Về những diến ngôn xa gần chung quanh ngày "Thất thủ Kinh đô"
Toàn cảnh Huế với sông Hương (Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (p. 485)
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”422
422 “Người đời xưa nay ai không phải chết / Để lại tấm lòng son soi vào sử xanh”, trích từ bài “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ.
Biến cố “Thất thủ Kinh đô”, ngày “23 tháng 5” năm Ất Dậu (nhằm ngày 5 tháng 7 năm 1885), để lại dấu ấn vĩnh viễn trong đời sống tinh thần, sinh hoạt tâm linh của người dân Cố đô Huế. Hàng năm, vào khoảng thời gian hạ tuần tháng 5 âm lịch, Cố đô lại chuẩn bị cho lễ cúng, ở mỗi gia đình, mỗi ngõ hẻm góc phố, để tưởng nhớ tất cả những ai đã hy sinh, “trận vong”, trong những ngày tột cùng tang thương của Kinh thành nhà Nguyễn. Những ký ức ghi lại, những hồi ức cá nhân, những nghiên cứu sử học tiếp nối nhau về sự kiện “23 tháng 5” tại Kinh thành Huế. Từ nhiều góc độ: nhà viết sử chuyên nghiệp, người viết hồi ký, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hay nghiệp dư, tất cả, hàng năm vào ngày kỷ niệm, đều như muốn gợi lại một góc khuất nào đó của sự kiện.
Sử quan triều Nguyễn ghi chép biến cố trong khuôn khổ một định chế ra đời dưới triều vua Minh Mạng, Quốc Sử quán. Vài thập niên sau, những nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam, như trường hợp của bộ tập san BAVH423, xa gần có liên quan đến biến cố, lại đưa ra những nhận định riêng tư. Tiếp đó, sử gia Việt Nam tự thân viết lại theo nhiều tư liệu trong và ngoài nước, hay theo kiến giải cá nhân. Người dân thường thì chẳng văn hoa bóng bảy, lui tới cảm thán qua đôi ba bài vè424. Và những sử gia ngày nay, thận trọng hơn, công kỹ hơn, tiếp tục đào xới trong đống tư liệu các văn khố để mong “chân diện mục” một giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều rối rắm, trong bối cảnh cuộc đụng độ rộng lớn giữa những nền văn minh phương Đông và phương Tây. Việt Nam, vào giữa thế kỷ XIX, đang ở vào thế “lưỡng cực”, giữa hai trong số nhiều thế lực của thời đại, đặc biệt tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, theo như cách viết của Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”425. Tác giả người Nhật đã chủ ý chọn mốc thời gian để khép lại một chặng đường lịch sử của xứ An Nam, là năm 1885426. Thất thủ kinh thành Huế tháng 7 năm 1885 không chỉ là chuyện thay vua đổi ngôi liên hồi của một vương triều, hay thảm cảnh tang thương của dân cư kinh thành những ngày biến cố, đó là thời điểm bước ngoặt: đất nước đánh mất chủ quyền, rơi vào vòng xóa y bảo hộ và thuộc địa. Từ thời điểm này sự tình mất chủ quyền đất nước sẽ kéo dài hơn nửa thế kỷ, đến tận năm 1945…
423 “Bulletin des Amis du Vieux Huê”, tập san nghiên cứu của hội đoàn học thuật AAVH (Association des Amis du Vieux Huê): xem Lê Đức Quang, “Hội Đô thành Hiếu cổ tại Kinh thành Huế: sự gặp gỡ của truyền thống hội đoàn học thuật châu Âu với một vùng đất chất chứa giao thoa văn hóa”, Hội thảo “100 năm BAVH và vấn đề tiếp xúc văn minh Đông – Tây đầu thế kỷ XX”, ngày 27/12/2014; đăng lại ở tạp chí Văn Hóa học (Hà Nội, 2015) với tiêu đề: “Hội AAVH tại Kinh thành Huế: một cái nhìn phương Tây về một phương Đông huyền ảo”.
424 “Vè Thất thủ kinh đô”, Đinh Xuân Lâm và Triêu Dương, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, 1959
425 Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885”, Nhã Nam và Nhà xuất bản Tri thức, 2011.
426 Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885” (t. 36): “Tôi đã chọn nghiên cứu kỹ trong sách này giai đoạn kể từ Tự Đức lên ngôi tới khi ký hiệp ước Thiên Tân, tức từ năm 1847 đến năm 1885, nghĩa là trong giai đoạn then chốt, giai đoạn mà nước Đại Nam phải đối đầu với lực lượng Pháp rồi bị Pháp chế ngự”
Trong cõi “rừng trúc sử xanh” rậm rạp, dày đặc, đâu là manh mối liên kết các sự kiện, đâu là hành vi hành tung của từng nhân vật lịch sử trong chuỗi nhân quả toan tính tham vọng, đâu là những mưu mô mưu đồ trong trò chơi vương quyền? Những công trình nghiên cứu khác nhau, bổ sung qua lại, đã giúp người đọc ngày nay phần nào hiểu rõ hơn về sự thể các biến cố, về tư cách hay toan tính của từng nhân vật. Thời gian dài trước đây, những kết quả suy cứu không được thuyết phục do khai thác hạn chế về tư liệu, như Tsuboï đã viết trong phần dẫn nhập tác phẩm nêu trên:
“Theo sự hiểu biết của tôi, hiện chưa có một tác giả nào kỳ công làm sáng tỏ lịch sử giai đoạn này, đó là giai đoạn gần thống nhất với triều đại Tự Đức (1829-1883), niên đại ngôi vua (1847-1883). Tất nhiên, một số sách lịch sử Việt Nam đều có ghi chép giai đoạn này và có nhắc đến Tự Đức, nhưng thường là với giọng điệu sai lạc và thiên vị, nếu không chỉ quan tâm tới một khía cạnh hay một thời điểm lẻ loi.
Thực tế, những thiếu sót đó chủ yếu là do sự nghèo nàn của tư liệu được sử dụng cho tới nay. Một số tác giả xưa đã hài lòng với những nguồn tư liệu hạn hẹp hoặc gián tiếp, mà phần chính là của Pháp, đáng lẽ họ còn phải tham khảo các nguồn tư liệu Trung Hoa và Việt Nam nữa, ngoài nguồn của Pháp.”427
427 Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885” (t. 36)
Như vậy, người đọc sử không chỉ dừng lại ở đối tượng được xem xét quan sát mà còn phải soi xét về ngay chính tư thế quan sát428 hay lăng kính soi chiếu. Tương tự như khi nghiên cứu về vật lý lượng tử: vị thế, vị trí quan sát có thể làm thay đổi kết quả quan sát… Về cái được cái mất theo cách nhìn từ “kẻ kia khác” (l’Autre), đặc biệt trường hợp các nhà truyền giáo giai đoạn tiền thực dân, Nguyễn Thừa Hỷ viết:
428 Điểm đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ nhấn mạnh trong công trình “Việt Nam, thế kỷ XVII, XVIII, XIX (qua các nguồn tư liệu phương Tây)”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội + Mai Ha Books, 2020.
“Những quan sát và nhận xét đánh giá lại được nhìn qua lăng kính của các giáo sĩ truyền đạo Kitô, trong đó một số có đức tin tôn giáo quá nhiệt thành đã dẫn tới những quan điểm thiên lệch. Tuy nhiên, ở một mặt khác, nguồn tư liệu thư tịch phương Tây này lại được đền bù bằng những giá trị đặc biệt và độc đáo của nó, mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ một nguồn tư liệu nào khác.
Trước hết, đó là một “tầm nhìn tha nhân” (vision de l’autre), cái nhìn của người khác, người ngoài cuộc, thường nhiều khi sáng suốt và khách quan công bằng hơn người trong cuộc. Do luôn luôn đối sánh trong một hệ quy chiếu Đông – Tây, họ có điều kiện nhận ra những nét đặc thù của xã hội - văn hóa truyền thống Việt, kể cả những mặt tích cực và tiêu cực, mà những người Việt ở trong cuộc, có thể do thói quen hoặc sự chai sạn lâu ngày, nhiều khi không nhận ra hoặc mặc nhiên bỏ qua […] Một thế mạnh khác của nguồn tư liệu phương Tây là diện trường thông tin rộng lớn của nó. Như chúng ta đều biết, những bộ chính sử của các vương triều phong kiến Việt Nam bị định hướng của ý thức hệ nho giáo chính thống, chủ yếu là kể lại biên niên những sự kiện trong cung đình và của bộ máy chính quyền […] Chúng ta rất ít biết về thực trạng tình hình kinh tế, xã hội trừ một vài tùy bút, ký sự. Hình ảnh của người bình dân trong đời sống kinh tế-xã hội đích thực của họ lại càng mờ nhạt hơn.”429
429 Nguyễn Thừa Hỷ, “Việt Nam, thế kỷ XVII, XVIII, XIX (qua các nguồn tư liệu phương Tây)”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội + Mai Ha Books, 2020 (t. 394-395).
Điểm qua những “diễn ngôn” hay “tự sự” từ nhiều phía, nhiều hướng, nhiều vị trí, nhiều thời điểm khác nhau có giúp cho người đọc ngày nay nắm bắt được “một thoáng sự thật”, qua những mảnh lắp ghép, trông qua như rời rạc, làm nên “bức tranh lịch sử”? Điều “đơn giản” là, trong một thời gian dài, nhiều kho tư liệu, nhiều văn khố lưu trữ chưa được bạch hóa, chưa được khai thác đến nơi đến chốn. Những thiên kiến của những con người quá “hăng hái nồng nhiệt” theo dòng sự kiện, quá gần gũi trong không gian và thời gian của những biến cố, đã không có đủ khoảng cách để định hình một cái nhìn vô tư hay cách nhìn nhận khách quan. Hệ quả là ngòi bút viết sử lại liều lĩnh “kể chuyện sử thi”, nặng về biến cố, thiên về trận mạc, chuyện trắng đen có vẻ như hết sức rạch ròi… Mà sử học đâu chỉ đơn giản là chuyện quá khứ hay về quá khứ, tương tự như ngành khảo cổ học, sẽ luôn sinh động ở thì tương lai, sinh sôi trên quỹ kho tàng lặng lẽ và vô tận của di sản quá khứ. Người viết sử, một cách nghiêm cẩn, sẽ luôn nghĩ đến một mai đây: nếu sử sách, hiển nhiên, được viết ở thì quá khứ, việc đọc sử lại ở thì tương lai…
Điểm lại những diễn ngôn hay tự sự liên quan đến ngày “23 tháng 5 tại Kinh thành Huế” có giúp người đọc ngày nay “sáng dạ” hơn về “chuyện ngày hôm qua”, công bằng hơn với chuyện người xưa năm tháng nọ, tỉnh táo hơn khi muốn vào vai phán quan đối với sử sách? Khi tiếp cận tác phẩm của François Thierry với tiêu đề góc (sát theo câu từ là) “Kho báu của Huế - Một góc khuất của công cuộc thuộc địa hóa [của Pháp] tại Đông Dương” (“Le trésor de Huê - Une face cachée de la colonisation de l’Indochine”), người đọc ngày nay phải đi lại một chặng đường lịch sử khá dài: từ 1847, khi vua Tự Đức lên ngôi tại kinh thành Huế, đến 1997, khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời tại Paris. Và đối diện trở lại với “chân dung” của hơn một trăm nhân vật430 hàng đầu đã tác động lên cục diện đất nước Đại Nam đang trong cơn thịnh nộ giằng co, giằng xé giữa hai thế giới, Hán hóa và Âu hóa. Thời điểm khởi đầu cho triều đại vua Tự Đức, vào giữa thế kỷ XIX, là cùng thời với một nước Nhật Mạc phủ thời Edo (1603-1868), cùng hoàn cảnh, cùng phải đưa ra sự chọn lựa một quốc sách khi đối mặt với những chủng tộc mà người Nhật, cũng như nhiều người Việt thời đó, cho là “Man di”431…
430 François Thierry đã dành ra hơn mười trang (t. 291-302) để liệt kê ra các nhân vật đã xuất hiện trong tác phẩm: 117 tên tuổi. Trong chừng mực có thể, dịch giả sẽ cung cấp các đường liên kết về văn bản để “tên-tuổi” có thể gợi ra cho độc giả những con người và hành động liên quan trong mạng lưới quan hệ chằng chịt đương thời. Cũng là một phần chức năng của Lời bạt bản dịch.
431 Guillaume Carré, “Deux cents ans de fermeture?” (L’Histoire n°333, juillet-août 2008, p. 52-53): “L’exaltation chauvine de la supériorité du Japon cultivée dans le contexte de la fermeture du pays finit par déboucher, à la fin du shogunat, sur l’éclosion de la mouvance xénophobe des partisans de l’”expulsion des barbares” après l’ouverture des ports dans les années 1850-1860”, tạm dịch: “Tinh thần ái quốc cực đoan đề cao sự vượt trội của nước Nhật được nuôi dưỡng trong bối cảnh một đất nước đóng cửa cuối cùng đã dẫn đến, vào cuối thời kỳ Mạc phủ, sự nở rộ khuynh hướng bài ngoại của những người chủ trương “trục xuất đuổi cổ bọn man di mọi rợ” [da trắng], sau khi có chính sách mở cửa các cảng biển [của nước Nhật] vào những năm 1850-1860”.