Từ lâu, âm thanh trở thành phương tiện để con người giao tiếp, truyền tin. Thời phong kiến, chiếc tù và là một phương tiện hữu hiệu để thể hiện sự truyền đạt mệnh lệnh. Ngoài ra, chiếc kẻng, trống, khèn là những công cụ giúp con người loan báo cũng như đưa con người vào một nền nếp, quy củ khi nghe thấy để thực hiện quy định. Hay ít nhất các dụng cụ đó giúp cộng đồng sáng tạo ra thứ văn hóa thể hiện ý chí của mình. Để những công cụ phát ra âm thanh ấy trở thành nhạc điệu thì ý niệm con người cần thoát ra ngoài công dụng loan báo của nó.
Giờ thì những nhạc cụ ấy chỉ còn trong những ngôi nhà rông, đình chùa, miếu hay các ngày lễ mang đậm chất văn hóa làng xã. Duy chỉ tiếng còi xe không phải là nhạc cụ nhưng được con người sử dụng nó một cách thường nhật và xem đó như một ngôn ngữ của đường phố.
Bạn thử chạy xe máy ra đường mà xem. Chỉ mới ra đầu ngõ, một khúc cua gấp đã nghe tiếng còi inh ỏi. Khi đó bạn sẽ gặp người quen, họ chào bạn bằng tiếng còi kèm theo cái gật đầu, cười nhẹ. Hay bạn đang chạy trên phố thong dong bỗng dưng ai đó “píp píp”, bạn ngoảng mặt sang. Người đó không quen và bạn cũng vậy nhưng họ chỉ xuống dưới chân bạn, nơi có cái chân chống xe máy chưa gạt lên. Khi nhận ra thì bạn gật đầu như cảm ơn lời nhắc nhở thông qua tiếng còi điệu nghệ!
Cũng có lúc bạn kẹt xe trong giờ tan tầm. Giữa nắng nóng, bụi bặm, mùi xăng dầu nghi ngút đặc quánh trong từng centimét khối không khí thì tiếng còi lại tít lên. Người sau tít còi cảnh báo người trước tránh ra hoặc nhanh lên. Cứ thế họ lại gióng tiếng còi vô tội vạ, cứ tha hồ mà tít còi vì không mất tiền, chẳng ai buộc tội (vì đang kẹt xe). Lúc này đường phố như một sân khấu, các nhạc công trên tay ai cũng cùng một nhạc cụ là chiếc còi. Người cầm chiếc dùi điều khiển trước mặt bạn không phải là vị nhạc trưởng mà là anh cảnh sát giao thông làm việc hết mình để giải tỏa sự mắc kẹt. Một hỗn hợp âm khiến con người mệt mỏi lúc tan tầm càng thêm stress. Lúc này ai cũng cần thứ “âm nhạc” đơn giản của tâm hồn - đó là sự im lặng.
Có những người đang chạy trên đường, không chướng ngại vật, không có ai để chào cũng bấm còi để thỏa cái ước muốn đang rộn ràng, xốn xang trong lòng.
Dân mình dùng còi là thế đó. Những gì không diễn đạt được bằng lời nói thì dùng tiếng còi để đối phó. Bởi thế có những cô cậu choai choai bị cảnh sát giao thông tóm gọn bởi dùng còi một cách vô tội vạ.
Cũng là chiếc còi xe máy nhưng người dân của nước bạn Lào lại sử dụng một cách dè dặt, văn minh hơn. Thành phố của họ xe cộ rất ít khi dùng còi. Bạn sẽ ngạc nhiên hoặc nghi ngờ về những chiếc xe đó bị hỏng còi? Nhưng không, xe máy cũng như ô tô họ nhường đường cho nhau. Đã nhường đường thì chẳng cần gì đến còi để nhắc nhở nhau. Có thể do đường phố họ rộng, xe ít? Cũng có thể họ xem tiếng còi như một lời “đối thoại” chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho nhau?
Nếu chiều nay bạn ra phố, thành phố vẫn y nguyên, chẳng có gì mới nhưng khi tiếng còi xe im bặt, bạn lại tiếc, cảm thông hay vui mừng?
Lúc này bạn sẽ thấy có những thứ cần phải bỏ đi mà không tiếc.