Mạ kể rằng gia đình tôi đã chuyển nơi ở và xây lại nhà đến cả chục lần. Chẳng biết tuổi tác thế nào mà ba tôi hay quyết định di chuyển chỗ ở từ đầu làng đến cuối làng hay xa hơn là từ đồng bằng lên núi hoặc ngược lại. Thế nên câu nói an cư để lạc nghiệp nghiệm ra với nhà tôi thật đúng. Vài năm ở đây, ba năm ở đó chẳng làm gì được nên cơm nên cháo. Ngôi nhà sau xây chẳng khác gì ngôi nhà trước, vẫn mái tranh, vách đất nện phân trâu và bùn, cái nền đất… Cho đến những ngày sức khỏe đã yếu, vay mượn mãi cái cho con ăn học, cái chữa bệnh, ba mạ mới xây được ngôi nhà tôn, nền bê tông sạch sẽ đứng kiên cường trước những cơn bão khốc liệt của miền Trung.
Và khi ở trong căn nhà đó, tôi lại nhớ về cái nền đất cũ của căn nhà xưa. Chẳng phải là người hoài cổ, nhưng sao tôi muốn đặt bàn chân lên cái nền nhà ấy. Mát rượi và bình yên.
Cái nền đất bình dị bị bào mòn bởi những bước chân. Mòn đến nỗi nó bóng lên như một khúc gỗ tốt được một người thợ mộc đánh sơn mài. Nhà nghèo, dép chỉ dành cho đi học thì mang, ở nhà đi chân đất. Mỗi lần theo mạ đi chợ Chùa phải băng qua trảng cát. Khi đi thì mặt trời mới ló, bàn chân mát dịu, khi về nắng lên cao, cát nóng như rang. Tôi đi như chạy mong về tới nhà để trốn nóng. Mỗi lần như thế, tôi thích đi lui đi lại trên cái nền nhà của mình, bàn chân chạm vào thứ đất ẩm, mát rượi, một cảm giác êm ái xông từ đất dâng lên rồi lan tỏa. Đó là cảm giác của bình yên, thanh thản.
Mỗi buổi tối buồn ngủ rũ rượi, leo lên giường có khi không kịp chà hai chân vào nhau cho sạch đất là đánh một giấc đến sáng. Mơ màng tỉnh dậy mỗi sáng sớm đã nghe tiếng chổi rơm của mẹ quét nhà. Những nhát chổi như quét lên nền nhà một thứ trầm tích mà hết cả tuổi thơ không sao quên được.
Thuở xưa, thằng út còn nằm nôi hay đái dầm. Nơi đặt chiếc nôi ấy ngày nào cũng có một vũng nước nho nhỏ. Cái dấu nước thấm xuống đất để lại mùi ngai ngái đã in sâu vào tâm trí tôi đến nỗi không có nó là… không ngủ được.
Gần bậu cửa, bằng mắt thường ai cũng nhận ra nơi đó bóng nhẵn hơn nơi khác bởi dấu ngồi khóc của thằng Khánh. Mỗi lần ngủ dậy không có mạ, hắn ra ngồi ở đó. Kêu ba tiếng mà mạ tôi không ừ là nó khóc. Vừa khóc hai chân vừa chà xuống đất. Nó chà lui chà tới cho đến khi ba cầm cây roi chạy vào hay có ai đó ném cho củ khoai, miếng đường đen thì nín. Tuổi thơ nó gắn với cái dấu nhẵn bóng in trên nền đất thân thương ấy.
Nền đất gắn với những đôi chân đất. Nhớ mạ quanh năm đi chân đất. Khi có giỗ chạp, cưới hỏi mới đưa đôi dép đứt vá lại mấy lần ra mang. Bàn chân quanh năm chạm đất. Đất từ nhà ra tới ruộng, xuống mép sông ra nghĩa địa. Đó là những bàn chân thô tháp, nứt nẻ như minh chứng nhọc nhằn, kham khổ của người nông dân. Họ bảo chỉ cần nhìn vào đôi tay, gót chân để biết anh làm nghề gì, từ đâu đến quả không sai.
Trên cái nền đất mát rượi ấy có những đôi chân ngón xòe như nải chuối của người nhà nông đích thị con cháu bàn chân Giao Chỉ. Bàn chân ấy đi trên bãi cát ven sông Hồng rồi vào đến miền Trung, vô trong Nam rồi vượt đại dương đi ra năm châu.