Hoàng tử Bửu Đảo trước tiên hết vốn đã được lòng người Pháp, do từ một kinh nghiệm thuận lợi trước đó, cho dù quá ngắn ngủi, là giai đoạn trị vì của vua Đồng Khánh. Bửu Đảo lên ngôi năm 30 tuổi, vào ngày 17 tháng 5, với niên hiệu là Khải Định, hiểu là “mở ra sự ổn định”. Người Pháp nếu đã không muốn xóa bỏ nền quân chủ thì nay họ dứt khoát chỉ duy trì thể chế này như đơn thuần là một bình phong: chế độ bảo hộ trực tiếp dựa vào vị vua mới và gạt ra bên lề chính quyền triều đình An Nam. Một biện pháp đề phòng: viện Cơ Mật nay chỉ còn bốn thành viên và Nguyễn Hữu Bài, được chỉ định Thượng thư Bộ Hộ và Bộ Lại, sẽ đóng vai trò chủ chốt. Những thành phần còn lại của triều đình Huế mau mắn thỏa mãn mọi yêu cầu yêu sách của phía Pháp, thành tâm hợp tác với người Pháp. Cũng theo chiều hướng đó, nhà vua cũng tâm niệm đặc biệt thuận lợi cho chế độ bảo hộ. Trong buổi đón tiếp Albert Sarraut, vị tân Toàn quyền Đông Dương, vua Khải Định đã không ngần ngại tuyên bố như sau:
“Nước Pháp có quyền nhận được lòng biết ơn vô hạn của chúng tôi [vì] nước Pháp đã mang lại những thay đổi cho đất nước chúng tôi sau khi đã bảo vệ chúng tôi chống lại xâm nhập xâm lấn từ những bọn giặc cướp, đã tạo dựng cho đất nước này những tuyến đường thông thương, tạo điều kiện cho việc trao đổi thương mại, đã xây dựng nên khắp nơi nào là bệnh viện, nào là trường học. Tất cả cho thấy rõ mối quan tâm cải thiện nâng cao mọi mặt điều kiện sinh sống của thần dân đất nước này. Nhờ có nước Pháp mà đất nước An Nam có thể trên đường tiến đến sự phồn vinh và hạnh phúc.”350
350 R.Orband, “Ephémérides annamites” , Bulletin des Amis du Vieux Hué, p. 304
Theo chiều hướng đó, vua Khải Định chấp thuận tất cả mọi “gợi ý” từ khâm sứ Pháp và từ toàn quyền Pháp. Vua Khải Định đồng ý đi một vòng kinh lý để tuyên truyền ở Bắc Kỳ và có một chuyến công du sang Pháp (tháng 5 đến tháng 8 năm 1922). Nhà vua cũng đồng ý giao con trai cho chính quyền bảo hộ để đưa sang Pháp du học. Ngài cũng đồng ý bãi bỏ vĩnh viễn chế độ giáo dục truyền thống. Ngài cũng đồng ý đi khánh thành trường này trường nọ… Để bày tỏ sự hài lòng, người Pháp đã trả lại cho nhà vua danh xưng “Hoàng đế” [xứ An Nam], một danh hiệu vốn đã bị xóa bỏ trong các văn kiện chính thức, về ngoại giao cũng như hành chính, từ năm 1884.
Toàn quyền A.Sarraut và vua Khải Định351
351 DG: BAVH số 3/1918
Vị khâm sứ mới, Pierre Pasquier, đã nỗ lực biến triều đình Huế thành như một thứ sân khấu tuồng với tất cả những trang hoàng trang trí cần thiết. Và vị hoàng đế mới lại rất để tâm coi trọng những thứ như vậy. Với sự hỗ trợ tài chính từ phía chính quyền bảo hộ Pháp, hoàng đế An Nam có thể dấn mình vào một chủ trương xây cất và tôn tạo những cung điện thành quách tại kinh thành Huế và vùng ven đô. Ngay từ năm 1917, hoàng đế cho xây ở phía nam của hoàng cung, bên kia [ở bờ nam] sông Hương, một cung điện mới, là cung An Định, theo một phong cách sẽ trở thành nét đặc thù của giai đoạn trì vì của hoàng đế, pha lẫn đủ loại ảnh hưởng [kiến trúc nghệ thuật]: Phục Hưng (của châu Âu), kiến trúc Trung Hoa, hay thời “Đại thế kỷ [XVII]” của nước Pháp [dưới triều vua Louis XIV]. Khi xây xong cung An Định (1919), hoàng đế cho xây tiếp điện Kiến Trung, nằm ở mạn bắc của Hoàng cung: điện này cũng cho thấy sự pha lẫn về kiến trúc với phong cách Trung Hoa làm chủ đạo. Khi hoàng đế về điện Kiến Trung thì ngài ban tặng cung An Định cho hoàng hậu Từ Cung, bà sẽ sống ở đây với con trai là hoàng tử Vĩnh Thuỵ (sinh năm 1913). Năm 1923, điện Kiến Trung được hoàn tất, người ta lại bắt đầu xây ngay trên một phần tường thành bao quanh Hoàng cung một kiến trúc rất thanh nhã, lầu Tứ Phương Vô Sự, theo một phong cách truyền thống hơn. Ngoài việc xây cất đền đài cung điện, hoàng đế Khải Định còn bắt tay vào việc hoàn tất lăng tẩm cho thân phụ là vua Đồng Khánh, kết thúc với một lễ khánh thành đặc biệt, tổ chức vào ngày 26 tháng 10 năm 1917. Tiếp đó, năm 1920, hoàng đế bắt đầu cho xây dựng lăng tẩm của bản thân: nơi đây ngài sẽ thỏa thích theo đuổi những sở thích kiến trúc cá nhân. Lăng gồm một cung cho nơi điện thờ và một nơi cho lăng mộ, là một tòa kiến trúc bằng béton pha lẫn phong cách bản địa với những yếu tố [ngoại lai ngoại nhập] như phong cách roman, phong cách byzantin, phong cách Tân Cổ điển, phong cách “Tân Nghệ thuật” [cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX]. Toàn bộ lăng tẩm có thể làm du khách ngỡ ngàng, phân vân không biết sắp bước vào một loại kiến trúc trông như nhà ga, theo thời gian đã ngả màu xám xịt, hay đâm ra tò mò hiếu kỳ khi sẽ được chứng kiến những cánh cửa kính nhiều màu sắc phong cách nước Nhật, chiêm ngưỡng những bức tượng bằng đồng, những trang trí bằng men sứ Trung Hoa, hay những yếu tố chi tiết theo phong cách Corinthe [của Hy Lạp cổ đại]…
Những thú vui sở thích của vị hoàng đế không chỉ giới hạn ở mặt kiến trúc. Ngài còn thỏa thích với những kiểu áo quần đầy trang trí, phụ kiện sặc sỡ, làm loá mắt. Người ta thường thấy hoàng đế đi dạo đây đó ở kinh thành Huế, hay ở ngay Paris, với những bộ phẩm phục dài vạt bằng lụa có thêu nổi hay những áo khoác dài thêu thùa lấp lánh có kết ngọc ngà đá quý, với những cầu vai bằng chỉ vàng, trên đầu thì ngài đội một chiếc nón được thêu thùa có kết ngọc quý, ngực của hoàng đế thì mang đầy các loại huân chương huy chương bằng vàng sáng chói, khảm kết đầy đá quý, thắt lưng bản lớn chế tác với ngọc thạch chạm trổ rất công phu, bàn tay ngài thì đeo đầy cả nhẫn. Sự đam mê kỳ lạ như thế đối với quần áo phụ kiện đã nhanh chóng lôi cuốn sự chú ý của giới đối kháng triều đình Huế: giới này nói hoàng đế trông như “một con rối ăn mặc đẹp, an vị trên một ngai vàng vô công rồi nghề352”. Năm 1922, trong một bản văn đã trở nên nổi tiếng, có tên “Thất Điều thư”, Phan Chu Trinh kể ra bảy tội hàng đầu của hoàng đế Khải Định: điều thứ năm chính là lối ăn mặc kỳ quặc khác thiên hạ của hoàng đế353.
352 Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam, op.cit. p. 269.
353 Ngô Văn Việt, Việt-nam 1920-1945, Paris, Nautilus, 2000 [1996], p. 40; Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam, op.cit. p. 255, n.24
Xây cất cung điện và chi tiêu cho phẩm phục, rồi thêm những lễ này lạc nọ liên miên (kỵ giỗ tổ tiên, sinh nhật các hoàng thái hậu, lễ hội theo âm lịch, đại lễ theo truyền thống, v.v.) làm tiêu tốn ngân sách triều đình vốn đã èo uột, cho dù có sự hỗ trợ tài chính của chính quyền bảo hộ. Điểm lên án thứ tư trong Thất Điều thư của Phan Chu Trinh chính nhắm vào sự lãng phí công quỹ cho chi dùng xa hoa vô đạo đức. Ngoài ra, còn phải kể đến việc chu cấp cho quan lại triều đình và hoàng tộc: hoàng thái hậu Thánh Cung Hoàng Hậu, con gái của Nguyễn Hữu Độ và vợ [goá] của vua Đồng Khánh354, thời đó nổi tiếng vì lòng tham và nhu cầu tiền bạc rất lớn. Điều hiển nhiên, ngân sách được chính quyền bảo hộ chu cấp không đủ chi dùng, như thế lại phải dùng đến cả kho lẫm kho báu vương triều, hay ít ra là với những gì còn sót lại.
354 Thánh Cung Hoàng Hậu, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thị Nhàn (1870-1935), không phải là mẹ của của vua Khải Định: vị này là con của người vợ thứ hai của vua Đồng Khánh, danh xưng là Tiên Cung Hoàng Hậu, tên khai sinh là Dương Thị Thục (1868-1944).
Ban thưởng những huân huy chương bằng vàng, bằng bạc cho thành viên hoàng tộc, cho quan chức, quân lính Pháp và Việt Nam, mà không hề tính toán, vào mọi dịp, là một thói quen xuất hiện từ thời vua Thành Thái, đã bào mòn kho lẫm kho báu hoàng gia:
“Đến một lúc người ta chợt nhận ra là việc ban thưởng những đồng tiền thưởng dạng như Kim-khánh, Kim-bội355, Kim-tiền và Ngân-tiền là một khoản chi tiêu khổng lồ trong ngân sách của vương quyền An Nam. Do đó đã có một quyết định, vào năm thứ 6 triều vua Duy Tân (1912), liên quan đến việc cấp bằng khen [sắc phong] nhưng không kèm theo huân chương tiền thưởng.356”
355 Kim-bội là một loại huân chương đặc biệt dành cho phụ nữ, đề ra vào năm 1889, buổi đầu của triều vua Thành Thái.
356 Đặng Ngọc Oánh, “Les distinctions honorifiques annamites”, op.cit.p. 396
Do đó, kể từ năm 1912, người ta trao một số bằng khen thưởng không kèm theo huân chương, hay không kèm theo khánh (sic), người nhận bằng khen tự đi mua lấy huân chương tiền thưởng tương ứng với bằng khen: giá cả quy định cũng đã được chính thức niêm yết357.
357 Ibidem p. 404-406
Dưới thời vua Duy Tân, người ta gần như không còn đúc những đồng tiền vàng358 và hoàn toàn không có đồng tiền bạc. Các đồng tiền thưởng ban tặng cho quan lại có công trạng hay quan quân người Pháp là đồng được đúc dưới các triều vua trước đó359: điều này có nghĩa là nhà vua An Nam còn giữ một dự trữ những đồng tiền thưởng xưa cũ. Ngược lại, dưới thời vua Khải Định, các công xưởng của hoàng cung chỉ còn đúc, với những lượng nhỏ, các đồng tiền vàng cũng như các đồng tiền và các nén bạc cỡ nhỏ360, việc chỉ có thể được thực hiện bằng cách trích xuất ra từ các dự trữ kim loại, nén vàng, nén bạc hay tiền thưởng, nằm trong kho lẫm kho báu của vương triều tại kinh thành Huế. Tuy vậy, những lần đúc như thế không đủ cho vô số những lần ban tặng cho hoàng thân quốc thích và giới quý tộc, ban thưởng cho quan lại có công trạng hay cho người Pháp. Do đó, hẳn đã phải dùng đến những đồng tiền thưởng của các triều vua trước năm 1884361.
358 John Sylvester, một tác giả đã công bố nghiên cứu công phu nhất về những huân huy chương hay đồng tiền thưởng xa xưa của Việt Nam (John Sylvester, The Traditional Awards of Annam: the Khanh Boi, Tien and Bai, Raleigh, 1983) không trưng ra bất cứ đồng tiền thưởng thời vua Duy Tân và trình bày những bản vẽ xuất hiện trong công trình của Đặng Ngọc Oánh. Cho đến hiện nay, người ta chỉ tìm thấy một đồng kim-tiền hạng 3.
359 Đặng Ngọc Oánh, “Les distinctions honorifiques annamites”, op.cit. p. 405-406. Theo đó, ngày 27 tháng 7 năm 1910, một sắc phong ngân tiền cỡ lớn được trao cho hạ sĩ Croset, kèm theo một đồng philong niên hiệu Thiệu Trị (Zeno Oriental coins database n°123983).
360 François Thierry, Catalogue des monnaies vietnamiennes – Supplément, op.cit. n°542-547.
361 Chẳng hạn, vào ngày 1 tháng 7 năm 1916, có một sắc phong ngân tiền hạng 2, ban tặng một đồng philong niên hiệu Minh Mạng cho một người lính thuộc tiểu đoàn 17 bộ binh Đông Dương (Harrold Gillingham, “Notes on the decorations and medals of the French Colonies and Protectorat”, Numismatic Notes and Monographs, American Numismatic Society, n°36, 1928, p. 45-45, pl. XX et XXII).
Các chi tiêu cho các mục như xây cất tôn tạo cung điện lăng tẩm, mừng lễ lạc, ban thưởng quan lại, chu cấp cho hoàng tộc, đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ của hoàng triều, vì tất cả những chi tiêu như vậy đâu được chi trả theo nguồn ngân sách do chính quyền bảo hộ phụ trách. Hoàng đế Khải Định ý thức về việc này, khi các quan nêu ra yêu cầu chuẩn bị một ngân khoản đặc biệt cho dịp lễ “Tứ Tuần Đại Khánh” [mừng sinh nhật 40 tuổi của ngài], hoàng đế An Nam đã trả lời như sau:
“Chúng ta giờ đây phải nhận thức nguồn thu nhập của triều đình thấp hơn nhiều so với xưa kia. Trong khi đó muốn tổ chức một lễ kỷ niệm trọng thể thì cần rất nhiều chi tiêu ngân sách. Đồng thời chúng ta cũng nhận thấy có nhiều công trình di tích như đền đài chùa chiền của Hoàng cung được tổ tiên xây dựng từ lâu, phần lớn nay đang xuống cấp, cần phải sửa chữa trùng tu. Có thể nào chấp nhận tổ chức mừng vui lễ lạc mà quên đi vấn đề [trùng tu] lăng tẩm? Do đó, cần phải tiến hành mừng lễ một cách bình thường và hạn chế phí tổn trong chừng mực có thể”362.
362 Documents, “Documents concernant les fêtes du quarantenaire”, BAVH, 1925-II, p. 49
Dù không có trong tay những dữ liệu chính xác, rõ ràng là vào cuối triều vua Khải Định, phần [còn lại của] kho báu triều đình Huế, được [phía Pháp] trao trả cho thân phụ của đức vua, có khả năng chẳng còn lại bao nhiêu. Phần lớn nén bạc của kho báu đã được vua Thành Thái cho giao dịch, còn vàng thì đã được sử dụng để chu cấp cho hoàng thân quốc thích của hoàng tộc, giới quý tộc, đồng thời dùng để duy trì cuộc sống sinh hoạt của nhiều triều vua liên tiếp.