Ở xóm tôi trú ngụ có bà cụ đã già nhưng trông còn khỏe mạnh và dẻo dai. Tôi rất tâm phục với cách ăn chay trường của bà. Cũng chẳng phải một tín đồ của nhà Phật nhưng bà ăn chay quanh năm. Bà bảo ăn chay giúp mình thanh khiết hơn. Thức ăn của bà thật đơn giản, có bữa chỉ một lát đậu phụ với chén xì dầu. Hôm nào sang lắm có thêm rau lang bóp muối và một món canh loãng. Bà bán tạp hóa ở chợ. Hàng tạp hóa khiến ai kinh doanh nó cũng sợ vì nhiều mặt hàng, khó nhớ, dễ nhầm lẫn. Với cái tuổi như bà, âu cũng là một bậc trí lự mới kham nổi mớ bòng bong đó. Tôi thường qua bà chơi. Mỗi lần như thế đều thấy bà san đường, mì chính, hay các thứ đậu ra từng bao nhỏ. Loại 1 cân, 5 lạng hay 1 lạng, 2 lạng. Tay bà làm thoăn thoắt, dẻo dai khiến ai cũng phục. Lúc ấy tôi hay thắc mắc sao bà không cân bớt một ít. Ví dụ như 1 cân thì bớt đi 1 lạng, 10 lần như thế thì thêm được 1 cân. Một cân đường, cân đậu cũng giúp bà kiếm được một ít tiền. Bà đánh nhẹ vào đầu tôi, bảo con nít ranh ma. “Một cân đường, lon đậu dư ra rồi ăn cũng hết. Cái cốt yếu làm sao cho cái tâm mình được thư thả. Chỉ một vài hạt đậu thôi nhưng bán thiếu cho người ta mình cũng mang tội. Chẳng có ai công tâm bằng chiếc cân đâu cháu ạ”. Bà bảo với tôi như thế. Với ý nghĩ của một đứa con nít, tôi tự thấy mình xấu hổ. Đó là bài học đầu tiên bà dành cho tôi.
Tôi đi học xa, mỗi lần về nhà thường ghé tạt sang bà. Ngoài hỏi thăm sức khỏe bà cụ, tôi thích nhìn bà cân đường, cân đậu. Mỗi lần nhìn vào đấy, tôi thấy mình nên sống đẹp hơn, bao dung hơn và chín chắn hơn.
Bẵng đi vài năm, nghe tin bà cụ qua đời trong một cơn bạo bệnh. Người ta bảo cụ làm việc quá sức, ăn chay trường nên suy nhược cơ thể rồi đổ bệnh. Người con của cụ ở quê là một sinh viên sắp tốt nghiệp cùng gia đình lên thanh lý kho hàng tạp hóa của người quá cố. Bao năm bươn chải, tích cóp của bà cốt để nuôi đứa con út đang học đại học là anh chàng kia. Họ gom những thứ đồ dùng cá nhân của bà để về đốt trên nấm mộ còn hàng hóa thì chuyển nhượng cho người khác. Trong những thứ đồ đạc phải đổi chủ một cách đột ngột như thế, tôi chú ý nhất là chiếc cân. Đó là chiếc cân bàn có chiếc kim đã ngả màu vì thời gian, chiếc khay cân bị hoen gỉ vì hàng ngàn lần mang nặng khi cân muối, đường… Chắc người con trai ấy chẳng biết bà san đường, san đậu trên chiếc cân này như thế nào. Có lẽ cũng chẳng biết bà cân đo, đong đếm chính xác từng gam để tìm thấy sự thơ thẩn, hoan hỉ trong việc ấy. Nhưng tôi tin chắc, những gì bà âm thầm làm và sống đã khiến anh phải học tập, chiêm nghiệm và sống làm người tốt. Chiếc cân ấy được tặng cho người sang lại sạp hàng của bà. Cũng là một chiếc cân, từ tay một người đến tay một người ắt sẽ có một kiểu cân đo khác. Mà đích đến đều muốn tìm thấy lợi nhuận song song với sự thanh thản. Chỉ là một chiếc cân và sự công tâm đã tạc vào hồn tôi một tượng đài. Tượng đài đó soi bóng xuống dòng sông, dù chẳng ai giục gọi nhưng dòng sông ấy vẫn chảy trong sự lặng lẽ mà chẳng biết đến đời cần hơn - thiệt, được - mất.
Sau này lớn lên, làm thật nhiều việc với tư cách là người “cầm cân”. Tôi luôn tự hỏi mình, liệu mình đã công tâm như bà năm xưa cân đường, cân đậu.
Một chút tự vấn, xong xuôi thấy mình chẳng còn vướng víu thứ gì. Cứ như dòng sông thong dong chảy về phía biển. Biển bao giờ cũng rộng.