Giới cầm quyền Pháp, một lần nữa, chẳng gặp may: hoàng đế An Nam hết mực ngoan ngoãn dễ bảo, lại mắc chứng bệnh Pott, một tình trạng nhiễm trùng cột sống do vi khuẩn lao. Sức khỏe hoàng đế thời gian gần đây đã suy giảm, thế là nổi lên những ganh đua tranh quyền: ngay từ tháng 3 năm 1922, vào lúc chuẩn bị lên đường công du nước Pháp, theo yêu cầu của triều đình và hoàng tộc, vua Khải Định đã quyết định tổ chức sớm lễ đăng quang cho con trai của mình. Lễ hội liên quan liền được tổ chức từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5, và trong diễn văn của mình, hoàng đế Khải Định đã tuyên bố, nếu tổ chức sớm hơn lễ đăng quang như vậy chính là để tránh “những nhòm ngó mưu đồ của những kẻ muốn dành ngôi báu một cách không chính thống”363. Những âm mưu trong chốn triều trung gia tăng, không chỉ vì nhận thấy sức khoẻ hoàng đế suy giảm, mà cũng vì người ta đặt nghi vấn một cách nghiêm túc về mối liên hệ cha con ruột thịt thực sự giữa hoàng đế Khải Định với hoàng tử bé con Vĩnh Thuỵ. Và vấn đề này được bàn tán khắp nơi: trong hoàng tộc, trong giới quyền bính triều đình, trong các báo cáo của mật thám Pháp, trong một bộ phận báo chí, mọi người đều tỏ ra nghi ngờ về mối liên hệ huyết thống của vị hoàng tử. Một thời gian ngắn trước khi hoàng đế băng hà, Bảo Trác364 (sic), một cận thần tùy viên của hoàng đế và là con cháu của vua Hiệp Hòa, đã bị bắt giữ vì bị tình nghi âm mưu lật đổ để chiếm đoạt ngôi báu. Thêm vào đó, khâm sứ Pasquier còn phải đối phó với một hoàng thái hậu, bà Thánh Cung Hoàng Hậu, muốn chiếm đoạt ấn tỷ của hoàng đế và, cho đến hơi thở cuối cùng của con rể là hoàng đế, vẫn muốn làm thay đổi di chúc của hoàng đế. Pasquier đã phải nắm lấy tay vị hoàng đế đang hấp hối để ngài không nhượng bộ trước những yêu sách nài ép của hoàng thái hậu.
363 Thân Trọng Huề, “Cérémonie d’investiture du prince héritier”, BAVH, 1922-IV, p. 311-319, p. 316.
364 DG: hay “Bửu Trác”?
Vua Khải Định qua đời vào ngày 6 tháng 11 năm 1925, chỉ sau mươi năm trị vì. Mọi công việc phải tạm ngưng lại, hội đồng phụ chính có phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của ông Tôn Thất Hân đã rất lớn tuổi, vị này vội vã xuất hiện: hội đồng phụ chính khẩn trương thông qua một công ước được chuẩn bị từ lâu, cho phép chuyển những quyền lực ít ỏi của vua An Nam sang tay khâm sứ Pháp. Từ nay trở đi, vua An Nam, với sự đồng ý của khâm sứ Pháp, chỉ còn phụ trách một số vụ việc như về nghi lễ nghi thức, những quy định hiến định của vương triều, quyền ân xá, việc cấp những đạo sắc phong cho người có công trạng đã qua đời hay cho những vị phúc thần làng xã, ban thưởng những danh hiệu danh dự hay phẩm hàm quý tộc. Không còn có chuyện ngân sách vương triều riêng biệt đúng nghĩa: chỉ đơn giản còn lại theo một dòng ngân sách dành cho những chi tiêu của đức vua và hoàng gia, cùng những chi tiêu cho nghi thức nghi lễ hay dùng để duy trì bảo trì cung điện đền đài và lăng tẩm. Hoàng tử kế vị Vĩnh Thuỵ, lúc đó chỉ là một đứa trẻ độ mươi tuổi, về từ nước Pháp nơi đang du học, để đăng quang lên ngôi vào ngày 8 tháng giêng năm 1926, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Sau khi dự lễ tang, vua Bảo Đại được đưa trở về Pháp ngay để tiếp tục việc học tập. Người dân Việt Nam tỏ ra bàng quan trước sự ra đi của vua Khải Định, và rồi những lễ tang lễ tế, tổ chức từ ngày 29 đến ngày 31 tháng giêng năm 1926, trở thành một dịp để lên án mạnh mẽ những chi tiêu phung phí tốn kém như vậy. Đối nghịch lại là sự ra đi của nhà cách mạng lão thành Phan Chu Trinh vào ngày 24 tháng 3 năm 1926: lễ tang tổ chức vào ngày 4 tháng 4, là dịp nổ ra những cuộc biểu tình bày tỏ lòng nhiệt thành ái quốc, hết sức đông đúc rầm rộ khắp cả nước. Trong các cuộc tụ tập công khai, người ta đọc lên những bài thơ, và rồi, mặc những cuộc đàn áp, học sinh các cấp trung học vẫn vào lớp với dải khăn tang trắng đeo ở cánh tay.
Vua Khải Định qua đời, người Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn xem đó như là thời điểm kết thúc giai đoạn được mệnh danh thời “Đông Dương hoan lạc” (L’Indochine heureuse sic). Vào giai đoạn nửa sau thập niên 1920, khởi đầu một thời kỳ mới. Không còn sự có mặt của hoàng đế An Nam trên lãnh thổ của nước Việt Nam: người ta đang “đào tạo” ngài tại Paris, tách xa khỏi cái phương Đông làm mềm lòng mềm yếu và tránh xa khỏi cái ảnh hưởng tệ hại của triều đình Huế. Hội đồng phụ chính đã trao hết quyền hành cho vị khâm sứ Pháp và mọi chuyện trông như có vẻ hoàn hảo. Nhưng hai bóng ma đang ám ảnh vùng Đông Á: bóng ma chủ nghĩa cộng sản và bóng ma chủ nghĩa đế quốc từ nước Nhật.
Đông cung Hoàng thái tử, sẽ lên ngôi với niên hiệu Bảo Đại365
365 DG: BAVH số 4-1922
Ở Trung Quốc, Tôn Dật Tiên, thủ lĩnh của Quốc Dân đảng, đã lập chính phủ ở Quảng Đông. Mục đích của Tôn tiên sinh hiển nhiên là thiết lập một xã hội mới tại Trung Quốc, nhưng đầu tiên hết phải lật đổ chính quyền bù nhìn tại Bắc Kinh, loại bỏ các bè đảng lãnh chúa đang ngự trị ở các tỉnh thành và giải phóng đất nước khỏi ách ngoại bang. Kể từ tháng 2 năm 1923, Tôn Dật Tiên đã có được liên minh quân sự, tài chính và kỹ thuật với nước Nga Xô-viết, ngoài ra Moscou cũng yêu cầu đảng Cộng sản Trung Hoa hỗ trợ cho Quốc Dân đảng. Vào tháng 10 năm 1923, Borodine, ủy viên của đảng Cộng sản Liên Xô bên cạnh Tôn Dật Tiên đặt chân đến Quảng Đông. Ba tháng sau, lại có thêm sự góp mặt của hai cố vấn khác, đó là Terechatov và Tcherepanov. Ngày 31 tháng 5 năm 1924, hiệp ước liên minh Trung-Nga Xô-viết được ký kết. Cuối cùng, một chính phủ Mặt trận thống nhất ra đời với sự tham gia của đại diện Quốc Dân đảng, đảng Cộng sản Trung Hoa và các lãnh chúa các tỉnh phía nam. Các cố vấn chính trị và quân sự Xô-viết và các đảng viên Cộng sản Trung Hoa có mặt đông đảo ở các cơ quan hành chính và lực lượng vũ trang; họ trợ giúp Quốc Dân đảng cải cách các trường võ bị và các đại học, nắm lấy các nghiệp đoàn thợ thuyền và các tổ chức quần chúng. Ở cái tỉnh thành bao la nằm ở phía nam Trung Hoa [tỉnh Quảng Đông], người ta thấy nhanh chóng tụ hội những nhà cách mạng, những người theo chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản, đến từ tất cả các nước vùng Đông Á: Ấn Độ, Philippines, Miến Điện, Indonésia, Mã Lai, Thái Lan, Triều Tiên, Đài Loan, và đương nhiên, có cả Việt Nam. Những người Việt Nam đã tự tổ chức thành đảng phái theo hình thái của Quốc Dân đảng Trung Quốc, nhưng một số, ít nhiều đã gắn kết với Quốc tế Cộng sản, tập hợp xung quanh tờ báo Thanh Niên (sic). Tất cả các nhà hoạt động đều được các phong trào cách mạng Trung Hoa cung cấp phương tiện tài chính và cơ sở làm việc. Sau cái chết của Tôn Dật Tiên, và nhất là sau cú [trở cờ] của Tưởng Giới Thạch [1887-1975] chống lại các cố vấn Xô-viết và những người cộng sản Trung Hoa (ngày 20 tháng 3 năm 1926), đánh dấu việc ngả theo cánh hữu của giới cầm quyền tại Quảng Đông, tình thế trở nên khó khăn cho những người cộng sản cũng như những người theo dân tộc chủ nghĩa Việt Nam: dần hồi những người này rời Quảng Đông trở về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và cả vùng Nam Kỳ, những nơi mà họ sẽ thiết lập hai tổ chức cách mạng, về sau sẽ trở thành Việt Nam Quốc dân Đảng (tháng 11 năm 1927) và Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 6 năm 1929). Điều kiện sinh sống làm việc của người bản địa, [bị miệt thị là] “nhà quê” (nhaqués sic), hết sức khó khăn, khốn khổ đến mức thường không xa mấy với chế độ nô lệ: họ làm việc ở các mỏ than, nhà máy dệt, các đồn điền trồng cao su, và cai đội thì đối xử tàn bạo với nhân công366. Bên cạnh đó, thái độ khinh miệt coi thường những người Việt Nam có học vấn bằng cấp367 (mà thường là tốt nghiệp ở các đại học tại ngay chính quốc!) lộ liễu ngu xuẩn đến mức chuyện tuyên truyền vận động của giới yêu nước hay người cộng sản chẳng cần phải nỗ lực nhiều để tuyển mộ lực lượng, gây rối gây loạn hay tổ chức nổi dậy. Sở Mật thám Pháp theo dõi cảnh giác, và rồi giữa các đảng phái nêu trên với mật vụ Pháp bắt đầu một cuộc đối đầu lâu dài, mà phía mật thám Pháp, ít nhất vào thời gian ban đầu, chẳng hề phân biệt hai đảng phái nêu trên. Cuộc đối đầu mở màn với một chuỗi biến cố: ám sát Alfred Bazin, giám đốc tuyển mộ “cu li” (coolies sic) cho các đồn điền cao su (ngày 9/2/1929), nổi dậy ở Yên Bái (10/2/1930), Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), đình công nổ ra ở đồn điền hãng Michelin tại Dầu Tiếng (tháng 12/1932), máy bay Pháp thả bom xuống các làng bị cho là “theo cộng sản”, nối tiếp theo đó là bắt bớ ngục tù, lưu đày khổ sai và xử tử hình [những người yêu nước nổi dậy].
366 Xem các trường hợp được Louis Roubaud cung cấp: Viet Nam, La tragédie indochinoise, Paris, 1931, p. 164-185. Xem thêm Léon Werth, Cochinchine, Paris, 1926; Roland Dorgelès, Sur la Route Mandarine, Paris, Albin Michel, 1929.
367 DG: Xem thêm các công trình của Trịnh Văn Thảo, “L’idéologie de l’école en Indochine (1890-1938)” (Persée,1993); Nguyễn Thuỵ Phương, “L’école française au Vietnam de 1945à 1975: de la mission civilisatrice à la diplomatie culturelle” (thèse, 2013); Lê Xuân Phán, “L’enseignement du Vietnam durant la période coloniale (1862-1945): la formation des intellectuels vietnamiens” (thèse, 2018).
Một nguy cơ khác rình rập [chính quyền Đông Dương], đó là chủ nghĩa đế quốc Nhật. Ban đầu người Pháp đã không ý thức về tầm vóc của mối nguy như vậy đối với vùng thuộc địa: phải chờ đến giữa thập niên 1930, người Pháp mới nhận thức về mối hiểm nguy này. Người Nhật đã tung hoành ở vùng Mãn Châu và miền Bắc của Trung Hoa, vậy thì đã sao? Tất cả những diễn biến như thế quá xa vời đối với Bắc Kỳ và thủ phủ Sài Gòn. Mà thật sự người Nhật còn cách quá xa như vậy không? Thực tế là điệp báo người Nhật đã luồn sâu vào cả Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Cam Bốt, và cả ở Thái Lan. Người Nhật hỗ trợ mạnh mẽ các phong trào yêu nước khắp mọi nơi, tuyển mộ các cảm tình viên, cả người Việt và người Pháp, và thu thập các thông tin về các khu vực kinh tế nhạy cảm cũng như về bố trí lực lượng quân sự của Pháp. Nhân vật Nhật đặc trưng nhất chính là Matsushita Mitsuhiro (về sau sẽ là khuôn mẫu cho nhân vật kinh khủng Mitsuhirato trong truyện bằng tranh “Sen Xanh”, “Lotus Bleu368”). Đặt chân đến Hà Nội năm 1913, Mitsuhiro quản lý một khách sạn cho đến năm 1917. Sau đó thường trú ở Sài Gòn và làm việc dưới vỏ bọc một cán bộ thương mại hiền lành của hãng Mitsui Bussan369. Lúc đó, Mitsuhiro đã là tình báo viên quan trọng nhất của Nhật có mối liên lạc với những người yêu nước Việt Nam. Năm 1922, nhờ vào những nguồn tài chính do chính phủ Tokyo cung cấp, Mitsuhiro mua lại một khách sạn tại Hà Nội: khách sạn Matsushita trở thành trung tâm tình báo viên Nhật ở phía bắc của Đông Dương. Tiếp theo đó, Mitsuhiro thành lập hãng Dainan Koshi, chuyên về xuất nhập khẩu, đến năm 1928, trụ sở hãng này chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn. Sau đó, Mitsuhiro mở thêm các chi nhánh ở Phnom Penh (1933) và Bangkok (1936). Là tình báo viên và phái viên gây ảnh hưởng để nước Nhật xâm nhập vào vùng Đông Nam Á, Mitsuhiro nỗ lực tổ chức một phong trào chống Pháp và thân Nhật, tuyển mộ các cán bộ địa phương, tài trợ cho các hoạt động của ông Phạm Công Tắc, giáo chủ đạo Cao Đài, và là nhân viên liên lạc với hoàng thân Cường Để vẫn còn lưu trú ở Tokyo. Đã từ nhiều năm, viên Tổng lãnh sự Nhật tại Sài Gòn, Yoshio Minoda, và đại úy Sadao Kawamura, tùy viên tại lãnh sự quán Nhật, cả hai đã bắt tay phối hợp với Matsushita Mitsuhiro. Người Mỹ và người Pháp nhanh chóng để ý đến bản chất những hoạt động như vậy của Mitsuhiro: vị này bị trục xuất khỏi Nam Kỳ vào năm 1938. Tháng 10 cùng năm, [phía Pháp] đã tiến hành một đợt càn quét rộng khắp bắt giữ các tay chân và cảm tình viên của Nhật, trong số này có nhà phát hành thân Nhật Đào Trinh Nhất, các điệp viên của Đài Loan và nhà báo khuynh hướng phát-xít Fauquenot370. Ngày 18 tháng 10, Sở Mật thám Pháp tiến hành kiểm tra trụ sở của hãng Dainan Koshi tại Sài Gòn, bắt được nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến tình báo quân sự371.
368 DG: “Le Lotus Bleu” (1946), một tập truyện bằng tranh trong bộ “Những chuyến phiêu lưu của Tintin và chú chó Milou” của tác giả người Bỉ Hergé.
369 Hãng này của Nhật được biết rõ có những hoạt động tình báo tại Pháp và ở gần khắp các thuộc địa của Pháp.
370 Fauquenot viết cho tờ báo L’Alerte, một tờ nhận tiền hàng tháng của tổng lãnh sự quán Nhật tại Sài Gòn, trả cho những mục quảng cáo.
371 Dean Meyers, Tran My Van, “The Crisis of the Eight lunar Month, The Cao Dai, Prince Cuong De and the Japanese in 1937-1939”, International Journal of Asia Pacific Studies, vol.2, mai 2006, p. 15-22, 31-32.
Nước Pháp sắp sửa đối mặt cơn hấp hối tại Đông Dương, và đã có hai lực lượng đang nỗ lực chuẩn bị cho một thời điểm như vậy. Cũng theo chiều hướng đó, [về phần triều đình Huế], nền quân chủ của triều đại nhà Nguyễn cũng chuẩn bị bước vào giai đoạn chung cuộc: một vị quân vương mờ nhạt để lại ngôi vị cho một vị hoàng đế vắng bóng. Điều nghịch lý, người Pháp đã chuẩn bị cho người Việt Nam sống một Nhà Nước không có quân vương [không có chủ], và người Việt Nam sẽ càng sẵn sàng dễ dàng lắng nghe các diễn ngôn kêu gọi của những người theo chủ nghĩa dân tộc hay cộng sản. Về phần kho báu triều đình Huế, vụ việc đã được Albert Schroeder đề cập trong cuốn sách xuất bản vào năm 1905, dưới thời vua Thành Thái. Từ đó, chẳng còn ai nghe nói về kho báu, người ta cũng chẳng trình bày phơi bày chuyện này ra, thế mà, một việc ngẫu nhiên thật kỳ lạ, câu chuyện về kho báu kinh thành Huế lại tái xuất, vào năm 1938, trong công trình của nhà bác học Nhật Okudaira Masahiro, có tựa [tiếng Nhật] là Tō A senshi, “Danh mục các đồng tiền vùng Đông Á” (Catalogue des monnaies de l’Asie orientale sic). Một cái tựa hẳn chẳng phải chuyện ngẫu nhiên, vì lẽ “Đông Á” đang là ý tưởng thời thượng tại nước Nhật thời gian đó, rồi đây theo đó sẽ nở rộ ra khái niệm nổi tiếng “Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á”, Dai Tō A Kyōeiken [trong tiếng Nhật].