“Kho báu”! Hiếm có cụm từ nào làm trí tưởng tượng con người “bốc hỏa” như cụm từ này. Những hình ảnh, dù muốn hay không, lui tới cũng chỉ chừng đó, hiện lên trong trí não ngay khi cụm từ “kho báu” được thốt ra: là những đồng tiền vàng lộ ra từ một chiếc bình vỡ, là những rương hòm ràng sắt kỹ lưỡng đầy ngập ngọc ngà, là châu báu hay vàng thỏi lấp lánh trong một hầm mộ vùi sâu nơi nào đó… Trí tưởng tượng của cả một cộng đồng hay ở mỗi cá nhân lại được nuôi dưỡng và tiếp tục được hun đúc theo những mẩu chuyện về những sự kiện ít nhiều mang sắc màu sử tính, theo dòng tiểu sử những nhân vật khác thường hay theo những mô tả huyền hoặc về những vùng đất xa xôi, ẩn chứa nhiều của cải kho tàng… Ngày nay, phim ảnh dồi dào sáng tạo, truyền hình vô cùng phong phú lại như nuôi dưỡng thêm cái trí hư ảo hoang tưởng màu mỡ, cái nhẹ dạ cả tin đi liền với niềm hy vọng cơ may đổi đời1 [trong canh bạc đi tìm khó báu]. Ai mà chẳng quan tâm thích thú khi nghe kể về kho báu giáo xứ Cathares2 hay của dòng tu Templiers3, lắng nghe chăm chú về những của cải châu báu trên các con tàu của người Tây Ban Nha vùi sâu dưới đại dương. Hay nào là kho báu Golconde4, nào là kho tàng của tướng Rommel5…
1 GHI CHÚ:
- Tất cả các chú thích cuối trang là của tác phẩm gốc, phần lớn được để nguyên văn tiếng Pháp để độc giả có nhu cầu nghiên cứu sâu tiện tra cứu;
- Chú thích cuối trang mở đầu với “DG:” là của dịch giả;
- Bản gốc có chữ in nghiêng, được để nguyên theo như ý đồ của tác giả bản gốc: nếu của dịch giả sẽ có lưu ý riêng;
- Theo thông lệ in ấn quốc tế về một bản dịch, dòng chữ trong ngoặc vuông [ ] thuộc trách nhiệm của dịch giả nhằm làm sáng tỏ nội dung hay văn phong; ngoại trừ trường hợp ngoặc vuông với ba chấm […] thuộc về những trích dẫn (gián đoạn) của bản gốc.
Yves-Marie Bercé, A la découverte des trésors cachés du XVIè siècle à nos jours, Paris, Perrin, 2004
2 DG: Hay còn gọi kho báu vùng Montségur được cho là của giáo xứ Cathare, được cất giấu kỹ trước khi buộc phải đầu hàng các giáo hội của Ý.
3 DG: Hiệp sĩ dòng Đền hay Hiệp sĩ Đền Thánh (“Ordre du Temple”) được thành lập từ sau cuộc thập tự chinh thứ nhất năm 1096 để bảo vệ người đi hành hương tới Jerusalem: họ đồng thời vừa là thầy tu vừa là hiệp sĩ, trở thành một trong những nhóm “thầy tu hiệp sĩ” sớm nhất ở châu Âu. Dòng được thành lập vào dịp Công đồng Troyes (tháng giêng năm 1129) và bị Giáo hoàng Clément V giải thể vào tháng 3 năm 1312.
4 DG: xem bài “Les diamants de Golconde: mythe, histoire et science - PROPERTY OF A LADY” của Capucine Juncker (16/3/2017).
5 DG: tướng chỉ huy nổi tiếng của Đức Quốc xã (1891-1944).
Những kho báu thực sự là có thật. Không phải những kho báu mà con người thường liên tưởng đến. Là những kho báu khác, được phát hiện bởi ngành khảo cổ học hay được tìm ra một cách tình cờ, như kho báu của vua Priam6 hay kho báu tại làng Mir-Zakha7 [Afghanistan], hay tìm ra được nhờ vẫn còn lưu lại chút dấu tích, như trường hợp kho báu của Vliegend Hert8…
6 Hervé Duchêne, L’Or de Troie, ou le rêve de Schliemann, Paris, Gallimard, “Découvertes”, 1995, p. 54-71
DG: Kho báu của vua Priam, hay còn gọi “kho báu thành Troie” được nhà khảo cổ Heinrich Schliemann khai quật tại Hissarlik (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 5 năm 1873.
7 DG: Daniel Schlumberger, “Un trésor monétaire découvert au village de Mir Zakah (Afghanistan)”, Comptes rendus des séances de l’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, 1948.
8 Arent Pol, De Schat van het Vliegend Hert, Compagniesgeld en smokkegeld uit een voc-schip, Leyde, Rifksmuseum het Koninklijk Penningkabinet 1993.
DG: xem bài “Une expedition belge se donne cinq ans pour extorquer de la mer du nord un butin inestimable enfin le vrai secret de la licorne” của Eddy Surmont (Le Soir, 24/7/1991).
Thời nay, kho tàng của cải có thể hiểu là toàn bộ tài chính thu nhập của một Nhà Nước: tài sản công quỹ (trésor public) được sử dụng cho chi tiêu của một quốc gia. Nhưng trong rất nhiều trường hợp khi hình thành một chính thể, đã không có sự phân định rạch ròi giữa kho tàng công sản và kho báu hoàng gia, dẫn đến việc kho tàng công sản lại xem như thuộc kho báu vương triều: toàn bộ của cải kho lẫm, dưới dạng tiền bạc hay không, tích lũy theo thời gian với thuế má, hay từ những nguồn thu khác như tiền chuộc, bán chức tước, tịch thu tài sản, quà tặng hay cướp bóc, mà hình thành nên. Khi nguồn thu dư thừa vượt nhu cầu chi tiêu, phần dôi dư được để dành sang bên, phòng hờ khi có nhu cầu đột xuất: lúc đó thì có thể xem như có một kho lẫm dự trữ ngay trong kho tàng. Người ta sẽ cẩn thận cất giấu đi ở nơi an toàn nhất những dạng của cải có thể cất giữ lâu dài: đương nhiên không ai đi cất giấu thóc gạo hay vải vóc, cái cất giấu phải là vàng bạc, đá quý hay những báu vật hết sức đặc biệt. Theo năm tháng, nhiều quốc gia hay Nhà Nước đã tích cóp được một kho của cải thật khủng. Tùy theo mỗi cộng đồng ở mỗi địa vực và vào một thời điểm nhất định, nhiều con người thành phần khác nhau tham gia vào việc hình thành kho tàng hay kho báu: các vị quân vương, các định chế như các hội đoàn thương lái, các tu viện hay ngay cả những thành phần phản loạn. Việc tích lũy của cải kho lẫm như thế đương nhiên sẽ thu hút sự chú ý của những kẻ săn tìm kho báu.
Một Nhà Nước, một vương triều, một vị quân vương, thậm chí chỉ là một thương gia giàu có hay một tu viện, khi cảm thấy phải đối mặt với nguy cơ về kho tàng mà tự lượng sức chẳng thể nào kháng cự, thì chỉ còn hai giải pháp: một, trốn đi xa với của cải mang theo được; hai, chôn giấu kho báu kỹ lưỡng đâu đó với hy vọng một ngày nào đó trở về để thu hồi lại. Điển hình xuất hiện rất nhiều ở cả phương Tây và phương Đông. Chẳng hạn, ở Việt Nam vào thời nhà Trần, năm 1379, trước áp lực đe dọa tiến công lên hướng bắc của vương quốc người Chăm ở phía nam, “nhà vua đã phải cho chôn giấu kho báu trong các hang ở Khả Lăng, một ngôi làng của Lạng Sơn, phòng trường hợp dinh cơ bị người Chăm tấn công đốt cháy”9. Đôi lúc nhà cầm quyền hay quan chức nào đó trở về lại để thu hồi kho tàng đã chôn giấu. Nói chung là trường hợp kho tàng của một quốc gia chẳng hạn, vì lẽ quá nhiều người đã biết đến sự việc chôn giấu: nhà vua, quan lại, thợ thuyền hay lính tráng được huy động vào vụ việc, v.v. Nhưng cũng có khi, sau cơn bạo loạn binh biến, tất cả các thành phần tham gia vào việc chôn giấu kho báu đã không còn nữa để rồi kho báu sẽ mãi mãi nằm im đâu đó… Chỉ là việc tình cờ nếu kho báu được nhà khảo cổ phát hiện, như trường hợp kho báu của vua Priam được Schliemann phát hiện. Tương tự như vậy là trường hợp khám phá gần Trường An (Trung Quốc) vào năm 1969 tại làng Haijacun, một kho báu của một hoàng thân đời nhà Đường: hoàng thân Bin, người cậu của hoàng đế Xuanzong (Lý Long Cơ10, 712-756), đã tích cóp một lượng lớn báu vật và để lại cho các con trai khi qua đời vào năm 741. Năm 758, cuộc dấy loạn của tướng An Lộc Sơn khiến cả triều đình bỏ kinh thành trốn chạy trối chết. Những hậu duệ của vị hoàng thân đặt toàn bộ báu vật vào hai cái chum đất to lớn và một chiếc bình lớn bằng bạc, gồm toàn bộ chén đũa bằng vàng và bạc, ngọc ngà trang sức, đá quý đá hiếm, các thỏi bạc, tiền vàng hay bạc, hổ phách, san hô quý, các dược liệu hiếm và cả một bộ sưu tập các đồng tiền xưa… Và rồi tất cả được chôn sâu. Không biết chuyện gì đã xảy ra cho các nhà quý tộc Trung Hoa nhưng không một ai đã trở về để khai quật thu hồi kho báu. Và rồi đến tận mười hai thế kỷ sau mới được các nhà khảo cổ khám phá.
9 Đại Việt Sử ký (ĐVSK), chương VIII, quyển 1, t. 454.
10 DG: Người dịch chỉ cung cấp phiên âm tiếng Việt tương đương khi có trong tay cơ sở dữ liệu tin cậy.
Cũng có trường hợp kẻ thù đột ngột xuất hiện và, may mắn thay, nạn nhân [chủ kho báu] chỉ còn đủ thời gian để mà “bỏ của chạy lấy người”. Những nguồn sử liệu của Trung Quốc và Việt Nam cung cấp rất nhiều trường hợp đánh mất kho báu vương triều hay hoàng gia do không còn thời gian hay phương tiện để cất giấu hay mang đi. Trường hợp theo sử Trung Quốc, có rất nhiều lời chứng kể lại những sự việc được ghi chép cẩn thận trong biên niên sử mỗi triều đại. Vào năm 397 chẳng hạn, các đội quân của triều đại nhà Wei phương Bắc [Bắc Ngụy] (386-534) chiếm được kho tàng của vua rợ Yan [nhà Hậu Yên]: theo sử sách thì “việc liệt kê kho tàng này đã chiếm hết hơn một vạn sổ bộ”11. Vào năm 427, cũng đội quân này cướp phá kinh thành của vương triều Xia [nhà Hạ], bắt được nhà vua cùng với “kho báu rất quý hiếm, xe ngựa chiến cùng cờ xí, của cải vô số không sao kiểm đếm được”12. Vào năm 439, khi tiến vào kinh đô nhà Liang phương Bắc [nhà Lương], đội quân Bắc Ngụy cũng lấy được kho báu của hoàng triều và cả kho lẫm nước này: “của cải nhiều đến mức không đếm xuể”13. Năm 448, công tước Chengzhou nhà Bắc Ngụy chiếm lấy thành Yanqi khi nhà vua tại đây phải vội vã bỏ thành chạy trốn: “kẻ chiến thắng đoạt được rất nhiều của cải quý hiếm, lạ thường, nhiều vô kể không sao đong đếm được”. Tiếp tục đuổi theo đến thành Koutcha, nơi nhà vua đang lánh nạn, công tước Chengzhou đánh phá thành này và cũng thu được “một lượng vô cùng lớn sản vật của cải quý hiếm”14.
11 Wei Shou, Wei Shu (554), Zonghua shuju, Pékin, 1987, chapitre II, p. 31.
12 Như trên: Chapitre IV, p. 72-73.
13 Như trên: Chapitre IV, p. 90.
14 Như trên: Chapitre CII, p. 2266; chapitre CIX, p. 2851.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các nguồn sử liệu đã nhiều lần nêu ra trường hợp cướp phá kho báu qua lại giữa người Việt và người Chăm. Chẳng hạn, vào năm 1044, vua Lý Thái Tông tấn công vào kinh đô Vijaya [Đồ Bàn hay Chà Bàn] của người Chăm và thu được nhiều kho báu, hai tháng sau đó cho trưng bày chiến lợi phẩm ở tại cung đình nhà Lý. Năm 1371, dưới đời nhà Trần, biến cố lại diễn ra theo chiều ngược lại: vào tháng 3 nhuận của năm đó, “quân Chăm đã tiến hành đánh phá […] và thẳng tiến về kinh đô [người Việt]; […] ngày 27 âm lịch, quân Chăm tiến vào kinh thành, đốt phá đền đài, bắt đi các thiếu nữ và cướp bóc kho tàng”15. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, vào năm 1471, người Việt một lần nữa lại chiếm thành Vijaya và vị vua Việt đã “ra lệnh cho đại thái giám Nguyễn Đam tuyên cáo với các tướng sĩ như sau: “Tất cả của cải châu báu trong kho tàng kho lẫm phải được niêm phong và phòng tránh bị phóng hỏa […]16”. Tất cả kho báu của người Chăm sẽ được đưa về hoàng cung của hoàng đế đất Việt. Về sau, [linh mục] La Bissachère17 kể lại làm thế nào, vào năm 1774, vua xứ Cochinchine18 bị các lực lượng vùng Bắc bộ truy kích, “không còn cách nào khác phải bôn tẩu về phương nam trốn tránh ở “vùng Hạ Cochinchine”, vội vàng đến nỗi chẳng mang theo được gì, để rồi của cải kho báu rơi cả vào tay kẻ thù”. Như vậy, trong tất cả các trường hợp đơn cử ra đây, kho báu người thua được kẻ chiến thắng chiếm đoạt, niêm phong rồi đưa về nhập vào kho tàng của riêng mình.
15 ĐVSK, chương 2, quyển 1, t. 234. DG: chú ý, tác giả sử dụng Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán của nhà xuất bản Chen Jinghe, Tokyo bunda kenkyujo, 3 tập, Tokyo 1984-1986 ghi chú thư mục cuối sách, t. 305.
16 Như trên, chương VII, quyển 1, t. 442.
17 Pierre-Jacques de La Bissachère, Exposé statistique du Tonkin, de la Cochinchine, du Cambodge, du Tsiampa, du Lac-Tho, Londres, Imp. De Vogel et Schulze, 1811, tome II, p. 18.
18 DG: Ám chỉ Nguyễn Ánh đang “bôn ba phục quốc” và tên gọi xứ này theo cách định danh của người phương Tây đương thời.
Vào lúc [kinh thành] Huế bị đoạt lấy kho báu, mà rồi đây chúng ta sẽ xem xét, nước Việt Nam thời đó đã rơi vào tình huống tương tự như đã xảy ra cho đất nước Việt vào năm 1371, và cũng chẳng khác gì hoàn cảnh kinh thành người Chăm vào năm 1471: kho báu người Việt đã bị người Pháp lấy đi, chở đi trong các thùng được niêm phong, lập danh sách rồi cho nhập vào công khố kẻ thắng trận [là người Pháp].