Trong những năm 1980, khi người ta bàn về “kho báu của [triều đình hay vương triều] Huế”, người ta đề cập đến tình trạng rốt cùng của kho báu, chỉ là vài đồng tiền nén bạc được bảo quản ở Sở Đúc Tiền Paris. Một trăm năm trước đó, cũng cụm từ như vậy chỉ toàn bộ của cải kho lẫm bị lực lượng của tướng De Courcy chiếm lấy sau đêm ngày 5 tháng 7 năm 1885. Nhưng đối với nhà viết sử, kho báu kinh thành Huế là một tập hợp lớn hơn, bao gồm những thành phần có những tính chất khác nhau với một câu chuyện lịch sử không thể nào giản lược vào một đống vàng bạc, chốt cứng lại qua một biến cố đã ngăn trở người chủ đích thực được thu hồi lại. Theo một cách nào đó, kho báu là một thực thể sinh động, hay ít ra là một chủ đề lịch sử luôn biến thiên. Kho báu gồm ba tập hợp: kho báu chiếm được tại kinh thành Huế, những rương hòm phân tán theo lực lượng kháng cự kháng chiến, và những dự trữ được chôn giấu từ thời vua Minh Mạng. Kho báu thu được tại kinh thành Huế vào tháng 7 năm 1885, mà một nửa đã giao trả lại vua Đồng Khánh, gồm những nén và đồng tiền thưởng [bằng kim loại quý], những viên đá quý và vài món đồ quý giá: đây là tập hợp quan trọng nhất. Tiếp đó phải kể đến những rương hòm gồm những nén và đồng tiền thưởng bằng vàng cộng với những nén bạc được ông Tôn Thất Thuyết cho dự trữ, ngay từ trước tháng 7 năm 1885, chôn giấu khắp đất nước nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến: về phần kho báu này, một phần đã được thu lại trong những tháng tiếp theo sau cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi. Những hầm dự trữ từ thời vua Minh Mạng có một vị trí tách biệt vì chức năng của những hầm này có tính đặc thù được nêu rõ: những nén vàng được giấu trong những thân cây được đục rỗng, những nén bạc thì được chôn giấu dưới nền cung điện. Số của cải này được khai quật thu hồi vào ba thời điểm: đầu tiên là do vua Đồng Khánh; đến 1899, lại do người Pháp khai quật rồi phân chia cho chính quyền bảo hộ đồng thời cho hoàng gia hoàng tộc theo như ý nguyện của vua Minh Mạng; cuối cùng là dưới thời vua Duy Tân. Toàn bộ của cải này có thể được xem như là một kho báu nằm trong một tổng thể kho lẫm kho báu (“un trésor dans le trésor” sic): hình thức chôn giấu và sự phát hiện đặt khối của cải này trong nhóm kho báu theo như cách định nghĩa phân loại của Gérard Aubin hay Yves-Marie Bercé: là một tập hợp những của cải được chôn giấu và phát hiện ra tại cùng một địa điểm414. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn, người ta sẽ nhận thấy khối của cải này hình thành nên một phân loại không xuất hiện trong danh sách những loại kho báu đã được các nhà nghiên cứu tiền cổ hay các nhà khảo cổ học thiết lập. Những lối cất giấu như vậy [tại hoàng cung An Nam] đã không được triển khai trong tình huống ngặt nghèo hay trong tình trạng khẩn cấp: đó không phải là những “của cải tài sản bị những biến cố truy tìm truy bức”, mà ngược lại, đó là những dự trữ được hình thành làm nhiều lần và vào thời bình, tuân theo một chủ trương chính sách nhất định, theo một định hướng sử dụng rõ rệt, đi cùng với một tài liệu chính thức cho phép biết được những nơi cất giấu chính xác nhất định.
414 Yves-Marie Bercé, A la découverte des trésors cachés […] op.cit.; Gérard Aubin, “Les trésors (monétaires) antiques: le mot, les choses et les chercheurs”, François Baratte, Martine Joly, Jean-Claude Beal (dir.) Autour du trésor de Mâcon. Luxe et quotidien en Gaule romaine. Mâcon, Institut de recherche du Val de Saône-Maconnais, 2007
Ngoài ra, kho báu kinh thành Huế là một “chủ thể” sống động: không thể đem so sánh với những loại kho báu chết cứng, cất giấu kỹ lưỡng do từ một đe dọa thúc ép, mà rồi người ta chỉ nghiên cứu theo góc độ thành phần cấu tạo cũng như những nguyên nhân có thể đã dẫn đến việc chôn giấu. Kho báu kinh thành Huế khởi đầu hình thành dưới thời vua Minh Mạng, vì lẽ người ta không tìm thấy những nén vàng, nén bạc có niên hiệu vua Gia Long, và rồi hai người kế vị sau vua Minh Mạng đã đều đặn bổ sung vào. Từ cả khối của cải như vậy, vua Minh Mạng đã dành một phần để dự phòng cho tương lai của vương triều: như thế, bên cạnh những gì có thể tức thời sử dụng, nhà vua đã dành một lượng dự trữ lớn gồm những nén bạc cho những thế hệ tương lai. Phần lớn của cải kho báu đã được sử dụng để triển khai vận hành bộ máy hành chính, để chi trả cho những cuộc chiến, để đảm bảo điều kiện sinh hoạt của triều đình và hoàng đế, từ những ngày đầu của triều đại nhà Nguyễn cho đến buổi hoàng hôn với hoàng đế Bảo Đại. Trong chừng mực nào đó, việc trích ra của cải từ kho báu từ phía đại thần Tôn Thất Thuyết, gắn liền với chức năng vừa nêu của kho báu: dùng để tiến hành chiến tranh chống lại ngoại xâm, và việc trích xuất như thế chỉ khác thường do hoàn cảnh bối cảnh và phương thức vận dụng thu hồi. Kho báu kinh thành Huế không còn được bổ sung kể từ khi chính quyền bảo hộ của người Pháp nắm lấy quyết định về tài chính của xứ An Nam, và theo đó, từ đó được xác định lại theo một cách mới với sự tách biệt rạch ròi giữa “của cải kho báu hoàng gia” và “của cải kho báu công quỹ” (le trésor royal et le trésor public sic).