghị hòa:
464 Về chuyện này, sử gia Phạm Văn Sơn đã viết (nhưng không cung cấp nguồn tham khảo): “De Courcy đã tuyên bố đại khái là cầu chúc cho hai nước Việt Pháp thịnh vượng, rồi trắng trợn tuyên bố rằng: - Nếu quý quốc muốn yên ổn thì trong vòng 3 ngày phải nạp chiến phí cho chúng tôi là 200.000 thỏi bạc và 200.000 quan tiền…” (Phạm Văn Sơn, Quân sử, chương X, t. 234)
“Bách quan văn vũ đến lầu,
Rằng nghe Tây nói mấy câu rõ ràng.
Tiền đồng xin hai ngàn quan,
Còn bạc với vàng vô số kỳ đa.
Ba ngày thì phải đem qua,
Không thời hai mươi bốn đáo gia bắt ngài.
Đêm khuya vắng vẻ không ai,
Tôi nói với ngài chẳng để làm chi”465
465 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 72)
Phần thứ hai bắt đầu từ câu 656 với sự tức giận của Tôn Thất Thuyết trước thái độ của tướng Pháp:
“Quan Tướng nghe nói một khi
Giặc thay phiên tặc, nghe thì xung gan.
Quân nha binh mã sẵn sàng,
Quyết đi giáp chiến kẻo Tây phiên hại mình.
Nói cùng các vệ các dinh,
Gắng lấy khôi phục Trấn-bình nước ta.
Nói cùng chư vệ chư nha:
Tôn miếu xã tắc ông cha lưu truyền.
Nay mình thúc thủ Tây phiên,
Ông cha lưu truyền nỏ để làm chi!
Cửa Thuận nó đã lấy đi,
Tuyên, Cao, Thái, Lạng vậy thì về Tây.
Kinh thành cơ nghiệp mình đây,
Nay mình thúc thủ phen này sao yên”466
466 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 72)
Sau đoạn mô tả trận tấn công từ phía quan quân Việt Nam, rồi đến phản công của phía Pháp, bài vè nêu ra những vị trí, địa danh nổi tiếng của kinh thành: Hậu Bổ, Tiên Nộn, cửa Hữu, cửa Tả, Chính Tây, Kẻ Trài, Thượng Tứ, Đông Ba, v.v. những đoạn “tường thuật” người dân chạy nạn rất sống động, theo lối khẩu ngữ vần điệu dân dã:
“Thương dân cực khổ trăm tình,
Phải vây đầu đạn của mình thác oan.
Lắng nghe tiếng khóc tiếng than,
Tối trời mù mịt không thấy đàng mà đi.
Thiên hạ than khóc một khi,
Con thời dắt mẹ, mẹ thì bồng con.
Của tiền như nước như non,
Miễn trời để sống, mình còn làm ra.
Thương thay những lũ vịt gà,
Thương thay loài vật vậy mà lao xao.”467
467 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 77)
Rồi đến những cảnh tên bay đạn lạc, tan tác tang thương trên đường chạy loạn:
“Trời cho Tây thịnh mình suy,
Quan quân chạy trước, mình thì chạy sau.
Người nghèo cho đến kẻ giàu,
Phố phường, quan khách, chạy sau hằng hà.
Người thì ra cửa Đông-ba,
Kẻ ra An-hòa, kẻ lại Chính-tây?
Lên thành cứ việc xuống dây,
Sa cơ rớt xuống thôi thời chết oan.
Thách thay quan lớn không troàn [truyền],
Trong thành thiên hạ chết oan đã nhiều.
Súng mình thì bắn pheo pheo,
Súng Tây bắn ít, chết nhiều người ta.
Kể chi của cải cửa nhà,
Dắt con cùng vợ chạy ra khỏi thành.
Đàn bà bỏ cửi bỏ canh,
Bỏ buôn bỏ bán trong thành chạy ra.
Người kêu mẹ, kẻ tìm cha,
Người khóc con, kẻ tìm vợ, kẻ kêu la tìm chồng.
Súng Tây nó bắn đùng đùng,
Trong thành thiên hạ hãi hùng như chim”468
468 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 83)
Tương tự những vở tuồng cổ điển, “Vè thất thủ kinh đô” cũng dành cho những nhân vật “chính diện” những dòng riêng tư lâm ly não nề: chèn vào bản “anh hùng ca” của “Quan Tướng” Tôn Thất Thuyết là những màn tâm sự với cha [Quan Cụ], hay về phu nhân [bà Tướng] qua đời trên đường lánh nạn, với tất cả sắc thái ngôn ngữ, âm điệu đặc thù của vùng kinh thành:
“Quan Tướng khi ấy đành rồi,
Về thưa thân phụ một lòng đặng hay:
“Cha ôi! Một rủi một may,
Họ hòa mặc họ, con nay không hòa. […]
Quan Cụ mới rõ đục trong,
Nghe lời quan Tướng ròng ròng nhỏ sa:
“Cha nay yếu ớt tuổi già,
Không thì cha đi một đạo vậy mà với quân.
Trận này mà chẳng giao chinh,
Một mai thái bình cự chiến làm chi?”.”469
469 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 75-76)
“Sơn lâm cùng cốc non đoài,
Nguồn cao nước độc, tối mai dắt dìu.
Dắt dìu bà Tướng lâu ngày,
Bà phát bệnh thũng, chân tay nặng nề.
Bà nằm một chỗ li bì,
Bước qua thu tiết, mưa về mù sa.
“Ôi chú ơi! Chồng tôi thất lạc đi xa,
Trước sau nhờ chú, thế không qua đã rồi.
Tuy là o chú mẹ tôi,
Con o con cậu mới một đời sinh ra.
Bề nào thế cũng không qua,
Bà già chết trước, dâu mà chết sau”470
470 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 99)
Cảnh bách tính bách nghệ chạy loạn cũng không kém phần hoạt kê sống động. Khi kể về các phường nghề bỏ của chạy lấy người, bài vè liệt kê gần hết tất cả các hạng thợ và thầy của vùng kinh thành (câu 920-968):
“Thợ may mất kéo, mất kim,
Thợ rèn mất búa, mất kềm khá thương!
Thợ mộc mất đục, mất tràng,
Cưa bào cũng mất, khó toan lẽ gì!
Thợ cưa cũng mất đà đi,
Kéo nhau mà chạy vậy thì mô mô!
Thợ dù cũng mất hết đồ,
Mất kìm, mất kẹp, lấy mô mà mần
Thợ kim-bôi mất đá, mất cân,
Có vàng khó thử, phân vân sự đời.
Thợ cẩn mất vẹm hỡi ôi!
Mất dao, mất ốc, sự đời khó toan!
Thợ bạc mất cái mỏ hàn,
Mất lò, mất bể, khó toan lẽ gì!
Thợ thiếc nghề nghiệp bỏ đi,
Bao nhiêu lấy đặng một khoanh chì mà thôi!
Thợ đúc mất bàng, mất nối,
Thảm thương thợ bồi mất tượng lưỡng long.
Thợ nề mất phượng, mất rồng,
Mất mai, mất búa, chửi chùng thằng Tây.”471
471 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 84).
Tiếp theo nào là thợ dép, thợ sơn, thợ lọng, thợ nhuộm, thợ thêu, thợ lược, thợ gương, thợ ngọc, thợ ngà, thợ đá, thợ tiện, nào là thầy thuốc, thầy địa, thầy phù thủy, thầy pháp! Bài vè trở thành một bức tranh bao quát tất cả các ngành nghề thủ công khắp phố phường xóm chợ chốn kinh thành dưới triều Nguyễn: chuyện thất thủ như là một duyên cớ xuyên suốt, dệt nên bức tranh “xã hội học phường nghề” tại kinh thành hết sức chân thực vào cuối thế kỷ XIX… Trong khi đó, Đại Nam Thực lục không sao có được cái cận cảnh “bát nháo sống động” như “vè”, vẫn viết thật ngắn gọn theo lối biên niên một “biên bản vô hồn”:
“Đương lúc xa giá nhà vua đã đi rồi, quân Pháp lên kỳ đài treo hiệu cờ tam tài, súng bắn vẫn còn ầm vang, quan lại, nhân dân giành nhau tìm cửa chạy ra, rồi tự giày xéo lên nhau, chết và bị thương rất nhiều. Quân Pháp bèn đốt hai bộ Lại và Binh (nguyên là nơi Văn Tường và Thuyết ở đó) và thuốc đạn khí giới các dinh trại bốc lên xông trời (2 ngày đêm không tắt), chia giữ các cửa thành trong ngoài và các sở kho tàng cung điện. Ngày phát gạo kho thuê vát những dân còn ở trong thành và những bọn ở ngoài lẻn vào (đều là đồ vô lại nhòm vào toan lấy đồ đạc của quan tư còn bỏ sót lại), sửa đắp các trại lính làm nơi trú đóng và nhặt chôn, hỏa táng các xác bị chết và bị nạn ở lúc trận vong. Dưới đô thành nơm nớp sợ chạy.”472
472 ĐNTL, t. 139-140.
Cũng có tác giả xem “vè lịch sử” là một dạng lịch sử hóa thành văn thành chương, vừa có sự phản ảnh chân thật, sống động, vừa có hư cấu hư ảo về chuyện thế sự thăng trầm. Có những nhà nghiên cứu căn cứ vào vè để “bàn chuyện lịch sử”… Một Lời nói đầu473 dẫn nhập cho “Vè thất thủ kinh đô” là một ví dụ:
473 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 5-13).
“Qua bài vè, người đọc thông cảm sâu sắc với tấm lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân hồi đó sôi nổi tinh thần chống giặc đến cùng, thông cảm với tâm sự bi đát và hào hùng của những phần tử chủ chiến tích cực như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, đồng thời cũng thấy được thái độ gian xảo và thái độ lật lọng của bọn phản nhân dân, phản nước, cam tâm làm tôi tớ cho giặc như Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Hữu Độ cùng bè lũ Từ Dụ - Đồng Khánh.”474
474 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 3).
Ở phần trình bày về “Bối cảnh lịch sử của bài vè”, các tác giả viết tiếp:
“Ra khỏi thành chưa đầy mấy dặm, Nguyễn Văn Tường đã lộ mặt phản phúc, trốn vào nhà thờ Kim Long tìm cố Lộc (Mgr Caspar) dắt ra đầu thú. Tên võ phu Đờ-Cuốc-xi” dùng Tường để liên lạc với Tam cung, dụ dỗ mấy mụ già trở về Huế và cũng để Tường “vỗ yên” nhân dân. Tường thông đồng với tuần phủ Quảng Trị Trương Đăng Đản đưa Tam cung trở về Huế. Nhưng Hàm Nghi vẫn theo Tôn Thất Thuyết lên Tân Sở, đồng thời ban bố chiếu Cần vương đi khắp nơi (10-7-1885).”475
475 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 12).
Có thể lấy vè làm “sử liệu”, theo như quan điểm của Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 17-18)? Có đúng là “tác giả bài vè cung cấp cho ta khá nhiều tài liệu đáng tin cậy và đôi khi chưa đâu có về một số sự kiện lịch sử, về một thời đại”. Chính các tác giả lại viết tiếp: “Cũng cần nói ngay rằng tác giả bài vè không phải là một sử gia lành nghề có phương pháp - dĩ nhiên là như vậy! – cho nên nhiều chỗ đi lan man, lạc vào những chuyện riêng tây của gia đình một vài cá nhân […] Hơn nữa, qua bài vè chúng ta cũng thấy nhiều chỗ dường như tác giả chỉ dựa vào những lời truyền văn xung quanh để kể lại, chứ cũng không phải ở một cương vị đặc biệt để nắm được tình hình” (t. 24). Ngay ở trang 23, các tác giả cũng nhìn nhận: “Tóm lại, quan điểm của tác giả bài vè quả có nhiều chỗ lệch lạc mà ngày nay chúng ta cần lưu ý”.
Hay phải xem vè chỉ là một loại “trợ lực tâm lý” bình dân đương thời, thời mà tin tức vẫn còn được chia sẻ chủ yếu qua “truyền khẩu”, dễ luôn “tự cập nhật”, vừa sống động theo ngôn ngữ dân gian hàng ngày, vừa tùy hứng tùy cơ biến tấu, theo hoàn cảnh hay tình cảm nhất thời của con người? Sự khuyết danh hay nặc danh như là một biện pháp diễn ngôn hiệu quả và không sao suy tìm được nguồn gốc? Nhiều “nhà viết sử” vẫn đã lấy “vè” làm sử liệu tham khảo. Adolphe Delvaux để minh chứng cho kế hoạch nổi dậy của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, đặc biệt âm mưu “bình Tây, sát tả476” (“diệt Tây trừ Đạo”) đã liên hệ với bài “Vè thất thủ Kinh đô”, ông viết ở một cước chú: “Một bài thơ [vè] bình dân về việc đánh chiếm kinh đô, ca truyền trong dân chúng kinh thành Huế, cũng cung cấp những thông tin như vậy trong rất nhiều đoạn”477.
476 Khẩu hiệu cực đoan này nổi lên với phong trào Văn Thân khởi đầu vào 1864.
477 Adolphe Delvaux, “La prise de Hué par les Français (le) 5 juillet 1885” (BAVH, 2-1920, note 3, p. 261): “Une poésie populaire sur la prise de Hué, qui se chante à la capitale, donne les mêmes renseignements dans de nombreux passages”.
E.Le Bris (Thanh tra Giáo dục) trong một số BAVH vào năm 1942, có bài viết về “Vè thất thủ kinh thành”, đã mở đầu với những nhận xét như sau:
“Có rất nhiều tài liệu lịch sử, từ nguồn của Pháp, liên quan đến việc thiết lập chế độ bảo hộ tại An Nam. Ngày nay theo đó cho phép tái hiện lại không khí sinh sống sinh hoạt của những con người thủa trước trong các giai đoạn 1883-1885-1890. Ngược lại, liên quan đến các tài liệu của người An Nam, chúng ta [người Pháp] gần như chẳng có được gì xem là chính thức. Dù không mong muốn đặt để lại vấn đề tính chân thực, chúng ta cũng phải đồng ý là, vì nhiều lý do khác nhau, Quốc sử quán [“Bureau des Annales”, sic] của triều đình An Nam đã không trình bày các sự kiện một cách hoàn toàn khách quan. Và nhận xét như vậy là chính xác đối với những giai đoạn có nhiễu loạn rối ren trong lịch sử của đất nước An Nam, những thời điểm mà những sai lầm của một số người lãnh đạo đã được làm giảm nhẹ đi, nếu không muốn nói là im lặng bỏ qua.
Những người xướng ca hát dạo bình dân lại chẳng hề có những phân vân đắn đo kiểu như vậy. Ngược lại là đàng khác, những lời ca châm chích châm chọc thường đụng chạm đến một nhân vật nọ kia, về nguyên tắc là không sao “với chạm tới được”. Với ca từ gợi lên những hình ảnh ẩn dụ bóng gió, những người hát dạo đôi khi rất nặng lời phê phán, nhưng chẳng bao giờ tỏ ra thô lỗ. Nhưng nói chung những bài ca xướng của họ chẳng có giá trị về mặt văn học.
Bài ca từ sau đây là một bài “vè”, nghĩa là một bản tấu xướng chẳng cao sang gì: câu từ theo lối lục bát, được nhịp theo với sênh tiền, sẽ cho phép xướng ca theo lối kể lể, cho cảm giác buồn tẻ đối với cảm nhận của người Âu không mấy thông thạo, và quá rối rắm.
Tất cả chúng ta đã từng chứng kiến, ở một góc phố nào đó của Kinh thành [Huế], những con người nhàn rỗi tụ tập quanh một người hát dạo, thường là xẩm mù, ngồi xếp bàn, và khất thực bằng lời ca tiếng hát, hàng giờ liền với những bài vè hay bài “hát truyện” (sic). Những người có hiểu biết trình độ thì chẳng ai dừng lại để nghe, mà làm sao có thể quan tâm đến những sáng tác tầm thường như vậy… Nhưng dân chúng thì lại rất thích thú với những lời ca tiếng hát kể lể dài dòng về một thời quá khứ quá đỗi lạ thường, quá đỗi bi thương.
Bài vè được dịch sau đây rất thịnh hành từ năm 1900 đến 1914, có thể không phải là vì phải hát kín đáo với khán giả hạn chế chọn lọc, mà vì bài vè khi được hát lên làm cho người nghe sống lại những giai đoạn lịch sử mà ông bà cha mẹ vừa kể lại vừa run sợ, về thời mà người Pháp vừa đặt chân đến Huế, những thời điểm 1883 [quân Pháp đánh vào cửa Thuận An] và 1885 [kinh thành thất thủ]. Tác giả bài vè, là vô danh, hẳn không phải là một nho sĩ học thức. Những câu lập đi lập lại, các câu ca, những giải thích dài dòng vô ích làm cho bài vè luộm thuộm nặng nề, đôi chỗ khó hiểu.”478
478 E.Le Bris, “Complainte annamite sur la prise de Hué par les Français”, BAVH 1/1942 (p. 1-2)
Qua nhận xét trên đây, bài vè như thế đã được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Lời “một người da trắng sinh sống ở kinh thành nhà Nguyễn”, hơn nửa thế kỷ sau biến cố “23 tháng 5 năm Ất Dậu”, cũng cho thấy cách nhìn về “sử biên niên” chính thức của triều đình Huế: không tin tưởng vào sự khách quan của sử quan, vì, thậm chí, có sự giảm nhẹ, “im lặng bỏ qua”, những sai lầm của giới lãnh đạo An Nam… Ngược lại, theo Le Bris, vè từ người ca xướng, lại chẳng phân vân đắn đo, dù “bóng gió” vẫn “nặng lời phê phán”. Nhưng, vẫn theo Le Bris, vè chỉ thu hút người dân bình thường, “bài vè khi được hát lên làm cho người nghe sống lại những giai đoạn lịch sử mà ông bà cha mẹ vừa kể lại vừa run sợ”. Phải chăng có thể xem vè “kinh đô thất thủ” như là một lối thoát tâm lý479, ở cấp độ tập thể, khi gợi lại một thời điểm người dân phải sống trong cảnh hỗn quân hỗn quan, nhằm giải toả một ức chế tinh thần, một áp lực tâm linh trong cảnh thời thế đảo điên ly tán? Phải chăng “vè” đã như có chức năng liệu pháp tâm lý (“psychothérapie”) giúp dân cư kinh thành Huế vượt qua nỗi kinh hoàng, đã ăn sâu vào vô thức, của súng đạn, cướp phá và chết chóc? Nếu quan niệm như vậy, vè trở thành một diễn ngôn về một kinh nghiệm để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức, về phản ứng của cả một cộng đồng người trải qua nhiều mất mát480, như cùng phải gánh chịu qua nhiều đời “hội chứng hậu sang chấn tâm lý” (“syndrome de stress post- traumatique”), cần được bộc lộ giải tỏa, qua truyền khẩu, trong nội bộ cộng đồng, bắt nguồn từ (những) sáng tác vô danh, với sắc thái văn hóa dân gian481, với vần điệu theo lối ứng khẩu ứng đối (oral, communautaire, anonyme, folklorique et improvisé) vốn rất quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân đã đắm mình cả ngàn năm trong nền văn minh lúa nước… Vè được “truyền – tụng nằm – lòng” qua nhiều thế hệ:
479 Tương tự như các “tổ hỗ trợ tâm lý” (“cellule d’écoute psychologique”) ở các nước phát triển, để giúp cho những nạn nhân thương vong vượt qua sang chấn tâm lý (traumatisme) sau những sự biến cố nghiêm trọng.
480 Có tác giả cho rằng biến cố “23 tháng 5 năm Ất Đậu” đã làm cả vài ngàn người Việt Nam thiệt mạng: theo sử gia Phạm Văn Sơn “quân ta chết từ khoảng 1200 đến 1500 người” (t. 237); Trần Trọng Kim, VNSL (t. 545)
481 Yoshiharu Tsuboi quan niệm rằng, do đương thời thiếu thốn về tài liệu, sách vở in ấn, ngay cả những nho sĩ hay quan lại học thức cũng thiên về văn hóa truyền khẩu. Trong bài viết về ảnh hưởng của Khổng giáo tại Việt Nam: “Politique et confucianisme dans le Vietnam du XIXè siècle: le cas de l’empereur Tu Duc (1847-1883)” (in “Confucianisme et sociétés asiatiques”, L’Harmattan, Paris 1991, p. 142), ông viết: “les candidats étaient obligés d’étudier sans précepteurs ni écoles, ni bibliothèques, ni livres de référence, en mémorisant par cœur les textes. Ce mode d’étude ne développait guère la faculté de pensée. Je voudrais ajouter ici une chose: quand l’on mémorisait un texte confucianiste, on prononçait les caractères chinois sur un rythme syllabique de 6-6-8, comme si l’on chantait; peut-être est-ce un peu pour cela que les intellectuels vietnamiens préféraient s’adonner par-dessus tout à la poésie”
[…] Anh Cháu đàn tranh mù một mắt
Khi thì hầu cúng, khi hầu đò
Hồn anh là mảng trăng khuya khoắt
Một nửa đen sầm, nửa ánh mơ
Cuối phố gốc cây chiều chủ nhật
Là ông xẩm chợ với hai con
“Kinh đô thất thủ” vè quen thuộc
Lớn, nhỏ ngồi nghe nặng trĩu hồn. […]
Huy Cận, Phố Đông Ba của tôi ngày bé, 1972
Bài vè dù được tiếng là “lịch sử” cũng chỉ thể hiện cái tâm tình dân gian đơn sơ, “trực quan sinh động”, trước cảnh nước mất nhà tan. Nhưng hình như chính cái sống động của vè, ngược lại hoàn toàn với sự khô khan của sử biên niên của triều đình, lại có thể trở thành nguồn cảm hứng cho văn phong sử gia về sau, khi những chứng nhân vô danh (nhưng vô cùng) chân đạp đất đầu đội trời, không còn nữa... Từ nguồn tư liệu nào F.Thierry đã viết những dòng như sau?
“Nhưng giờ đây đã có đến hàng ngàn hàng vạn dân thường của Kinh thành khắp các nẻo đường trốn chạy thật hỗn độn chen chúc ngựa xe, ghế kiệu, người thì đi bộ, kẻ thì cưỡi ngựa, phụ nữ bồng bế con trẻ, cả dòng tộc cùng đi, người già trẻ nhỏ, cả những “cành vàng lá ngọc” vốn quen đi lại bằng kiệu, đây là lính tráng, kia là lính lệ, quan thầy [đủ cả mọi thành phần] v.v. Kẻ mạnh đạp lên kẻ yếu, rồi lũ bất lương thì chớp lấy thời cơ kiếm chác: đây một bà goá mù, vốn là phu nhân quan lớn, được người hầu dắt đi thì bị cướp ngay lấy chiếc hòm nhỏ chứa vài đồng tiền thưởng bằng vàng vớt vát được vào phút cuối; kia là ngài hoàng tử Chánh Mông (người mà Jules Sylvestre đã nói bằng mọi giá phải giữ lại ở tư dinh không để chạy theo các quan Phụ chánh) đang phi ngựa bỏ chạy thục mạng làm rơi vãi đây đó vài đồng tiền vàng được giao cất giữ. Ở kia xa, khói từ các đám cháy bốc lên trên Kinh thành Huế.”482
482 François Thierry, “Le trésor de Huê - Une face cachée de la colonisation française en Indochine”, p. 102-103;
Chính C. Gosselin, trước đó, vào đầu thế kỷ XX, cũng đã viết hao hao như vậy483… Bài vè mang tính dân gian mộc mạc, như lời than vãn, tiếng ta thán của những con người bình thường với vốn hiểu biết ít ỏi, không có khả năng vượt lên trên sự kiện, vượt qua sự thể trước mắt. Khi tiếp cận bài vè, các nhà nghiên cứu vào những năm 50 của thế kỷ trước như chưa thể nào thoát khỏi sự căng thẳng buổi “giao mùa ngắn ngủi” giữa hai cuộc chiến: chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chiến tranh Việt Nam (1955-1975). Và rồi diễn ngôn nghiên cứu vẫn “đầy cảm xúc phẫn nộ” khi nhìn lui về một giai đoạn lịch sử của kinh thành Huế? Chẳng hạn, trong cách xưng hô các nhân vật: mụ già, bè lũ, tên võ phu484… Chiến tranh đã lùi xa, ngày nay hẳn nhiên khó bắt gặp một giọng văn bức xúc, thiên kiến, hằn học485 như vậy khi bàn về những nhân vật, dù được xếp là “chính diện” hay “phản diện” trong sử nhà, theo như cách viết trên đây để giới thiệu “Vè thất thủ kinh đô”. Vì lẽ, nhà viết sử đâu phải giải quyết những vấn đề cá nhân, như lời nhắn nhủ của sử gia Michel Winock, nhân khi bàn về vấn đề xem xét lại, ngay trong nội bộ nước Pháp ngày nay, thời kỳ chiếm đóng thực dân:
483 “La fuite de cette malheureuse cour pendant la bataille fut, paraît-il, un lamentable spectacle […] Les reines-mères les princesses, les jeunes princes, tous les rangs et tous les âges étaient confondus dans une indescriptible cohue. Le prince Chan Mong, appelé plus tard à régner, sous le nom de Dong Khanh, fuyait à cheval, semant sur la route, au galop de sa monture, les pièces d’or dont il avait en hâte chargé ses vêtements. Une jeune soeur du roi suivait, assise sur un cheval tenu en main par une de ses soeurs plus âgée; une vénérable dame, touchant de très près au souverain, femme de premier rang de son père mort, aveugle depuis plusieurs années, se perdait dans la foule, conduite par un jeune domestique. A tout hasard, elle avait pris chez elle, dans un coffret, un sac contenant des médailles d’or, lequel lui fut arraché des mains par un passant inconnu” (Charles Gosselin, “L’Empire d’Annam”, chap.IV: “NOTRE ACTION EN ANNAM DE 1872 A 1885”, p. 208-209)
484 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương (t. 3; t. 12)
485 DG: Khi dịch từ bản gốc tiếng nước ngoài sang bản tiếng Việt, quyết định sắc thái ngôn từ thích hợp thuộc về dịch giả. Xem thêm: Nguyễn Xuân Thọ, “Les débuts de l’installation du système colonial français au Viet Nam (1858-1897)”, bản dịch của Nguyễn Bá Dũng tiếng Việt: “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam” (Nhà xuất bản Hồng Đức + Omega, 2017), xem chương XVII “Vụ bạo động ở kinh thành Huế đêm ngày 5/7/1885 và việc cướp phá cung điện nhà vua” (t. 485-494): về cách vận dụng đại từ đối với “tướng De Courcy”.
“Sử gia đâu phải giải quyết chuyện cá nhân riêng tư với quá khứ: sử gia, đầu tiên hết, phải mô tả lại những thực tế, kể cả những góc cạnh tối ám nhất, những vụ việc bạo lực bạo hành trong công cuộc đánh chiếm [thuộc địa], những chuyện cướp phá cướp bóc, việc phá hoại các hệ thống cộng đồng truyền thống [tại bản địa], và [chỉ ra] những điều mâu thuẫn rõ rệt nhất với những nguyên tắc [về những giá trị phổ biến] được nhân danh tuyên xưng”486.
486 Michel Winock, “Une République très coloniale” (octobre 2005, p. 11): “L’historien n’a pas de compte à régler avec le passé; il doit d’abord en retracer les réalités, y compris les aspects les plus ténébreux, les violences de la conquête, les spoliations, la destruction des systèmes de vie traditionnels et les plus contradictoires avec les principes proclamés.”
Đâu là cái không gian bình tâm, cái khoảng cách thời gian cần thiết của người viết sử, ngoài cái “tầm lực” về chữ nghĩa văn chương487? Mặt khác, “sử văn” có cho phép “văn chương hóa” hay “tiểu thuyết hóa”488 các sự kiện lịch sử để cho “bùi tai thuận dạ”? Mà có đúng là “các sử gia tường thuật lại những biến cố sự kiện [có tính] xác thực, trong đó con người đã nhập vai, và lịch sử là một tác phẩm tiểu thuyết [kể chuyện] xác thực” (“Les historiens racontent des événements vrais qui ont l’homme pour acteur; l’histoire est un roman vrai.”) theo như cách nhà nghiên cứu Paul Veyne489 đặt vấn đề? Và rằng “việc giải thích (lịch sử) chỉ theo như cách một câu chuyện được cấu trúc thành một mưu toan mưu đồ khúc mắc có thể nắm hiểu được” (“ l’explication (en histoire) n’est guère que la manière qu’a le récit de s’organiser en une intrigue compréhensible ”)? Theo Paul Veyne, việc diễn giải lịch sử “chẳng khác mấy với lối giải thích thường vận dụng hàng ngày, hay bắt gặp ở bất cứ tác phẩm tiểu thuyết nào có đề cập đến câu chuyện đời này: chuyện tường giải chỉ là cái ánh sáng toát lên từ một câu chuyện kể, trên cơ sở tư liệu tương đối đầy đủ”490.
487 “Theo quy định, quan viên Quốc sử quán đều chọn người có chữ nghĩa, giỏi văn học để bổ vào làm việc”, Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I), “Quốc sử quán triều Nguyễn – Cơ quan chuyên trách biên soạn quốc sử” (archives.org.vn)
488 DG: Xem Nguyễn Quốc Trị, “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020, t. 849-853)
489 Paul Veyne, Comment on écrit l’histoire, Seuil 1971
490 “Elle ne se distingue guère du genre d’explication qu’on pratique dans la vie de tous les jours ou dans n’importe quel roman où l’on raconte cette vie ; elle n’est que la clarté qui émane d’un récit suffisamment documenté ”. Theo trích dẫn của Pierre Vidal-Naquet, trong “Comment on écrit l’histoire”: Paul Veyne, le provocateur délibéré” (avril 1971).