Khu vực đồi núi nơi đây hoàn toàn phù hợp để đảm bảo an toàn cho Hoàng đế An Nam, với những vùng đồng bằng hẹp, những lưu vực khép kín rải rác có bản làng và ruộng nương, với những dãy núi hùng vĩ thẳng đứng, những cụm núi đá vôi hình thù kỳ quái chóp đỉnh tua tủa, với nhiều hang động và lối đi đường ngang ẩn khuất trong cây cối rậm rì dày đặc. Vùng này mùa hè thì khô ráo nhưng những cơn mưa không ngớt vào cuối năm biến các thung lũng trũng thấp thành nơi của những dòng thác nước sục sôi với mực nước lên cực nhanh. Rừng già đan chặt um tùm che khuất đi một địa hình đầy cạm bẫy, đầy ác thú hiểm nguy. Nơi đây, nếu người ta sợ nhất là cọp, thì những con vắt, con đỉa nhỏ bé lại là mối nguy theo cách khác: lũ này hàng trăm con nhung nhúc bám vào người [để hút máu] gây ra những vết thương nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong. Nét cuối cùng, dân cư vùng này chủ yếu là dân tộc Mường, nổi tiếng cứng đầu cứng cổ và chiến đấu giỏi. Trước đây cho đến nay, vùng này là nơi ẩn mình bất khả xâm phạm của những kẻ phiến loạn hay có vấn đề với luật pháp, quan lại, triều đình.
Vị vua trẻ tuổi ra mắt chính thức khi tiến vào Quy Đạt: khoác chiếc áo bào màu vàng, đức vua ngồi trên võng kiệu với các tay đòn chạm trổ hình rồng, có bốn người lính lệ làm phu kiệu, với bốn quan thị vệ đi kèm. Sát theo sau là Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết, tiếp đến là quan Hữu (Chưởng vệ) Đề đốc [“commandant de droite” sic] Trần Xuân Soạn với khoảng một trăm binh lính trang bị kiếm với súng trường Winchester và Martini. Một đoàn khoảng năm mươi hòm lớn nối đuôi theo, tất cả do phu phen, ba thớt voi và năm con ngựa vận chuyển. Ở hậu quân có quan lãnh binh Trương Quang Ngọc cùng thuộc hạ. Nhân vật sau cùng này sẽ có một vai trò rất lớn trong câu chuyện trốn chạy của vua Hàm Nghi. Cha của Trương Quang Ngọc vốn là quan chức địa phương nổi loạn, đã lập ra ở vùng này một lãnh địa gần như tự trị: ông đã cho xây ở lõi của khu vực đồi núi, gần Cổ Liêm, một thành nhỏ có tên là thành Vé (sic), rồi tập hợp liên kết tộc người Mường các vùng lân cận, lập ra những lực lượng tự vệ trung thành với ông202. Ngọc ủng hộ vua Hàm Nghi, dốc toàn lực, mưu kế, hiểu biết về địa bàn cùng lực lượng vì đại cuộc của vua Hàm Nghi. Lực lượng triều đình theo đó được củng cố thêm với thân hào, binh lính và phu phen, cũng như “đội quân Mường”, theo như cách gọi của phía Pháp, nổi tiếng là thiện chiến cũng như được trang bị với những cây nỏ thật đáng gờm. Lực lượng này còn được trang bị khoảng một trăm cây súng.
202 Léopold Cadière, “La vie dans les petits postes de Quang Binh vers 1888” Papiers du lieutenant Gosselin, BAVH, 1942-II, p. 202-203.
Sau ba ngày nghỉ chân ở Quy Đạt, đoàn ngự giá cùng hộ vệ quân lại tiến về Cổ Liêm, vùng trung tâm đồi núi, nơi đoàn sẽ thiết lập một doanh trại có tường lũy tại làng Xóm Lìm. Tám ngày sau, được thông tin quân Pháp đến từ Bái Đức, hướng vào vùng núi nên đoàn ngự giá lại nhổ trại. Tại Vinh, đại úy Hugot trước đó, vào ngày 6 tháng 12, được tin là [đoàn của] vua Hàm Nghi đang cố thủ ở vùng Vé. Khi đến Xóm Lìm, Hugot được mật báo về đường di chuyển của đoàn ngự giá, liền tức khắc đuổi theo với mười lính thủy đánh bộ và hai mươi lăm lính thuộc địa, theo một địa hình không nắm rõ và nhiều bất trắc. Hugot bị lực lượng Mường của Trương Quang Ngọc chặn đánh: bị thương với hai phát tên tẩm độc, Hugot phải rút lui về Bái Đức, rồi về Vinh nơi ông sẽ qua đời vào ngày 3 tháng giêng [1886]. Chiến thắng này nâng cao uy tín của Ngọc và đem lại hy vọng cho Tôn Thất Thuyết. Vua Hàm Nghi đến dừng chân gần thành Vé, ở một vùng thung lũng nhỏ có phạm vi khoảng một cây số, có đồi núi bao quanh, với những ngọn núi cheo leo hiểm trở, dốc đứng cao khoảng 150-200 mét. Một con sông nhỏ chảy qua thung lũng đảm bảo cho việc cung cấp nước. Dân bản làng xung quanh đến kính cẩn cung ứng lương thực thực phẩm cho một triều đình thu nhỏ. Đoàn cho xây một pháo lũy nhỏ, thành đắp đất cao 2 mét và việc bố phòng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Và cơ may thuận lợi như đang quay trở lại với triều đình An Nam.
Sơ đồ đường di chuyển của vua Hàm Nghi theo lời kể của một bô lão trong vùng có tên là Cao Lương, được ông Trần Kinh, quan Học chánh tỉnh Quảng Bình ghi lại203
203 DG: BAVH số 3/1929
Ngày 10 tháng giêng năm 1886, trung úy Camus xuất phát từ Vinh hướng về vùng núi đồi Quy Đạt, đi cùng có trung úy Freystätter, vài lính thủy đánh bộ và lính Bắc Kỳ. Trung úy Camus được quân do thám cho biết là vua Hàm Nghi với Tôn Thất Thuyết đang trú ở Vé. Ngày 17, Camus vượt qua một chốt chặn của quân Mường, nhưng ở chân một dốc núi có trận địa, ông bị trúng bốn mũi tên tẩm độc, rồi tử vong do trúng đạn ở vùng bụng sau một đợt bắn liên hoàn từ phía đối phương. Hai đồng đội cũng tử vong và tám người khác bị trọng thương. Trung úy Freystätter cho thổi kèn lui binh. Một lần nữa, chính đội quân người Mường của Trương Quang Ngọc đã đẩy lùi được quân Pháp. Nhưng phía Pháp quyết định phải giải quyết dứt điểm với quân “phiến loạn”. Cuối tháng giêng năm 1886, một cuộc tấn công theo thế gọng kìm được đề ra với hai đoàn quân, một theo lệnh của thiếu tá Pelletier, một dưới sự chỉ huy của thiếu tá Plagnol. Nóng lòng muốn “tóm cho được nhà vua”, Pelletier tiến quân về hướng Vé và đụng độ với quân của Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn, vốn không thiện chiến như quân Mường, chỉ kháng cự yếu ớt. Trong suốt trận đánh, Soạn dùng loa kêu gọi lính thuộc địa Bắc Kỳ trở cờ chống lại các sĩ quan Pháp: “Các anh hãy mang đến nộp thủ cấp của chúng [là quân lính Pháp], các anh sẽ được thưởng nhiều nén bạc”. Điều này cho thấy đoàn của triều đình có thể vẫn còn cất giữ vài rương hòm đựng nén vàng, nén bạc. Đoàn quân phía Pháp tiến về Vé, đến doanh trại của vua vào lúc lực lượng nơi đây vừa mới rút chạy: quân Pháp thấy nồi cơm đang còn nấu trên bếp lò, bắt được chiếc kiệu của đức vua cũng như con ngựa đã buộc yên cương của Tôn Thất Thuyết. Quân thắng trận thu được nhiều con ngựa rất đẹp, nhiều rương hòm chứa áo quần quý giá, kiếm giáo, súng ống và những kho dự trữ gạo. Về sau, người ta được biết là đức vua chỉ đã may mắn thoát thân do được một người Mường cường tráng, vác xốc vua lên và chạy thoát vào rừng. Nếu chiến dịch đã không đạt được mục đích, phần lớn là do lỗi của thiếu tá Pelletier muốn bản thân sẽ là người “tóm được đức vua”: Pelletier đã không chờ lực lượng phía thiếu tá Plagnol đến khép vòng vây lại, do đó đã để sổng mất đoàn ngự giá.
Nhưng vụ việc này cũng đã để lại hậu quả lớn cho đoàn của triều đình. Các biến cố [trận mạc] cho thấy Trương Quang Ngọc là người duy nhất có thể đảm bảo an toàn thực sự cho đức vua, Tôn Thất Thuyết, với chức vị phẩm trật, đi theo phò vua nhưng cũng chỉ tạo thêm áp lực. Người ta không được biết những bàn cãi như thế nào của triều đình lúc ẩn náu trong rừng sâu, nhưng những kết luận là rõ ràng: vào cuối tháng giêng năm 1886, đoàn ngự giá phân làm hai: vua Hàm Nghi ở lại trong vùng núi với sự bảo vệ của Trương Quang Ngọc, cùng với đội hộ vệ của Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm, hai người con trai của Tôn Thất Thuyết; Tôn Thất Thuyết về phần mình đi cùng với Trần Xuân Soạn, đi về hướng bắc với mong muốn sang đến Trung Quốc để mưu cầu viện binh.