CÁC BẠN TRẺ luôn phải đối mặt với những thách thức khó khăn, có thể nói là thuộc vào loại hóc búa khiến hầu hết đều buông tay từ bỏ. Song, những bạn biết cách giải quyết vấn đề đều không bỏ cuộc.
Có thể bạn cho rằng để trở thành một bạn trẻ biết giải quyết vấn đề, bạn cần có một tài năng đặc biệt hoặc thật nhiều may mắn. Nhưng sự thật là, những bạn trẻ này hoàn toàn không khác gì bạn – ngoại trừ việc họ đã được học cách tự mình suy nghĩ, đưa ra quyết định và triển khai hành động. Họ hành động chứ không phản ứng lại với những gì người khác làm. Và trong lúc hành động, họ cũng chọn ra được một số công cụ giải quyết vấn đề hữu ích.
Những Bạn Trẻ Biết Giải Quyết Vấn Đề
Trước hết, chúng ta hãy cùng xem thế nào là một bạn trẻ không biết giải quyết vấn đề. Có một số thái độ chung thường ảnh hưởng đến việc thực sự giải quyết được vấn đề. Có lẽ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người có những loại thái độ này ở nhà hoặc ở trường. Có thể (chỉ là có thể), ngay bản thân bạn cũng có một vài thái độ đó.
Thái độ 1: “Sofie thở dài”
“Sofie thở dài” là kiểu người khi gặp một thách thức liền bỏ cuộc chỉ sau vài phút. Cô chỉ thở dài và nói, “Tôi sẽ không bao giờ có khả năng làm được việc đó”.
Lẽ ra Sofie đã có thể làm được điều gì đó nếu cô cố gắng. Thi thoảng, cô nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời hoặc nhận thấy mình có thể giải quyết được vấn đề, nhưng cô lại sợ thất bại và sợ mọi người chế nhạo. Vì thế, thay vì nói ra hoặc hành động, cô thu mình lại rồi ngồi dằn vặt bản thân.
“Sofie thở dài” không kiểm soát được cuộc sống của bản thân. Cô cứ khăng khăng rằng không ai hiểu cô. Bất cứ khi nào có điều gì sai thì đó luôn luôn là do lỗi của người khác.
“Sofie thở dài” thường nói những câu kiểu như:
“Tốt hơn là đừng cố gắng làm gì. Nhỡ mình không làm được thì sao? Chắc mọi người sẽ cười vào mặt mình mất thôi!”
“Tất cả đều là lỗi của ba mẹ. Lỗi của trường học. Lỗi của bạn bè!”
“Không ai hiểu tôi cả. Không ai quan tâm đến tôi hết. Mọi người đều chê bai tôi.”
“Chris chuyên phê bình”
“Chris chuyên phê bình” là kiểu người không bao giờ ngại lên tiếng. Với bất cứ kế hoạch nào, cậu ấy đều cho là mình đúng và sẵn sàng bắt lỗi, bác bỏ ý tưởng của mọi người. Nếu ai đó đã cố gắng nhưng thất bại trong việc gì đó, câu cửa miệng của cậu ta luôn là “Tôi đã bảo rồi mà!”. Và lúc nào “Chris chuyên phê bình” cũng tìm cách đổ lỗi cho người khác khi mọi chuyện không được suôn sẻ.
“Chris chuyên phê bình” không hề kiệm lời khi bình luận về những sai lầm của người khác, nhưng bản thân cậu lại hầu như không hoàn thành được việc gì. Và bạn cũng biết đấy, phê bình là một việc rất dễ, nhưng hoàn thành công việc mới là thách thức thật sự. Dù bạn đã biết mình phải làm những gì để đạt được điều mình muốn, mục tiêu vẫn sẽ không thể được hoàn thành cho đến khi bạn xắn tay áo lên và bắt tay vào hành động.
Có lẽ, “Chris chuyên phê bình” không hiểu rằng những lời phê bình, chỉ trích sẽ chẳng thể giúp chính cậu ấy hoàn thành công việc. Hoặc cũng có thể cậu ấy sợ phải tự mình cố gắng.
Bạn thường nghe “Chris chuyên phê bình” nói những câu như thế này:
“Chắc chắn sẽ không hiệu quả đâu. Ý tưởng này quá ngu ngốc!”
“Tôi đã nói rằng sẽ xôi hỏng bỏng không thôi, thấy chưa? Mọi lỗi lầm đều do bạn mà ra hết!”
“Thôi nào. Tại sao bạn không làm cho xong việc đó đi?”
“Darla mộng mơ”
Có lẽ chơi với “Darla mộng mơ” sẽ vui hơn là chơi với “Chris chuyên phê bình”, nhưng Darla lại là kiểu người mà đầu óc lúc nào cũng như ở trên mây. Cô thích đưa ra những ý tưởng mới, nhưng lại chẳng hề nghĩ đến cách biến ước mơ thành kế hoạch thực tế. Và “Darla mộng mơ” chắc chắn sẽ không bao giờ thử đi đến cùng bất cứ việc gì. Đối với cô, việc nghĩ ra ý tưởng thú vị hơn thực sự bắt tay vào làm nhiều.
Dưới đây là những câu mà “Darla mộng mơ” thường nói với chính mình:
“Một ngày nào đó tôi sẽ viết một quyển tiểu thuyết!”
“Tự mình kinh doanh không phải là điều tuyệt vời sao?”
“Khi lớn lên, tôi muốn làm bác sĩ.”
“Tôi là con người của ý tưởng. Đừng để mấy chuyện nhỏ nhặt đó làm phiền tôi!"
“Gary dám nghĩ dám làm”
Lần đầu bạn gặp “Gary dám nghĩ dám làm”, cậu ta trông có vẻ hoàn toàn chẳng có vấn đề gì cần giải quyết. Cậu không ngồi ì một chỗ để lo lắng, và cũng chẳng phê bình ai. Cậu thích nhảy vào hành động, nhất là khi phát hiện ra chỗ chưa hoàn hảo.
“Gary dám nghĩ dám làm” biết cách hành động – điều đó rất tốt. Cậu không sợ vấn đề hay công việc khó khăn – điều này càng tốt hơn nữa. Nhưng, nếu cậu dành một chút thời gian để dừng lại và suy nghĩ trước khi gấp gáp lao vào hành động thì khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều.
“Gary dám nghĩ dám làm” nghĩ rằng lý do của hầu hết các vấn đề bắt nguồn từ việc mọi người chưa thật sự cố gắng đủ nhiều. Cậu không bao giờ ngừng suy nghĩ về những điều cậu đang cố gắng làm, hoặc về cách để hoàn thành công việc tốt hơn. Cậu không quan tâm tìm hiểu nguyên nhân của những vấn đề mình gặp phải, mà chỉ biết cố gắng nhiều, nhiều hơn để giải quyết chúng.
Bạn sẽ nghe “Gary dám nghĩ dám làm” thường nói những câu dưới đây:
“Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ làm được!”
“Tôi biết tôi sẽ thành công nếu cố gắng thêm một chút nữa!”
“Suy nghĩ nhiều chỉ lãng phí thời gian. Hành động mới là quan trọng!”
Bạn thuộc kiểu người nào trong những nhân vật ở trên? Bạn có từng thở dài và từ bỏ? Bạn có cảm thấy phê bình người khác thì dễ dàng hơn là tự mình cố gắng làm?
Bạn thích mơ mộng nhưng ghét lên kế hoạch? Bạn mạnh dạn đối mặt với những vấn đề mình gặp phải, nhưng lại không biết kiềm chế khi bạn không giải quyết được?
Nói cách khác, bạn nghĩ mình có giống một bạn trẻ biết giải quyết vấn đề không?
Những bạn trẻ biết giải quyết vấn đề sẽ đặt ra các mục tiêu. Họ sẽ hoàn tất mọi việc. Giống như “Gary dám nghĩ dám làm”, họ không ngồi một chỗ khổ sở về những vấn đề mình gặp phải. Song, khác với Gary, họ sẽ nghĩ về nguyên nhân dẫn đến những vấn đề đó, đưa ra kế hoạch trước rồi mới bắt tay vào hành động. Và họ sẵn sàng thay đổi kế hoạch nếu nó không khả thi hay khi có một thách thức mới xuất hiện. Họ học từ những sai lầm và cả từ những điều tốt đẹp.
Những người trẻ biết giải quyết vấn đề đều có thái độ tích cực. Họ không lo lắng quá nhiều về những điều ngoài tầm kiểm soát – thay vào đó, họ tìm ra những yếu tố có thể thay đổi. Đầu tiên, họ tìm kiếm nguyên nhân thật sự của vấn đề, rồi sau đó lên kế hoạch và tiến hành hành động. Và khi cố gắng sửa chữa vấn đề, họ sẽ kiểm tra xem các giải pháp có hiệu quả không, và liệu có thể cải thiện hơn nữa không.
Một khi đã đạt được sự cân bằng giữa tư duy và hành động, những người trẻ biết giải quyết vấn đề sẽ thực hiện được những điều tuyệt vời đáng ngạc nhiên.
Dưới đây là những câu mà một người trẻ biết giải quyết vấn đề thường nói:
“OK! Tôi dự định sẽ hoàn thành việc này trong ba tháng.”
“Vấn đề đây rồi, nhưng tôi sẽ không ngồi ì ra lo lắng, mà tôi sẽ tìm ra những cách giải quyết nó.”
“Nguyên nhân thật sự của vấn đề này là ở đâu?”
“Để khắc phục điều này, chúng ta cần phải làm X, Y, và Z. Hãy bắt đầu thôi nào!”
“Ý tưởng này hiệu quả đến đâu? Có chỗ nào chưa ổn? Có điều gì chúng ta có thể làm tốt hơn lần sau không?”
Cần nhớ rằng, năng lực giải quyết vấn đề không phải là tài năng riêng của mỗi người mà đó là một thói quen mà ai cũng có thể học được. Bằng cách phát triển đúng kỹ năng và thái độ, bạn có thể trở thành một người biết giải quyết vấn đề.
Giải quyết vấn đề là gì?
Giải quyết vấn đề có thể được chia thành một quy trình bốn bước:
1) Hiểu được những gì đang xảy ra.
2) Tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề.
3) Vạch ra một kế hoạch khả thi.
4) Hành động theo kế hoạch đó cho đến khi vấn đề được giải quyết, và thay đổi kế hoạch khi cần.
Những bước này luôn đi cùng nhau thành một bộ. Nếu bạn tìm ra nguyên nhân của vấn đề mà không bắt tay vào hành động thì điều đó cũng vô ích. Hay nếu bạn bắt tay vào hành động song lại không thực hiện đúng kế hoạch, thì hành động đó cũng vô ích. Bạn phải hoàn thành cả bốn bước để giải quyết một vấn đề.
Nghe có vẻ đơn giản, phải không? Thế nhưng, vấn đề là nhiều khi chúng ta lại không thực hiện những điều đơn giản và rõ ràng ấy.
Hãy cùng xem xét trường hợp của Carlos nhé. Điểm toán của Carlos không được tốt. Có thể cậu sẽ nghĩ, “Lẽ ra điểm của mình có thể cao hơn thế này”, rồi ngồi hy vọng điểm của mình tăng lên mà không hề hành động gì. Nếu vậy, điểm môn toán của Carlos có lẽ sẽ mãi như cũ vì cậu không bắt tay vào tìm ra nguyên nhân vấn đề, hoặc không biết cần phải làm gì để cải thiện vấn đề đó.
Cũng có thể Carlos sẽ tuyên bố thế này, “Tôi sẽ rời đội bóng để dành nhiều thời gian hơn cho việc học.” Nhưng nếu vấn đề của cậu không phải là thời gian học, mà là cách học thì sao? Thế thì, dẫu cậu có quyết tâm tăng thời gian học, điểm số của cậu cũng sẽ không tốt hơn. Kết quả là cậu từ bỏ bóng đá chẳng để làm gì.
Vậy, nếu Carlos là một người trẻ biết giải quyết vấn đề, cậu sẽ làm gì?
1. Tìm cách hiểu sự việc. Xem lại điểm của các bài kiểm tra trong vài tháng qua. Khi thấy điểm số đang ngày càng đi xuống, cậu sẽ nghĩ “Đây thật sự là vấn đề rồi”.
2. Tìm ra nguyên nhân chính xác của vấn đề. Cậu tự hỏi “Mình đã làm sai cái gì trong các bài kiểm tra nhỉ?”. Có thể, cậu sẽ chia xấp bài kiểm tra của mình thành các chồng Đại số, Phân số, Hình học. Sau đó, cậu sẽ kiểm tra xem mình gặp vấn đề ở mảng nào. Thế rồi cậu bất ngờ khi phát hiện ra rằng điểm Đại số đúng là có cải thiện theo thời gian! Điểm Phân số không thay đổi nhiều. Chỉ có điểm Hình học là thấp đi.
Không dừng lại ở đó, Carlos lại tiếp tục chia Hình học ra thành nhiều phần như: diện tích, góc và khối lượng. Cậu xem lại các bài kiểm tra một lần nữa để xác định chính xác mình đang gặp khó khăn với phần nào. Và vấn đề nhanh chóng xuất hiện: Cậu không hiểu phần hình thang và hình trụ.
3. Lúc này, Carlos phải lập ra một kế hoạch. Có thể mỗi ngày cậu sẽ dậy sớm hơn 30 phút, hoặc dành riêng 30 phút trước khi đi ngủ để học thêm Hình học. Hay có thể cậu chỉ cần thay đổi cách học cho tốt hơn, chứ không nhất định phải học thật nhiều. Cậu cũng có thể nhờ giáo viên hay bạn bè giúp đỡ, hoặc hỏi xin ba mẹ thuê gia sư dạy kèm. Sau khi suy nghĩ, Carlos quyết định nhờ cậu bạn Ryan – người đứng đầu trong cuộc thi toán vừa qua – giúp đỡ.
4. Cuối cùng, Carlos tiến hành thực hiện kế hoạch. Sau đó, cậu kiểm tra điểm số của mình trên các bài thi tiếp theo để xem chúng có tốt hơn không. Nếu không có tiến triển, Carlos sẽ xem xét lại kế hoạch để tìm ra nó sai ở đâu và làm thế nào để sửa chữa.
Thật ra việc giải quyết vấn đề hoàn toàn không phức tạp. Bạn chỉ cần làm theo bốn bước: hiểu hoàn cảnh, xác định các vấn đề cụ thể, lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Ngay cả khi phải đối mặt với những vấn đề thoạt nhìn có vẻ khó khăn và phức tạp, bạn cứ chia chúng thành những vấn đề nhỏ hơn, dễ xử lý hơn và giải quyết từng bước một.
Một khi học được phương pháp cơ bản để giải quyết vấn đề, bạn sẽ không lo lắng khi gặp vấn đề nữa mà sẽ tự tin rằng bạn có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào bạn đang đối mặt - dù đó là về điểm số, gia đình hay các mối quan hệ bạn bè.