Tối ngày 10 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại trở về kinh thành, mỏi mệt rã rời sau một chuyến đi săn hai ngày ở cơ ngơi tại vùng Cam Lộ. Khi nhà vua thấy thấp thoáng các tường thành của Hoàng Cung, thì theo ánh đèn rọi của xe hơi, ngài cũng thấy luôn một chốt chặn. Quân Nhật chặn đường. Chiếc xe của nhà vua phải dừng lại, đèn pin cầm tay từ ngoài rọi thẳng vào mặt nhà vua, ngài hỏi chuyện gì đang xảy ra. Người ta giải thích đang có giao tranh ở khu vực nhượng địa của Pháp. Hai tiếng đồng hồ sau, quân Nhật cho phép hoàng đế An Nam tiếp tục hành trình và hộ tống ngài về tận cung điện. Hai chiếc xe bọc sắt hộ tống xe hoàng đế đến tận hoàng cung, quân đội Nhật giờ đây đã chiếm đóng hoàn toàn. Sáng hôm sau, hoàng đế Bảo Đại tiếp vị tân đại sứ của Nhật, Yokoyama Masayuki, đến giải thích với hoàng đế về tình hình khởi đầu từ cuộc binh biến ngày 9 tháng 3 năm 1945, đại sứ Nhật nói: “Thưa ngài, tối hôm qua, chúng tôi đã kết liễu chủ quyền của Pháp đối với đất nước này. Tôi có trọng trách chuyển giao cho ngài nền độc lập của Việt Nam”385.
385 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, op.cit. p. 102.
Ngày 12 tháng 3 năm 1945, với một tuyên cáo long trọng chính thức, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố nền độc lập của Việt Nam trong khuôn khổ những chế định của Tuyên ngôn chung về Đại Đông Á. Là một nền độc lập dưới sự bảo trợ của nước Nhật, và giành quyền bảo lưu các quyền lợi thuộc địa của nước Pháp tại Nam Kỳ… Phạm Quỳnh bị xem là thân Pháp nên một nội các thân Nhật lên thay thế dưới sự chủ trì của ông Trần Trọng Kim, người mà trước khi chiến tranh nổ ra đã được các ban ngành phía Nhật giúp lánh mình ở Singapour. Chính phủ của Trần Trọng Kim sau đó đã bị đình chỉ, tiếp theo diễn biến cuộc thế chiến và sự thất trận của các cường quốc phe Trục386. Ngày 8 tháng 5 [1945], Đức đầu hàng. Ngày 6 tháng 8, trái bom nguyên tử [đầu tiên của Mỹ] thả xuống thành phố Hiroshima. Ngày 9 tháng 8, trái bom nguyên tử thứ hai thả xuống Nagasaki. Ngày 14 tháng 8, nước Nhật đầu hàng. Chính phủ Bảo Đại như vậy lại nằm trong phe nhóm các nước bại trận. Ngày 17 tháng 8, lực lượng Việt Minh chiếm các tòa nhà công sở và tổ chức việc nắm lấy chính quyền tại Hà Nội. Tại kinh thành Huế, các cuộc biểu tình nổ ra, kéo đến tận cổng cung điện hoàng triều. Các vị quan thượng thư biến mất tăm. Theo hướng dẫn từ Hà Nội, các cán bộ địa phương của Việt Minh giao cho một người của họ là ông Tôn Quang Phiệt [1900-1973], tiếp xúc [với phía triều đình] để có được việc giải thể nội các Trần Trọng Kim cùng với sự thoái vị của hoàng đế Bảo Đại. Ông Phiệt tiếp xúc với ông Phạm Khắc Hoè, Tổng lý Ngự tiền văn phòng của hoàng đế. Trong các cuộc thảo luận [nội bộ triều đình], hoàng hậu Nam Phương cương quyết chống lại ý tưởng thoái vị, Phạm Khắc Hoè thì ủng hộ việc thoái vị, hoàng đế Bảo Đại thì dường như không thiết tha bấu víu vào một ngai vàng mà ngài chẳng mấy hài lòng: hoàng đế “đã quá chán với nghề làm vua”387. Buổi lễ thoái vị diễn ra ở cung An Định (?388): vua Bảo Đại long trọng từ bỏ ngai vàng, trao lại ấn triện bằng vàng cùng thanh kiếm lớn nạm những viên đá quý của vua Khải Định cho vị đại diện Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là ông Trần Huy Liệu. Tất cả các báu vật này được chuyển ra Hà Nội để trưng ra vào ngày lễ tuyên ngôn Độc lập, dự trù vào ngày 2 tháng 9. Trần Huy Liệu chuyển cho vị công dân mới Vĩnh Thuỵ lời mời của ông Hồ Chí Minh, chủ tịch chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đề nghị cựu hoàng tham gia vào việc thiết lập những định chế mới [của đất nước].
386 DG: Hay Khối Trục gồm chủ yếu liên minh Đức, Ý và Nhật thời gian Đệ Nhị Thế chiến (1939-1945)
387 Tôn Quang Phiệt, “Tôi tham gia Cách mạng tháng tám ở Huế”, tạp chí Xưa & Nay số 410, tháng 8/2012, t. 6.
388 DG: Tác giả không cho biết đã căn cứ vào nguồn nào để viết như vậy về “địa điểm thoái vị” chính thức...
Sau khi đưa gia đình về cung An Định, cựu hoàng Bảo Đại chấp nhận lời mời [tham gia chính phủ] của ông Hồ Chí Minh và một mình đi ra Hà Nội, đến nơi vào ngày 4 tháng 9. Vị lãnh tụ cách mạng lâu năm tìm mọi cách thuyết phục cựu hoàng, xưng vị này một cách trân trọng bằng từ “Ngài”, trao chức cố vấn tối cao cho cựu hoàng đồng thời khẩn khoản vị này có ý kiến về vấn đề này việc nọ. Dù tham gia vào các buổi họp hàng tuần của hội đồng bộ trưởng và thái độ trân trọng của ông Hồ, cựu hoàng sớm nhận ra mình chỉ có vai trò trang trí, nhằm trấn an những nhà yêu nước Việt Nam, các phái viên Anh – Mỹ hay người Trung Hoa (quân Trung Hoa, theo như thỏa thuận với người Mỹ, đang đóng quân ở Bắc Kỳ), và cuối cùng là người Pháp. Thực tế là cựu hoàng Bảo Đại chẳng có việc gì nhiều để làm, thậm chí cựu hoàng còn đi nghỉ mát một thời gian ở bờ biển tại tỉnh Thanh Hóa, nơi mà cựu hoàng là đại biểu để tham gia Hội đồng Lập hiến. Chính trong thời gian lưu lại Hà Nội mà cựu hoàng đã kết thân với cô Bùi Mộng Điệp, một thiếu nữ có nhan sắc, sẽ trở thành người tình của cựu hoàng: một giai thoại cho rằng cô Mộng Điệp vốn có nghề bán hoa ở chợ Đồng Xuân khi gặp cựu hoàng. Sau đó, nhân một chuyến công tác chính thức của chính phủ Việt Nam sang gặp thống chế Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh, cựu hoàng rời Hà Nội ngày 16 tháng 3 năm 1946. Cựu hoàng được vị Thống chế Trung Hoa tiếp đón, và rồi lưu lại “đi tham quan du lịch đất nước Trung Hoa”389, trong khi phái đoàn Việt Nam đã lên đường về lại Hà Nội.
389 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, op.cit. p. 153.
Sau năm tháng du ngoạn ở các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, cựu hoàng cảm thấy chán và mong muốn tìm lại không khí văn minh hiện đại: cựu hoàng bay đi Hồng Kông, đặt chân đến đây ngày 15 tháng 9 năm 1946: cựu hoàng lưu trú ở Gloucester Hotel, đường Queens Road. Sự hiện diện cựu hoàng ở Hồng Kông được loan tin rất nhanh, từ Hà Nội đến Paris, từ Sài Gòn đến Washington. Khách sạn nơi cựu hoàng lưu lại trở thành điểm gặp gỡ của nhiều người Việt lưu vong. Ngay khi được tin cựu hoàng đặt chân đến vùng đất thuộc địa, giới chức cầm quyền Anh Quốc đã trao cho cựu hoàng sử dụng một biệt thự tại vùng cảng Victoria nhìn ra vịnh Repulse. Người Pháp cắt đứt các đàm phán với ông Hồ Chí Minh và, sau cuộc tàn sát tại Hải Phòng, đã khởi động một cuộc chiến sẽ trở thành chiến tranh Đông Dương. Một số chính trị gia ở chính quốc nghĩ rằng có thể thử chơi con bài Bảo Đại. Trong khi chờ đợi, nhịp sống của cựu hoàng là cuộc sống về đêm ở đất thuộc địa của người Anh, với những buổi tiệc đón tiếp các phái đoàn đến từ Sài Gòn. Chính trong thời gian lưu trú tại Hồng Kông mà cựu hoàng được gán cho biệt danh Night-club Emperor (Hoàng đế Hộp đêm). Cựu hoàng dùng bữa ở những nhà hàng hạng sang, chơi bài ở các sòng bạc, đầu tư này nọ theo đồng piastre, xuất hiện ở các sân golf hay sân tennis. Cựu hoàng gặp gỡ quen biết một vũ công tên là Jenny Wong và có với cô này một bé gái. Cựu hoàng vẫn giữ được một tầm ảnh hưởng thực sự: tất cả những chính trị gia, thủ lĩnh giáo phái hay lãnh đạo đảng phái của Nam Việt Nam đều cất công đến Hồng Kông [gặp cựu hoàng]. Những giới quen thuộc ở Đà Lạt cũng sang Hồng Kông. Cao ủy Thierry d’Argenlieu tiếp xúc với ông Phan Văn Giáo tại Sài Gòn để thăm dò, và rồi một thành viên của lãnh sự quán Pháp tại Hồng Kông, ông Cousseau, đã bắt liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại. Cuối cùng, vị Cao ủy mới, ông Emile Bollaert, đã thuyết phục được cựu hoàng cho gặp vào ngày 7 tháng 12 năm 1947. Theo [quan niệm của] chính phủ Pháp, “giải pháp Bảo Đại” đó chính là tạo ra một bề ngoài độc lập cho Việt Nam, ghì chặt trong [thể chế] Liên hiệp Pháp (Union française sic). Nhưng cựu hoàng Bảo Đại chần chừ hoãn đi hoãn lại: cựu hoàng quyết giữ hai điểm, nền độc lập của Việt Nam và Việt Nam thu hồi lại chủ quyền vùng đất Nam Kỳ. Hai bên lại tiếp tục thương thuyết. Người Pháp lập ra một “chính phủ trung ương tạm thời tại Việt Nam”, Bảo Đại, mệt mỏi, về lại Pháp vào đầu tháng 6 năm 1948. Cựu hoàng gặp lại gia đình tại lâu đài Thorenc nơi hoàng hậu Nam Phương đã về sinh sống từ năm 1946.
Tháng 3 năm 1949, [tại Đông Dương] tình hình trở nên nghiêm trọng ở vùng Bắc Kỳ và không sao kiểm soát được ở Sài Gòn, chính phủ Pháp quyết định nhượng bộ để rốt cùng thiết lập “giải pháp Bảo Đại”: cứ chấp nhận nền độc lập và việc trả lại vùng Nam Kỳ [cho Việt Nam], nhưng vẫn trong khuôn khổ ràng buộc khắt khe của Liên hiệp Pháp. Cựu hoàng Bảo Đại đồng ý, nhất là nay đã chính thức trở thành “Đức vua - Quốc trưởng” (“Sa Majesté, le Chef de l’Etat” sic). Chưa phải là lúc “phục vương” [hay “phục hồi ngôi vị”, restauration sic] nhưng cựu hoàng đã nghĩ đến chuyện này. Cựu hoàng quay về lại Việt Nam, nhưng để hoàng hậu và các con ở lại Thorenc: chẳng thể nào biết được con tạo thế sự sẽ xoay vần như thế nào đây… Ngày 27 tháng 4 năm 1949, cựu hoàng không đáp máy bay xuống Sài Gòn hay Huế, mà là Đà Lạt, nơi các ông, Pignon, vị Cao ủy mới, và Phan Văn Giáo đang chờ đón cựu hoàng. Trong thực tế, cả nước Pháp và cựu hoàng không có khả năng lập ra một bộ máy Nhà Nước ổn định: là một “chế độ không rõ hình thù”, với một nội các “hoàng triều” bên cạnh cựu hoàng Bảo Đại, được gọi “chính phủ tại Đà Lạt”, và một chính phủ chính thức, gọi là “chính phủ tại Sài Gòn”. Với một đội ngũ như thế, gồm một nhóm nhỏ những nhân vật chơi trò tuần tự hoán vị đổi chỗ cho nhau, hết người đứng đầu này đến người lãnh đạo nọ, là những chính trị gia bản địa, biến động tùy theo chủ trương chính sách của phía Pháp: ông Nguyễn Văn Xuân [1892-1989], có tham vọng thầm kín là thay thế cựu hoàng Bảo Đại, ông Trần Văn Hữu [1895-1984], một nhân vật thâm niên theo khuynh hướng một Nam Kỳ tự trị, ông Nguyễn Phan Long [1889-1960] xu hướng thân Mỹ, ông Nguyễn Văn Tâm [1893-1990], biệt danh “hùm [xám] Cai Lậy”, trước đây theo khuynh hướng Nam Kỳ tự trị nay chuyển sang chống Cộng sản nhiệt thành nhất. Dần hồi, trong nội bộ chính phủ tại Đà Lạt, quyền hành ảnh hưởng thật sự vào tay Nguyễn Đệ [Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng] và Nguyễn Văn Hinh [1915- 2004], hai vị này phụ trách chính sách tại Sài Gòn, những bố trí bổ nhiệm tại các Bộ và các mối quan hệ với người Pháp. [Một thể chế như vậy] “Chẳng có gì cả: không hiến pháp, cũng chẳng có nghị viên nghị viện, không có đảng phái cũng chẳng có những quy tắc về tài chính. Tất cả đều mơ hồ, tạm thời, thiếu ý tưởng, thiếu sáng kiến, thiếu bền vững và minh định rõ ràng.”390
390 Philippe Devillers, Histoire du Việt-Nam de 1940 à 1952, Paris, Seuil, 1952, p. 441-458
Tại Đà Lạt hình thành trở lại một triều đình nhỏ xung quanh “Hoàng thượng”, cựu hoàng thì ngày càng tỏ ra xa cách rõ rệt với những vụ việc [của chính phủ], xung quanh là những cận thần trong số những bề tôi trung thành: Nguyễn Đệ, Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng, Nguyễn Đắc Khê và Phan Văn Giáo, ngoài ra còn có những vị khách mời thăm viếng như Lê Văn Viễn, tục danh là Bảy Viễn, chỉ huy lực lượng Bình Xuyên, hay Nguyễn Văn Hinh, tư lệnh quân đội Quốc gia Việt Nam đang hình thành. Quốc trưởng Bảo Đại trở lại với những tập quán trước ngày thoái vị: những chuyến đi săn dài ngày ở Ban Mê Thuột [nay là Buôn Ma Thuột], tiệc tùng phong lưu ở biệt dinh hoàng gia, đi du thuyền ở Quy Nhơn, ghé qua Huế để thăm viếng Hoàng thái hậu hay để thực hành nghi lễ nghi thức truyền thống. Quốc trưởng tập hợp lại một số huyện thị có các dân tộc thiểu số để thành lập Hoàng triều Cương thổ (Domaine de la couronne sic), trực thuộc trực tiếp Quốc trưởng: chính ở đây như vậy cựu hoàng có thể cảm thấy trở lại ngôi vị “hoàng đế”. Hoàng hậu Nam Phương còn đang ở Cannes [miền Nam nước Pháp], người đẹp Mộng Điệp vẫn còn mắc kẹt ở Hà Nội, Phan Văn Giáo giới thiệu cho Hoàng thượng cô Phi Ánh, một trong những người em của người tình ông Giáo. Là con gái của ông Lê Quang Thừa, một gia đình danh giá của xứ Huế, Phi Ánh là người phụ nữ thứ ba “chính thức” trong đời cựu hoàng Bảo Đại, hai người sẽ có hai người con chung: con gái có tên Phương Minh, con trai có tên Bảo Ân.
Rồi thì Bùi Mộng Điệp xuất hiện trở lại, Phi Ánh lu mờ đi. Hoàng Thái hậu Từ Cung rất có cảm tình với người phụ nữ sẽ được xem là vợ thứ hai của cựu hoàng: vì Hoàng Thái hậu chưa bao giờ có thiện cảm với Hoàng hậu có đạo Nam Phương. Hoàng Thái hậu Từ Cung tiếp đón nồng hậu Mộng Điệp, mời cô đến cung điện, ban tặng phẩm phục triều đình và cho phép cô cùng xuất hiện trong những buổi lễ chính thức.
Đầu năm 1953, sự sa lầy về quân sự và tình hình bối cảnh quốc tế đẩy nước Pháp đến việc chấp nhận ý tưởng một cuộc đàm phán với phía Việt Minh. Bất chấp những phản đối của phía Sài Gòn và Đà Lạt, Pháp mở ra cuộc tiếp xúc tại Genève [Thuỵ Sĩ] dẫn đến hiệp định ngày 20 tháng 7 năm 1954 tạm chia đôi đất nước [Việt Nam]: Pháp bỏ rơi Bảo Đại, vị này, ngay từ tháng 4 năm 1954, đã về lại Thorenc. Lá bài Bảo Đại bị bỏ đi, và cựu hoàng một mình đối mặt với chính giới dân tộc chủ nghĩa tại Sài Gòn, nhất là đối mặt với Ngô Đình Diệm cùng với những người bạn Mỹ của ông Diệm. Ông Diệm chẳng muốn bỏ công vướng víu với một nhân vật phiền toái như “Hoàng thượng”, quá thân Pháp, quá gắn bó với quá khứ: ngày 20 tháng 10 năm 1955, một cuộc trưng cầu dân ý, có vấn đề gian lận, đã kết thúc số phận [chính trị] của cựu hoàng: Bảo Đại sẽ chẳng bao giờ trở về lại quê hương. Miền Nam Việt Nam tuyên bố nền độc lập “thực sự” của mình, lên án tất cả những hiệp định hiệp ước đã được ký với nước Pháp và tuyên bố không bị ràng buộc bởi các hiệp định ký kết tại Genève.