Cách mạng Tân Hợi Trung Hoa năm 1911 đã có những tiếng vang ảnh hưởng rộng lớn trong giới những người yêu nước khuynh hướng cải cách tại Việt Nam. Nhiều người trong số này đã phải rời nước Nhật: nhà cầm quyền Nhật, dưới áp lực của người Pháp, đã bắt đầu ngăn trở giới hoạt động người Việt. Hoạt động của phía Nhật cũng không vì vậy mà giảm sút, có thể từ đó trở nên kín đáo hơn, thậm chí là bí mật, thông qua việc thiết lập những mạng lưới gây ảnh hưởng và tình báo quân sự. Những người yêu nước Việt Nam khuynh hướng cải cách đã tập hợp lại bên cạnh ông Tôn Trung Sơn [hay Tôn Dật Tiên] tại tỉnh Quảng Đông, phía nam của Trung Hoa, khu vực gần sát với biên giới của Đông Dương. Tháng 2 năm 1912, Phan Bội Châu thành lập tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội có mục tiêu không chỉ giải phóng đất nước mà còn lập ra một chế độ cộng hòa. Tổ chức này ăn sâu bén rễ chặt chẽ ở Bắc Kỳ, nhanh hơn người Pháp tưởng. Các nhà tranh đấu của tổ chức triển khai theo phương thức hoạt động của các phong trào dân tuý của Nga và vô chính phủ của Pháp, hoạt động trực tiếp [tại địa bàn] và tuyên truyền qua sự kiện thực tế. Bên cạnh những phong trào mang tính cách mạng còn thấy phát triển những hoạt động thuộc các hội kín như tổ chức Thiên Địa Hội mà thủ lĩnh tại Sài Gòn chính là Gilbert Chiếu, vốn trước đó đã cùng Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội (1904). Hay những hoạt động của các thành phần ủng hộ một nhân vật có hành tung thần bí, tự xưng là “Hoàng đế Xích Long345” (hay “Rồng Đỏ”, Dragon Rouge sic). Ngay từ năm 1913, nhiều vụ nổ bom đã xảy ra ở Thái Bình và Hà Nội, và bom cũng đã được phát hiện ngay tại Chợ Lớn [Sài Gòn].
345 DG: “Phan Xích Long (1893 – 1916), tên thật là Phan Phát Sanh tự Lạc, là người tự xưng là Đông cung thái tử, con vua Hàm Nghi, tự phong là Hoàng đế và được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ, một phong trào kháng Pháp mang màu sắc tôn giáo và tâm linh tại miền Nam Việt Nam ở cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ XX.” (Wikipedia); xem thêm cuốn Les Sociétés secrètes en terre d’Annam, của Georges Coulet, xuất bản lần đầu năm 1926. Bản tiếng Việt có tên Hội kín xứ An Nam, do Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019.
Cùng thời gian đó, nhà vua đang trau dồi tiếng Pháp và ngày càng chứng tỏ sự trưởng thành về mặt trí tuệ, điều làm nức lòng giới chức cầm quyền Đông Dương, đặc biệt với Toàn quyền Albert Sarraut, nhậm chức từ năm 1911. Nhưng chính những đức tính ưu điểm về trí tuệ của bản thân đã giúp nhà vua trẻ tuổi dần hồi được mở mắt để nhận ra tình hình thực tế [của đất nước mình]: đức vua hiểu ra rằng sự xấc xược lấn lướt của các đại thần phụ chánh chỉ có thể xuất hiện theo với sự dung túng, hay ít nhất là ngầm đồng ý, của phía người Pháp. Và rằng sự lệ thuộc hoàn toàn của vương triều An Nam chỉ là hậu quả của những chấp nhận thua cuộc từ chính thân phụ của nhà vua.
Và rồi, một lần nữa, vấn đề của cải kho báu lại làm nảy sinh đối đầu xung đột. Đầu năm 1913, Georges Mahé, một cựu khâm sứ ở vùng Hạ Lào, vừa mới được bổ nhiệm khâm sứ tại Huế vào ngày 1 tháng giêng năm 1912, được mật báo là một phần kho báu hoàng gia có thể đã được cất giấu tại lăng Tự Đức. Chẳng cần kiểm tra nguồn tin, vị khâm sứ này liền cho khai quật tìm kiếm tại lăng: vị quan Pháp đã được sự đồng tình hạ mình của các vị Thượng thư và đại quan hội đồng phụ chánh. Phu thợ vừa chỉ mới dỡ những tấm đá ở sân của khu vực lăng thì đã tức khắc làm dấy lên những bất bình chấn động dân chúng địa phương, từ đó tin xâm phạm lăng mộ của vị hoàng đế lan đi khắp nơi. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dân chúng rất tức giận trước thái độ của quan lại triều đình Huế và các Thượng thư, cho rằng các vị này đã không chống lại sự xúc phạm nơi linh thiêng từ phía người Pháp: phản ứng thành phong trào, cao trào là rất bất ngờ, đến mức nhà cầm quyền bắt đầu phải lo lắng. Ngay cả báo giới tại thuộc địa cũng tỏ thái độ bất bình đối với một hành vi rõ ràng là thiếu tôn trọng hiểu biết đối những quy tắc lễ nghi sơ đẳng nhất. Trong báo chí ngay tại chính quốc nước Pháp, Phan Chu Trinh đã viết:
“Mới đây, tại kinh thành Huế, người ta đã [đào bới] xâm phạm lăng của vua Tự Đức để tìm kiếm vàng bạc. Tôi tức giận đến run người khi biết sự việc xâm phạm [lăng tẩm] như vậy. Tôi tiên lượng vụ việc sẽ dẫn đến những hậu quả kinh hoàng. Dân chúng rồi đây sẽ cảm nhận như thế nào về một hành động như vậy?”346
346 Le Journal du 3 mai 1913, cité dans Văn Ngô, Việt-nam 1920-1945, op.cit. p. 33
Vụ tai tiếng nơi lăng tẩm đã nhanh chóng nổ ra trong nội bộ triều đình, các vị thượng thư tìm cách né tránh, đổ trách nhiệm cho người khác: các ông Cao Xuân Dục và Nguyễn Hữu Bài lớn tiếng phản đối, cho rằng đã không hề hay biết và đã bị các đồng liêu lừa dối. Được báo tin, đức vua trẻ tuổi không che giấu sự buồn bực và tức giận: dù là vô vọng, đức vua quyết định cho triệu tập một cuộc họp với hội đồng phụ chánh vào ngày 17 tháng 3 để có lời giải thích của vị khâm sứ Pháp. Đây có thể xem là cử chỉ đầu tiên của đức vua Duy Tân muốn thể hiện rõ uy quyền và sự độc lập. Vụ việc lắng dịu với sự nhượng bộ của phía giới chức cầm quyền và thông báo triệu hồi khâm sứ Mahé về Pháp vào ngày 15 tháng 5 năm 1913. Nhưng người Pháp đã lợi dụng tình hình rắc rối đang làm lung lay triều đình Huế để gạt ông Cao Xuân Dục ra và thay thế bằng một vị quan đã nổi lên trong việc hăng hái đàn áp phong trào kháng thuế, là ông Hồ Đắc Trung. Rồi sẽ chẳng còn ai nghe nói về cái gọi là kho báu [nơi lăng tẩm] này… Nhưng vụ việc vừa xảy ra lại càng làm đức vua thêm bội phần nghi ngại những quan lại xung quanh ngài, đặc biệt đối với các thành viên hội đồng phụ chánh: nhà vua nhận ra ở các vị đại quan của hội đồng (mà đúng nghĩa như vậy!) là những tay chân của thế lực bảo hộ nước ngoài (agents de la puissance protectrice sic).
Vua Duy Tân, do đó, ngày càng quan tâm hơn đến những ý kiến của những phái viên của phong trào cải cách, đã len lỏi vào chốn hoàng cung và thành công trong việc tranh thủ đám lính canh, lính gác. Nhiều nhà hoạt động ở vùng kinh thành Huế đã bị mật thám Pháp theo dõi nhận dạng, trong đó có Trần Cao Vân, một thầy địa nổi tiếng, hay Thái Phiên, một sĩ phu thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội. Trong giới yêu nước theo khuynh hướng cải cách, đã xuất hiện ý tưởng rằng chiến tranh ở châu Âu [1914-1918] có thể là thời cơ để Việt Nam trút bỏ ách đô hộ của Pháp. Tiếp đó lại thêm một vụ khác liên quan đến kho báu, càng làm cho nhà vua thêm phần nghi ngờ đối với quan lại triều đình và các vị thượng thư. Vào đầu tháng 10 năm 1915, người ta lại phát hiện một chỗ cất giấu của cải347 khác trong hoàng cung. Nhưng nhà vua không đồng ý cho khai quật và muốn duy trì nguyên trạng. Nhưng, dù ý nguyện rõ ràng của nhà vua như vậy, các vị thượng thư, với sự cho phép của chính quyền bảo hộ, vẫn tiến hành cho đào bới tìm kiếm của cải. Đối với nhà vua, rõ ràng là người Pháp và các vị thượng thư đã thông đồng với nhau để chống lại ngài. Do đó, vua Duy Tân đã có một loạt động thái, ít nhiều chính thức, nhằm cho thấy ngài sẽ không chấp nhận ở thế thụ động với những đặc quyền ít ỏi còn lại trong tay. Nếu một số cử chỉ của nhà vua là không úp mở, như quyết định của ngài (vào tháng 10 năm 1915) cử Thượng thư Bộ Lễ đi Paris để phản đối với chính phủ Pháp việc [phía Pháp] không tôn trọng tinh thần câu chữ của hòa ước ký kết năm 1884, một số hành động của ngài lại âm thầm trong bóng tối. Trong một tuyên cáo được thảo ra một cách bí mật, đề ngày 5 tháng 4 năm 1915, vua Duy Tân đã chuẩn bị những điều kiện phương tiện cho một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng chiếm đóng, bằng cách chỉ định những vị tướng chỉ huy đứng đầu các tỉnh, đồng thời giao cho một người tên là Nguyễn Đức Công, ngoài chức vụ tuần phủ Hà Tĩnh, còn kiêm luôn việc chỉ huy quân sự phong trào nổi dậy. Vị này không ai khác chính là Hoàng Trọng Mậu, lãnh đạo bộ máy quân sự của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu348.
347 Xem chương 10.
348 Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam, op.cit. p. 240-241; Hoàng Trọng Mậu sẽ không có thời cơ để triển khai tài binh lược của mình như nhà vua mong đợi: ông bị bắt vào đêm ngày 3 tháng 5 và bị xử bắn ngày 24 tháng 2 năm 1916 (Nguyên Phuoc Bao Vang, Duy Tân ou le destin tragique du prince Vinh San, Paris, 2001, p. 78).
Đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5 năm 1916, vua Duy Tân bí mật ra khỏi hoàng cung, được bốn thị vệ hộ tống để đến nơi hẹn cạnh một chiếc đò, do những người âm mưu nổi dậy chuẩn bị. Nhưng không phải ai cũng có thể tổ chức ra tay như một Tôn Thất Thuyết trước đây. Điều mà nhà vua đã không hề hay biết đó là nhóm người nổi dậy đón nhà vua đã bị phía Pháp cài người: cơ quan mật thám Pháp đã đề phòng và tiến hành bắt giữ phòng hờ tại kinh thành Huế cũng như ở các tỉnh khác. Đã không nổ ra cuộc nổi dậy nào. Vua Duy Tân di chuyển đây đó ở các vùng ven của kinh thành, bị vây hãm và bắt giữ tại chùa Thiên Mụ cùng với Thái Phiên vào buổi sáng ngày 6 tháng 5349. Giờ đây bị giam ở đồn Mang Cá, vua Duy Tân có thể lượng định được lòng trung thành của các vị thượng thư: nghe tin vua bỏ trốn, tức thì các vị này vội vã chạy sang gặp khâm sứ Pháp để đề nghị phế truất nhà vua. Thượng thư, hoàng thân, quan lại, tất cả đều mất ăn mất ngủ, hết sức lo âu với câu hỏi: tiếp theo biến cố này, người Pháp có cho kết thúc luôn chế độ quân chủ, một thể chế đã nuôi dưỡng tất cả bọn họ từ bao đời nay? Dù triều đình Huế yêu cầu thúc bách [việc phế truất] nhưng Toàn quyền Đông Dương Ernest Roume vẫn nghĩ rằng cần phải hành động thận trọng và cho rằng vẫn có thể duy trì vua Duy Tân ở ngôi báu, đồng thời giao những quyền hạn của nhà vua cho hội đồng phụ chính. Các vị thượng thư, các thành viên hội đồng phụ chính, các thành viên của hội đồng hoàng tộc vẫn một mực yêu cầu nhanh chóng thay thế vua Duy Tân bởi một vị hoàng tử đảm bảo được cho tất cả ngôi vị chức hàm lẫn tương lai danh phận: tất cả đều lo sợ chính phủ Pháp tại Paris sẽ nhân cơ hội này cho chấm dứt chế độ bảo hộ theo hình thức hiện thời, và kết thúc luôn chế độ quân chủ truyền thống, theo con mắt chính quốc, đã bị lung lay không còn có thể đứng vững do những mối liên hệ giữa nhà vua với những người yêu nước theo khuynh hướng cải cách. Nỗi sợ hãi của các thành phần trong triều đình Huế đã chỉ đường mách nước để tìm ra giải pháp: họ sẵn có ngay một ứng viên cho ngôi báu, một nhân vật dễ bảo, là hoàng tử Bửu Đảo, con của vua Đồng Khánh. Cuối cùng, chế độ Cộng hòa Pháp quốc ngả theo ý kiến của triều đình Huế: Bửu Đảo sẽ lên ngôi và vua Duy Tân sẽ bị đày sang đảo Réunion.
349 Nguyên Phuoc Bao Vang, Duy Tân […], op.cit. p. 76-77.
Thái độ chịu khuất phục và “trung thành” của triều đình An Nam cũng như các thành viên của hội đồng phụ chính trong suốt cuộc khủng hoảng đã được giới chức chính quyền Pháp tại Đông Dương đánh giá rất cao: giới chức Pháp có lúc đã có ý định xóa bỏ luôn chế độ quân chủ nhân mưu đồ nổi dậy của vua Duy Tân, giờ đây quyết định duy trì chế độ quân chủ vì thể chế này có lợi ích là đã trở thành một công cụ bổ sung cho sự thống trị về mặt chính trị xã hội, cộng thêm vào với tất cả những gì người Pháp đã có trong tay.