Ông bạn tôi làm văn hóa của một huyện vùng cao. Thi thoảng lên núi chơi được ông kể chuyện về những tập tục của người dân tộc thiểu số.
Những ông bố, bà mẹ khi về già không đủ sức để leo lên, tụt xuống những bậc thang của ngôi nhà sàn nữa thường ngồi nhìn ra cửa sổ trông theo những rặng mây trời. Họ ngồi bên bếp lửa lúc đỏ rực, lúc tàn tro để đợi những đứa con cắt rừng kiếm sống về mỗi lúc chiều tối. Và ngày ngày như thế, họ lấy chiếc khèn giắt trên mái tranh - tín vật của tình yêu mấy chục năm về trước ra thổi cho nhau nghe. Trải qua bao lần thay mái tranh hay dựng nhà mà chiếc khèn ấy vẫn thế, như thời xuân xanh. Tiếng khèn gợi lại tình yêu tuổi trẻ và thắp lên ngọn lửa của tình già. Ông thổi khèn chán rồi nhường cho bà để châm thuốc hút. Bà thổi rồi lại nhường ông thổi để nhóm thêm củi, nơi bếp lửa có nồi nước đang sôi. Tiếng khèn và tình yêu thương tuổi già đã làm cho họ quên đi ngày tháng, quên đi sự trống trải giữa núi rừng hoang sơ. Xung quanh họ, chỉ có núi với núi. Quẩn quanh cũng chỉ trong ngôi nhà nhỏ hẹp dù muốn đi xa cũng chẳng đủ sức vươn tới được. Họ thổi khèn để mua vui và muốn lưu giữ cái nét đẹp của một tập tục.
Hình ảnh hai người già trong căn nhà trống trơ gợi trong tôi một chút bối rối. Liệu bên mình còn có nhiều thứ tiện nghi để giải trí, không biết khi đến cái tuổi “tri thiên mệnh” ấy, biết lấy gì để nối lại ngọn lửa tình yêu như hai người già ấy?
Góc cuối của ngôi chợ xép trong thành phố tôi đang sống có một cụ già ngồi bán trầu. Cụ bán trầu nên thích ăn trầu, lúc nào môi cụ cũng đỏ thắm. Tôi thường ghé vào lúc cuối tuần để mua ít cau cho bà ngoại. Dù nhiều người bán cau nhưng tôi cứ thích bà vì bà đã già giống ngoại tôi mà lại vất vả.
Ai cũng bảo con cháu đâu để cái tuổi ấy còn phải lo miếng cơm cho cực. Bà cười hiền lành rồi thôi. Và chẳng ai biết bà ở đâu, gia cảnh thế nào cho đến một hôm. Nửa buổi bán bà lật đật dọn hàng về. Người ngồi cạnh hỏi: “Về làm gì sớm vậy bà?”. “Đi chùa, hôm nay Rằm tháng Bảy, lễ Vu lan”. Bà cụ đáp. “Đến chùa để cài lên đây một đóa hoa hồng trắng tưởng nhớ người mẹ của tôi”. “Năm nào cụ cũng đi à”. Một người nào đó hỏi lớn. Và cụ trả lời: “Năm nào cũng đi. Có lẽ đi lần này nữa rồi thôi. Khi khuất núi, không còn nữa. Tiếc cái là chẳng có ai cài hoa trắng để nhớ mình!”. Nói rồi bà quay đi, dáng cụ khuất dần vào cái chợ người nhấp nhô. Mấy người bán cạnh cụ ngậm ngùi như bắt gặp một nỗi buồn nhân thế. Soi cái ngậm ngùi ấy vào mình để rồi hạnh phúc vì có ai đó cài hoa nhớ mình và bất hạnh cho những ai ngược lại.
Thời gian sau tôi quay lại mua trầu, cụ già không bán nữa. Cụ đi đâu không ai biết. Chỉ còn những khuôn mặt ưu tư khi ai đó hỏi về bà cụ.
Mấy năm sau gặp lại người bạn vùng cao, ông bảo sau nhiều năm thổi khèn cho nhau nghe, ông già khuất núi, cụ bà không buồn thổi khèn nữa. Cho đến một hôm cụ bà ngồi thổi với nhiều nỗi day dứt. Đó là lần cuối cùng bản làng được nghe cụ bà thổi.
Tôi thường lấy hai câu chuyện đó để giữ cân bằng trong lối sống. Có phải mỗi chúng ta luôn sợ mình phải già đi? Và sau cái sợ ấy, người ta thường sống với cái hiện tại đang có thật trân trọng!
Một cuộc tình già viên mãn và một cuộc đời già côi cút cũng đáng cho mỗi chúng ta yêu lấy cái hiện tại đầy nghiệt ngã và thi vị này.