Trước khi tóm lấy kho báu của các vị hoàng đế triều Nguyễn, người Pháp chẳng hề có mảy may thông tin đáng tin cậy nào về chuyện kho lẫm này. Nhiều người đưa ra những phỏng đoán phỏng chừng này nọ thì không chính xác hay sai lệch. Người ta áng chừng thu nhập của cả chính thể và phần thu giữ của các vị quân vương sau khi khấu trừ đi phần bị các quan tham nhũng và giới thu thuế người Hoa bòn rút, rồi theo đó suy diễn thành những khối lượng dưới dạng lượng vàng, nén bạc, cân đồng, tấm lụa hay đấu gạo, v.v. Người ta đã suy diễn thêu dệt nên những giả thuyết về cách hình thành kho tàng của vua chúa, theo một quá trình liên tục tích lũy của cải châu báu: trường hợp triều đại nhà Nguyễn là tịch thu từ các triều đại trước, từ nhà Tây Sơn, nhà Lê, cộng vào đó là của cải thu nhặt được ở vùng Cochinchine [hiểu là vùng Nam bộ], và trước nhất, kho báu là kết quả của sự tham lam tận thu của triều đại vì lẽ, như chúng ta đã biết, “các hoàng tộc vương quyền châu Á rất giỏi việc bòn rút vàng bạc châu báu từ quần thần26”. Có thật Việt Nam thời đó rất giàu có về kim loại quý hiếm? Và có chắc là kho báu thực sự hiện hữu?
26 Jocelyn Pène-Siefert, La Question tonkinoise avant et après le traité avec la Chine, Paris, Lemerre, 1885, p.12-13.