Mưa biến các con đường thành những dòng sông nhỏ, cuốn trôi bao bụi bặm của phố xá. Những quán cà phê ven đường là chỗ trú mưa lý tưởng. Ngồi nhâm nhi thứ đắng chát đó để nghĩ về sự chua cay của thời cuộc quả là một thú vị trong lúc đợi mưa tan.
Chúng tôi lao nhanh vào quán để chạy trốn cơn mưa và tìm sự bình yên trong từng giọt cà phê tý tách đó. Phố vắng như chiều Ba mươi Tết. Trên vỉa hè ướt át những người nhỡ bước đứng trú mưa dưới những chiếc ô mà người bán bún vỉa hè nào đó bỏ lại để trốn mưa. Bất chợt hiện lên những màu áo xanh người lính. Vừa kịp nhận ra thì ông bạn bên cạnh bảo bữa nay thành phố này đông hơn bởi những người lính áo xanh. Họ tìm về chiến trường xưa để thắp hương cho đồng đội ngay chính trên mảnh đất họ đã chiến đấu.
Nhớ lại cách đây mấy năm cũng ngồi ở quán này cùng với một cựu binh. Dù đã lâu lắm rồi nhưng ông vẫn nhớ rất kỹ từng con đường nhỏ của thành phố này. Đó là lúc thành phố đang còn là một thị trấn nhỏ nằm bên sông Hiếu, ngay trên quốc lộ 1A. Người cựu binh chỉ chỗ này ngày xưa là lô cốt giặc đóng, chỗ kia là rào kẽm gai, kho vũ khí như mọi vật trong ngôi nhà của mình. Giờ chúng nằm ngay tại trung tâm thành phố, từng ngày xe cộ nườm nượp lướt qua nhưng ngày xưa để đi được một bước cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Mới đó mà mấy chục năm rồi. Thời gian làm mất đi nhiều thứ. Ngay cả chiếc xe tăng hùng hậu kia, chứng tích chiến tranh cũng đã hoen gỉ huống hồ con người. Chỉ có cỏ lá vẫn xanh. Ông lão nói như thế với đôi mắt đầy hoài niệm.
Đúng rồi, cỏ lá vẫn xanh trên từng mép đường, chân ruộng. Một màu xanh ngăn ngắt, non tơ. Cỏ ở đâu cũng có, chiến tranh trải dài khắp nước. Nhưng có phải cỏ xanh non tơ trong Thành cổ hay chiến trường Quảng Trị lại là một thứ khác, riêng biệt để mỗi người nhận diện?
Thế nên trong những ngày tháng Bảy, những người lính áo xanh tìm về Quảng Trị, về dòng sông Hãn, những nghĩa trang để tìm thấy mình trong từng luống cỏ xanh. Dường như dưới cỏ là một cuộc chiến đã đi vào quá vãng, trên trời mây trắng vẫn cứ bay đi.
Có phải giữa chiến tranh, hòa bình chỉ cách nhau một lớp cỏ? Dưới lớp cỏ của đất này vẫn còn nhiều vật nổ. Nó vẫn tiềm ẩn sự oan nghiệt khi chúng bới tung lớp cỏ để tự giải phóng mình. Dưới cỏ là trầm tích của đất. Lịch sử được viết nên bởi thứ trầm tích ấy để tạc nên những con người bằng xương bằng thịt dám hy sinh cho quê hương.
Nhấp ngụm cà phê Khe Sanh thơm lừng. Một thương hiệu mới được hình thành giữa những thương hiệu cà phê đã thành công. Người ta biết đến Khe Sanh qua một cuộc chiến ác liệt, làm chấn động địa cầu để giờ đây khách trời Tây uống cà phê Khe Sanh để thấy những trầm tích của đất trong đó.
Từ một bình địa hoang tàn, cỏ đã lên xanh. Bởi thế có người bảo uống cà phê Khe Sanh ngửi được mùi thuốc súng. Chẳng bao giờ tin nhưng không thể không tin.