Hoàng đế Bảo Đại ngày đăng quang373
373 DG: BAVH số 1-2/1931
Khi được tin thân phụ qua đời, hoàng tử Vĩnh Thuỵ đã sống ở nước Pháp được năm năm. [Phía Pháp] Vấn đề đặt ra là không để “hỏng mất Vĩnh Thuỵ” như đã từng “hụt-hỏng” với trường hợp vua Thành Thái và vua Duy Tân: toàn quyền danh dự Jean-Eugène Charles, một người theo xu hướng quân chủ và là thành viên của phong trào cực hữu “Action française374”, đã được giao phó trông nom kỹ lưỡng vị thái tử, mà đi kèm [cùng theo sang Pháp] còn có vị thầy trợ giảng Lê Nhữ Lâm375. Vĩnh Thuỵ theo học tại trường tư Hattemer. Thái tử về Việt Nam ngay [sau khi vua Khải Định băng hà] để đăng quang vào ngày 8 tháng giêng năm 1926 với niên hiệu Bảo Đại, nghĩa là “Bảo tồn sự lớn lao vĩ Đại376”. Nhưng mà sự “lớn lao vĩ đại” nào đây? Của nền quân chủ? Hay của chính đất nước [An Nam]? Lễ đăng quang lên ngôi vừa mới bế mạc thì vị hoàng đế trẻ tuổi đã vội lên đường trở lại sang Paris. Hoàng đế ở tại một biệt thự riêng, ở số 13 đại lộ Lamballe, thuộc quận 16, và các thầy dạy riêng đến tận biệt thự để giảng bài. Vị thiếu niên ít chú tâm đến việc học hỏi học tập, hòa mình nhiều hơn vào các sinh hoạt không thể tránh khỏi của một người trẻ tuổi thuộc tầng lớp thượng lưu sống giữa thủ đô Paris hoa lệ: tiếng dương cầm và các buổi hòa nhạc, chơi tennis và cưỡi ngựa, lái xe hơi và xem đua xe, du ngoạn khắp nước Pháp và du lịch nước ngoài. Vua Bảo Đại giao lưu với các giới cao sang quyền quý nhất như là vua (“sultan”) trẻ tuổi xứ Maroc, gia tộc [đế chế ngân hàng] Rothschild, dòng họ Bourbon- Busset, dòng họ Mallet, học chơi bài poker, thử các món khiêu vũ hiện đại nhất và tán tỉnh các cô gái ở những chốn “văn đàn luận đàm” (salon sic) của giới thượng lưu quyền quý của Paris hay cả “gái gọi” (taxi-girls sic) ở các quán rượu khu phố Montparnasse sầm uất. Vị hoàng đế trẻ tuổi cũng có “lui tới377” các lớp học của Trường Khoa học Chính trị. Thỉnh thoảng, chính quyền Pháp cũng huy động hoàng đế đi dự để “trang trí” (orner sic) cho những buổi lễ chính thức: sự có mặt của hoàng đế An Nam tô điểm cho hình ảnh lớn lao vĩ đại của đế chế Pháp, chẳng hạn như dịp Triển lãm Thuộc địa tổ chức vào năm 1931, hay dịp khánh thành Nhà Đông Dương tại khu Đại học xá378, hay như là vào dịp lễ quốc tang của Tổng thống Paul Doumer… Như thế mọi chuyện trông đều tốt đẹp.
374 DG: “Action française”, “Hành động Pháp” là một phong trào chính trị cánh hữu, được thành lập vào tháng 6 năm 1899, theo chủ nghĩa dân tộc và bảo hoàng, chủ yếu phát triển giai đoạn trước nửa đầu thế kỷ XX tại Pháp. Tên phong trào cũng được đặt cho tạp chí liên quan đến phong trào. Charles Maurras (1868-1952) đã trở thành một trong những lý thuyết gia hàng đầu của phong trào.
375 DG: Về ông Lê Nhữ Lâm (1881-1963): người làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Xuất thân ấm sinh, thi đỗ Cử nhân năm 1906 triều vua Thành Thái. Trải qua các chức thuộc quan, thăng lên đến Hàn lâm viện thị giảng và sung chức Giảng tập cho Hoàng tử Vĩnh Thụy. Đã theo Vĩnh Thụy sang Pháp trong suốt thời kỳ du học. Năm 1933, trở về nước, được bổ làm Tổng tài Quốc Sử quán, chỉ đạo việc biên soạn các phần tiếp theo của Bộ Đại Nam thực lục. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông trở về quê cư trú, sống bình dị mộc mạc giữa xóm làng, đến năm 1963 thì qua đời (trích từ: HUYỆN PHONG ĐIỀN (thuathienhue.gov.vn).
376 Xem chương 11.
377 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, Paris, Plon, 1980, p. 30.
378 Nhân dịp lễ khánh thành này đã nổ ra một cuộc biểu tình chống chế độ thực dân và ủng hộ những người Việt Nam đã bị kết án sau vụ nổi dậy tại Yên Bái.
Thế nhưng những biến cố xảy ra vào đầu thập niên 1930 tại Đông Dương đã rút ngắn thời gian đào tạo dành cho “vị hoàng thân hiện đại”. Sự không hiện diện trên ngai vàng của con người thật bằng xương bằng thịt, đại diện cho thế quyền, đã đặt để người Pháp vào tuyến đầu chống lại những đám đông chống đối đã bị “bôn-sê-vít hóa” (masses bolchévisées sic). Chính quyền bảo hộ tại chỗ bảo vệ quan điểm cần phải phục hồi một dạng ảo tối thiểu (minimum de fiction sic) về “chính quyền bản địa” [phía người An Nam], điều này sẽ cho phép “vận dụng chế độ quân chủ và quan lại như một bức tường lũy chống lại mưu toan lật đổ ở các vùng nông thôn”379. Để làm được việc này, cần phải hồi sinh khởi động lại (revitaliser sic) các thành phần bảo thủ của truyền thống [bản địa]: đó là sự kết nối liên minh giữa thuyết giảng mang tính Khổng Nho với thanh kiếm răn đe vũ lực của Pháp380. Nhưng điều mà chính quyền bảo hộ tại bản địa đã không hiểu, đó là vị hoàng tử mà người ta sẽ giao [trả] về từ thủ đô Paris, hoàn toàn không phải là một tín đồ [ngoan đạo] vâng theo khuôn mẫu Khổng giáo nghiêm minh: thực tế đó là một chàng trai trẻ người Pháp đang vào độ tuổi 19.
379 Nguyên Thê Anh, “L’Impact des événements de 1930-1931 sur l’attitude de l’administration française à l’égard de la monarchie vietnamienne”, site Vietnam Infos.
380 DG: “alliance du goupillon confucéen et du sabre français” (sic): nhại theo cụm từ “le sabre et le goupillon” xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, được cho là do Georges Clémenceau sử dụng. Kiếm tượng trưng cho Quân đội, và Bình nước Thánh dâng lễ tượng trưng cho Giáo hội, gợi ra sự kết hợp giữa hai thế lực: vũ lực và thần lực.
Ngay khi đặt chân về nước vào tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại đã có trong đầu ý tưởng hiện đại hóa đất nước và xem xét lại những mối quan hệ với chính quốc. Thời gian đầu, toàn quyền Pasquier và khâm sứ [Trung Kỳ] hết sức sung sướng hồ hởi khi thấy vẻ bề ngoài, lối phục sức, tiếng Pháp lưu loát và những ý tưởng hiện đại của vị hoàng đế, đồng thời có người đỡ đầu lâu năm Charles luôn đi bên cạnh. Người ta hoan nghênh nhiều việc mới mẻ: cho về vườn quan phụ chính Nguyễn Hữu Bài cùng các vị thượng thư đã lỗi thời lỗi nhịp; thành lập một chính phủ do ông Phạm Quỳnh lãnh đạo, là một nhân vật ca ngợi liên minh với nước Pháp vì một nước Việt Nam hiện đại; chỉ định một người Công giáo là ông Ngô Đình Diệm vào vai trò chủ tịch hội đồng cải cách. Nhưng tất cả nhanh chóng bị tắc nghẽn, giới chức cầm quyền Pháp tỏ ý rõ ràng cho hoàng đế là: nếu người ta đồng ý cho những cải cách, chính là nhằm không có gì [cải tổ] thay đổi cả. Mặt khác, ngược lại với những gì người ta thường viết về ông, vua Bảo Đại không phải là kẻ ngu ngơ: ông hiểu rất rõ, không thể thay đổi được gì trong tình thế hiện thời. Vào tháng 9 năm 1933, Ngô Đình Diệm từ chức, giao lại cho Phạm Quỳnh vai trò của một Thủ tướng không có thực quyền. Và rồi vua Bảo Đại buộc phải giữ khoảng cách để xem xét tình hình, ông viết: “tôi sẽ phải sống như một vị quân vương xa lạ ngay trên đất nước mình”381.
381 Bao Dai, Le Dragon d’Annam, op.cit. p. 71
Trong khoảng thời gian từ năm 1933 đến năm 1945, vua Bảo Đại sống theo cung cách ông rành rẽ nhất: tận hưởng cuộc sống cùng với những lạc thú. Tháng 3 năm 1934, vua Bảo Đại kết hôn với cô thiếu nữ Công giáo, Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái của một đại điền chủ giàu có bậc nhất ở xứ Nam Kỳ: cô rất ngoan đạo, thậm chí là rất sùng đạo, như phần lớn người Công giáo Việt Nam, và theo học ở trường Couvent des Oiseaux. Cô Marie-Thérèse trở thành Hoàng hậu Nam Phương. Đôi vợ chồng son về sống tại hoàng cung sau khi đã cho tu bổ sửa sang nơi đây theo lối hiện đại, theo như tập quán sinh hoạt đã hấp thụ trong thời gian lưu trú ở Pháp. Hoàng đế chỉ còn giữ vai trò về mặt lễ nghi tín ngưỡng, theo như công ước ngày 6 tháng 11 năm 1925, dù công ước đã bị bãi bỏ vào ngày 10 tháng 12 năm 1932: mỗi năm chủ trì tiến hành lễ Tế Nam giao, chủ trì thờ cúng tổ tiên, chủ toạ những nghi thức nghi lễ như các dịp kỵ giỗ các vị tiền bối triều Nguyễn, đại khánh của các hoàng thái hậu, dịp nghi thức làm sạch các ấn triện của triều đình, đi viếng lăng tẩm, hay định đoạt chuyện các vị thần giữa các làng kế cận, v.v. Thế nhưng nhà vận động viên trẻ tuổi thành Paris hoa lệ rồi cũng nhàm chán với bộ phẩm phục hoàng đế. Con người trẻ tuổi tay chơi ngày nào cũng chán chường với vẻ đoan chính đoan trang kiểu Công giáo, với vẻ đẹp lạnh lùng của hoàng hậu. Vị vua trẻ cho tổ chức tại kinh thành Huế, cùng với những vị khách mời được chọn lựa kỹ lưỡng, những trận thi đấu tennis, những tranh tài về môn đánh golf, những cuộc thi cưỡi ngựa. Hai biệt phủ của đôi vợ chồng hoàng gia trên bờ biển, một ở Nha Trang, một ở Quy Nhơn, là những nơi lý tưởng để chơi du thuyền và tham dự các cuộc đua thuyền.
Nhưng đáng chú ý, vua Bảo Đại có hẳn một cơ ngơi hơn 5000 ha với những ngọn đồi hoang sơ có nhiều rừng cây tại vùng Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cách Huế hai giờ đi xe382. Nhà vua cho xây cất tại đây một tòa dinh để ở đó đi săn, với nhiều gian nhà phụ: chính ở nơi đây nhà vua thỏa sức với thú săn bắn, đặc biệt loại thú cỡ lớn như voi, báo, nai, cọp hay bò tót. Nhà vua thường đến đây một mình để tận hưởng sự yên tĩnh của núi rừng, lánh xa triều đình, với những ồn ào nhiều chuyện của giới quan lại và quan chức Pháp. Vì lẽ, thế nào đi nữa thì [ở chốn kinh thành] nhà vua buộc phải khép mình theo những bổn phận trách nhiệm của một vị quân vương, dạng như: tiệc tiếp tân quan toàn quyền ghé thăm Huế, một tiệc trưa ở tòa khâm sứ, một buổi lễ ban thưởng cho sĩ quan hay quan chức cai trị Pháp, đón tiếp các nhân vật đến từ chính quốc vì mong mỏi săn tìm không khí viễn thú (en mal d’exotisme sic), các cựu bộ trưởng Pháp hay một vài nhà văn theo nòi đua đòi phong lưu383…
382 Ibidem p. 73
383 Chẳng hạn nhà văn Francis de Croisset, tác giả cuốn La Féerie cinghalaise, từ chuyến thăm kinh thành Huế đã viết ra những dòng pha lẫn một dạng viễn thú hết sức rẻ tiền với những ý kiến kiên định phản động nhất (Francis de Croisset, La Côte de jade, Paris, Grasset, 1938, p. 174-201)
Vua Bảo Đại ngày càng dành nhiều thời gian ở các nơi xa kinh thành Huế, ở các vùng cao nguyên miền Trung, ở thành phố Đà Lạt, tại dinh Langbian Palace hay ở biệt thự của nhạc gia, rồi về sau ở ngay dinh thự nhà vua cho xây cất trên vùng đồi cao của Đà Lạt. Từ Đà Lạt, nhà vua có nhiều chuyến lưu trú ở Buôn Ma Thuột, hay xa hơn nữa, ở các vùng có người thiểu số gần với biên giới xứ Cam Bốt. Nhà vua có một biệt điện dành để đi săn, “Villa du Lac384” (sic), là nơi xuất phát những chuyến đi dài ngày vào rừng, hoặc một mình nhà vua với duy nhất người dẫn đường, hoặc với các tộc trưởng người Ra Đê [hay Ê-đê] hay Gia Rai [hay Jơrai, J’rai] tháp tùng nhà vua đi săn. Chính nơi đây, vào ngày 14 tháng 12 năm 1938, khi chuẩn bị lên đường đi săn thú dữ, nhà vua bị gãy xương ống chân bên trái do chuyền bóng, một trận bóng chỉ dành cho một công chúng ít ỏi tham dự. Người ta đã phải đưa khẩn cấp nhà vua về bệnh viện Grall tại Sài Gòn để chăm sóc. Nhưng vết thương khó lành, vài tháng sau đó, các bác sĩ khuyên nhà vua nên có một thời gian dưỡng bệnh ở Pháp.
384 DG: Tác giả muốn nói đến biệt điện bên hồ Lắk? xem thêm: “Thử ‘làm vua’ bên hồ Lắk, trong biệt điện của vua Bảo Đại” (báo thanhnien.vn, ngày 23/8/2019)
Tháng 4 năm 1939, vua Bảo Đại về lại biệt thự tại đại lộ Lamballe, vài tuần sau đó, hoàng hậu cùng ba người con sang đoàn tụ. Gia đình nhà vua sau đó xuống thành phố Cannes trú tại lâu đài Thorenc, một sở hữu mới của vua Bảo Đại. Nhịp quay cuồng với lối sống phong lưu thượng lưu, giữa Paris và La Riviera, từ thành phố Vichy lại sang Aix-les-Bains, như đưa nhà vua trở về những năm tháng tuổi trẻ: chơi tennis, học lái máy bay, những chuyến bay với chiếc Morane 315 hay trên một chiếc Stamp, những đêm thâu ở sòng bài, chạy những chiếc xe kiểu mới nhất, những buổi tối tiệc tùng xa hoa, v.v. Nhưng cùng lúc đó, những áng mây đen đang dồn về bầu trời châu Âu, do lo sợ khả năng bị kẹt lại ở nước Pháp khi chiến tranh nổ ra, vua Bảo Đại quyết định lên đường về nước.
Biến cố dồn dập theo chân vua Bảo Đại. Nước Nhật từng bước áp đặt thống trị trên toàn cõi Đông Dương và đô đốc Decoux dấn mình vào chính sách cộng tác với lực lượng Nhật theo chủ trương của chính phủ Pétain. Dần hồi, từ công ước này đến tuyên bố chung nọ, các lực lượng Nhật đến đóng quân tại các cảng biển và thành phố của xứ Đông Dương, công an phụ trách chính trị của Nhật, [có tên là] Kempeitai, thiết lập phòng ban ở các đô thị và thị trấn, tài trợ cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa của Việt Nam và cung cấp quyền miễn trừ cho những nhân vật có liên quan. Vua Bảo Đại, phần lớn thời gian, lưu trú khi thì ở biệt dinh tại Cam Lộ, Quảng Trị, khi thì ở Đà Lạt nơi vua mới cho xây một biệt điện khác trong một vùng lâm viên bao la với tầm nhìn hướng về thung lũng Liên Khang. Ở chốn này, nhà vua tiếp đô đốc Decoux và phu nhân, các giới chức Pháp “có máu mặt” như Maurice Ducoroy hay Georges Gautier, vài người nhóm cận thần như Phan Văn Giáo hay Nguyễn Đệ, và vài thành viên trong hoàng tộc. Cuộc chiến trở nên khốc liệt tại khu vực Thái Bình Dương, nước Nhật trải qua những thất bại quân sự đầu tiên. Năm 1945, nước Đức bị quân Liên-xô đánh tràn vào.