Trong chừng mực nào đó, những tình huống đặc biệt liên quan đến việc chiếm giữ của cải kho báu tại kinh thành Huế đã là một yếu tố mang tính “giai thoại” (“anecdotique” sic), một tính chất có thể bắt gặp trong rất nhiều trường hợp ở nhiều nơi khác trên thế giới theo với dòng thời gian. Nhưng cuối cùng, với một khoảng cách thời gian để nhìn lại, cả sự bạo liệt của việc cướp bóc kho báu [tại kinh thành Huế], và cả tầm vóc của cải kho báu đã để lại dấu ấn không thể nào phai mờ trong ký ức nhiều người về sau. Và quả thật là, sự tiến hóa về quan niệm, sự thay đổi về các mối quan hệ quốc tế cũng như về luật lệ chống lại việc buôn bán các tác phẩm nghệ thuật, [trải qua kinh nghiệm] từ chuyện các di tích của đền Parthenon [tại Hy Lạp] đến các cổ thư [của người Aztec] tại Mê- hi-cô, từ chuyện chiến lợi phẩm của các trận chiến của Napoléon đến việc [lực lượng Anh và Pháp] cướp phá Vườn Viên Minh [của nhà Thanh], [tất cả đã thay đổi và làm thay đổi] dẫn đến việc ngày nay người ta có một cái nhìn về sự kiện biến cố đã qua, khác xa rất nhiều so với cái nhìn lúc sự việc sự thể đang diễn ra trước mắt.
Việc cướp bóc chiếm đoạt kho báu tại Hoàng cung [nơi kinh thành Huế] đạt đến một tầm vóc khác thường và diễn ra vào một giai đoạn lịch sử mà các quy tắc quốc tế đã trở nên áp lực ràng buộc hơn nhiều so với thời Cổ đại hay thời Trung Cổ, và lẽ ra có thể tránh được chuyện tước đoạt của cải của kẻ thua trận. Vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, chuyện thực tế, đưa ra yêu cầu kẻ bại trận, ngoài chuyện cắt nhượng đất đai, việc phải trả thêm bồi thường chiến phí đã trở thành thông lệ. Chẳng hạn, theo với hòa ước Francfort (10 tháng 5 năm 1871) kết thúc cuộc chiến năm 1870, nước Phổ yêu cầu nước Pháp một khoản bồi thường chiến phí lên đến 5 tỷ đồng quan vàng. Hay là sau cuộc chiến giữa Nga và Thổ những năm 1876-1878, hòa ước Constantinople (27 tháng giêng-8 tháng 2 năm 1879) buộc nước Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman bồi thường chiến phí cho nước Nga lên đến 400 triệu roubles… Qua hòa ước ký kết tại Sài Gòn (ngày 5 tháng 6 năm 1862), nước Pháp đã đòi Việt Nam một khoản “bồi thường” lên đến 4 triệu pesos bạc.
Rốt cùng, chính tính chất lạc hậu xét về mặt lịch sử của sự thâu tóm nuốt gọn của cải kho báu đã làm cho sự kiện [chiếm đoạt kho báu tại kinh thành Huế] trở thành một trường hợp hết sức lạ thường. Việc cướp bóc chiếm giữ như thế có tính chất sai thời lộn kỳ (“anachronique” sic): ngoài việc quân đội Pháp chiếm hữu “chính thức” những của cải tài sản của triều đình Huế, phía Pháp còn dung túng một sự cướp phá cướp bóc theo động cơ cá nhân, vô tổ chức, hỗn loạn, lỗi thời, từ phía những người lính Pháp, từ những quan chức và nhân sự Việt Nam trong hoàng cung và thuộc triều đình, và có vẻ như ngay cả từ những thường dân sinh sống tại kinh thành Huế. Tương tự như đã xảy ra với những đoàn quân thời Cổ đại hay Trung Cổ, tại châu Âu hay tại châu Á, vị tướng chiến thắng giành lấy phần chiến lợi phẩm lớn nhất cho bản thân, và thả cửa cho quân lính của mình, cùng đám hôi của luôn bám theo các đoàn quân, tùy hứng vơ vét các đô thị bại trận. Biến cố tại kinh thành Huế năm 1885 không thể so sánh với những chiến lợi phẩm được lực lượng quân đội của Napoléon chiếm đoạt được vì tính chất có khác. Đi cùng với các sĩ quan của hoàng đế Napoléon là các nhà bác học và các chuyên gia về bảo tồn: họ đã chọn lọc những tác phẩm nghệ thuật, những cổ vật, những viên đá quý, ít vì giá trị tự thân của các món đồ, mà thiên về giá trị về mặt khoa học và nghệ thuật, thậm chí vì giá trị biểu trưng của chúng. Cũng theo cách nhìn như vậy, việc so sánh gần xa việc cướp phá Vườn Viên Minh [nhà Thanh] với biến cố tại kinh thành Huế là hời hợt. Vì lẽ mục tiêu chính trị của lực lượng Anh và Pháp đối với [nhà Thanh] Trung Quốc, đó là một sự trừng phạt nặng nề cần thiết, cần đến một hành động man rợ và kinh hoàng, theo đó sự phá hủy quan trọng hơn là sự chiếm hữu: người ta thường phá tan để [như thỏa mãn sự] chiếm hữu (s’approprier sic), và phá hủy những gì không thể mang đi được, mang về được.
Trường hợp tương tự gần gũi nhất với biến cố tại kinh thành Huế, xét về diễn tiến, về đối tượng, và xét ngay cả về bối cảnh thuộc địa [hay thuộc địa hoá], đó là vụ cướp bóc kho báu của Bahu Begum d’Awadh năm 1775. Warren Hastings, người lãnh đạo thực sự Hội đồng tại Calcutta cho công ty East India Company, đe dọa Asah-ud Daulah, là vị tân nawâb [thống đốc] của vùng Awadh, vì vị này không còn có khả năng trả các món nợ của cha mình cùng những khoản bồi thường bị áp đặt. Vị người Anh đã gợi ý cho người lãnh đạo Ấn-Độ là, để có thể trả nợ, vị này nên ra tay chiếm lấy kho báu khổng lồ của mẹ mình, bà Bahu Begum, vốn đã hưởng gia tài từ chồng mình, ngài nawâb quá cố Shuja-ud Daulah, để giao lại tận tay cho chủ nợ người Anh. Trước sự từ chối của bà Begum, Hastings đã ra tuyên bố bà Begum ở vào tình trạng nổi loạn, và rồi, vào năm 1775, với sự đồng lõa của Tể tướng Murtaza Ali Khan, Hastings đã cho cướp phá cung điện và chiếm đoạt những số lượng tiền vàng và ngọc ngà châu báu không sao đếm xuể. Cũng tương tự như Sylvestre và nhiều người khác cho rằng những gì lấy được tại kinh thành Huế chỉ là một phần hết sức nhỏ nhoi của toàn bộ của cải kho báu của các vị hoàng đế xứ An Nam, Hastings và những người Anh đã nghĩ là kho báu của bà Begum phần lớn đã thoát được cảnh cướp phá cướp bóc: trong thời gian cả chục năm, những người Anh và những người bản địa cùng cánh, như Tể tướng Haider Beg, đã dồn ép đe dọa bà Begum và những người thân tín, tra tấn và cầm tù họ với mục đích khám phá cho ra những nơi cất giấu bí mật, đồng thời gia tăng chuyện cướp bóc421.
421 H.-C. Irwin, The Garden of India, or chapters on Ouhd History, Londres, 1880, p. 88-92
Như thế, thế lực chiếm đoạt thuộc địa [phía Pháp] đã xem kho báu kinh thành Huế như là một nguồn thu nhập tài chính vượt quá mong đợi, hơn như là một chiến lợi phẩm. Để rồi, [phía Pháp] trả lại dễ dàng những gì có thể được xem như thuộc vào hạng chiến tích hay chiến lợi phẩm (trophée sic), như là châu báu ngọc ngà hay đồ quý giá, và chỉ giữ lại những dạng “đồng tiền này nọ” (“espèces” sic). Theo một chừng mực nào đó, tại kinh thành Huế, tại vùng phương Đông, ở các vùng thuộc địa, nơi các giống người bị xếp vào hạng man di mọi rợ (barbares sic), người ta [là người Pháp] đã tự cho phép làm [những hành động hành vi] những điều không còn có thể chấp nhận ở châu Âu từ cả thế kỷ trước đó, ngoại trừ là, nếu làm như vậy thì buộc phải đỏ mặt [xấu hổ] trước những nước cùng đẳng cấp, những Nhà Nước [thời] hiện đại./.