Trước cả khi đoàn ngự giá đến nơi, làng bên đã có không khí như một thị trấn với số dân cư gia tăng nhanh chóng: các thợ thủ công không thể thiếu cho đời sống sinh hoạt thị thành đã tụ hội lại, hàng quán tửu điếm xuất hiện, cửa hàng đủ loại mở bán. Rồi có đến một vạn hay một vạn rưỡi dân đến sinh sống sinh hoạt. Chợ búa rất đầy đủ với mọi thứ hàng hoá: có thể tìm mua mọi thứ đến từ khắp các vùng tỉnh thành và cả từ kinh thành. Khi vua quan với đoàn ngự giá đặt chân đến Tân Sở, kinh thành [được chuẩn bị trong vòng] bí mật chẳng bao lâu đã gần đến mức quá tải. Điều chắc chắn, từ ba tháng trước, người ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng chuyện vận chuyển đến Tân Sở súng ống đạn dược từ kinh thành Huế, và một phần kho tàng [triều đình]. Nhưng trước hết, người ta nhận ra là những giếng ở đây không cung cấp đủ nước uống, như thế lại cần đến cả một đoàn dài tù nhân gồng gánh nước sạch phục vụ cho thủ phủ mới và dân cư. Đức vua cảm thấy “hoàng cung” có phần quá gò bó tù túng và đến trú ngụ ở dinh của một vị quan giàu có tại làng Bằng Sơn: đức vua chỉ xuất hiện rất nhanh đôi lúc ở Tân Sở khi ngài đi kiệu đến. Những tòa dinh khác của Tân Sở không xứng đáng với một triều đình vương quyền, như thế cần phải tính toán mở rộng ra và sắp xếp xây dựng thêm các dinh cơ: người ta phải chóng vánh tuyển mộ thêm nhân công, thợ thủ công, lính tráng ở các tỉnh lân cận phục vụ những công trình xây dựng mới và cũng để di chuyển nhà rường từng bộ phận một, của các quan lại thân thích hoàng tộc, từ Huế ra, nhà cửa sử dụng chủ yếu vật liệu tre nứa và lợp bằng lá cọ, tạm thời như vậy để chờ xây chắc bằng gạch. Ngoài ra, lính tráng lo chuyện bảo vệ Nội Thành phục vụ đức vua và quan lại, giám sát các kho bãi chứa lương thực, vải vóc, nhung lụa với mọi thứ nhu yếu của sinh hoạt triều đình, hơn là bận tâm với chuyện quân sự. Lính tráng cũng được huy động để bảo vệ kho lẫm kho báu của triều đình. Thật vậy, đoàn ngự giá đã mang theo 170 hòm đựng nén bạc, vài hòm đựng nén vàng và một lượng không rõ chứa các đồng tiền thưởng bằng vàng, tất cả cần phải được cất giấu nơi an toàn. Tôn Thất Thuyết đã giao cho người em là Tôn Thất Lệ trông giữ những hòm này, ông Lệ cũng là người đã chỉ huy cuộc tấn công vào phái bộ Pháp vào ngày 5 tháng 7. Người ta đã chuẩn bị chuồng voi với bốn con để lo cho việc trông coi này. Khu vực quân nhu đạn dược đặt ở phía đông-bắc của thành, được nới rộng để bố trí các khẩu pháo với kho chứa thuốc súng.
Nhưng với việc di chuyển cả triều đình về đây, dù là với số lượng quan lại hạn chế, người ta cũng đã tập trung về “tân thành” mọi phe phái với khuynh hướng khác biệt sâu sắc. [Đại thần] Phạm Thận Duật [1825-1885], nguyên là Thượng thư Bộ Hộ và là người ký kết Hòa ước Patenôtre, đã có những thương lượng kín đáo ngả theo Nguyễn Văn Tường, đã cung cấp cho quan Phụ chánh Tường những thông tin quý báu về Tân Sở. Trương Đăng Đản194 [1833-1914] tuần vũ phụ trách bố phòng Quảng Trị, về phần mình, đã kéo em ruột là Trương Đăng Đễ195 và Thống chế Hồ Văn Hiển [1825-1885] bỏ Tôn Thất Thuyết để tìm cách đưa vua Hàm Nghi trở về kinh thành Huế. Hai người này tức khắc bị Tôn Thất Thuyết dọa giết, chính ông Thuyết cũng nhiều lần thoát được âm mưu ám sát từ phe Nguyễn Văn Tường196.
194 Còn được biết với tên Trương Quang Đản.
195 DG: Bản gốc ghi là “Trương Đăng Đệ”.
196 DG: Tác giả nêu ra các mâu thuẫn nội bộ phía Việt Nam nhưng không nói rõ nguồn tư liệu trích dẫn, xem thêm: Nguyễn Quốc Trị, “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn”, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
Khoảng ngày 19 tháng 7, Tôn Thất Thuyết quyết định đưa đoàn ngự giá đi về hướng Thanh Hóa và Bắc Kỳ. Ông cho đưa đi trước vài hòm nén vàng và một trăm bốn mươi hòm nén bạc để giao cho Võ Trọng Bình, nguyên là Tuần vũ Nam Định đang nghỉ hưu ở Quảng Bình: Thuyết muốn sử dụng vào việc tổ chức kháng chiến và tạo dễ dàng cho việc di chuyển của đoàn ngự giá về hướng bắc197. Đoàn ngự giá thật hùng hậu, gồm khoảng 700 lính hộ vệ và phu kiệu, đi qua Cam Lộ rồi trực chỉ Đồng Hới, thủ phủ và thành trì chính của tỉnh Quảng Bình. Tính kỷ luật không là điểm mạnh của đoàn quân: ngày 20, đội hậu quân bị cướp bóc, có lẽ là do chính những phu kiệu, và mất một phần hành lý hành trang. Đến làng Lai Cách, đoàn được tin là quân Pháp198 đã chiếm Đồng Hới và có đến sáu tàu chiến thả neo trước thành này. Đoàn ngự giá thối lui, lo lắng chiều hướng tình hình, nhiều thành viên và phu kiệu bỏ trốn, và hậu quả là đoàn chỉ còn khoảng 300 người để quay trở lại “Tân Thành”. Có lẽ chính vào thời điểm này người dân làng các vùng lân cận đã bắt được những kẻ đào ngũ và tước lấy từ những kẻ này các nén vàng bị lấy trộm trong kho tàng của Tôn Thất Thuyết: chính những nén vàng này sẽ được Sylvestre thu gom vào ngày 27 tháng 7199 [1885].
197 Adolphe Delvaux, “Quelques précisions […]”, op.cit. p. 272.
198 Đây là lực lượng thủy quân lục chiến do trung tá Chaumont và thiếu tá Grégoire chỉ huy.
199 Jules Sylvestre, L’Empire d’Annam […], op.cit.p. 349 / Xem Chương 6.
Đoàn ngự giá về lại Tân Sở vào ngày 22. Chuyến đi không những là một thất bại về mặt chiến lược mà còn làm cho Tôn Thất Thuyết mất đi khoảng năm chục hòm nén bạc, để rơi vào tay người Pháp. Thuyết chỉ còn có 40 hòm nén bạc để nộp trở lại vào kho tàng triều đình. Tuy thế Phụ chánh Tôn Thất Thuyết vẫn không từ bỏ ý đồ đi về hướng Bắc Kỳ, nhưng lần này quyết định đi theo hướng nước Lào. Ông cho gửi đi ngân khoản đến những chặng dừng đầu tiên theo như dự kiến: Tri phủ Cam Lộ cùng với người em của Thuyết được giao việc chuyển một phần kho tàng ra trạm thuế quan Ngữu Cước, gần thị trấn nhỏ Mai Lãnh. Đức vua cùng Tôn Thất Thuyết rời Tân Sở vào ngày 26 tháng 7 để đi Mai Lãnh. Nhưng ngày trước đó, Trương Đăng Đễ đến nơi ở của em mình, quan Tuần vũ Quảng Trị [Trương Đăng [hay Quang] Đản] để cung cấp tin tức về kế hoạch của quan Phụ chánh, với những con số cụ thể về lực lượng đoàn ngự giá: Tôn Thất Thuyết chỉ có dưới tay 356 người. Thế rồi đoàn ngự giá bị rượt đuổi tức thì bởi lực lượng địa phương Quảng Trị. Tại Ngữu Cước, quân Quảng Trị gặp đúng đoàn vận chuyển của Tôn Thất Lệ, đoàn này phải bỏ rơi 35 hòm chứa 36.557 chế tác bằng bạc với những giá trị khác nhau, tất cả được gửi về quan Tuần vũ Quảng Trị.