Điều hiển nhiên thuận lý, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại sẽ không còn tư cách sở hữu chủ tài sản của cải vương triều, tất cả phải thuộc về Nhà Nước Việt Nam. Nhưng tư cách nước đôi khó xác định của Bảo Đại, là “Hoàng thượng kiêm Quốc trưởng” đã cho phép mọi cuộc dàn xếp.
Năm 1949, đang khi củng cố công sự trong vùng ven của Hà Nội, quân đội Pháp phát hiện một hòm sắt đựng ấn triện và thanh kiếm của vua Khải Định, hòm đã bị vỡ và sơn đen. Giới chức Pháp quyết định hoàn trả lại cho cựu hoàng Bảo Đại, nhưng Bảo Đại đang ở nước ngoài: họ liên lạc với cô Bùi Mộng Điệp đang ở tại Buôn Ma Thuột. Buổi lễ trao trả được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 năm 1952 tại sân bay thành phố, ngay tại bãi đáp, với sự có mặt của cô Mộng Điệp và Hoàng thái hậu Từ Cung, chính hoàng thái hậu là người đứng ra tổ chức buổi lễ theo nghi thức: ấn triện và thanh kiếm đặt trên một án thờ và phủ lên một tấm lụa đỏ. Hai người phụ nữ nghiêng mình và quỳ lạy trước báu vật, sau đó báu vật được chuyển về kinh thành Huế. Về đến nơi, cô Mộng Điệp đã lau chùi ấn triện và thanh kiếm, phủ lên một tấm vải và đặt chúng lên một chiếc bàn được đặt giữa gian phòng chính của cung điện. Khi quay về lại, Bảo Đại đã xác nhận đúng là hai báu vật ông đã trao cho Trần Huy Liệu. Chiếc ấn lớn bằng vàng, có trang trí một tay nắm hình rồng, có mang dòng chữ Hán “Hoàng Đế chi bảo” (sic) viết theo lối chữ tiểu triện (écriture sigillaire sic) và cân nặng cỡ 12 kilô. Ấn được chế tác dưới triều vua Minh Mạng vào năm 1823. Theo lời kể của cô Mộng Điệp, vào năm 1996, với nhà viết sử Nguyễn Đắc Xuân, năm tiếp theo việc trao trả ấn và kiếm, Bảo Đại đã yêu cầu cô Mộng Điệp phụ trách các báu vật cùng “những báu vật khác”, và sẽ trao lại tất cả cho hoàng hậu Nam Phương đang ở Pháp. Mộng Điệp đã lên đường sang Pháp cùng với báu vật. Ấn và kiếm đã được nhận dạng và thấy tận mắt (ấn đã được chụp ảnh) nhiều lần ở Pháp thời gian sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, nhưng ngược lại, người ta chẳng biết chính xác “những báu vật khác” là gì. Có phải là những gì còn sót lại sau cùng từ kho báu triều Nguyễn tại kinh thành Huế?
Theo lời kể của ông Phạm Khắc Hoè, là Đổng lý Văn phòng của Bảo Đại năm 1945, những tài sản riêng của vua Bảo Đại, của hoàng hậu Nam Phương và hoàng thái hậu Từ Cung được cất giữ ở cung An Định và vẫn thuộc tài sản riêng của họ: khi hoàng hậu Nam Phương rời hoàng cung, đi theo với hoàng hậu là bốn mươi rương hòm cất chứa “những gì thuộc sở hữu của hoàng hậu”. Cuối năm 1946, hoàng hậu Nam Phương được binh lính Pháp bảo vệ và sang lánh thân tại Cannes.
Người ta có thể có một lý do nào đó để đưa ra câu hỏi về tính chất “[sở hữu] cá nhân hay của riêng” về những của cải vừa nêu khi người ta lần giở các trang tập giới thiệu danh mục đồ vật thuộc bộ sưu tập riêng của hoàng tử Bảo Long [1936-2007], được đấu giá tại Paris vào ngày 22 tháng 11 năm 1995399. Khi hoàng hậu Nam Phương qua đời vào năm 1963, vì hoàng hậu với cựu hoàng đã ly thân, chính người con trai cả của ông bà đã thừa hưởng của cải hoàng hậu sở hữu. Do đó người ta có thể nhận ra dưới cái tên “Bộ sưu tập của Ngài Hoàng Thân Bảo Long (S.A.I. [Son Altesse Impériale] sic) những món đồ đấu giá như:
399 Vente Binoche, Art du Vietnam, Collection de S.A.I. le Prince Bao Long et à divers, Paris, Drouot, 22 novembre 1995.
• Một tấm bia kỷ niệm bằng vàng có tên vua Bảo Đại và con cái (lô 19);
• Một kim sách (có thể đóng mở) bằng vàng ban cho vua Bảo Đại (lô 20);
• Một ấn triện riêng của hoàng hậu (lô 48);
• Những tấm thẻ bài hoàng triều bằng vàng của hoàng gia (các lô 4-10);
• Những chiếc khánh (sic) bằng ngọc có niên hiệu các vua Thiệu Trị và Khải Định (các lô 11-12);
• Mười hai đồng tiền thưởng bằng bạc niên hiệu Khải Định (các lô 17-18);
• Những chiếc vòng tay, vòng đeo cổ, những trang sức, bộ đồ ăn bằng vàng và mạ vàng, những bản niên lịch niên giám của hoàng triều được bọc bằng lụa của những năm 1938, 1940, 1941, và nhiều đồ vật quý giá khác.
Trong số những lô của cải được đấu giá như thế, rõ ràng có một thứ xuất xứ từ kho báu triều Nguyễn thời vua Minh Mạng, ở lô đánh số 58 cho đấu giá một nén bạc 10 lạng (nặng 385,35 g), có dòng chữ “Minh Mạng, Quý Tỵ, nội thảng”, nghĩa là “năm Quý Tỵ, triều vua Minh Mạng (1833), thuộc kho báu triều đình”, vật hoàn toàn tương ứng với những chỉ dẫn lần khám phá hố chôn thứ hai, được khai quật vào ngày 5 tháng 8 năm 1899: của cải trong hố chôn được chính quyền bảo hộ phân chia cho các thành viên của hoàng tộc, đúng theo di nguyện của vua Minh Mạng400. Một số của cải nêu trên trong cuộc đấu giá rõ ràng có tính chất thuộc về thể chế triều đại (caractère dynastique sic) như các tấm khánh, các niên giám hay các đồng tiền thưởng bằng bạc; trong khi một số khác thuộc sở hữu [đương nhiên] của một “hoàng đế đương chức đương vị” (“propriété de l’empereur ex officio” sic), chứ không thuộc về hoàng đế với tư cách cá nhân (non pas à l’empereur comme individu sic).
400 Xem chương 10, François Thierry, Catalogue des monnaies numismatiques – Supplément, op.cit. n°406
Sau khi [chế độ] Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975, có những báu vật xuất xứ từ bảo tàng Khải Định xuất hiện trên thị trường buôn bán đồ [cổ] nghệ thuật. Ngày 8 và 9 tháng 12 năm 1988, phòng trưng bày Couturier Nicolay giới thiệu đấu giá đồ sứ men xanh của [triều đình] Huế (“bleus de Hué” sic), tất cả đều được thông báo là “thuộc sở hữu của ông X401”: buổi đấu giá đã không diễn ra do có lệnh tạm ngưng được tuyên ngày 8 tháng 12 theo yêu cầu của cựu hoàng Bảo Đại, cựu hoàng tuyên bố nhận ra được những đồ vật với đồ sứ như thế trước đây thuộc quyền sở hữu của cựu hoàng. Trong khi đó danh mục của viện bảo tàng Khải Định lại chẳng có một bản liệt kê đầy đủ chi tiết về các bộ sưu tập, cũng chẳng có hình chụp của mỗi món đồ có liên quan, duy chỉ có những bức hình bao quát chung chung của viện bảo tàng, cùng với những bức vẽ màu nước không có được sự chính xác khoa học402. Các luật sư của phòng trưng bày đấu giá và “ông X” chính đã dựa vào sự mơ hồ này để lập luận đòi hỏi thỏa mãn quyền lợi [phía họ]. Cùng với yêu sách của cựu hoàng Bảo Đại là một đơn kiện từ phía chính phủ Việt Nam. Căn cứ vào cơ sở nội dung, tòa án cấp cao của Paris đã bác đơn kiện của cả hai nguyên đơn: một phán quyết được đưa ra vào ngày 21 tháng 3 năm 1990 cho phép thông qua cuộc đấu giá và các nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí. Cuộc bán đấu giá diễn ra vào các ngày 27 và 28 tháng 11 năm 1990403, nhưng, điều thật kỳ lạ, ghi chú xuất hiện trước đó: “những món đồ nghệ thuật có xuất xứ từ hoàng cung kinh thành Huế”, đã biến mất khỏi tiêu đề của tập giới thiệu danh mục đấu giá. Ngoài ra, văn phòng giới thiệu tổ chức đấu giá cũng nói rõ: “sau phán quyết của tòa án, Ông X., theo một phong cách hiểu biết rất châu Á và mong muốn tỏ rõ sự vô tư vô vị lợi của mình, đã trao tặng cho viện bảo tàng tại Huế hai món đồ kỷ niệm mang tính lịch sử thuộc về Hoàng cung Huế: một chiếc bàn một chân hình vuông với mặt bàn bằng sứ và một chiếc bình bằng gỗ hoàng dương thuộc sở hữu vua Tự Đức, dùng để chơi [phóng phi tiêu] đầu hồ”. Nhưng “thái độ hiểu biết” như vậy phải chăng là do đã có những bức ảnh chụp cho thấy rõ hai vật này? Một câu hỏi khác được đặt ra: những món đồ trưng bày tại bảo tàng Khải Định, xuất xứ từ hoàng cung, có nên được xem như là sở hữu riêng tư hay cá nhân (propiété privée sic) của cựu hoàng Bảo Đại? Dường như cựu hoàng trả lời đúng là nên được xem như vậy [thuộc về cựu hoàng].
401 Vente Couturier Nicolay, Paris Drouot, 8 et 9 décembre 1988.
402 Voir P. Jabouille, J.H.Peyssonnaux, “Sélection d’objets d’art et de meubles conservés au musée Khai-Dinh et notices les concernant”, BAVH, 1929-II, pl.I-LXVI.
403 Vente Couturier Nicolay, Paris Drouot, 27 et 28 décembre 1990
Còn có một vụ việc tương tự như thế, năm 1990, người ta lại thấy xuất hiện một bộ gồm hàng chục đồng tiền thưởng bằng vàng được ra bán dưới tên gọi “Sưu tập đồng tiền thưởng bằng vàng của Hoàng đế xứ An Nam” (“The Emperor Collection of Gold Coins of Annam”404 sic). Mặc dầu văn phòng rao bán đấu giá không xác định được rõ ràng nguồn gốc xuất xứ từ hoàng triều, nhưng số lượng và chất lượng của các món đồ buộc người xem nghĩ rằng toàn bộ các món rao bán vốn thuộc về một nhân vật thân cận với hoàng đế An Nam: được biết là rất nhiều thành viên hoàng tộc triều đình nhà Nguyễn đã sang Mỹ định cư sau năm 1975. Một người anh em họ của hoàng tử Bảo Long, là cháu chắt mấy đời của vua Minh Mạng, đã tiếm đoạt danh xưng phụ chính sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời và tự giới thiệu là “chủ tịch [hội đồng] Tôn Nhân phủ”: vị này muốn được xưng tụng là “Ngài Hoàng thân Bửu Chanh Nguyên (sic) của Việt Nam, Công tước Kiên Hoa (sic), hoàng thân phụ chính của triều đại nhà Nguyễn tại Việt Nam, [huân chương] Đại Nam Long Tinh của hoàng triều An Nam405”406. Nhiều cuộc bán đấu giá khác đã làm phân tán đi nhiều bộ sưu tập rất đẹp gồm các huân chương, các đồng tiền thưởng bằng vàng, nhưng các nén vàng, nén bạc thì hiếm hoi407.
404 Stack Vente “The Emperor Collection of Gold Coins ò Annam”, New York, ss.d. (13 mai 1990)
405 DG: Nguyên văn tiếng Pháp, “Son Altesse Impériale Buu Chanh Nguyên du Vietnam, duc de Kiên Hoa, prince-régent de la dynastie impériale des Nguyên du Vietnam, Grand Maître de l’ordre impérial du Dragon d’Annam”.
406 Bảo Long đã luôn phủ nhận tư cách phụ chính của nhân vật này: vị này vốn là thành viên của nhiều nội các dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, nơi mà ông đang là thành viên của đảng Cộng hòa. Bảo Thắng (sinh năm 1943), em của Bảo Long, đã tự xem như người kế vị chính thức và là chủ tịch hội đồng Tôn Nhân phủ.
407 Vente Loudmer, Collection Ho Dinh, Art du Vietnam, Paris Drouot, 12 décembre 1996; Vente Hess-Livo Ltd, Gold Coins of Asia, Zurich, Hôtel Baur au Lac, 25 octobre 2001.
Năm 1982, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot, bà trở thành Hoàng Hậu Tây Phương408: được biết với tư cách là Đức bà Hoàng hậu Vĩnh Thuỵ” (“Son Altesse Impériale Princesse Vĩnh Thuỵ” sic), bà là người thừa hưởng tất cả tài sản của cựu hoàng khi Bảo Đại qua đời vào năm 1997. Sau cùng hết, những hậu duệ của hoàng đế bị truất phế Hàm Nghi, lưu giữ kỹ lưỡng các đồng tiền thưởng mà hoàng đế còn trên mình khi bị bắt, phía chính quyền bảo hộ vẫn để lại cho ngài409.
408 DG: Theo Wikipedia (ngày 2/6/2021), “chính thức kết hôn ngày 18 tháng 1 năm 1982 tại quận 16, Paris, ngay trước chuyến đi sang Hoa Kỳ của Bảo Đại. Sau khi cưới, với tư cách là vợ chính thức của cựu hoàng, bà tự nhận là Hoàng phi Vĩnh Thụy. […] Năm 1997, Bảo Đại qua đời, bà tự xưng tước vị là Thái Phương hoàng hậu.”
409 Xem chương 7
Tại Pháp, trong suốt thời gian dài, từ thời vua Thành Thái đến thời vua Bảo Đại, người ta chẳng mấy khi nhắc đến bộ sưu tập lưu giữ tại Bảo tàng Tiền cổ thuộc Sở Đúc Tiền Paris, hình thành từ các mẫu tiền xuất xứ từ kho báu triều Nguyễn. Albert Schroeder công bố bộ sưu tập này nhưng chỉ một phần thôi, trong công trình Nghiên cứu về Tiền cổ410, nhưng sau đó bộ sưu tập mất tăm, cất kỹ đâu đó trong các căn hầm hay tủ sắt của Sở Đúc Tiền Paris. Từ đầu thế kỷ XX về sau, chẳng còn ai trông thấy bộ sưu tập này, đến mức người ta phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của nó. Năm 1978, một công chứng viên tại thành phố Nantes [miền tây nước Pháp] đã sở hữu có thể là một phần bộ sưu tập các đồng tiền cùng văn khố của Jules Sylvestre, và qua các tài liệu mà ông nghiên cứu chăm chỉ kỹ lưỡng, ông phát hiện ra một thông tin, theo ông, có đề cập đến “Kho báu [kinh thành] Huế”. Vị công chứng viên này công khai nêu vấn đề chuyện gì đã xảy ra với các nén vàng của Việt Nam:
410 Albert Schroeder, Annam, Etudes numismatiques, op.cit. Không cung cấp hình ảnh của các mẫu vật, hoặc cung cấp không đầy đủ.
“Về vấn đề này, rất cần biết chuyện gì đã xảy ra cho bộ sưu tập huyền thoại mà cho đến năm 1908, Sở Đúc Tiền vẫn còn cất giữ, theo như ý kiến của ông Sylvestre (Ghi chú về những đồng tiền đang lưu hành ở các nước vùng Viễn Đông, Rochefort 1909411). Một phần lớn của bộ sưu tập này xuất xứ từ kho báu [triều đình Huế] và được đô đốc Courbet gửi về Pháp: do đô đốc chiếm lấy được trong hoàng cung Huế vào ngày 5 tháng 7 năm 1885 […]. “Kho báu từ Huế” nay đã về đâu? Biết đâu có vị đồng nghiệp nào đó có thể cho biết thông tin, vì mất tăm một bộ sưu tập như vậy sẽ là một mất mát lớn cho việc nghiên cứu tiền cổ”412.
411 DG: “Notice sur les monnaies circulantes dans les pays d’Extrême-Orient” sic
412 Roger Devenyns, “La monnaie annamite du XIXè siècle”, Armor Numis, 1978, p. 4-7
Lời lên tiếng lưu ý như vậy có phần không chính xác vì không phải đô đốc Courbet mà là chính tướng De Courcy đã chiếm được kho báu, nhưng dường như vị công chứng viên đã không thu hút được sự quan tâm của ông Pierre Dehaye, giám đốc Sở Đúc Tiền Paris: vị công chứng viên chuyên gia đồ cổ thành phố Nantes đã không bao giờ nhận được hồi đáp. Cần phải chờ thêm năm năm nữa và cùng với vụ việc Verne để kho báu vương triều Huế tái xuất hiện.
Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Bảo tàng Tiền cổ của Sở Đúc Tiền Paris chìm dần vào sự tĩnh lặng trong cảnh ngổn ngang đã kéo dài cả thế kỷ. Nhưng không phải tất cả mọi người đều ngái ngủ tĩnh lặng. Một người phụ nữ bị bắt quả tang khi đang thương lượng bán đi một đồng tiền cực hiếm cho một nhà buôn tiền cổ tại khu phố có trụ sở Thị trường Chứng khoán [Paris]: đồng tiền này có xuất xứ từ các bộ sưu tập của Sở Đúc Tiền Paris. Người phụ nữ này không ai khác chính là bà Françoise Verne, phó giám đốc hành chính cơ quan về Tiền và Huân chương. Một cuộc kiểm tra nhanh chóng về kho lẫm đã cho thấy là người ta đã “thụt két” rất nhiều trong các bộ sưu tập tiền thưởng: hàng trăm đồng tiền và tiền thưởng [cổ] đã biến mất. Vụ tai tiếng đã nổ ra. Dưới sự chỉ đạo của vị giám đốc mới, ông Jacques Campet, Sở Đúc Tiền tiến hành ngay, một cách rộng khắp, công việc kiểm tra kiểm chứng và lập danh mục các bộ sưu tập. Và trong số các bộ sưu tập được kiểm tra, người ta đã “khai quật” ra được kho báu vương triều Huế, phần của phía Pháp, còn giữ lại được… nguyên vẹn! Nghiên cứu “kho báu” này, được tiến hành từ tháng 10 năm 1984 đến tháng 3 năm 1985, dẫn đến việc công bố danh mục chi tiết của toàn bộ các mẫu vật, có kèm theo đầy đủ các ảnh chụp413. Sở Đúc Tiền Paris bảo quản hết sức kỹ lưỡng, trong Bảo tàng các Đồng Tiền, những chứng tích kỳ lạ tuyệt vời này, thuộc về lịch sử của nước Việt Nam và những mối bang giao với nước Pháp: một bộ sưu tập quan trọng bậc nhất, là tất cả những gì còn lại từ một kho báu lớn cuối cùng một thời thuộc về một trong các vương triều của vùng Viễn Đông.
413 François Thierry, Les Collections monétaires […], op.cit.