Trong tác phẩm hồi ký, Bảo Đại đã dài dòng và nhiều lần nhấn mạnh ông phải thường xuyên chú ý đến chi tiêu, rằng ông chẳng có của cải gì riêng tư, rằng tất cả thuộc về vương triều. Nhưng, theo dòng trang viết, có thể nhận ra nhiều điểm mâu thuẫn giữa những khẳng định vừa nêu với câu chuyện tự sự của cựu hoàng. Mặt khác, nhiều nguồn tin cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác hơn về tình hình tài chính của cựu hoàng.
Cho đến năm 1945, đúng là chính quyền bảo hộ đã chỉ cung cấp cho hoàng đế An Nam một khoảng tiền chi tiêu cá nhân không lớn, dù đô đốc Decoux mong muốn tăng thêm. Trong thời gian du học tại Pháp, trong khoảng từ năm 1926 đến năm 1932, triều đình Huế đã bố trí cho vị hoàng đế trẻ tuổi một biệt thự sang trọng tại đại lộ Lamballe. Tại kinh thành Huế, hoàng đế [trong thời gian trị vì] có nơi ở là hoàng cung, nơi đây đã được tôn tạo hiện đại, cùng với cung An Định. Bảo Đại còn sở hữu dinh cơ ở Cam Lộ, hai biệt dinh ở bờ biển: biệt thự “Agaves”, Xương Rồng, ở Cầu Đá, phía nam thành phố Nha Trang và một biệt thự tại Quy Nhơn, có nơi neo đậu chiếc du thuyền của hoàng đế, có tên là Hương Giang391. Trong thời gian từ năm 1933 đến năm 1938, hoàng đế An Nam cũng đã cho xây một biệt dinh sang trọng tại Đà Lạt và một dinh cơ để đi săn tại Buôn Ma Thuột. Và cuối cùng, tại Pháp, hoàng đế đã mua lâu đài Thorenc, tọa lạc giữa hai thành phố Cannes và Le Cannet, đồng thời vẫn nắm giữ biệt thự tư gia tại đại lộ Lamballe. Câu hỏi đương nhiên được đặt ra là: nguồn tiền từ đâu để mua sắm tất cả đất đai dinh thự như vậy? Rất có thể vào thời điểm đó, phần lớn những gì còn sót lại từ kho báu triều đình Huế đã bị tiêu pha, nhưng vẫn còn trong rương hòm vài lạng vàng, nén bạc, vì lẽ trong các công xưởng của Nội vụ phủ392, người ta vẫn cho đúc nào khánh, nào các đồng tiền thưởng bằng vàng, bằng bạc, với niên hiệu Bảo Đại. Có thể đoan chắc là đám cưới với cô Marie- Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, xuất thân giàu nứt đố đổ vách, đã cho phép vị “Thiên Tử” xứ An Nam có thể đối phó, một phần nào đó, với vô số nhu cầu chi tiêu.
391 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, op.cit. p. 92.
392 Xem chương 1
Trong thời gian lưu trú tại Hồng Kông, từ năm 1946 đến năm 1949, cựu hoàng cũng nhanh chóng tìm được nguồn lực tài chính: bạn bè của cựu hoàng, như Phan Văn Giáo chẳng hạn, đã có những hỗ trợ; các tổ chức tình báo gián điệp của Pháp cũng chu cấp cho cựu hoàng kha khá, người Anh thì cung cấp cho cựu hoàng một biệt thự để lưu trú, như thế tránh cho cựu hoàng phải đi thuê một nơi ở đắt đỏ cho xứng tầm với vai vế cựu hoàng. Ông Hồ Chí Minh cũng không quên vị cố vấn tối cao, đã gửi cho vị này một xấp lớn loại lạng vàng cán mỏng393. Nhưng điều chỉ ra mâu thuẫn khi cựu hoàng khẳng định chẳng sở hữu gì riêng tư, chính là việc Bảo Đại đã vay một khoản tiền lớn từ tổ chức Công giáo Pháp, có tên “Mission catholique française” (sic), một khoản vay “được đảm bảo với những của cải của hoàng triều”394. Cuối cùng, một số nguồn thu nhập của cựu hoàng có được từ công việc giao dịch nội gián [bất hợp pháp, thường liên quan đến chứng khoán: délits d’initiés sic]. Về những món tiền nhận từ các cơ quan ban ngành của Pháp, Bảo Đại viết: “những món tiền đến từ quỹ nước ngoài, kèm theo những thông tin mật thực sự định hướng, đã cho phép tôi tác động sự lên xuống của đồng piastres tại Hồng Kông”395.
393 DG: Chú ý, như nhiều thông tin khác trong tác phẩm, tác giả đã không ghi rõ nguồn dữ liệu để có thể đối chiếu kiểm chứng.
394 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, op.cit. p. 162. Cái tên “Mission catholique française à l’étranger” được Bảo Đại cung cấp có lẽ là để chỉ “Hội Truyền giáo Nước ngoài tại Paris” [Missions étrangères de Paris, MEP] rất có ảnh hưởng ở vùng Đông Dương.
395 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, op.cit. p. 171.
Một khi trở về đất nước, nhu cầu của “Hoàng thượng kiêm Quốc trưởng” đã vượt xa nguồn chu cấp [chính thức] từ người Pháp: hoàng đế phải có phương tiện để duy trì “triều đình” tại Đà Lạt, cung điện tại kinh thành Huế, những biệt thự vùng duyên hải, dinh cơ dùng để đi săn tại Buôn Ma Thuột, đó là chưa kể đến nhà ở tại Paris cùng với lâu đài Thorenc tại Cannes nơi gia đình sinh sống. Hai nguồn thu nhập chủ yếu của “triều đình tại Đà Lạt” đó là từ buôn tiền piastres và từ “Đại Thế giới” (le Grand monde sic).
Việc buôn tiền piastres [đồng bạc Đông Dương] xuất phát từ sự chênh lệch giữa giá trị [quy đổi] chính thức của đồng tiền Đông Dương, ấn định [tương đương] 17 quan Pháp từ ngày 25 tháng 12 năm 1945, trong khi giá trị thực tế trên thị trường Hồng Kông và Đông Dương giao động trong khoảng 8 đến 10 quan Pháp. Theo đó, một piastre mua theo giá trị thực tế rồi chuyển về Pháp theo tỷ giá hối đoái chính thức sẽ tạo ra một món lãi khoảng 7 đến 9 quan Pháp: đương thời người ta gọi là “làm ăn quay vòng đồng piastre”. Đầu tiên, việc chuyển ngân được tự do theo kênh ngân hàng: dù có cho là vô đạo đức thì việc làm ăn như thế hoàn toàn hợp pháp. Nhưng ngay từ năm 1946, các cơ quan tài chính nhận thấy là những giao dịch chuyển về Pháp đã lên đến mức bất thường. Thay vì phá giá đồng bạc [để theo đúng giá trị thực tế], người ta lại chọn cách trao cho Cơ quan Hối đoái Đông Dương (Office Indochinois des Changes, OIC, sic) một thứ quyền cấp phép giao dịch chuyển khoản. Những cấp phép giao dịch chuyển khoản, gọi tắt là chuyển khoản (transferts sic) được OIC cấp cho những định chế ngân hàng khác nhau, nhưng chủ yếu là Ngân hàng Đông Dương. Ba loại chuyển khoản được cho phép: chuyển khoản [lý do] thương mại (thanh toán các giao dịch giữa Pháp và vùng Đông Dương), chuyển khoản [lý do] tài chính (chuyển về chính quốc những khoản thanh toán quyết toán, lương bổng, lợi nhuận của các công ty, mua cổ phần cổ phiếu hay đầu tư), và chuyển khoản mang tính chính trị (dành riêng cho Bảo Đại và giới thân cận, cho các thành viên chính phủ, quan chức cao cấp, v.v.). Trong thực tế, OIC và các định chế được trao quyền đã tổ chức cả một cuộc bán buôn đồng piastre ở tầm quốc tế, bằng cách trao cấp phép giao dịch chuyển khoản cho những phe nhóm chính trị hay tài chính, cho những cá nhân tùy theo những thông đồng làm ăn, tùy theo sự thân hữu quen biết hay theo tỉ lệ ăn chia trên số tiền lời thu được. Cơ chế hoạt động chủ yếu đó là “tổ chức làm ăn quay vòng” (trafic tournant sic): lén lút tuồn vào vùng Đông Dương ngoại tệ hay vàng bạc được dùng để mua đồng piastre giá [rẻ trên] thị trường chợ đen. Số tiền piastre thu được sẽ được một hãng Pháp ma nào đó khai báo là lợi nhuận thu được tại bản địa và xin được chuyển về nước theo danh nghĩa chuyển khoản tài chính: một khi chuyển sang đồng quan Pháp theo tỷ giá chính thức, những khoản tiền như vậy lại chảy về Đông Dương hay Hồng Kông, để đổi ra ngoại tệ hay chuyển sang vàng, rồi lại được dùng để mua đồng piastres [giá chợ đen thấp], và cứ quay vòng như thế [để kiếm lời theo chênh lệch]. Những kẻ thu lợi chủ yếu [từ sự quay vòng đồng piastre như vậy] là giới công nghiệp ở chính quốc có quyền lợi tại Đông Dương, cộng với những chính trị gia có quyền lợi liên quan, hoàng tộc xứ An Nam, những sĩ quan chỉ huy lực lượng viễn chinh, Ngân hàng Đông Dương, không quên thêm vào đó là giới làm ăn chạy chọt tại bản địa, người Pháp và người Hoa. Các quan chức phụ trách kiểm soát chứng thực và cấp phép việc chuyển khoản đã luôn cương quyết chống lại việc phá giá đồng tiền Đông Dương so với đồng quan Pháp, mà trước đó nhiều nhân vật quan trọng đã đưa ra yêu cầu như vậy ngay từ năm 1946. Vụ tai tiếng này nổ ra vào tháng 11 năm 1952 và dẫn đến việc phá giá đồng tiền Đông Dương vào ngày 11 tháng 5 năm 1953, đồng thời dẫn đến việc thành lập một ủy ban điều tra của nghị viện ngày 2 tháng 7 năm 1953. Do có sự tham gia liên quan của rất nhiều nhân vật chính trị và tài chính lớn, cả ở chính quốc cả ở Đông Dương, nên báo cáo của ủy ban điều tra, có tên là báo cáo Mondon, đã không dẫn đến bất cứ hệ quả nào396.
396 Jacques Despuech, Le Trafic des piastres, Paris, Deux Rives, 1953.
Đại Thế giới, một cơ sở rộng mênh mông, là sòng bạc lớn nhất châu Á thời đó: từ năm 1948, việc quản lý được giao cho một tập đoàn người Hoa đóng tại Ma Cao. Sòng bạc này mỗi ngày nộp lại cho chính quyền Sài Gòn số tiền lên đến 400.000 đồng Đông Dương, và nộp cho Việt Minh cũng như các giáo phái hay dân quân hàng trăm ngàn đồng cùng loại, để tránh [là mục tiêu của] bom hay lựu đạn. Tháng 12 năm 1950, việc đấu thầu sòng bạc đã là cuộc chiến ngầm giữa các phe: Bảy Viễn, thủ lĩnh quân Bình Xuyên, được Bảo Đại ủng hộ, đối mặt với một tập đoàn được sự hỗ trợ của thủ tướng Trần Văn Hữu. Kết hợp đe dọa, vũ lực và hứa hẹn chung chi theo với cuộc đấu giá, Bảy Viễn trúng thầu sòng bạc Đại Thế giới: Bảy Viễn cam kết trả cho chính quyền Sài Gòn một triệu đồng piastres, và không một đồng nào cho Việt Minh. Số tiền “niên liễm” (rente sic) dành cho Bảo Đại và Văn phòng Quốc trưởng không được tiết lộ397.
397 Lucien Bodard, La Guerre d’Indochine, (1965), Paris, Folio, Gallimard, 1973, vol. II, p. 146-154.
Cựu hoàng Bảo Đại, trực tiếp hay gián tiếp, đã tham gia vào việc buôn đồng tiền piastre của xứ Đông Dương, hoặc là theo lối quay vòng chuyển khoản, hoặc là tham gia thương lượng những giao dịch chuyển khoản. Cựu hoàng cũng đã nhận từ Bảy Viễn phần trích từ nguồn thu của sòng bạc Đại Thế giới. Trong giới thân cận của cựu hoàng, Bảy Viễn đã giàu lên vô kể và rồi, theo gương vị quân vương đứng vai bảo trợ, cũng đầu tư hay mua cổ phần cổ phiếu tại chính quốc. Ngoài Bảy Viễn ra còn phải kể đến Phan Văn Giáo, chỉ trong vài năm vị này đã trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam398.
398 Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam […], op.cit. p. 446.