Việt Nam thời xưa, nói chung tên người gồm họ, chữ lót và tên riêng. Phần lớn là đơn âm, nhưng không luôn hẳn như vậy. Mặt khác, từ 3 tháng tuổi, các bé trai có thêm “tên con trẻ”, sau đó, đến tuổi trưởng thành có một tên riêng để gọi [tên cúng cơm]. Việc đặt tên như vậy không bất biến: vì có tính đến chuyện kỵ húy khi nhắc đến vua chúa hay vì những lý do liên quan đến vấn đề nghi thức hay chuyện riêng tư gia đình, có những người đã bị buộc phải đổi họ, chữ lót hay tên riêng. Có trường hợp nhà vua ban ân cho một công thần có công trạng được nhận một tên mới, như trường hợp vào năm 1853, vị đại quan Hoàng Kế Viêm, theo đặc ân của hoàng đế, được thay chữ lót thành Tá nên tên của vị này trở thành là Hoàng Tá Viêm. Nơi giới nho sĩ, có tập quán là dùng bút danh, sẽ được vận dụng vào nhân vật nêu tên trong các bài viết hay các cuộc đàm luận. Cuối cùng, trong các tài liệu hay trong đời sống hàng ngày, với các vị quan chức hay chức sắc người ta lại thưa bẩm theo phẩm hàm có tên riêng kèm theo hay không, chẳng hạn sẽ xuất hiện cách gọi như tổng đốc Thân, tri phủ Hùng hay lãnh binh Ngọc…
Về phần vị quân vương, không chỉ có một tên duy nhất theo suốt cả cuộc đời: mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường đời, ở dương thế hay sang thế giới bên kia, sẽ có một danh xưng, một định danh tương ứng hài hòa với tư cách của ngài. Trước khi lên ngôi, người sắp kế vị có một tên riêng; trong thời gian trị vì, sẽ có một danh xưng tồn tại mãi cho cả khi đã qua đời và xem là tên húy kỵ. Sau khi qua đời, người quá cố sẽ có tên để thờ tự và một tên “hậu sự” hay quá cố để dùng vào việc thờ cúng tổ tiên. Trong thời gian trị vì, người ta chọn một hay nhiều định danh “năm trị vì” (niên hiệu / nianhao23). Do đó, chẳng hạn như theo cách gọi không chính xác của sử sách là “vua Tự Đức” (1847-1883), trong lúc ngài có họ Nguyễn, có tên lót là Phúc, có tên riêng trước khi lên ngôi là Hồng Nhậm, có tên riêng thời gian trị vì là Thì, có tên thờ tự là Dực Tông, có tên “hậu sự” để thờ cúng tổ tiên là Dực Tông Anh và cuối cùng niên hiệu thời gian trị vì là Tự Đức.
23 Thời xa xưa, các hoàng đế Trung Hoa và Việt Nam có nhiều niên hiệu để trị vì. Ngoại lệ sau đây thật hiếm dưới triều đại nhà Minh, xuất hiện chỉ duy nhất một lần dưới thời nhà Thanh: hoàng đế Muzong [Mục Tông, 1856-1875] khởi đầu dùng niên hiệu là Qi Xiang [Kỳ Tường Đế], sau đổi thành Tong Zhi [Đồng Trị Đế]. Trường hợp Việt Nam, kể từ thời nhà Tây Sơn (1778-1802), sau đó là nhà Nguyễn, quy định là chỉ có duy nhất một niên hiệu cho mỗi vua.
Địa danh, đặc biệt tên của đô thị và thị trấn, cũng có thể biến đổi theo mỗi triều đại, do việc kỵ húy liên quan đến hoàng gia, hoàng tộc. Do đó, cùng một địa điểm có thể xuất hiện nhiều địa danh khác nhau, tùy theo quy chế hành chính có liên quan: đô thị được nêu ra một cách tổng quát không cần khu biệt, đô thị được nêu như lỵ sở của một tỉnh hay quận huyện, hay đô thị được nêu như trung tâm của một đơn vị hành chính riêng về mặt quân sự quốc phòng, hay đô thị được nêu để chỉ một cảng biển, v.v.