Trong kho báu kinh thành Huế, vào lúc hoàng cung bị chiếm đóng, gồm có những loại tiền của mà theo những ghi chú trên đó có thể phân biệt ra của cải thuộc kho báu hoàng cung: cung thảng (sic), của cải từ kho báu triều đình: nội thảng (sic), và số khác thuộc “công sản” (trésor public: quan, sic). Nhưng do không có trong tay những dữ liệu chính xác, chúng ta không thể biết được những nén vàng, nén bạc như thế có được cất giữ riêng biệt tùy vào xuất xứ nguồn gốc của chúng, hay là tập trung vào một nơi của hoàng cung, ở Nội Vụ phủ chẳng hạn. Do đó, có thể có khả năng là kho báu của hoàng đế được hình thành từ những nén vàng, nén bạc đến từ những kho báu hay kho lẫm khác, và điều này có thể giải thích tại sao có sự hiện diện của những nén vàng bạc có ghi dấu những kho báu khác trong số của cải được cất giữ ở hoàng cung. Nhiều thành phần khác của kho báu [hoàng cung], là sở hữu riêng của hoàng đế, của các hoàng hậu hay hoàng thái hậu, như chúng ta đã thấy, đã bị cướp bóc ở nhiều gian phòng khác nhau của các điện. Theo Sylvestre, “chúng ta biết là ở xứ An Nam không có [ý niệm, khái niệm] “Công sản” (“Trésor public” sic), mà chỉ có duy kho báu của hoàng đế, hoàng gia (“trésor impérial” sic), không hề có sự kiểm soát của những người dân phải đóng thuế, hoàn toàn do hoàng đế chi dụng, tương tự như là chuyện rương hòm của cải tùy dụng của một vị vua ở châu Âu vậy”415. Nhưng một khẳng định như vậy [của Sylvestre] mâu thuẫn với những gì được ghi trên nén vàng, nén bạc. Các tác giả [nhà nghiên cứu] Pháp nói đến “kho báu kho lẫm của Nhà Nước” hay “kho báu hoàng gia”, mà không nói rõ gì thêm, và đôi khi nói đến cả những “kho lẫm ở các tỉnh”, nhưng rõ ràng thực sự đã có một kho lẫm công hữu [công sản], một kho báu của triều đình và một kho báu của hoàng cung, cho dù là có sự thẩm thấu qua lại giữa ba loại kho quỹ tài sản như vậy.
415 Jules Sylvestre, L’Empire d’Annam […], op.cit. p. 339
Đã từ lâu, mà không chỉ là trường hợp Việt Nam, đã có sự lẫn lộn không phân biệt giữa các khái niệm khác nhau: kho báu hay tài sản công hữu, tài sản Nhà Nước, tài sản của triều đình, tài sản của vương triều hay của cải tài sản riêng của quân vương… Dù có cho vào thêm một từ xác định thuộc tính thì ta vẫn ở tình trạng không rõ ràng hay khó hiểu, vì lẽ có thể ngay cả loại từ thuộc tính cũng chẳng được minh định rõ ràng. Khi đề cập vấn đề liên quan đến những ngọc ngà châu báu của vương triều Pháp, Germain Bapst viết rằng “qua các chứng thư hoàng gia (lettres patentes sic), vua François Đệ Nhất đã tuyên bố rằng đức vua cho hình thành của cải kho báu như thế nhằm để hiến tặng cho những hậu duệ kế nghiệp, nghĩa là Nhà Nước [“c’est-à-dire l’Etat”416 sic], và đức vua lệnh rằng “mỗi lần những ngọc ngà châu báu này được chuyển giao, việc đánh giá chúng, như về cân nặng, màu sắc, chất lượng kim loại, tất cả cần phải được kiểm tra công khai để những người kế vị thừa kế có thể làm cho các chứng thư trở nên bắt buộc, phải giữ ngọc ngà châu báu cho những người kế ngôi kế nghiệp”417. Khi viết như vậy, Germain Bapst đã tạo ra sự tương đương (équivalence sic) giữa các vị vua Pháp và Nhà Nước [Pháp], và như thế có sự đồng nhất (identité sic) giữa kho lẫm tài sản của Nhà Nước với của cải kho báu của vương triều. Nhưng đức vua [François 1er] đã cẩn thận nói rằng cái sở hữu chính xác này, là ngọc ngà châu báu của vương quyền, chứ không phải những món đồ của riêng ngài, vì vậy không thể cho đi, bán đi (inaliénable sic), và phải được vị quân vương [khi rời ngôi báu] trao lại nguyên vẹn cho những người kế vị: mà đã là của cải của Nhà Nước thì làm sao có thể cho đi, bán đi được? Nhà Nước thì có những chức năng tối cao, quyền năng tối thượng, theo đó cần phải có những phương tiện tài chính để vận dụng triển khai. Và, cho dù Bapst cam đoan những châu báu của vương quyền “là không thể cho đi bán đi”, thì trong thực tế, nhiều lần những ngọc ngà châu báu đó bị mang đi cầm cố hay sang nhượng lại: chẳng hạn, như vào năm 1649, vì một số đội lính bảo vệ gốc Thuỵ Sĩ và các đội quân tự quản không nhận được tiền lương trong nhiều tháng, các sĩ quan của binh đội, trong khi kiên nhẫn chờ đợi, đã chấp nhận một phần châu báu của vương triều như là của thế chấp đảm bảo cho số tiền lương chưa nhận được. Phải mãi đến năm 1665, một số châu báu đó mới được thu hồi, tuy không mấy dễ dàng, để trở về lại kho lẫm kho báu của vương triều. Năm 1785, hoàng hậu Marie-Antoinette đã làm áp lực rất lớn đối với vua để có thể sở hữu được một bộ trang sức có gắn nhiều viên kim cương và hồng ngọc [trích từ của cải kho báu vương triều]. Dù xuất hiện những trường hợp đơn cử như vậy, ở nước Pháp, vẫn có sự phân biệt tách bạch (cho dù đôi khi vẫn còn mơ hồ), một mặt, giữa kho báu của vương triều với của cải tài sản của cá nhân nhà vua, và mặt khác, giữa kho báu của vương triều với kho tàng tài sản thuộc về Nhà Nước [hay “công sản”].
416 DG: Được tác giả gạch dưới câu chữ.
417 Germain Bapst, Histoire des joyaux de la couronne de France, Paris, Hachette, 1889, p. 3
Hình như một sự phân biệt như vậy được thiết chế rõ ràng hơn trong cấu trúc tổ chức kho báu của các vị sultan vương triều Ottoman. Kho báu Ottoman được phân định thành ba phần: một phần được đặt ở “Đại Cung Môn” (Bab-i humayun sic; [tiếng Pháp: “Sublime Porte”]) gồm những của cải và tiền bạc giá trị chiếm được hay được tập hợp lại để chờ vị sultan quyết định nơi cất giữ, nhắm đến hai kho tàng hay kho lẫm khác: kho tàng bên ngoài (“trésor extérieur”, hazine-i biruni, sic) là thuộc của cải công sản, và kho tàng của cải riêng (“trésor privé”, hazine-i enderuni, sic) thuộc sở hữu riêng của padishah418 [sic,“vương chủ” hay quân vương]. Kho báu hình thành theo nguồn thu từ các tỉnh thành, theo việc chiếm giữ những kho báu của các vị quân vương bị đánh bại, và từ chế độ tịch thu cũng như thừa kế tài sản (muhallefat sic). Sự mở rộng thường xuyên các vùng lãnh thổ của đế chế [Ottoman] từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII cho phép sự gia tăng tương ứng về của cải kho báu, là những nguồn của cải thu nhập từ các vùng Balkan, Hungary, Valachie, Caucase, Syrie, Ai-Cập, Ba Tư, Tripolitaine và Alger. Nhưng khi một châu Âu hiện đại hóa bắt đầu lấy lại các vùng đất [người Thổ] chiếm đóng thì các chi phí chiến tranh cũng như các khoản bồi thường chiến phí đã làm thâm thủng kho tàng kho lẫm [của người Thổ], vốn đồng thời đã bị giảm dần hồi các nguồn thu, nhất là khi chế độ muhallefat bị bãi bỏ vào năm 1839. Tương tự như kho báu vương triều nhà Nguyễn, kho báu đế chế Ottoman cũng là một thực thể [biến thiên] sinh động.
418 DG: “Padishah, Padshah, Padeshah, Badishah hay Badshah (theo tiếng Ba Tư Pādeshāh) là một tước hiệu rất được trọng vọng, ráp từ hai chữ Ba Tư pād “chủ” và shāh “vua”, có thể gọi là Vương chủ. Tước hiệu này được dùng bởi một số quốc trưởng của các nước nơi Hồi giáo là quốc đạo, bởi các nước này phần đông chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn minh Ba Tư. “(trích từ Wikipedia)
Nhiều định chế khác như các cộng đồng dòng tu, các tu viện, các “hội đoàn hiệp sĩ” hay “hội đoàn đồng môn đồng giáo” (ordres de chevalerie ou confréries sic), cũng sở hữu các tài sản kho báu có thể mang một chức năng chính trị vào một thời điểm nào đó của lịch sử và rồi, theo một cách nào đó, được xem như là một phần của tài sản Nhà Nước: “như mọi tài sản thời Trung Cổ, mang tính tôn giáo hay ngoại đạo (profane sic), kho báu Saint-Denis trước hết là một dự trữ tiền tệ được niêm phong, có thể từ đó trích ra [chi tiêu] theo nhu cầu đòi hỏi của những tình huống”419. Thực tế là, rất nhiều lần, các tu viện trưởng đã sử dụng kho báu này trong khuôn khổ những chức năng thuộc về trách nhiệm của Nhà Nước, trong trường hợp xảy ra nạn đói chẳng hạn, hay chiến tranh khi phải xuất tiền để chuộc lại tù binh: vào năm 857, tu viện đã phải từ kho báu xuất ra 695 cân Anh vàng và 3250 cân Anh bạc để người Normand trả tự do cho tu viện trưởng Louis. Thời gian sau, vào năm 1360, kho báu này lại phải tiếp tục xuất ra 1000 đồng réal vàng [tiền Tây Ban Nha] để chuộc lại Jean le Bon [vua nước Pháp (1350-1364)]. Cũng được biết là các tu viện trưởng và những người phụ trách kho báu đã rót những món tiền làm quà cho những giới là đồng minh và thân hữu, và cũng có những giao dịch “vay mượn”, những món vay này thường mang rõ ràng tính chất chính trị. Và sự thể đã diễn ra dù các vị vua nước Pháp có quyền kiểm soát loại của cải kho báu như vậy: các vị vua tuần tự nối ngôi đã gửi các chứng thư, là những danh mục liệt kê thực sự, nhằm “tránh sự phân tán tiêu pha” vào những của cải tài sản như vậy. Vai trò kinh tế và chính trị của các tu viện dòng tu không chỉ giới hạn ở thế giới phương Tây thời Trung Cổ: người ta biết rõ là các tu viện Phật giáo cũng đã có một vai trò quan trọng ở bình diện quyền lực tài chính và kinh tế420: một số cơ sở tôn giáo đã cung cấp tài chính cho các hoàng đế trong những giai đoạn khủng hoảng. Và [tương tự như thế], như là một sự đảo chiều tột cùng của dòng lịch sử, người ta cũng đã thấy chính Hội Truyền giáo Paris đã cung cấp cho cựu hoàng Bảo Đại những phương tiện [tài chính] để cựu hoàng có thể duy trì vai vế địa vị bản thân trong thời gian lưu trú ở Hồng Kông…
419 Danielle Gaborit-Chopin, “Introduction”, Le Trésor de Saint-Denis, catalogue de l’exposition du Musée du Louvre, RMN, Paris, 1991, p. 24.
420 Voir Jacques Gernet, Les Aspects économiques du Bouddhisme dans la société chinoise du Vè au Xè siècle, Saigon, EFEO, 1956.