Ngày 5 tháng 9 năm 1907, hoàng tử Vĩnh San, một đứa trẻ 7 tuổi, đã lên ngôi với niên hiệu là Duy Tân. Việc chọn niên hiệu cho vị quân vương mới lên ngôi như là một sự gặp gỡ trớ trêu kỳ lạ giữa cái tà với cái chính (hommage du vice à la vertu sic): Duy Tân có nghĩa là “cải cách”, “tiến hành cải cách”, “hiện đại hóa” (“réformes”, “réformer”, “modernisation” sic), như là một dự kiến đầy hứa hẹn. Nhưng, chuyện ngẫu nhiên tình cờ hay nghịch lý cố tình (paradoxe délibéré sic), đó cũng chính là danh xưng của một phong trào nhắm đến việc hiện đại hóa và vì độc lập của nước Việt Nam, do hoàng thân Cường Để lãnh đạo từ thủ đô Tokyo của nước Nhật, được sự hỗ trợ của Phan Bội Châu hoạt động ở Quảng Đông (Trung Quốc) và Gilbert Chiếu ở Sài Gòn: phong trào được tập hợp với tên là Duy Tân Hội. Như vậy “cải cách” hay “đổi mới” [theo như niên hiệu Duy Tân] thì là “cải cách, đổi mới” như thế nào đây? Phải chăng [niên hiệu của vị vua mới] là mong muốn đánh dấu một giai đoạn mới của đất nước An Nam sau hai lần thất bại, hai cơ hội đã vuột khỏi tầm tay, với triều vua Đồng Khánh, quá đoản hạn, và tiếp theo với triều vua Thành Thái, quá tai hại?
Những ngày đầu tiên với triều vua mới nhưng chẳng có gì thực sự là mới mẻ: hội đồng phụ chánh, theo chủ ý, gồm những nhân vật không có tầm vóc lớn, trong đó nổi lên, nếu có thể nói như vậy, các ông Cao Xuân Dục, Thượng thư Bộ Học, và Vương Duy Trinh, Thượng thư Bộ Binh. Người ta như tránh đưa vào hội đồng một nhân vật có nhân cách vững chãi mạnh mẽ, cho dù là ủng hộ nước Pháp. Khâm sứ Lévecque đi đêm với những phe phái và không thể xem đó là những mong muốn “hiện đại hóa”: con gái ông Nguyễn Thân, trước đây là đệ nhất giai phi triều vua Thành Thái, bị thất thế khi cha bị thất sủng, nay lại được khâm sứ Pháp cho khôi phục vị thế và trở thành hoàng thái hậu thứ nhất, Hoàng Địch Mẫu (sic). Với vị thế như thế cộng với sự hỗ trợ của người cha vẫn còn duy trì ảnh hưởng, đệ nhất giai phi ngày trước nay có uy quyền rất lớn. Người mẹ ruột của vua [Thành Thái] thì bị giáng cấp trong thứ bậc tôn ti của triều đình, trở thành hoàng thái hậu thứ nhì, Hoàng Sinh Mẫu (sic), chỉ còn giữ một vai trò thứ yếu, mờ nhạt, vì không có chỗ dựa về gia thế, thường xuyên chịu thái độ lấn át ức hiếp từ hoàng thái hậu thứ nhất. Trong cuộc vận động xếp đặt như thế, xét về mặt cải cách, khâm sứ Lévecque chỉ đưa ra một chính sách theo một khuôn mẫu thực tiễn đã có từ hai ngàn năm trước trong văn hóa của thế giới Hán hoá: chuyển thực tế quyền lực vào tay của “phe bên ngoài” (“waishi” theo tiếng Hoa), là phe cánh các bà hoàng thái hậu và gia tộc, đối lập với “phe bên trong” (“neishi”), phe cánh của hoàng gia. Làm như thế, quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay người Pháp: trong vũ trụ khép kín của triều đình và nhà cầm quyền An Nam thì bề trên, ngôi trên sẽ là bà Hoàng Địch Mẫu, và là đồng minh của người Pháp. Hoàng Địch Mẫu sẽ chẳng có lý do gì để tranh đấu quyết liệt cho một vị vua [vua Duy Tân còn bé mới lên ngôi] không phải là con đẻ của mình… Người ta quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục nhà vua trẻ tuổi vì không muốn có chuyện lại “mất công mất toi thêm ông vua Duy Tân” [như đã xảy ra với vua Thành Thái]. Hoàng thái hậu sẽ phụ trách bảo ban vua về mặt luân lý đạo đức, còn việc giảng dạy đào tạo về mặt trí tuệ và thể chất cho vị vua trẻ tuổi sẽ được giao cho một thầy trợ giảng người Pháp. Nhà cầm quyền Pháp cho giảm phần ngân sách dành riêng cho vua, xuống còn 12.000 piastres mỗi năm, nêu rõ là căn cứ vào tuổi còn trẻ của vua và nhu cầu ước định là tối thiểu, nên quyết định chỉ cấp cho vua chi tiêu riêng 50 piastres mỗi tháng, khoản tiền còn lại sẽ cho vào ngân hàng đầu tư340. Và chẳng một ai phản đối chuyện này.
340 Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam, op.cit. p. 212
Mọi thứ dường như đều theo đúng ý đồ của người Pháp. Nhưng sự thể lại nhanh chóng trở nên chua chát. Thực tế là cuối năm 1907, một cuộc cải cách thuế khóa đã làm tăng thêm gánh nặng về sưu dịch, gia tăng thuế thân: nổ ra tức thì một phong trào phản đối rộng khắp cả nước. Phong trào lúc đầu tỏ ra ôn hòa rồi trở nên mạnh bạo hơn, chẳng theo hình thái nổi dậy trước đây của giới sĩ phu: phong trào phản đối dựa vào số đông quần chúng được những nhóm cải cách huấn luyện tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1908, phong trào vượt ra khỏi khuôn khổ phản đối chuyện thuế má, lan toả khắp các tỉnh thành, kể cả ở vùng Nam Kỳ. Khi phong trào tháo lui trước những cuộc đàn áp, thì phong trào lại được nối tiếp bởi những biến cố mang tính cách mạng, như lần âm mưu đầu độc341 trại lính ở Hà Nội hay như việc “lão tặc Hoàng Hoa Thám” (vieux pirate342 Hoàng Hoa Thám sic) quay về lại căn cứ tiếp tục kháng chiến, ông đã như là dạng anh hùng “Robin des Bois343” trừ gian diệt giặc của người Việt Nam. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào “cải cách”, vốn manh nha từ cuối triều vua Thành Thái, và sự ra đời của một khuynh hướng cộng hòa [tại Việt Nam], sẽ được củng cố hơn nữa với cách mạng Trung Hoa năm [Tân Hợi] 1911, dẫn đến sự xích lại gần nhau giữa triều đình và giới quan lại Huế với chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương, là như một thành trì tốt nhất chống lại một đợt sóng vỡ bờ có nguy cơ cuốn phăng hết thể chế tôn ti trật tự cũ. Do đó xuất hiện một liên minh mới với một bên là người Pháp muốn đặt để và củng cố quyền lực tại thuộc địa, và một bên là giới quan lại quý tộc Việt Nam giờ đây lo âu lo lắng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc theo khuynh hướng cộng hòa có thể sẽ là hồi chuông báo tử của những đặc quyền đặc lợi gắn liền với chế độ quân chủ. Sự thể như thế dẫn đến việc người Pháp, dưới thời Toàn quyền Klobukowski, muốn tỏ ra có sự tôn trọng rõ rệt đối với truyền thống [xứ bản địa], muốn củng cố liên minh với nhóm nhỏ chức quyền bản địa khuynh hướng truyền thống (oligarchie traditionaliste sic), muốn tiến hành một chính sách khoan dung hơn về mặt thuế má và mong phát huy phát triển những chương trình giáo dục đào tạo hiện đại: để chống lại những phe phái gây rối loạn và những nhà cách mạng, nước Pháp và triều đình Huế sẽ cùng nhau kề vai sát cánh. Kể cả phải đối đầu với nhà vua. Người ta sớm ghi nhận là hội đồng phụ chánh, đối với vua Duy Tân, đã có những hành vi cử chỉ dễ dãi chẳng mấy phù hợp trong khuôn khổ lễ nghi Khổng giáo: đại thần Trương Như Cương, Thượng thư Bộ Lại và là nhạc gia của hoàng tử Bửu Đảo344, đã có thái độ xấc xược và thiếu tôn kính rõ rệt [đối với vua Duy Tân]. Trong khi đó, vua Duy Tân, hoàn toàn khác với vua cha, tỏ ra chăm học và sáng dạ, tính cách ngày càng rõ nét. Sự thiếu tôn kính đối với nhà vua từ phía các vị đại thần phụ chánh già nua có thể đã là nguồn cơn xuất hiện sự quan tâm theo dõi từ phía những người [yêu nước] theo khuynh hướng cải cách đối với vua Duy Tân.
341 DG: Còn được biết với tên gọi “vụ Hà Thành đầu độc” vào ngày 27/6/1908. Đầu bếp và lính khố đỏ Việt Nam tìm cách đầu độc lính Pháp đồn trú ở thành Hà Nội nhưng âm mưu bất thành: 13 người bị Pháp xử tử hình, một số khác bị xử khiếm diện. Xem Vụ Hà Thành đầu độc năm 1908 - Hình Ảnh Lịch Sử - Bộ sưu tập Hình Ảnh Lịch Sử Việt Nam và Thế Giới (hinhanhlichsu.org)
342 DG: Đáng ngạc nhiên khi tác giả François Thierry, ngày nay, vẫn dùng lại cách gọi về Hoàng Hoa Thám theo như “truyền thống” sử sách Pháp cách đây cả thế kỷ, và không để trong ngoặc kép!
343 DG: Hay “Robin Hood”, một nhân vật huyền thoại thời Trung cổ, của nước Anh.
344 Là con của vua Đồng Khánh, vị này có lúc đã là ứng viên ngôi báu sau vua Thành Thái.
DG: Bản gốc ghi sai là “Bảo Đảo”