Như Nam Hàn, Triều Tiên hay Nhật, Việt Nam thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Trung Hoa. Trong vũ trụ văn hóa này, vấn đề thuật ngữ là tối quan trọng, và đã là như thế từ thời Cổ đại. Theo như quan niệm phải chính danh của bậc thầy của mình là Khổng Tử, triết gia Xun Qing [Tuân Tử] (313-238 tr.CN), đã đúc kết như sau: “Nếu những sự vật khác nhau có những mối liên hệ bí ẩn với các từ muốn phân biệt rõ chúng, ta sẽ không sao khu biệt được rõ ràng cao quý với hạ tiện [người hiền với kẻ ngu], không thể phân định tương đồng với bất tương đồng […] Bậc hiền nhân phải cố tách bạch: phải sử dụng đúng những từ chỉ ra, đúng những thực tại […]. Theo đó định danh: những cái giống nhau thì được định danh như nhau, những cái khác nhau thì được định danh khác nhau.19”. Đối với tác phẩm của chúng tôi, sự chính xác về thuật ngữ cũng là vấn đề quan trọng, càng lộ rõ ra hơn nữa về sau so với lúc khởi đầu tiếp cận chủ đề, chẳng hạn như vấn đề tên nhân vật, địa danh, phẩm hàm v.v. Theo dòng lịch sử, các vị quân vương nước Việt đã lần lượt đặt nhiều “quốc hiệu” cho sơn hà xã tắc: các nước láng giềng, thương lái qua lại hay kẻ xâm lăng cũng gọi những tên khác nhau trong giao thiệp. Việc sử dụng tên gọi này hay định danh kia, tùy theo con người vận dụng và vào một thời điểm nhất định, không thể nào là trung tính khách quan hay vô tư ngẫu nhiên.
19 Confucius, “Les Entretiens”, texte chinois et traduction dans Seraphin Couvreur, Les Quatre Livres, chap.VII, section 13, Taizhong, Kuangchi Press, 1972, p. 209-210; Xun Qing, Xunzi, Zhyuzi jicheng, 8 vol.; vol.II, Shanghai,1986, chap. XXII, p. 260-262.
DG: dịch theo bản gốc tiếng Pháp; có thể tham khảo thêm bản “Luận ngữ” của Đoàn Trung Còn: quyển 7, chương thứ 13, tiết 3 bàn về “Chính danh” (Nhà xuất bản Trí Đức Tòng Thơ, tháng 9 năm 1950, t. 196-199).