M
ày phải chết rồi mới đúng”, mụ y tá vừa nói vừa chỉnh gì đó trên dây truyền dịch của tôi. Mụ ta không béo mà là vạm vỡ, với đôi mắt tô vẽ lem nhem cùng mái tóc nhuộm màu cam ánh đỏ kinh tởm. Khi tôi không đáp lại ngay lập tức, mụ ta liền liếc về phía tôi như để đảm bảo là tôi đã thực sự tỉnh và nhận thức được rồi. “Mày thừa biết như thế nhỉ?”, mụ ta gặng hỏi. “Mày còn sống là phúc tổ rồi.”
“Ờ... ô kê”, tôi lầm bầm. Tôi sờ tay lên phần bụng bên dưới lớp chăn rồi cau mày hỏi, “Tôi bị hôn mê hay gì à?”.
Đôi môi mỏng dính của mụ ta mím lại. “Bất tỉnh ấy hả? Không. Người ta đưa mày đến cách đây vài giờ.” Mụ ta dừng lại, chống hai tay lên hông. “Mày bị sốc thuốc.”
Tôi xoa một tay lên mặt, lắc đầu. “Đâu, tôi bị tai nạn ô tô mà”, tôi khăng khăng. “Tôi nhớ là mình bị thương.” Phải không nhỉ? “Bị chảy máu”, tôi thêm vào, thấy bớt chắc chắn hơn khi sờ soạng lên cái bụng vẫn còn nguyên vẹn lần nữa.
Mụ y tá khịt mũi thô thiển. “Người mày chả có vết xước nào cả. Chỉ tưởng tượng là giỏi.” Mắt mụ ta nheo lại ra vẻ coi thường và chê trách. Tôi đếch quan tâm. Tôi đã quen bị người khác nhìn kiểu đó rồi.
Thủy tinh, máu và kim loại. Một cơ thể nát vụn bên cạnh tôi. Răng và cơn đói. Từng miếng thịt bị xé ra...
Gáy tôi đổ mồ hôi lạnh. Chuyện đó sao có thể là ảo giác được? Ảo giác phải dị hợm, mơ hồ và lộn xộn chứ. Tôi biết thế vì đã vài lần bị ảo giác rồi.
Mụ y tá hắng giọng ra vẻ khó chịu rồi giật lấy tờ biểu đồ ở chân giường. “Cô em da trắng vô danh. Hừmmm. Cưng có nhớ họ tên không hả?” Mụ ta đảo mắt quay lại nhìn tôi và ném cho tôi nụ cười mật ngọt ác ý, chẳng có lấy một chút quan tâm thực sự nào trong đó.
“Có, tôi biết rõ cái tên chết tiệt của mình chứ”, tôi gầm gừ. “Angel Crawford.” Tôi muốn thêm vào rằng, Và bà có thể viết lại cái tên ấy bằng cây bút chì bị cắm vào đít bà ấy, nhưng rồi vẫn kìm lại được. Tôi biết là y tá có quyền năng làm cuộc đời người ta te tua hơn vốn dĩ, và rõ ràng con mụ khốn kiếp này nghĩ rằng chỉ còn cách một bước nữa thôi, tôi sẽ thành vai chính trong một show Maury Povich * đặc biệt. Con mụ già chết tiệt. Tôi á, còn phải cách ít nhất hai bước nữa nhá.
* Là chương trình truyền hình thực tế của Mỹ do Maury Povich chủ trì. Khách mời của chương trình là các cô gái trẻ được giới thiệu để kể câu chuyện về đời mình (làm gì, ăn ở đâu, yêu ai, ngủ với ai...) và quan trọng nhất, ai là cha của đứa bé. Sau đó người được cho là cha của đứa bé sẽ được gọi đến để đối chất. Cuối cùng, chương trình sẽ công bố kết quả ADN.
Mụ y tá khịt mũi như kiểu chẳng thực lòng tin tôi đủ nhanh nhạy hay tỉnh táo để biết mình là ai. “Xem trong người mày có những gì nào - THC, hydrocodone, alprazolam, codeine...” Mụ ta lép bép thêm tên vài loại thuốc dài ngoằng và rùng rợn nữa trong khi tôi quắc mắt ghê tởm nhìn mụ. Rồi mụ ném cho tôi ánh mắt chất chứa vẻ thỏa mãn ngạo mạn, treo lại tấm biểu đồ và vênh váo lạch bạch rời khỏi phòng trước khi tôi kịp đáp trả. Cũng tốt, vì điều tôi muốn nói với mụ ta sẽ phù hợp với show Jerry Springer * hơn là Maury Povich.
* Là chương trình truyền hình thực tế của Mỹ do Jerry Springer chủ trì. Chương trình này khai thác những vấn đề thực tế đến bẽ bàng trong cuộc sống của khách mời, luôn kết thúc bằng những màn ẩu đả, cãi vã giữa các khách mời cùng những màn cổ vũ động viên của khán giả.
Cơn giận của tôi teo quắt lại ngay khi mụ y tá bỏ đi, choáng ngợp bởi cảm giác bối rối và nỗi sợ hãi đến buồn nôn. Tôi nhấc chăn lên để tận mắt chứng kiến, một lần nữa, là mình vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi vật vã tìm cách lý giải mọi chuyện. Tôi nhớ là có máu. Rất nhiều máu. Có một vết rách gì đó dài ngang bụng, và tôi vẫn còn lưu giữ cái ký ức buồn nôn khi thấy một đầu xương trắng lởm chởm thò ra từ đùi, máu phun khắp mọi nơi. Nhưng giờ chẳng có gì bất thường cả. Không xây xát, không bầm tím. Da thịt trên người bình thường đến hoàn hảo. Một cơn hôn mê sẽ giải thích được chuyện đó, phải không nhỉ? Đại loại là vài tháng gì đó, đủ thời gian để tôi lành lặn trở lại.
Nhưng mà tôi cũng chẳng có vết sẹo nào.
Tôi thở dài rồi lại thả đầu xuống gối. Tôi không bị hôn mê. Mụ y tá không nói dối, cũng chẳng làm gì khiến đầu óc tôi loạn cả lên.
Không, tôi chỉ đơn giản là một kẻ bỏ đi.
Sốc thuốc. Tuyệt! Ôi chao, đây là một mức độ thấp kém mới đối với tôi. Và cũng chẳng khá khẩm gì hơn, khi việc tôi tụt xuống đến mức độ này là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được. Điều có thể gây sốc duy nhất là việc này đã chẳng xảy ra sớm hơn. Tôi không nhớ là mình đã nốc thuốc nhiều đến mức như mụ y tá lắm điều đã nói, nhưng hiện giờ chuyện tôi đang ở trong phòng cấp cứu đã đủ minh chứng cho điều đó rồi. Mụ y tá cũng chẳng thay đổi kết quả xét nghiệm của tôi làm gì. Tất cả là do chính tôi gây ra, hệt như từ trước đến giờ.
Tôi bị cảm giác suy kiệt rã rời nuốt chửng khi nhìn chằm chằm lên trần nhà ốp gạch lốm đốm. Bên kia cửa, tôi có thể nghe thấy âm thanh huyên náo của một cái cáng được đẩy ngang qua và những giọng nói cất lên với vẻ quan tâm ngắn ngủi. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Một nhân viên xã hội hay nhà tâm lý học nào đó sẽ đến và bảo rằng tôi cần phải đi cải tạo, tư vấn hay mấy trò mả mẹ như thế, đó là một gợi ý ngu xuẩn vì tôi chẳng có tiền hay bảo hiểm quái gì. Hoặc tệ hơn, tôi sẽ bị bắt giam bảy mươi hai tiếng để “đánh giá thần kinh”, vì rõ ràng tôi là mối nguy hiểm đối với chính bản thân mình, và rất có thể tôi sẽ tàn đời trong một buồng bệnh từ thiện tởm lợm nào đó. Đừng có mơ tôi sẽ chịu đựng điều đó. Lúc này tôi cảm thấy tuyệt đối bình thường, và còn rất sẵn sàng cuốn xéo khỏi nơi này.
Tôi đá chăn ra và trượt khỏi giường. Nền gạch trơn lạnh dưới đôi chân trần. Tôi cần giày và quần áo. Tôi đang mặc chiếc váy bệnh viện ngu ngốc, còn quần áo của tôi thì dính đầy máu đến nỗi nếu mặc vào, tôi sẽ thu hút mọi sự chú ý khi cố ra khỏi đây...
Tôi lắc đầu. Không, vụ máu me chỉ là một ảo giác. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy quần áo của tôi có ở trong phòng. Không có buồng thay, chỉ có một cái tủ và đống thiết bị y tế rùng rợn. Tôi đang dợm bước về phía chiếc tủ thì kịp nhớ ra bộ truyền dịch mà chỉ thêm một bước nữa, tôi sẽ vô tình giật nó khỏi cánh tay, rồi mất vài giây cố quyết định xem liệu mình có thể mang cái túi ấy theo cùng thay vì rút kim ra hay không. Tôi sợ kim tiêm kinh lên được, nhưng cứ để nguyên đấy hẳn sẽ tồi tệ hơn là tự mình rút ra. Đệch mợ, đó là lý do duy nhất khiến tôi chẳng bao giờ đụng đến những thứ thuốc mạnh hơn như heroin hay meth. Nhát chết đến mức chẳng dám cắm kim tiêm vào người để được tận hưởng cơn phê kiểu đó. Thuốc viên thì dễ dàng. Hơn nữa tôi có thể tự trấn an rằng tôi chẳng phải là con nghiện thực thụ.
Thế mà giờ tôi suýt sữa đã tự giết chết mình, chẳng khác gì bị sốc heroin.
Gạt ý nghĩ khó chịu đó ra khỏi đầu, tôi lột lớp băng dính trên cánh tay rồi nghiến răng rút kim truyền ra. Tôi chuẩn bị tinh thần trước cơn buồn nôn luôn tấn công bất cứ khi nào nhìn thấy máu, đặc biệt là máu của mình, nhưng thật nhẹ nhõm làm sao khi tôi chẳng đau đớn gì và cũng không cảm thấy nôn nao. Một giọt máu nhỏ xíu tuôn ra từ vết chích, nên tôi dùng viền váy lau đi trước khi kịp nhớ ra là đáng lẽ mình phải thấy buồn nôn mới đúng.
Có lẽ đó là lý do vì sao tôi có ảo giác về chuyện mình bị bê bết máu? Chẳng có mấy thứ khiến tôi phát hoảng đâu, ngoài chuyện đó.
Cửa phòng lại mở ra làm tôi giật thót, đánh rơi đống dây truyền với vẻ mặt đỏ bừng tội lỗi khi một y tá khác bước vào. Người này trẻ hơn mụ vừa nãy nhiều, có lẽ mới ngoài đôi mươi, với mái tóc vàng cột đuôi gà bóng mượt và kiểu gương mặt tươi tắn không trang điểm mà tôi ước gì mình cũng có. Tôi mà để mặt mộc thì trông như con chết trôi, và dù tóc tôi cũng màu vàng, nhưng thực ra là do tôi tự nhuộm lấy, cũng có nghĩa nó là một đống bùi nhùi xoăn tít, xơ xác.
Mắt cô y tá liếc sang bộ truyền dịch bị bỏ rơi, song có vẻ như cô ta chẳng bực bội gì khi thấy tôi đã tháo nó ra. “Tôi muốn đảm bảo là cô đã tỉnh táo và tươm tất”, cô ta nở nụ cười thân thiện hơn tôi trông đợi. “Có hai cảnh sát đang muốn nói chuyện với cô.”
Một cơn rùng mình khiếp sợ bắn xuyên qua tôi. “V... vì sao?”, tôi hỏi, mặc dù khá chắc chắn là mình biết lý do. Họ ở đây để tống tôi vào khám. Tay sĩ quan quản thúc tôi phát hiện ra tôi lại dùng thuốc và khoảng thời gian tạm tha của tôi đã chấm dứt. Hoặc là họ muốn tôi chỉ nơi tôi đã mua thuốc.
Hẳn tôi đã trắng bệch cả ra vì cô y tá đóng cửa lại và mỉm cười trấn an tôi. “Họ chỉ muốn nói chuyện với cô thôi.
Cô sẽ không sao đâu. Ngồi xuống đây”, cô ta nói, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết đẩy tôi xuống giường. Cô ta không bắt tôi phải nằm mà chỉ kéo chăn vòng quanh giường sao cho che hết phần người dưới và đôi chân trần của tôi. “Thế tốt hơn. Tôi biết là mình sẽ không đời nào nói chuyện được với bất kỳ loại quan chức nào trong tình trạng bán khỏa thân”, cô ta nháy mắt với tôi.
Vẻ dễ chịu không ngờ của cô ta làm tôi hơi chới với, đặc biệt là sau vẻ thù địch công khai của mụ y tá trước đó. “Quần áo của tôi đâu hết rồi?”
“Cô, ờ... cô không mặc gì cả khi được đưa vào đây.”
Ôi, mẹ kiếp. Tôi nuốt xuống thật mạnh. “Người ta lột đồ của tôi ở trên xe cứu thương à?” Chắc chắn chuyện không tệ đến mức tôi đã...
“Ơ, mấy cảnh sát tìm thấy cô bên lề đường... không mặc gì cả.” Mặt cô ta co rúm lại với vẻ cảm thông ngượng ngùng.
Cổ họng tôi thít lại. “Tôi có... ý tôi là, liệu tôi có bị...” Tôi không thể nói thành lời.
“Không!” Cô ta trợn tròn mắt, lắc đầu dứt khoát. “Không đâu, bác sĩ, ờ, đã kiểm tra rồi. Cô không bị cưỡng hiếp.”
Tôi chùi mặt và cố kìm để không bật khóc. Sốc thuốc và trần truồng bên lề đường. Chuyện càng lúc càng hay hơn rồi. Và thậm chí tôi còn chẳng phải là nạn nhân của một tội ác nào đó, mà chỉ là một đứa rác rưởi phê thuốc ngu xuẩn.
Cô y tá hắng giọng ra vẻ quan tâm rồi mạnh mẽ xoa lên cánh tay tôi. “Thoải mái đi nào. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Mấy thám tử này muốn nói với cô đôi lời, rồi cô sẽ sẵn sàng ra khỏi đây thôi.” Cô ta quay người rời đi trước khi tôi có thể nặn ra bất kỳ câu trả lời mạch lạc nào.
Phải. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, tôi thầm nghĩ trong tiếng cười chua chát. Cô ta đâu có biết. Cô ta không thể nào hiểu được tại sao tôi lại khiếp sợ.
Tôi không phải ngâm mình trong nỗi sợ hãi lâu cho lắm. Cánh cửa sập lại sau lưng cô y tá tóc vàng chẳng được mấy chốc thì lại mở ra, rồi hai cảnh sát bước vào. Nhưng họ không phải là những sĩ quan quản thúc hay cảnh sát ma túy. Điều đó làm tôi mừng rơn. Ít nhất tôi cũng khá chắc chắn họ không phải cảnh sát ma túy. Hội kia thường mặc quần jean áo phông, nhưng hai gã này lại mặc sơ mi thắt cà vạt.
Gã đầu tiên bước vào là một tay vạm vỡ, cao ít nhất mét tám và chắc nịch với vòng hai hơi phát phì. Mái tóc nâu vàng cùng bộ ria mép lôi thôi lếch thếch. Gã thứ hai thì không cao bằng nhưng lại to lớn theo kiểu cơ bắp. Gã này không có chút mỡ thừa nào. Tôi có thể khẳng định là gã có tập tành, và còn tập cật lực nữa. Gã có mái tóc đen, mắt đen, cùng một vẻ mặt đen tối chẳng kém. Cả hai đều mang theo súng, phù hiệu và gài còng ở thắt lưng.
Nói cách khác, chỉ bằng việc bước vào phòng thôi, hai gã đó đã khiến tôi, con bà nó, sợ khiếp vía.
“Cô Crawford”, gã vạm vỡ lên tiếng, “tôi là thám tử Ben Roth, còn đây là thám tử Mike Abadie”. Gã hất đầu về phía gã tóc đen. “Chúng tôi đến từ Sở cảnh sát St. Edwards, và sẽ rất lấy làm cảm kích nếu cô có thể dành vài phút trả lời mấy câu hỏi của chúng tôi.”
“Tôi có cần luật sư không?”, tôi thốt lên. Hai gã nọ liếc nhanh sang nhau. Ôi tuyệt quá. Cách mở đầu quá ngon. Giờ thì tôi giống như đứa có tội rồi.
“Chuyện đó hoàn toàn tùy thuộc vào cô, cô Crawford”, thám tử Roth nói. “Nhưng chúng tôi chỉ đến để xem liệu cô có chứng kiến điều gì có thể giúp chúng tôi xử lý một vụ phạm tội. Lúc này cô chưa bị liệt vào diện khả nghi.”
Vẻ mặt gã vẫn nghiêm trọng nhưng đôi mắt thì tử tế. Ít nhất tôi cũng muốn tin như thế. Gã thám tử kia thì trông như kiểu đeo một bộ mặt cau có bất diệt. Có lẽ họ đang định chơi trò cớm hiền cớm ác với tôi đây. Như thế chắc cũng có tác dụng. Tôi luôn bị đốn hạ trước cái trò chiến tranh tâm lý chết tiệt ấy. Đặc biệt là khi tôi thấy hoang mang và căng thẳng. Như bây giờ chẳng hạn.
Tay tôi túm chặt lấy tấm chăn. “Ừ, được thôi. Phạm... ờ, phạm tội gì?”
Thám tử Abadie hắng giọng. “Cô được tìm thấy trên đường Sweet Bayou ngay bên ngoài xa lộ 180.” Môi gã mím lại với nhau và tôi có thể thấy vẻ nhạo báng trong mắt gã, giống như điều tôi thấy vừa nãy trong mắt của mụ y tá tóc đỏ.
Có lẽ gã không biết vì sao tôi lại ở đây, vì luật riêng tư hay cái quái quỷ gì đó, nhưng chắc như bắp là gã có nghi ngờ.
“Ừ”, tôi nói, cố hết sức bình sinh để không rúm người lại trước ánh mắt của gã. “Nếu anh nói vậy.”
“Cũng khoảng thời gian đó”, gã tiếp tục, ánh mắt khắc nghiệt và dứt khoát, “một cái xác được tìm thấy trên đường Sweet Bayou cách đó vài dặm. Bị mất đầu”.
“C... cái gì?” Tôi kinh hoàng trố mắt nhìn gã thám tử. “‘Bị mất đầu’. Nghĩa là đầu của cái xác ấy bị cắt bỏ”, gã giải thích, giọng điệu vô cùng kẻ cả.
Một cơn giận bộc phát tìm được cách tiêu hủy phần lớn nỗi kinh hoàng và sợ hãi đã chế ngự tôi cho đến lúc này. “Tôi biết ‘bị mất đầu’ có nghĩa là gì”, tôi cau có đáp trả. “Nhưng tôi chẳng biết gì về chuyện này. Chắc cú là tôi không gây ra chuyện đó!” Hai gã thám tử lại nhìn nhau chớp nhoáng và một mảnh sợ hãi quay lại với tôi. “Không phải mấy người nghĩ là tôi đã gây ra đấy chứ?”
Thám tử Roth dứt khoát lắc đầu. “Cô Crawford, lúc này cô chưa phải là nghi phạm. Tuy vậy, ngay bây giờ cô là nhân chứng duy nhất mà chúng tôi có. Bất kỳ điều gì cô có thể nhớ được đều có khả năng sẽ hữu ích.”
Tôi nuốt xuống. Lúc này. Gã thám tử cứ nói thế mãi. Nói cách khác là chắc chắn tôi không được loại trừ, mặc cho tôi biết thừa là mình chẳng đời nào lại đi chặt đầu người khác cả, dù lúc đó tôi có phê đến cỡ nào.
Vậy sao tôi lại nhớ là có máu...?
Tôi run rẩy hít vào. Không. Không đời nào. Tôi không phải là kẻ sát nhân. “Đường Sweet Bayou à?” Tôi hỏi, lảng đi để có thời gian sắp xếp lại các ý nghĩ thành thứ gì đó thay vì một đống rối như mớ bòng bong.
“Đó là nơi người ta tìm thấy cô”, thám tử Roth kiên nhẫn nói. “Cô nhớ được gì?”
“Tôi... không biết.” Nếu đi theo đường cao tốc từ chỗ tôi sống thì chỉ năm phút là đến đường Sweet Bayou, nhưng chẳng có gì nhiều ở đấy cả. Có vài trại câu cá nằm gần cuối đường, vài dặm xuyên qua đầm lầy còn lại rất hoang vắng và khúc khuỷu. “Ý là, tôi đã ở quán bar Pillar với bạn trai. Bọn tôi cãi nhau và...” Tôi dụi mắt, những hình ảnh hồi tưởng ảo giác kỳ cục cứ chập chờn trong đầu.
Máu và cảm giác đau đớn... Có lẽ mình đang chết. Không, mình đã chết. Nhưng rồi mình thấy đói. Đói chết mất...
Tôi lại run rẩy hít vào. “Sau đó tôi ở ngoài đường và có một chiếc xe cứu thương...”
Mình đã cãi nhau với đội cứu hộ sau khi họ đưa mình vào xe cứu thương, cầu xin được ăn thứ gì đó vì mình đói điên lên được. Có lẽ đó là lý do giúp mình không bước vào vùng sáng trắng ngu ngốc. Có lẽ mình biết sẽ chẳng có gì ăn được ở chỗ ấy.
“Hẳn tôi đã bất tỉnh.” Tôi nhìn lên hai gã thám tử. “Sau đó tôi tỉnh dậy ở nơi này. Rất tiếc.”
Không đau đớn. Không đói. Không manh mối gì.
Thám tử Abadie khịt mũi bực bội. “Tại sao cô lại ở ngoài đó?”
“Tôi không biết”, tôi nói. “Chắc là tôi đang cố cuốc bộ về nhà.” Cuốc bộ từ quán bar về nhà chắc chắn sẽ được xếp hạng là một trong những trò ngu xuẩn hơn nữa mà tôi từng làm trong đời. Nói cách khác, chuyện đó hoàn toàn có thể tin được. Và đâu đó trên đường đi tôi đã quyết định lột quần áo. Chắc chắn phải là trong một cơn phê vật vã.
Thám tử Roth thọc mạnh một tay qua mái tóc, rõ ràng là đang cáu kỉnh. “Angel, tôi muốn cô nhớ lại thật kỹ. Cô có nhìn thấy ai không? Có chiếc xe nào không? Ai đó đi bộ trên đường?”
“Tôi rất tiếc”, tôi vừa lẩm bẩm vừa so vai. “Tôi chẳng thấy ai cả.”
Vẻ mệt mỏi và thất vọng hằn sâu trên gương mặt thám tử Roth. “Được rồi, cô Crawford. Nếu cô nhớ ra gì đó, bất cứ điều gì, xin hãy gọi ngay cho tôi.” Gã lôi ra một tấm card visit rồi đưa cho tôi.
“Ừ, dĩ nhiên”, tôi nói, ngoan ngoãn cầm lấy tấm card. Miệng thám tử Abadie mím lại với vẻ chua chát. “Thôi nào Ben”, gã lẩm bẩm, “Ta đang phí thời gian đấy”. Gã quay người và vênh váo đi ra. Tôi thậm chí còn không thể cảm thấy bực bội trước phản ứng của gã. Tôi đã làm bọn họ phí thời gian.
Thám tử Roth thở hắt ra nhưng vẫn mỉm cười mệt mỏi với tôi. “Cảm ơn vì đã nói chuyện với chúng tôi, cô Crawford”, gã nói. “Hy vọng cô sẽ khỏe hơn.” Thế rồi cả gã này cũng ra khỏi cửa và một lần nữa, tôi còn lại một mình trong phòng.
Tôi thả tấm card vào thùng rác, kiệt sức và chán chường. Ngày hôm nay không thể tồi tệ hơn được.
Cô y tá tóc vàng lại xuất hiện, lần này mang theo một thùng lạnh và một túi giấy đựng thực phẩm to bự rồi đặt lên giường, ngay cạnh tôi. “Cái này được để lại ở phòng y tá, là gửi cho cô”, cô ta nói, mỉm cười rạng rỡ. “Có vẻ như cô sẽ không phải về nhà trong bộ đồ bệnh nhân đâu! Tôi sẽ đi chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ cho cô và ngay khi mặc quần áo xong, cô có thể ra khỏi nơi này.”
Cô ta ra khỏi phòng, đóng cửa lại sau lưng trước khi tôi kịp cất lời.
Tôi nhìn chằm chằm cánh cửa đóng kín trong nỗi hoang mang, rồi nhìn sang các thứ trên giường. Cái thùng lạnh là loại mini bằng nhựa, đủ lớn để chứa sáu lon bia. Tôi mở ra và thấy sáu chai Frappuccino. Ít nhất ban đầu tôi nghĩ là vậy. Cùng là loại chai mà người ta đựng thứ cà phê ấy, còn thứ bên trong có màu nâu đục. Nhưng chẳng có nhãn hiệu gì trên mấy cái chai và có ít lớp cặn vón cục màu hồng hồng dưới đáy.
Cái quái gì thế này?
Tiếp theo tôi kiểm tra túi đựng quần áo. Một chiếc quần dài kiểu thể thao, một cái áo ngực thể thao, đồ lót, một áo phông xanh đơn giản và mấy chiếc dép tông - tất cả những thứ có thể mua nếu người ta không biết chắc kích cỡ của người mặc. Tôi gầy trơ xương, kiểu chẳng có ngực, cũng chẳng cơ bắp gì. Miễn sao cái quần có dây rút ở thắt lưng là tôi mặc được ngon ơ. Ở đáy túi là một phong bì và tờ hai mươi đô với mẩu giấy dán nhỏ có in chữ “tiền taxi” ngay ngắn ở trên.
Lại nữa, cái chết tiệt gì thế này? Phản ứng đầu tiên của tôi là nổi cáu. Tôi cóc cần ai giúp đỡ cả. Tôi tự lo cho mình, vì thẳng tưng mà nói, dựa dẫm vào người khác có nghĩa là đứng bên ngoài một ngôi trường cấp hai khóa kín hết sạch người vào lúc sáu giờ và bảo với bà Robichaux rằng, Không đâu, thật đấy, mẹ cháu sẽ đến ngay thôi và cháu không cần đi quá giang đâu trong khi: a) Kerrie Robichaux, đứa có nhiều bài kiểm tra chính tả đạt 100 điểm đang nhìn tôi qua cửa sổ xe theo cái kiểu mà tôi chắc chắn có ý muốn nói rằng, Đừng có mơ đến chuyện vác cái đít bẩn thỉu của mày vào ghế sau của chiếc xe đẹp đẽ này, và b) Mẹ thì đang tiện thể quên béng là tôi có tồn tại, vì cuộc đời của mẹ thì ngon lành hơn rất rất nhiều trước khi bị chất lên vai một đứa nhỏ và phải làm những công việc buồn tẻ, như là đón nó từ trường về và đảm bảo nó có quần áo cùng tất sạch đồng bộ với nhau.
Tôi tự lo cho mình bởi tôi rút ra được rằng mọi thứ tốt hơn khi mẹ không nhớ việc có tôi ở bên. Và kể cả sau khi mẹ đã qua đời thì tôi vẫn tự lo cho mình vì bố không thể làm một người cha, mà thay vào đó là ngồi ở quán bar Kaster, nhớ lại những ngày khi cuộc sống của bố còn đơn giản, vợ bố thì thú vị và bố vẫn còn làm việc ở giàn khoan dầu.
Nhưng tôi lại đang trần trùng trục, chậc, nếu không tính đến cái váy của bệnh viện. Và tôi không thể tự xoay xở chuyện đó nếu không có người giúp, mặc dù tôi sẽ chết toi nếu có thể luận ra người nào lại bận tâm làm điều này cho mình. Người duy nhất xuất hiện trong đầu là kẻ được cho là bạn trai của tôi, Randy, nhưng tôi không thể hình dung ra Randy đưa tiền cho tôi để đi taxi khi mà anh ta có thể đến đón tôi về. Thêm nữa, anh ta biết tôi mặc đồ cỡ mấy.
Tôi xé phong bì ra và đọc lá thư. Sau đó tôi đọc lại lần nữa, vì nó vô lý đùng đùng khi mới đọc qua lần đầu tiên.
Angel,
Bảo quản cẩn thận thứ ở trong thùng lạnh vì nó sẽ giúp cô qua được một hai tuần tới. Một điều rất quan trọng: Mỗi ngày uống một chai, bắt đầu từ ngày mai, nếu không cô sẽ bắt đầu thấy yếu dần. Nhớ lắc đều lên trước khi uống nhé.
Có một công việc đang chờ cô ở Viện Kiểm thi. Họ đang khuyết một chỗ cho tài xế xe tải và mọi thứ đã được thu xếp xong xuôi. Hãy đến văn phòng vào chín giờ sáng mai để hoàn thiện giấy tờ và bắt đầu làm việc.
Giờ, đây là thỏa thuận: Cô sẽ nhận công việc này, và sẽ làm ở đó ít nhất một tháng. Nếu cô bỏ việc hay bị sa thải trước khi hết thời hạn một tháng, sĩ quan quản thúc của cô sẽ biết tin trong người cô có thuốc kích thích khi được đưa đến bệnh viện, và cô sẽ phải vào tù vì phạm luật trong thời gian thử thách. Và nếu vào tù, chắc chắn cô sẽ chết rục trong đó sau vài tuần. Đây không phải lời đe dọa. Mà là cảnh báo. Tôi sẽ giải thích, nhưng chẳng đời nào cô tin tôi đâu. Dần dần cô sẽ hiểu ra.
Chúc may mắn.
Đấy xem, tôi cười khổ thầm nghĩ. Ngày hôm nay lại vừa mới tồi tệ hơn rồi.
Trong nỗi hoang mang và hoài nghi, tôi nhìn chằm chằm xuống lá thư. Mẹ tôi vào tù khi tôi lên mười hai và qua đời khi vẫn còn trong nhà giam, vào ngày tôi lên mười sáu. Chuyện đó đã xảy ra hơn năm năm. Thế rồi năm ngoái, tôi đã ngớ ngẩn hơn thường lệ khi mua một con Toyota Prius gần như còn mới với giá năm trăm đô từ một gã mà Randy quen. Một tuần sau đó, tôi bị chặn đường và bắt giam vì tội sở hữu tài sản bị ăn cắp. Ừ, chiếc xe “vớ bở” của tôi đã bị đánh cắp hai tuần trước đó ở New Orleans. Nhưng phần tệ hại nghiêm trọng là tôi nói chung cũng đã nghi ngờ nó không phải là hàng hợp pháp, nhưng vẫn cứ đâm đầu vào và đưa tiền cho gã kia, quá háo hức về vụ giao dịch ngon ăn mà mình đang có và tin rằng mình sẽ không bị bắt.
Quả là đầu óc bã đậu. Tôi đã mất hai ngày sợ vỡ mật trong một gian xà lim trước khi có thể tìm được người bảo lãnh cho mình, rồi may mắn vô cùng tận khi nhận bản án ba năm tù treo và được tạm tha để thử thách.
Tôi đọc lại lá thư lần nữa, tay run lẩy bẩy. Tôi tưởng mình đã tránh được một viên đạn trong chuyến viếng thăm của hai gã thám tử, nhưng giờ là một viên khác ngay sau vụ kia, sẵn sàng đâm xuyên qua tôi. Tôi không muốn vào tù lần nữa, cũng không muốn kết thúc như mẹ và chết ở đó. Nhưng tại sao tôi lại chết trong vòng vài tuần chứ? Tất cả chuyện này là sao? Có thể ai đó hận thù tôi hiện đã ở trong tù rồi chăng? Trong đời mình tôi đã làm bao nhiêu người khó chịu rồi, nhưng theo như những gì tôi biết thì chẳng có ai căm ghét tôi đến nỗi muốn giết quách tôi đi cho rồi.
Tôi lật lá thư lại, tìm kiếm bất kỳ manh mối nào về người đã gửi nó. Lá thư được in trên giấy trắng đơn giản và phong bì là kiểu màu trắng thông thường. Không có chữ ký. Không có dấu bưu điện. Chẳng có gì hợp lý trong chuyện này. Tôi không thể nghĩ ra ai lại bận tâm đến nỗi tìm việc làm cho tôi, chứ đừng nói đến chuyện dọa tôi vào tù để đảm bảo tôi phải giữ công việc ấy.
Tại sao lại là nhà tù? Tại sao không phải là trại cải tạo?
Vì nhà tù là lời đe dọa ghê gớm hơn, tôi nhận ra như vậy. Trại cải tạo cũng kinh rồi, nhưng nhà tù thì... Kẻ nào đó gửi những thứ này chắc chắn phải biết rằng nhà tù làm tôi sợ mất mật.
Tôi đọc lá thư thêm một lần nữa rồi hít vào thật sâu, và bắt đầu mặc quần áo trong khi những ý nghĩ tiếp tục lộn nhào. Đâu phải tôi được sinh ra để làm một kẻ bỏ đi. Mỗi sáng tôi đâu có tỉnh dậy và nói, “Này, hôm nay có thể làm gì để hủy hoại cuộc đời đây nhỉ?”. Nhưng có vẻ như vũ trụ được dựng lên để chống lại tôi và hầu hết thời gian, dường như dù tôi có cố gắng đến cỡ nào thì cũng không quan trọng gì, vì rõ ràng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp may mắn.
Có điều... có điều lá thư này không phải là chuyện hai gã cớm ghê gớm thẩm vấn tôi về một vấn đề mà tôi chẳng biết cái cóc khô gì. Mà đây là một lời đe dọa khủng khiếp kẻ nào đó đang treo trên đầu tôi, kẻ dường như cũng đủ điên khùng khi mà có tí ti quan hoài đến tôi, và cho tôi cái cơ hội tôi vẫn luôn bảo là mình muốn có. Tôi. Đứa con gái chẳng ra gì. Nếu công việc này có thật mà tôi thậm chí còn chẳng thử xem sao thì ngay lập tức tôi sẽ quay lại là một đứa gây chuyện hạng A. Nhưng kẻ quái nào lại làm điều này vì tôi nhỉ?
Tôi có cảm giác rằng cách duy nhất có thể tìm ra ai đứng đằng sau toàn bộ chuyện này là tôi phải nhận lấy công việc ngu ngốc kia.
Lái xe tải trong một tháng. Chuyện đó thì có thể khó khăn đến đâu cơ chứ?