Quốc Sử quán triều Nguyễn được vua Minh Mạng thành lập vào năm 1820 và chính thức hoạt động vào tháng 6 năm 1821. Là cơ quan “chép sử” chính thức, Quốc Sử quán hiển nhiên cung cấp cái nhìn về sử chính thống theo nhãn quan và sự giám sát của vương triều. Cái “tâm chép sử” được nêu ra ở Đại Nam Thực Lục (t. 7) là“để người ở nghìn đời sau, muốn biết việc nghìn đời về trước, thì sử của một đời, cần phải chép rõ việc một đời. Việc không mất thực, văn đủ làm bằng”432. Đọc lại Đại Nam Thực Lục (ĐNTL), một trong những công trình đồ sộ của Quốc Sử quán, về phần liên quan đến giai đoạn đang bàn (biến cố tháng 7 năm 1885, phần “Thực lục Chính biên Đệ ngũ kỷ”), có thể điểm lại một số vị đứng đầu có trách nhiệm chép sử thời gian đó, gồm các ông: Tổng tài (cùng với Giảm tu, chỉ đạo biên soạn) Trương Quang Đản, Phó tổng tài là Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Xứng, Cao Xuân Dục433, và Toản tu (phụ trách soạn và sửa nội dung) là Ngô Huệ Liên. Với một dòng chảy bình thường đều đặn qua các triều đại, các trang chính sử hẳn là sự nối tiếp tuần tự ca tụng công đức của từng vị vua, từng triều đại (tương tự như những gì ta có thể đọc ở mỗi tấm bia, ở mỗi lăng tẩm các vua triều Nguyễn):
432 “Đại Nam Thực Lục” [sẽ viết tắt ĐNTL], bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phạm Huy Giu, Trương Văn Chính, Viện KHXH Việt Nam- Viện Sử học, Nhà xuất bản Giáo dục, tập 9, t. 8.
433 Nguyễn Hữu Tâm, “Cao Xuân Dục - Vị Tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn”, tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6 (67) 2013.
“Bọn chúng tôi được sung làm Tổng tài và Toản tu ở Quốc sử quán, kính cẩn xin tâu: Chúng tôi vâng lệnh soạn bộ Thực lục Chính biên về Giản tông Nghị hoàng đế [vua Kiến Phúc] thực đã xong, xin đem khắc in để tỏ bày việc tốt. Trộm nghĩ: Nước phải có sử để ghi các việc thời sự, nhủ bảo đời sau, cho nên phép chép sử theo lối biên niên, đã nêu đủ ở kinh Xuân Thu, mà từ Hán, Đường trở về sau đều có Thực lục. Những lời nói, việc làm và chính sự của vua trước là tấm gương sáng và con rùa bói của các vua đời sau, nên việc chép đức kể công đều do ở đó. Còn với thời gian không khỏi có lúc thường, lúc biến, mà công việc tất phải có khi trước, khi sau. Cho nên chính lệ biến lệ, văn pháp có khác nhau, viết lớn viết nhỏ thể lệ lại có phân biệt, một để tỏ bày được chính thống, hai để ràng buộc lấy quốc kỷ nước nhà. Đó cũng là cái ý sâu nhiều của Tử Đường chép bộ Cương mục vậy.
Nhà nước ta: Thần truyền thánh nối, từ đời Dực tông Anh hoàng đế [vua Tự Đức] trở về trước khoảng vài trăm năm, liệt thánh văn trị võ công lực sáng nghiệp, lực trung hưng của các vua đời trước, đều đã khắc ở quán gồ đăng lên kho sử rồi...”434
434 ĐNTL, t. 6
Sự kiện năm Ất Dậu (1885) là một biến cố kinh thiên động địa, các sử quan hẳn đã phải đắn đo từng chữ từng câu khi “hạ bút thành chương”. Vì những “tham chiếu chính thống tôn ti” đã trở nên khó khăn, rối loạn, rối rắm, ngoại trừ tham chiếu “thi vị” của nghìn năm “Hán hóa”, Xuân Thu, Hán Đường:
“Kỷ này chép từ tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 [1883] đến trước tháng 8 năm Hàm Nghi thứ nhất [1885], lúc đó xếp đặt và cất bổ quan quân mọi việc đều tuân theo điều lệ mà thi hành. Phàm có việc gì nên chép thì cứ theo y như lệ ở các kỷ trước mà chép. Việc gì do ý riêng của quyền thần thì cứ việc chép thẳng, để tỏ những điều trái phép của bọn đó.
Từ ngày 23 tháng 5 năm Hàm Nghi thứ nhất, sau khi Kinh thành có việc, đến trước ngày mồng 10 tháng 8, Xuất đế (Hàm Nghi) đã dời ra ngoài rồi, trong triều đình và ngoài các tỉnh không biết lệ thuộc vào đâu và từ sau ngày mồng 10 tháng ấy đến cuối tháng 9, vua Cảnh tông Thuần hoàng đế ta (Đồng Khánh) dẫu đã nối ngôi vua mà tuyên bố bảo Dụ, nhưng trong nước còn chưa biết, niên hiệu vẫn chép là Hàm Nghi. Cả phương nam phương bắc đều vâng Dụ vua Hàm Nghi dấy quân Cần vương, những kẻ khởi sự đều cầm nắm làm cớ để khởi binh. Còn từ sau ngày mồng 1 tháng 10 năm ất Dậu [1885] niên hiệu Đồng Khánh, ngôi lớn đã ổn định lâu rồi; nếu kẻ nào có dám làm hồ đồ thì đến kỷ thứ 6, sẽ chép làm nghịch.”435
435 ĐNTL, t. 12
Ít nhất có ba điểm đáng lưu ý ở những dòng trên đây trích từ ĐNTL. Một, vấn đề “xuất đế” của vua Hàm Nghi: từ khi vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành cho đến khi bị bắt tại Quảng Bình vào tháng 9 năm 1888, là một thời gian dài “gian nan” cho cả triều đình Huế và người Pháp trong việc tái lập lại “trật tự vương quyền” và tính chính thống của vương triều An Nam. Hai, vấn đề “niên hiệu” liên quan đến việc lên ngôi của vua Đồng Khánh do người Pháp ủng hộ lập ra: “Vua Cảnh tông Thuần hoàng đế ta (Đồng Khánh) dẫu đã nối ngôi vua mà tuyên bố bảo Dụ, nhưng trong nước còn chưa biết, niên hiệu vẫn chép là Hàm Nghi”… Ba, thái độ của triều đình đối với phong trào Cần Vương và phe chủ chiến trong triều đình: “Việc gì do ý riêng của quyền thần thì cứ việc chép thẳng, để tỏ những điều trái phép của bọn đó. […] phương nam phương bắc đều vâng Dụ vua Hàm Nghi dấy quân Cần vương, những kẻ khởi sự đều cầm nắm làm cớ để khởi binh […] ngôi lớn đã ổn định lâu rồi; nếu kẻ nào có dám làm hồ đồ thì đến kỷ thứ 6, sẽ chép làm nghịch”
Ý riêng của “quyền thần” nào, và “bọn đó” là ai? Là tất cả những ai phò vua ra Tân Sở và chủ trương kháng Pháp? Là các quan chủ chiến theo hịch Cần Vương tiếp tục kháng cự? Mà chính xác, khởi đầu và chủ yếu là các quan đại thần Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường? “Sẽ chép làm nghịch” là sự lựa chọn dứt khoát rõ ràng của ngòi bút “sử quan”: đang hưởng bổng lộc của vua chúa, đang trong vòng cương tỏa của người Pháp, sử quan khó có thể viết trái ý triều đình và lực lượng chiếm đóng. Và rồi những kẻ bôn ba phò vua mưu đồ phục quốc, mà lại “ngoan cố” chống ngoại bang xâm lăng, sẽ phải xếp vào loại “(phản) nghịch”? Có thật là vua lên ngôi thay thế cho “vua xuất đế” là con người xứng đáng như được mô tả lưu truyền trong ĐNTL?
“[Vua Duy Tân ban Dụ…] Kính nghĩ: Cảnh tông Thuần hoàng đế [vua Đồng Khánh], tư chất hơn bậc thượng triết; vận hội gặp buổi trung hưng, khôi phục ngôi cao, cả nhận mệnh lớn, kính trời đất, làm lễ Nam Giao; theo tổ tiên giữ hiến chương cũ. Phụng thờ Hoàng thái hậu, hiếu thảo một lòng, đối xử với họ hàng, ơn ban khắp cả; lấy lễ độ đối đãi bề tôi, dùng khoan hòa trị yên dân chúng, thân ra chiến trận, công võ hiển dương; sửa lệ bang giao, lân hiếu càng hậu; xem tờ can gián, nêu thưởng kẻ trung ngôn; nghe giảng kinh diên, biết rộng đạo hiền thánh. Yêu dân chăm việc; trị ngục hoãn hình, cùng là mở rộng khoa thi, gia ơn cho sĩ tử; tha số thuế thiếu, để vỗ yên nhân dân; gặp khánh tiết thì ban ân, cứ đầu xuân là thưởng khắp.
Trẫm [vua Duy Tân] từng xem chính sự năm Đồng Khánh, trong lòng đều nghĩ đến không bỏ quên được. Cho nên, đương lúc vận nước nhiều nỗi gian nguy, mà chống giữ được đại cục, để được hưởng Phước đến ngày nay. Tuy lên ngôi mới được 3 năm, nhưng công việc tốt về trung hưng, sử chép không xiết; thực đủ nhớ lại phong hóa tốt của các vua, ghi trong sách báu, để lại mãi không mất. Sử thần đã phụng mệnh biên chép thành tập, định rõ từng nghĩa, từng lệ lại khảo đính kỹ càng.”436
436 ĐNTL, t. 157-158
Về vua Đồng Khánh, François Thierry ghi lại như sau:
“Nhà vua trẻ mới 21 tuổi lúc lên ngôi, “khuôn mặt của ngài trông khá dịu dàng, diện mạo bề ngoài trông rất cao quý”. Những lời chứng về nhân cách của vua Đồng Khánh không thống nhất. Ban đầu, các tác giả mô tả đức vua theo chiều hướng thuận lợi: “ngài có những hiểu biết quý báu về chính trị. Với đầu óc cởi mở, ngài nhận thức những vụ việc của đất nước ngài một cách thật rõ ràng và chỉ đạo giải quyết với những ý tưởng thật phóng khoáng”437, “tỏ vẻ rất thông minh”438; Gosselin cũng nói là ngài thông minh và niềm nở, rằng ngài thích nghệ thuật… Thực tế là, chừng nào nhà vua còn trên ngôi và phục vụ nước Pháp, những chỉ trích phê phán [nhà vua] là không thích hợp. […] Theo tướng Prudhomme, người được trao lại binh quyền tại Huế khi De Courcy về lại Hà Nội, đức vua An Nam, “quá sung sướng vì được lên ngôi báu, nhanh nhẹn đáp ứng bất cứ mong muốn yêu cầu nào từ chúng ta [phía Pháp], thậm chí tìm cách, mọi lúc mọi nơi, bày tỏ sự thân thiện hiếu hảo đối với giới chức chính quyền Pháp”439.”440
437 Catalogue de l’Exposition coloniale de 1889, Notices illustrées publiées par ordre du sous-secrétaire d’Etat des Colonies.
438 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 126
439 Cité dans Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 239
440 François Thierry, “Le trésor de Huê – Une face cachée de la colonisation de l’Indochine”, Nouveau Monde éditions, Paris 2014 (p. 168-169)
Ngòi bút của sử quan cũng có thể dẫn đến hay củng cố những “lời nguyền” dạng thơ dạng vè lan truyền rất nhanh và mãi mãi, trong dân gian, định hình cả một quan niệm cố hữu441, cả trăm năm về sau, đối với những người yêu nước (hay ở thế ngược lại):
441 Nhiều bài viết na ná như sau được lập đi lập lại: “Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường” của ai viết? | Bạn đọc đặt câu hỏi | Báo Sài Gòn Giải Phóng (sggp.org.vn)
“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”
“Sử quan” là một “chức quan viết sử”, truyền thống “sử phong kiến” tại xứ An Nam sẽ còn kéo dài bao lâu sau khi tiếp xúc với lối viết sử phương Tây? Khi “sử thư” hay “sử tịch” dần hồi không còn nằm trong vòng cương toả của vương quyền? Khi biến cố “thất thủ kinh đô” nổ ra thì người sau này sẽ là “sử gia Trần Trọng Kim” (1883-1953) mới được 3 tuổi! Tác phẩm “Việt Nam sử lược” của ông được xuất bản lần đầu tiên năm 1920, là bản chép sử đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ, được dùng làm sách giáo khoa ở miền Nam Việt Nam đến năm 1975. Liên quan đến giai đoạn biến cố ở Kinh thành Huế, ông đã dành chương XIV có tên là “Loạn ở Trung Kỳ” (!) gồm 10 mục: 1. Thống tướng De Courcy vào Huế. 2. Triều đình chạy ra Quảng Trị. 3. Nguyễn Văn Tường ra thú. 4. Xa giá các bà Thái hậu về Khiêm Lăng. 5. Quân Cần vương.6. Vua Đồng Khánh. 7. Thống tướng De Courcy phải triệt về. 8. Vua Hàm Nghi ở Quảng Bình. 9. Ông Paul Bert. 10. Lập Tổng đốc Toàn Quyền. Định danh của chương sách như đã nói lên cách nhìn của Trần Trọng Kim, đó là “loạn”. Hàm ý là loạn lạc, phản loạn, nổi loạn? Nhận xét của sử gia không mấy tích cực với hai đại thần Phụ chính, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, nhất là cách viết khá kỳ lạ về “tướng – số” của quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết:
“Tháng 9 năm Giáp Thân (1885), hai ông ấy đem ông Dục Đức giam vào nhà tối, không cho ăn uống để chết đói, đổ tội cho là thông mưu với giặc. Hai ông ấy lại mộ quân tập lính và lập đồn Tân Sở ở gần Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, đem đồ báu ngọc vàng bạc ra đấy, phòng khi có việc gì thì đem quân ra đó để chống nhau với quân Pháp. Cũng vì các ông ấy có ý muốn kháng cự, cho nên quân Pháp đã chiếm giữ Mang Cá ở thành Huế và lại bắt bỏ súng đại bác ở trên thành đi. […] Hai ông ấy lúc bấy giờ còn đang lừng lẫy, việc Triều chính ở trong tay mình cả, mà thấy thống tướng làm sự đường đột như thế, cũng đã tức giận lắm, lại cứ như lời mấy ông quan cựu thần nói chuyện, thì ông Thuyết là quan văn làm tướng võ, nhưng hình dáng thì không được thanh tú: đầu thì trọc, người thì béo mà đen, cách đi đứng thì không được chững chạc, sự giao thiệp và đối đáp thì không sành. Xưa nay thì chỉ lấy quyền thế mà đè nén người ta, hơi một tí thì lấy sự chém giết làm oai. Đến khi phải ra theo lễ bang giao mà đối với một người tướng ngoại quốc như ông De Courcy thì trong bụng khiếp sợ không biết ra thế nào.”442
442 Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, t. 543. dịch giả sẽ viết tắt VNSL. Về phụ chánh Tôn Thất Thuyết, sử gia Trần Trọng Kim không chút nương tay: “Khi Tôn Thất Thuyết lên đến Lai Châu còn có mấy chục người đi theo. Lên đấy ở một độ, chém giết gần hết. Xem như thế thì ông Thuyết là một người cuồng dại mà lại nhát gan. Một người như thế mà làm đại tướng để giữ nước, thì tài gì mà nước không nguy được. Về sau chết già ở Thiều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông” (VNSL, cước chú 6, t. 549).
“Cũng vì các ông ấy có ý muốn kháng cự” mà quân Pháp đã mạnh tay chiếm đóng? Đó là dòng “lô-gích” của Trần Trọng Kim… Tiếp đó, về tướng De Courcy, sử gia bắt đầu viết như thể “rất trung tính trung lập” (neutre):
“Ngày 18 tháng 4 năm Ất Dậu (1885), thống tướng De Courcy sang tới Bắc Kỳ. Bấy giờ sự hòa ước với Tàu đã xong, bởi vậy thống tướng mới định vào Huế bắt Triều đình ta phải chịu quyền bảo hộ. Thống tướng đến Hà Nội đã nói chuyện với các người Pháp và những người Nam ra làm quan với Pháp, đã biết tình hình ở trong Huế là thế nào. Đến ngày 19 tháng 5 thì thống tướng đem non 500 quân đi tàu vào Huế. Triều đình cử hai quan đại thần theo viên Khâm sứ Pháp là ông De Champeaux ra đón thống tướng ở cửa Thuận An. Sáng hôm sau, thống tướng cho đòi hai quan phụ chính sang bên Khâm sứ để định việc vào yết kiến vua Hàm Nghi.”443
443 VNSL, t. 542
Điều kỳ lạ, xét về ngôn ngữ xưng danh định danh nhân vật, nhà viết sử Việt Nam đầu thế kỷ XX gọi trống không: “ông Thuyết / ông Tường”, không nêu chức vụ phẩm hàm. Thế nhưng, trong suốt bảy mục nhỏ của chương “Loạn ở Trung Kỳ”, từ “Thống tướng De Courcy vào Huế” đến “Thống tướng De Courcy phải triệt về” (t. 542-549), luôn nêu rõ cấp bậc “Thống tướng” của vị tướng Pháp:
“Ông Tường thì là một tay giao thiệp giỏi, lại có nhiều mưu cơ và tài nghề ứng biến, cho nên lúc ấy chỉ có một mình ông Tường sang ra mắt quan thống tướng De Courcy mà thôi, còn ông Thuyết thì cáo bệnh không sang. Thống tướng thấy vậy, bảo đau cũng phải khiêng sang. […] Thống tướng De Courcy định đến hôm vào điện yết kiến vua Hàm Nghi, thì phải mở cửa chính, không những chỉ để quan nước Pháp đi mà thôi, nhưng lại phải để cả quân lính cùng đi vào cửa ấy. Triều đình thấy điều ấy trái với quốc lễ, xin để thống tướng đi cửa giữa, theo như sứ Tàu ngày trước, còn quân lính thì xin đi cửa hai bên, thống tướng nhất định không chịu.”444
444 VNSL, t. 543: dịch giả trích dẫn và in đậm chữ “thống tướng”.
Sự chọn lựa “trau chuốt” tu từ cũng đã phần nào nói lên cấp độ hay định hướng “trân trọng” của sử gia đối với các nhân vật lịch sử: một, Việt Nam sử lược ra đời năm 1920, có khoảng cách không lớn trong tương quan với sự kiện “thất thủ kinh đô” năm 1885; hai, chế độ thuộc địa của người Pháp đang vào giai đoạn bình ổn phát triển về kinh tế, lại vừa ở vào thời điểm khủng hoảng về cấu trúc cai trị thuộc địa (nổ ra các phong trào đấu tranh yêu nước445, yêu sách các quyền lợi kinh tế, văn hóa, chính trị cho người dân bản địa, v.v.). Phải chăng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn “biến hình lột xác” (métamorphose) của nhà viết sử Việt Nam (“historien”), từ địa vị “sử quan của một vương triều” sang vị thế “sử gia của/ trong một chính thể”? Nhất là khi “chính thể” đó hết sức đặc biệt: một chế độ lồng ghép, vừa “quân chủ”, vừa “thuộc địa”, luôn phải tìm kiếm duy trì sự chính danh của một vương triều, chỉ còn là hình thức, trong lòng một chế độ bảo hộ thuộc địa. Người viết sử có ý thức, có trách nhiệm hay có nhận lấy vai trò chính danh này hay không?
445 “Saigon 1925-1945 – De la “Belle Colonie à l’éclosion révolutionnaire ou la fin des dieux blancs”, dirigé par Philippe Franchini, éd.Autrement, Paris 1994.
Trần Trọng Kim viết tiêu đề của ba mục đầu chương XIV như theo văn phong “phóng sự báo chí”: 1. Thống tướng De Courcy vào Huế. 2. Triều đình chạy ra Quảng Trị. 3. Nguyễn Văn Tường ra thú. 4. Xa giá các bà Thái hậu về Khiêm Lăng… Không có dòng chữ nào nêu ra định danh quen thuộc của cư dân bản địa: “thất thủ kinh đô”! Có lẽ phải sống trong hoàn cảnh của sử gia Việt Nam vào đầu thế kỷ XX mới hiểu hết những khó khăn, lúng túng của ngòi bút: 1885-1920, gần nửa thế kỷ trôi qua, trong bối cảnh chịu ách thuộc địa, “sử quan” vẫn chưa thể nào hoàn toàn lột xác thành “sử gia”. Hay là, vào giai đoạn này của thời cuộc, chỉ là sự “biến hình đổi dạng” (avatar) của “sử quan”?
Quốc sử quán triều Nguyễn hoạt động mãi cho đến năm 1945446: qua 125 năm tồn tại, định chế đã để lại những công trình biên niên sử đồ sộ, qua đó người đọc ngày nay không chỉ tìm thấy những ghi chép sự kiện mà cả “cái nhìn, tầm nhìn”447 không mấy dễ dàng về những biến cố sự kiện. 25 năm cuối của Quốc sử quán cũng là lúc “sử quan thế quyền” phải chung sống với “sử gia thế tục”, là một giai đoạn “lịch sử” thật thú vị, xét về mặt văn hóa và văn chương, khi phong cách “biên niên” cũng là phong cách “tu từ” về chính trị và văn hoá… Đâu là sự chuyển biến từ phong cách sử quan sang phong cách sử gia? Đâu là sự khác biệt từ phong cách “Đại Nam Thực Lục”, bằng chữ Hán, đến phong cách “Việt Nam sử lược”, bằng chữ quốc ngữ?
446 Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I), “Quốc sử quán triều Nguyễn – Cơ quan chuyên trách biên soạn quốc sử” (archives.org.vn)
447 Nguyễn Hữu Tâm, “Cao Xuân Dục - Vị Tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn”, tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6(67) 2013, t. 86.
Phải chăng phải đợi đến một thế hệ sử gia khác, không những tiếp thu được những phương pháp công phu dài hơi, không những được tiếp cận những kho tư liệu đầy đủ hơn, mà còn cần có một vị trí độc lập, không bị ràng buộc bởi quan trường, bởi “thời (thế thế thời phải) thế”, để đưa ra những cách tiếp cận bao quát hơn? Giáo sư Lê Thành Khôi448, người chào đời 5 năm sau tác phẩm “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, trong phần kết luận “Histoire du Viet Nam”449, khi nêu sự thất bại của triều đình Huế trong việc bảo vệ chủ quyền, nói rõ đó là do “sự trì trệ về trí tuệ” (“immobilisme intellectuel” sic):
448 Giáo sư Lê Thành Khôi sinh năm 1925 tại Hà Nội; xem thêm Mạch Quang Thắng, “Một cách viết sử của Giáo sư Lê Thành Khôi”, Văn hóa Nghệ An, ngày 5/7/2020.
449 Lê Thành Khôi, “Histoire du Viet Nam, des origines à 1858”, Sudestasie, Paris1981
“Sự chán nản hay sự nổi loạn gợi lên trong các tác phẩm của giới nho sĩ có ý thức nhất về thời cuộc cho thấy sự khủng hoảng sâu xa trong đời sống tinh thần, đời sống xã hội của người Việt. Những nhà nho này không thể không nhận ra những xu hướng mới đang tràn vào các nước Đông Á, sau khi đã tràn qua đất nước Ấn Độ và các vùng biển phía nam châu lục. Cùng thời gian đó, triều đình [Huế] vẫn còn thu mình trong một thứ ý thức hệ xơ cứng, tiếp tục khơi gợi nơi dân chúng cái lý tưởng xưa cũ đình trệ về sự thăng tiến qua các kỳ thi văn chương để bước vào con đường công danh theo quan lộ.
Trong khi đó, từ đầu thế kỷ [XIX] sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản tiếp theo sự phát triển về công nghiệp, đã thúc đẩy các cường quốc phương Tây tìm kiếm chiếm lấy các thị trường trên thế giới. Nằm ngay trên trục đường dẫn đến một vùng thương trường “quý như vàng” là đất nước Trung Hoa [bao la và đông dân], Việt Nam không thể thoát khỏi sự xâm nhập của các nước châu Âu. Như hờ hững với dòng biến cố quốc tế diễn ra trước đó, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Nha phiến [giữa nhà Thanh với các nước Anh, Pháp, Mỹ: 1839-1842,1856-1860], triều đình Huế, vốn khinh thường đám “Man di” [da trắng] và dè dặt với những kỹ thuật của đám này, vẫn tiếp tục duy trì đất nước trong một tình trạng tự cô lập “rất ư hào nhoáng” [“un splendide isolement” sic].”450
450 Lê Thành Khôi, “Histoire du Viet Nam, des origines à 1858”, Sudestasie, Paris 1981, p. 389
Nhưng sử gia Lê Thành Khôi không hoàn toàn phủ nhận những thành quả của quá khứ, ông chỉ ra hoàn cảnh khách quan của một vương triều nằm trong truyền thống ngàn năm Hán hóa, không dễ chuyển mình sang một nền văn minh hiện đại. Tất cả vì do “con người” được đào luyện, thừa kế và thỏa mãn trong một loại “tư tưởng độc khối” (pensée monolithique): quan lại Việt Nam đã rơi vào bát quái trận đồ “sở tri chướng”451 của thế giới Hán hóa, không sao tự thân xây dựng một ý thức hệ từ xứ Việt, vì người Việt để tự thoát ra được…
“Được nuôi dưỡng qua bao thế kỷ trong tư tưởng Khổng giáo, những vị quan lại không thể nào hình dung những nền văn minh nào khác ngoài thế giới Trung Hoa, để rồi không thể nào mở mắt nhìn ra một vũ trụ nào khác bên ngoài [nền văn minh Trung Hoa], với những thành tựu, tiến bộ vượt bậc về mặt khoa học. Hẳn nhiên, nền học vấn xưa cũ không thua kém gì về mặt đào luyện tinh thần, tư tưởng và đạo lý: nền giáo dục truyền thống đã đào tạo nên những con người có trình độ văn hóa thật tinh tế, những vị phán quan liêm chính và những nhà cai trị tài năng, có lòng trung quân ái quốc, sẵn sàng xả thân, thà chết vinh hơn sống nhục trong cảnh thống trị của ngoại bang. Nhưng với sự gia tăng chế độ trung ương tập quyền và sự phát triển của chế độ quan lại thư lại, chế độ học vấn đã thoái hóa thành một thứ phương tiện chỉ phục vụ cho con đường quan trường [học chỉ để ra làm quan].”452
451 Yoshiharu Tsuboi còn đi xa hơn nữa khi viết rằng “vua Tự Đức còn [“bảo hoàng hơn vua”,] “Hoa” hơn cả người Trung Hoa”, không thể nhìn xa trông rộng, do chỉ biết nhìn thực tế qua duy nhất lăng kính Khổng giáo: “En Chine, les hommes politiques de l’époque utilisent le confucianisme comme un outil intellectuel par lequel ils essaient d’avoir prise sur la réalité, mais Tu Duc, lui, semble ne regarder que par le prisme du confucianisme: pour la décrypter, il inscrit la réalité dans le cadre des faits historiques de l’ancienne Chine. […] Tu Duc était plus chinois que les Chinois et une “grosse tête” qui ne pouvait voir plus loin que son nez…” (“Politique et confucianisme dans le Vietnam du XIXè siècle: le cas de l’empereur Tu Duc (1847-1883)”, in “Confucianisme et sociétés asiatiques”, L’Harmattan, Paris 1991, p. 144).
452 Lê Thành Khôi, “Histoire du Viet Nam…”, id. p. 389
Hậu quả sâu xa: cái “hậu chẩm” trong tư duy quan lại triều đình nhà Nguyễn vẫn mãi là Thiên Triều, và thế đường cùng vẫn mong trông cậy biến lấy thành “tiền án [ngữ]” cho Đại Nam chống lại “đám Man Di da trắng”. F.Thierry viết:
“vào cuối tháng giêng năm 1886, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn đi ra hướng bắc: Thuyết có thể đã quyết định sang Trung Hoa để cầu viện và ký kết một hiệp ước liên minh quân sự. […] Vào tháng 2 năm 1887, Tôn Thất Thuyết sang Trung Hoa, đặt chân đến đất Vân Nam, cùng đi có Đèo Văn Trí và khoảng hai mươi người. Thuyết được giới thiệu với Phiên vương của Vân Nam-Quý Châu, Cen Yuying, nhưng không có [cam kết] gì cụ thể từ cuộc gặp này, dù nguyên quan Phụ chánh Thuyết đã trao cho Phiên vương Trung Hoa 500 lạng và 50 xâu tiền lấy từ kho báu triều đình Huế. Thuyết được [phía Trung Hoa] đồng ý đưa đi Quảng Đông nơi ông muốn gặp Trương Chi Động, Tổng đốc Lưỡng Quảng, nhưng Thuyết đã không sao thu xếp được một cuộc tiếp kiến dù ngắn ngủi.”453
453 François Thierry, “Le trésor de Huê – Une face cachée de la colonisation de l’Indochine”, Nouveau Monde éditions, Paris 2014 (p. 141-142)
Yoshiharu Tsuboi, phần mình, chỉ thêm cái yếu kém của “hạ tầng vật chất” đã không cho phép giới nho sĩ Việt Nam đương thời tiêu hóa và chuyển hóa cái Khổng học thành một công cụ ý thức hệ ứng vào hoàn cảnh Việt Nam, một “thượng tầng kiến trúc” tương tự như đã được thực hiện ở các nước “đồng văn” khác454. Như vậy cách tiếp cận của Lê Thành Khôi và Y.Tsuboi nêu ra những phân tích sâu xa hơn về cái kết của triều đình Huế “hậu Tự Đức”: những tư tưởng lỗi thời lạc hậu không thể nào đối mặt với những tình thế lịch sử chưa từng có đối với đất nước. Các sử gia đã vượt qua lối viết “sử theo biến cố sự kiện” (histoire événementielle) để tiếp cận theo lối “bao quát toàn diện” (histoire globale ou holiste), đa diện và liên ngành (multidimensionnel, transdisciplinaire455): cái “nhân-quả” lịch sử tức thì và tuyến tính (causalité immédiate et linéaire) không còn tính thuyết phục. Những nhân vật lịch sử chỉ là bề nổi bề mặt của những lực “văn hóa văn minh” ẩn chìm dài lâu, khuếch tán theo những trường lịch sử nhất định: Đại Nam đã trở thành nơi đối đầu của các nền văn minh, nơi phải chịu một cú sốc văn hóa và địa chính trị khốc liệt, một dạng “Clash of Civilizations456”, kiểu thức hậu bán thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, dõi theo ngòi bút sử quan, có những ghi chép đã nói lên một não trạng…
454 Yoshiharu Tsuboi, “Politique et confucianisme dans le Vietnam du XIXè siècle: le cas de l’empereur Tu Duc (1847-1883)”, in “Confucianisme et sociétés asiatiques” (p. 144-145): “Giới trí thức Việt Nam thời đó không có sách vở [đầy đủ] để có thể nắm hiểu lịch sử của chính đất nước mình: điều lẽ ra đã có thể cho phép trí thức Việt Nam tránh được sự gián đoạn [nhận thức] giữa lịch sử thực sự của đất nước và lịch sử của nước Trung Hoa lý tưởng hóa (“histoire chinoise idéale” sic). Sự gián đoạn về ý thức lịch sử đã chặn đà [quá trình] Việt Nam hóa Khổng giáo và làm cho Khổng giáo [được tiếp thu] hoặc như là một loại ý thức hệ thuần tuý Trung Hoa, hoặc chỉ là một phương tiện thăng tiến xã hội”.
455 Con đường học thuật, nghiên cứu của giáo sư Lê Thành Khôi cho thấy khuynh hướng như vậy: tiến sĩ về kinh tế học tại Paris (1949), tốt nghiệp Học viện Luật pháp quốc tế tại Hà Lan, cử nhân văn chương tại đại học Sorbonne, v.v.
456 Le Choc des civilisations (1997), bản gốc tiếng Anh: The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order của Samuel Huntington (1996)
“Sét đánh cây tháp Phúc Duyên ở chùa Thiên Mụ”457
457 ĐNTL: là dòng cuối cùng khép lại phần Đệ Ngũ kỷ, quyển V, Thực lục về Giản tông Nghị hoàng đế (t. 108)
Ở cõi vũ trụ “Thiên-Địa-Nhân458” (Hán hóa) đồng cảm đồng ứng mật thiết, những điềm lành điềm dữ xuất hiện tại kinh thành Huế, diễn ra trước mắt các quan lại triều đình nhà Nguyễn, như muôn phần hệ trọng, bội phần “dự báo”, lấn lướt những mong muốn cảnh báo, cùng những nguyện vọng, từ những người Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc459 với nền văn minh “cơ giới và thực chứng” phương Tây vào thế kỷ XIX? Câu chuyện “sét đánh” là cái “thiên thời” ngẫu nhiên, hay như “sấm nhà trời”, để chuẩn bị bước vào thời kỳ “Hàm Nghi đế” đầy rối loạn? Với phần mở đầu là hai nhân vật (Phụ) chính sẽ như gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm trước sử sách Đại Nam về vụ binh biến tại kinh thành Huế…
458 ĐNTL (t. 159-160): “Thần đảng phụng sung Tổng tài, Toản tu Quốc sử quán kính tâu: Về bản in tập Thực lục Chính biên Cảnh công Thuần hoàng đế đã làm xong. Điềm hay biểu hiện trong hồ lô, triệu tốt ứng báo ở trụ hạ, thần đẳng thực rất vui mừng kính phụng biểu dâng lên:
Kính thấy [Khổng tử] khi biên chép Lân kinh, bỗng có sao Bắc Thần giáng cho phiến hoàng ngọc có khắc chữ [Lưu Hướng] soạn sách ở gác Thiên Lộc, bỗng thấy vị Thái Ất cầm gậy thanh lê chiếu lửa soi, pho sử hoàn bị của họ Mã; văn thơ danh tiếng ở núi Ngao [đều là sử sách có giá trị]”.
459 DG: Như trường hợp Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Về những “điều trần” của ông trước và sau hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 với triều đình Huế, xem Nguyễn Đình Đầu, “Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức”, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2013.
“Giáp Thân, năm Kiến Phúc thứ nhất [1884]. Tháng 9, mùa thu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết dời để vua mới nối ngôi là Thuỵ quốc công xuống ngục, rồi giết ngầm đi”460.
460 ĐNTL, Đệ Ngũ kỷ, quyển VI, Hàm Nghi Đế (Phụ), t. 109.
Trước đó, tương tự như nỗi lo lắng của nhân vật Rosencrantz trong một vở kịch nổi tiếng của Shakespeare, “Hoàng thượng băng hà không chỉ duy nhất chuyện một người qua đời: tương tự như vực thẳm, sẽ kéo theo tất cả những gì kề cận xuống vực sâu […] Một vị vua chỉ trút hơi thở cuối cùng trong tiếng rên siết của cả một dân tộc”461, vua Tự Đức băng hà vào ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi, tức ngày 19 tháng 7 năm 1883, để lại một đất nước, triều đình và ngôi báu, thật ngổn ngang trăm mối. Sẽ chìm vào giai đoạn tứ nguyệt tam vương triệu bất tường…
461 “Le décès d’une Majesté n’est pas la mort d’un seul: comme l’abîme, elle attire à elle ce qui est près d’elle […] Un roi ne rend jamais son dernier soupir que dans le gémissement de tout un peuple” (William Shakespeare, Hamlet, scène 3, acte 3)
Quan lại triều Nguyễn462
462 Bức họa màu nước của ông Tôn Thất Sa, BAVH số 3/1916