Vào thời Chiến Quốc (453-255 tr.CN), nước Trung Hoa có nhiều bộ tộc quần cư ở phía nam và đông nam của khu vực Tianxia [Thiên hạ], được xem là không gian văn hóa Trung Hoa, có tên gọi chung là Yue, từ sẽ được đọc thành Việt trong tiếng Việt. Có nhiều cộng đồng mang danh tộc Yue, sinh sống theo nhiều khu vực, do đó sử sách Trung Hoa nói về cả “Trăm Yue” (Bách Việt), người Min Yue, người Dong Yue, người Ou Yue, người Luo Yue, v.v. Trong khoảng năm 221-209 tr.CN, nhà Tần thống nhất kiểm soát luôn phần phía nam ngày nay của Trung Hoa, và xa hơn nữa là phần phía Bắc của sông Hồng (Bắc bộ Việt Nam ngày nay). Đất nước người Việt được chia làm hai quận: Nanhaijun [Nam Hải quận] (nay là tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa) và Xiangjun [Tượng quận] (nay là Sùng Tả, Quảng Tây). Nhân lúc nhà Tần suy sụp (209-206 tr.CN), Zhao Tuo (Triệu Đà), quan cai trị người Hoa (sic), dựa vào những thân vương người Việt để dựng lên một vương quốc độc lập lấy tên là Nan Yue (Nam Việt), “Việt phương Nam”. Vào năm 122, vương quốc này bị xâm lược nhà Hán và trở thành quận Jiaozhi [Giao Chỉ]. Tên Giao Chỉ, còn gọi là Jiaozhou (“châu Giao” [Giao Châu]) gắn liền với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, và rồi, kể từ thế kỷ thứ IV định danh này đặc biệt chỉ vùng đồng bằng sông Hồng, là một quận tách biệt. Dưới thời nhà Đường (618-907), phủ Giao Châu là một đơn vị hành chính thuộc vùng Lĩnh Nam (Lingnandao, “vòng cung phía nam các núi Lĩnh” [Ngũ Lĩnh]). Năm 679, sau nhiều cuộc nổi dậy đã từ lâu gây bất ổn, nhà Đường quyết định cho phép chế định phủ thành “đô hộ phủ” lấy tên là “An Nam đô hộ phủ”, “phương Nam được An định”. Theo đó ra đời vùng đất bảo hộ (protectorat sic) có tên là An Nam, tương tự như “An Tây phủ”, “phương Tây bình An”, ở vùng Trung Á, hay “An Đông phủ”, “phương Đông bình An” đến tận biên cương xứ Triều Tiên.
Vào thời điểm Trung Hoa bị chia cắt sau khi nhà Đường sụp đổ, nước Việt giành độc lập vào năm 939 (sic), lấy tên là Đại Cồ Việt, (“nước Đại Việt tối cao”), tiếp đó tự xưng là Nam Việt (“Việt phía Nam”). Năm 1054, lại lấy tên là Đại Việt, ngoại trừ vài giai đoạn ngắn ngủi khác20, từ đó cho mãi đến 1802, năm mà triều đại nhà Nguyễn lấy tên là Việt Nam (“phương Nam của người Việt”); năm 1838 [dưới thời vua Minh Mạng], lại xưng danh là Đại Nam, tên mà đất nước này sẽ giữ mãi ngay cả sau khi đã mất độc lập vào năm 1884. Trong suốt những năm tháng vừa nêu, nước Trung Hoa vẫn tiếp tục duy trì địa danh An Nam: các triều đại đất Việt, về mặt lý thuyết, vẫn còn là chư hầu của hoàng đế Trung Hoa. Do đó, các vị vua Việt Nam vẫn mang danh xưng là “vua An Nam” (“An Nam quốc vương”) và tiếp nhận từ hoàng đế Trung Hoa sắc phong và ấn triện chứng nhận sự chính danh về quyền lực.
20 DG: Xem thêm Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam, quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
Vào cuối thế kỷ XVIII, linh mục De La Bichassère khẳng định, một cách khá đúng đắn, là “châu Âu đã làm biến dạng danh xưng của phần lớn các nước và dân tộc châu Á”21. Thật vậy, những người Âu đã vận dụng, thường theo cách làm biến dạng đi, những địa danh mà họ vay mượn từ tiếng địa phương, hoặc là từ những nhà du hành đã đến thám hiểm châu lục này trước đó. Tên Cochinchine xuất hiện vào đầu thế kỷ XVI theo cách gọi của người Bồ Đào Nha: Quachymchyna, hay Quamchymchyna, hay là Concamchina, để chỉ vùng Tonkin [Bắc bộ], nghĩa là vùng đất Đại Việt. Những thủy thủ Bồ Đào Nha đã vay mượn danh xưng này từ những thủy thủ Ba Tư mà họ gặp ở vùng Ấn Độ Dương, mà danh xưng này lại bắt nguồn từ tên Jiaozhi [Giao Chỉ], được biến thành theo tiếng Ba Tư là Kawčī, là tên được xác định theo [các cụm] từ Čīn, Kawčī min [al] Čīn, chỉ vùng “Cochin của Trung Hoa”, nhằm tránh nhầm lẫn với cảng biển Ấn Độ Kochi (Cochin vùng Kerala).
21 Pierre-Jacques de la Bichassère, sách đã dẫn như trên, quyển 1.
Cuối thế kỷ XVI, nước Đại Việt phân chia thành hai xứ. Đàng Ngoài phía bắc, với kinh đô vương triều, nhưng thực quyền lại nằm trong tay một vị “vương”, là một vị “tể tướng nội phủ” [maire du palais sic] dòng dõi gia thế quyền lực họ Trịnh, nhà vua họ Lê chỉ có hư quyền và chủ trì về mặt lễ nghi tín ngưỡng. Đàng Trong, phía nam, quyền cai trị thuộc về những kẻ thù của Chúa Trịnh: các Chúa Nguyễn đã tự chủ và thiết lập thủ phủ ở vùng Thuận Hóa, từ đó có định danh thỉnh thoảng lại xuất hiện là “vương quốc Sinoa”. Trong suốt hai thế kỷ XVI và XVII, hai vương quốc này, ngoại trừ vài giai đoạn ngưng chiến ngắn ngủi, còn lại là đánh nhau liên miên. Cuối cùng, lợi dụng sự nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn đang phân tâm phân tán lực lượng Chúa Nguyễn, họ Trịnh tấn công Đàng Trong và chiếm lấy Thuận Hóa vào năm 1774. Các Chúa Nguyễn đào thoát, người thì trốn vào đồng bằng sông Cửu Long, kẻ thì chạy sang Siam [nước Xiêm, nay là Thái Lan].
Chỉ kể từ năm 1618, theo ngòi bút của vị thừa sai gốc thành Milan [Ý] Christopher Borri, địa danh Cochinchine mới chỉ riêng cho vùng phía nam của đất nước này, nghĩa là vương quốc của các Chúa Nguyễn, bao trùm vùng Quảng Nam (miền Trung Việt Nam). Miền Bắc được gọi “vương quốc Tunchim hay Tunquin”, cho đến khi nhà Nguyễn trở về từ nước ngoài cùng với lính đánh thuê người Pháp và chiếm lấy toàn bộ vào năm 1802. Tonkin là một biến thể của Đông Kinh, “Kinh thành phía Đông”, là tên gọi truyền thống của kinh thành Thăng Long (nay là Hà Nội), trong khi đó Tây Đô, “thành phía Tây” ở vùng Thanh Hóa. Tên Cochinchine như thế theo đó đã được gán cho toàn cõi Đại Việt. Cũng chính vào thời gian đó, định danh Annam cũng trở nên phổ biến. Như thế, những người Âu đã vay mượn cách gọi là Annam từ người Trung Hoa: tên gọi xuất hiện [trong tư liệu người Âu] vào thế kỷ XVII để chỉ toàn bộ đất nước Việt Nam, bao gồm cả “Tunquin” và “Cochinchine”.
Sự can thiệp của người Pháp và việc chiếm đóng các tỉnh miền Nam vào năm 1862 sẽ làm rối rắm thêm về địa danh: người Pháp gọi tên Cochinchine cho vùng đất thuộc địa vừa chiếm được, bao gồm các tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Từ sự thể này, kể từ thời điểm này, tên Annam chỉ toàn bộ lãnh thổ vẫn còn độc lập. Vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XIX, theo với tham vọng về lãnh thổ, người Pháp lại muốn tách “Tonkin”, mà người Việt Nam gọi là “Bắc Kỳ”, “vùng đất phương bắc”, ra khỏi phần còn lại của Việt Nam: người ta đã dứt khoát dùng tên “Tonkin” để chỉ riêng cho lưu vực sông Hồng với tất cả các tỉnh thành lân cận: như thế những gì không thuộc “Tonkin” là thuộc vùng đất “Annam”. Năm 1887, địa danh chính thức được quy định trong khuôn khổ của Liên bang Đông Dương [thuộc Pháp]: miền Bắc Việt Nam trở thành vùng bảo hộ Tonkin, miền trung Việt Nam là vùng bảo hộ An Nam, và miền Nam là đất thuộc địa “Cochinchine française22” [“Cochinchine thuộc Pháp”]. Trong các tài liệu của thời thuộc địa, thậm chí nay vẫn còn xuất hiện ở [văn bản] một số tác giả ngày nay, từ “annamite” [thuộc về “Annam” hay có tính cách “An Nam”] trở thành một từ định danh bao quát về chủng tộc, đồng thời là một tính từ, hàm nghĩa là “thuộc về/mang tính Việt Nam” [“vietnamien” sic]. Theo đó, những từ như “tonkinois” [thuộc về/ mang tính Bắc Kỳ] hay “cochinchinois” [thuộc về/có tính cách Nam Kỳ] xuất hiện với những nghĩa hạn chế hơn, dùng để chỉ những đội ngũ hay nhóm người xét về mặt hành chính hay xã hội.
22 Léonard Aurousseau, “Sur le nom de Cochinchine”, BEFEO 1924, p. 563-579.