Câu chuyện lịch sử về kho báu kinh thành Huế, một phần nào đó, trùng khớp với lịch sử của nền quân chủ dưới triều đại nhà Nguyễn, với câu chuyện lịch sử của từng vị hoàng đế của xứ An Nam, và rồi người ta có thể nghĩ rằng câu chuyện kho báu kho lẫm đã có thể kết thúc với sự ra đi của hoàng đế Khải Định. Không có nguồn thu từ thuế khóa, hoàng đế An Nam chẳng còn khả năng thu nạp sinh sôi cho kho báu. Một kho báu, theo như nhận xét của Etienne Richaud vào năm 1889, đã hoàn toàn bị chính quyền bảo hộ kiểm kê đến “từng chi tiết”372. Thêm vào đó, vì dòng ngân sách [được chính quyền bảo hộ quy định] dành cho vua quan hoàng tộc cũng không đủ cho tất cả mọi chi phí chi tiêu nên kho báu được các hoàng đế xưa kia tích trữ cũng đã phải được huy động nhằm bổ sung cho những thâm hụt ngân sách của triều đình Huế. Mà trong khoảng thời gian bốn mươi năm, từ năm 1886 đến năm 1926, những nhu cầu của vương triều đâu phải là ít… Câu chuyện tiếp theo, thời gian sau đó, còn trở nên phức tạp hơn nữa. Với Bảo Đại, chúng ta lại đối mặt với một nhân vật hay thay đổi, muôn mặt, hết sức bảnh bao và “tay chơi” (playboy sic), một con người lúc lánh nạn luôn thiếu tiền, một chính trị gia mưu mẹo, là một vị hoàng đế và cũng là một kẻ có thể làm thoái hóa biến chất, là người đứng đầu một Nhà Nước, lại là một kẻ có óc tính toán lời lỗ, đồng thời cũng là nạn nhân của những giới tại vùng thuộc địa Nam Kỳ, của sự bất ổn chính trị tại ngay nước Pháp. Nhân vật Bảo Đại, với muôn mặt muôn sắc thái, có một quan niệm cũng biến thiên bất thường đối với của cải của triều đình, tài sản của Nhà Nước và cả đối với tài sản cá nhân. Trong bối cảnh cục diện như vậy, lần theo những gì đã xảy ra cho kho báu kho lẫm kinh thành Huế là chuyện kỳ công. Những nguồn tin và chứng nhân (một số vẫn còn sống) không cung cấp cho chúng ta những tường thuật diễn giải như nhau về vụ việc, và đôi khi, lại mâu thuẫn với nhau. Ngoài ra, hình thức hiển hiện của kho báu này, như dưới hình thức nén vàng, lạng bạc hay đồng tiền thưởng, vốn đơn giản được xem như là những dự trữ của cải vật chất, đã trở thành, trong diễn trình thế kỷ XX, một kho báu mang giá trị nghệ thuật và lịch sử, một thang giá trị vượt xa giá trị tự thân của kho báu. Người Pháp đã không cân nhắc khía cạnh này của của cải kho báu [họ đã thu được sau ngày chiếm kinh thành Huế], họ đã cho nấu chảy cái mà họ gọi là “chất liệu của kho báu Huế” (les matières du trésor de Huê sic). Về phần mình, các vị hoàng đế An Nam cũng chẳng để tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, trên thị trường tiền cổ [quốc nội và quốc tế], những hiện vật từ kho báu kinh thành Huế đã bắt đầu mang một giá trị nghệ thuật và lịch sử.
372 Xem chương 10.