Chị tôi sinh con gái đầu lòng, cả nhà mừng khôn xiết. Ba mẹ là người vui ra mặt khi trở thành ông bà ngoại ở cái tuổi đáng ra phải có từ lâu nhưng vì do hiếm muộn.
Trước lúc chị sinh, ba tôi vốn là người của làng nghề đan lát, dù không còn kiếm sống với cái nghề truyền thống ấy vì chứng đau cột sống nhưng ông vẫn tự tay ra vườn chọn những cây tre đẹp nhất, già nhất để đan nôi. Khi tre được chẻ thành từng thân nhỏ, để cho chiếc nôi của đứa cháu ngoại đầu lòng được chắc chắn và lâu dài, ba tôi đưa xuống sông ngâm nước mặn để chống mọt. Ngâm nửa tháng trời mới đưa lên, phơi khô vót thành từng chiếc nan đều đặn rồi hỏi ông hàng xóm vốn thông tuệ chiêm tinh, tướng số chọn giờ đẹp để đan nôi.
Tính đi tính lại, chỉ một chiếc nôi cỏn con mà ba tôi phải mất vài tuần để làm. Đó là tình cảm, trách nhiệm của một người ông đặt niềm tin yêu vào đứa cháu. Mong cho sau này nó nên người, thành đạt.
Chị tôi nghe tin liền tỏ vẻ không ưng ý. Chị bảo thời buổi này chỉ cần ra chợ là có nôi để nằm. Cả chục thứ nôi, đủ kiểu đủ loại. Và chị thích nhất là loại nôi dùng điện năng. Chỉ cần đặt đứa bé lên nằm, nhấn nút là tự ru. Đương nhiên bên cạnh đó còn có những chiếc đèn xanh đỏ bắt mắt, tiếng nhạc được cài sẵn, mặc định theo ý của chủ nhân. Chị bảo ở phố mà dùng nôi thời bao cấp ấy thì quê lắm. Bởi con cái của bạn bè chị chẳng ai lại đi ngược với sự văn minh chẳng tìm kiếm ở đâu xa mà nằm ngay trong tầm tay với!
Dù chẳng thích gì, nhưng để vừa lòng ông ngoại, chị tôi cũng đem chiếc nôi ấy về, xem đó là món quà cho đứa con sắp sinh.
Ngày ăn đầy tháng đứa cháu, cả nhà tôi hí hửng về nhà anh chị mừng. Biết tính chị, chắc chắn chị sẽ nhờ người ra chợ tậu cái nôi chạy bằng điện. Vốn chị học và lập nghiệp ở thành phố từ lâu nên những thứ ở quê cổ lỗ sĩ là chị bài xích. Chiếc nôi, lời ru từ ca dao cũng không ngoại lệ. Chị bảo để cất tiếng ầu ơ ru con thấy ngài ngại, khó khăn như ở giữa một bữa tiệc văn nghệ mà ngâm thơ, hò vậy. Chị còn bảo nếu con chị muốn nghe dân ca thì phải nhờ bà ngoại. Cần lắm mở điện thoại thu âm, khi cần là phát ra cho thỏa thích!
Hôm ba tôi lên dự đầy tháng cháu, thấy chiếc nôi mình bỏ công hơn nửa tháng để làm treo trong xó xỉnh liền giận ra mặt. Dù ông vẫn giữ được cái phép tắc tối thiểu với ông thông gia nhưng nửa buổi lại hối mẹ về cho bằng được.
Về nhà ba bảo con người ta mới lọt lòng nằm trong chiếc nôi tre. Bởi tre là linh hồn của làng Việt. Và rồi khi chết đi, chiếc néo nơi quan tài cũng làm bằng tre như một lời tiễn biệt. Đó là thứ vốn dĩ đã thuộc về con người của thiên nhiên mà tập tục gắn với nó không thể xóa bỏ.
Tôi chợt nhớ đến một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Trên vòng nôi mọc từng nấm mộ, dưới chân người cỏ xót xa đưa”. Đúng là cái ý nghĩa triết học của chiếc nôi nhân loại!
Hiện đại hóa giải phóng sức vóc của con người, nâng năng suất lên gấp bội, gấp mười nhưng cũng xóa bỏ đi nhiều thứ. Nhưng lẽ nào buông nôi ru con, cất một câu dân ca đã có từ ngàn đời lại làm cho mỗi con người lùi đi một bước, cổ hủ! Ba tôi buồn buồn nói như chửi đứa con gái xa lắc trên thành phố.