Bấy giờ trời đang vào xuân, ngọn xoan đầu làng hoa ngan ngát theo gió ùa về làm ngây ngất đám chăn trâu. Chị trầm trồ: “Ôi hoa xoan đẹp quá, thơm kỳ lạ”. Trong đám chăn trâu cả trai lẫn gái, có đứa con trai ga lăng nhanh nhảu trèo lên cây, hái cả khóm hoa xoan trên một cành cao vời vợi. Hái ra từng nhánh nhỏ rồi trao cho mỗi bạn gái, cả đám cười khúc khích. Năm ấy chị tròn 14 tuổi, lần đầu tiên trong đời được người khác tặng hoa. Lâu rồi, chị nhớ hôm đó không phải là ngày 8 tháng 3.
Đó là chùm hoa xoan tinh thơm đầy chất đồng quê gió nội của ông bạn chăn trâu. Ông bạn có hành động ngẫu hứng mà gợi nhiều ấn tượng cho đám con gái quê giờ đã thành người thiên cổ. Riêng chùm hoa xoan, nó là chùm hoa đầu tiên trong đời của chị cho đến bây giờ, dù chị đã con đàn cháu đống. Đã biết bao ngày lễ về phụ nữ, về tình yêu và ngày sinh nhật trôi qua đời chị, chẳng có đóa hoa nào mà chị nhận được, dù ở quê người ta trồng rất nhiều hoa. Có lẽ người nông thôn không thích tặng hoa. Cũng có thể họ không có thời giờ để nghĩ đến hoa. Chị bảo thế khi tôi nhắc đến những ngày lễ ở thành thị, người ta đều biểu lộ tình cảm thông qua các loài hoa.
Bốn mươi tuổi, trông chị già hơn người cùng lứa chứ đừng nói đến những người ở thành thị. Bố mẹ cho lấy chồng từ cái thuở vừa mới biết e thẹn, lúc đó con gái cả làng đều lấy chồng ở cái tuổi đó, có riêng gì chị. Cứ tưởng thời niên thiếu ở cùng bố mẹ cơ cực đã đành. Đến khi về làm dâu nhà người cũng chẳng làm sao thoát khỏi cái lũy tre làng nên có đi đâu mà biết đó biết đây, cuộc đời cơ cực vẫn luẩn quẩn. Vậy nên khi chị nghe đến hoa hồng như là một thứ gì gần gụi và cũng rất xa xôi. Gần gụi vốn là có đứa em trồng hoa hồng kinh doanh, hoa bạt ngàn cả đồng nhưng nó cũng là rất xa xôi khi có người buột miệng hỏi chị: “Hôm này là ngày lễ, chị ôm một khóm về mà chưng cho có không khí”. Nghe vậy chị lại bảo: “Ối chào, ai lại đi bày cái loài hoa gai góc ấy. Để mà bán lên thành phố kiếm tiền hay hơn”.
Về quê, thấy chị cắt rau cho lợn, cái dao thoăn thoắt trên tay chị, lưỡi dao mòn đi vì “đời dao” trải qua hàng trăm, ngàn lần mài giũa. Từng vết sẹo chồng chéo lên đôi tay đen sì vì mủ chuối, mủ môn. Ở nông thôn nhà nào cũng có cây dao như thế, nó như chứng tích thời gian về cuộc đời tảo tần của kiếp đàn bà nông thôn!
Nghe mưa nặng hạt cũng than, sợ cơn lũ lại về; nắng nóng như rang cũng sợ đồng cháy vì hạn, lúa chết là đồng nghĩa với cái đói sẽ đến.
Buổi sáng tinh mơ đem khoai sắn ra chợ bán kiếm tiền, chưa trưa cứ sợ đàn lợn đói kêu inh ỏi đành về bên bếp núc, loay hoay quanh cái vần vũ của tạo hóa để rồi khi nhìn tro than bay trên tóc mà chẳng biết tóc đã bạc hay vì bụi than. Không còn thời gian để búi lại mái tóc buông xõa thì sao biết đến những đóa hoa hồng. Hầu như thời gian của chị ở bên bếp lửa của gian lều liêu xiêu nhiều hơn ở nhà trên. Phụ nữ cả làng đều là “người của gian bếp” chứ không riêng gì chị.
Về thăm chị trong một ngày cận lễ 8 tháng 3. Tặng hoa ư? Cả đời chị biết gì đến hoa. Không khéo lại bị chị nạt cho đấy. Tôi tự hỏi để rồi tự trả lời.
Đột nhiên nhớ đến cái tay cầm dao cắt chuối cho lợn thoăn thoắt của chị. Trời ơi, sao hoa hồng và vết sẹo đen sạm vì mủ ở bàn tay ấy cứ ám ảnh mình đến thế!