Khoảng thời gian học sinh trung học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng chính là khoảng thời gian các phụ huynh lo lắng, loay hoay nghĩ cách chọn trường cho con em họ. Mỗi năm, vào khoảng thời gian này, tôi luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại và email từ bạn bè, người thân nhờ tôi cho lời khuyên về vấn đề này.
Câu hỏi tôi thường nghe nhất là tại sao nhiều người tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm. Tôi giải thích với họ rằng ngày nay bằng đại học KHÔNG còn là tấm giấy thông hành, giúp sinh viên ra trường đảm bảo có việc làm; đặc biệt với bối cảnh xã hội, môi trường kinh tế - chính trị liên tục biến động và thị trường thay đổi nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây.
Để có thể giữ thăng bằng trước tình hình hiện tại, tôi cho rằng các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ và thảo luận với con cái, giúp các cháu nhận thức được rằng giáo dục đại học không phải một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng và thư thái mà là một cuộc chiến cần tới sự đầu tư thời gian, tiền bạc và đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân.
Có một nghiên cứu đã khảo sát khoảng 60.000 sinh viên đại học, những người tốt nghiệp từ năm 2005 tới năm 2010. Tác giả hỏi những người đã tốt nghiệp này một câu hỏi đơn giản: “Giả sử bạn được quay trở lại khoảng thời gian bạn vừa bước chân vào trường đại học, bạn muốn thay đổi điều gì để có thể đạt được nhiều thành công hơn trong hiện tại?”.
Trên 72% người đã tốt nghiệp nói họ sẽ cẩn thận hơn khi chọn lĩnh vực học tập trong trường đại học vì đây chính là yếu tố giúp họ định hướng tương lai. Nhiều người bày tỏ sự hối tiếc vì khi đó họ hoàn toàn không ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc lập kế hoạch nghề nghiệp hay nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng của thị trường việc làm; mà mù quáng đi theo “niềm tin sai lầm”, rằng chỉ cần có bằng đại học là họ có thể tìm được việc làm tốt.
Khoảng 68% người đã tốt nghiệp nói rằng họ sẽ tập trung cũng như chủ động nhiều hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội và thu thập kinh nghiệm làm việc thông qua các đợt thực tập mùa hè và thực tập cuối khóa; 54% nói rằng họ sẽ bắt tay vào quá trình tìm kiếm việc làm sớm hơn, ngay trong năm thứ tư thay vì đợi cho tới khi tốt nghiệp xong; 48% bày tỏ rằng họ chắc chắn sẽ học thêm và lấy bằng bổ sung liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin để hỗ trợ cho nghề nghiệp tương lai của họ; và 36% nói rằng họ sẽ chọn một trường đại học khác.
XÁC ĐỊNH LĨNH VỰC HỌC TẬP PHÙ HỢP
Trước khi vào đại học, bạn cần biết hệ thống giáo dục và đào tạo có nhiều lĩnh vực học tập/chuyên ngành khác nhau. Bạn có quyền CHỌN LỰA nhưng bạn phải cân nhắc và chọn lựa thật cẩn thận.
⇒ Bạn phải đặt mục đích thông qua câu hỏi “Điều tôi muốn học là gì?” cũng như lên “kế hoạch nghề nghiệp tương lai” cho riêng mình nhằm xác định phương hướng và có động lực để phấn đấu.
⇒ Bạn phải tìm hiểu và nắm bắt cách thức để hoàn thành và đạt được mục tiêu của bạn; đồng thời không ngừng tự hỏi bản thân, rằng “Những chướng ngại tôi phải vượt qua để đạt được kế hoạch của mình là gì?”.
⇒ Trong trường hợp lĩnh vực học tập/chuyên ngành mà bạn chọn KHÔNG giúp bạn đạt mục đích nghề nghiệp, bạn phải tự hỏi: “Mình có nên chọn lĩnh vực học tập/chuyên ngành này không hay nên chọn một lĩnh vực học tập/chuyên ngành khác tốt và thực tế hơn?”.
CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG GIỐNG NHAU
Với một số sinh viên và phụ huynh, phần lớn các trường đại học đều như nhau. Nhiều người cho rằng mọi trường đại học đều cung cấp bằng cấp và chất lượng đào tạo tương tự nhau. Nhưng trong thực tế, bên cạnh các trường đại học nổi tiếng có chương trình đào tạo và giảng viên chất lượng cao, còn tồn tại các trường đại học trung bình với chương trình đào tạo nghèo nàn và giảng viên kém cỏi. Tất nhiên, không dễ để phân biệt chất lượng các trường khi chưa có bảng so sánh chuẩn.
Ở Mỹ, hầu hết phụ huynh và sinh viên đều dựa vào danh tiếng và xếp hạng đại học từ các nguồn như U.S News và World Report, hoặc tham khảo bảng xếp hạng của tạp chí Times hay Forbes. Một trong những tiêu chí phân biệt then chốt khi chọn trường là chương trình đào tạo “được cập nhật thường xuyên nhất” và số người tốt nghiệp tìm được việc làm liên quan tới lĩnh vực học tập của họ.
CHUẨN BỊ TINH THẦN ĐỂ BƯỚC VÀO ĐẠI HỌC
Sinh viên thường bày tỏ với tôi rằng họ không chắc, họ cũng không biết họ có thực sự đam mê ngành nghề mà họ đang theo học không? Hay liệu họ có thể vượt qua mọi chướng ngại để hoàn thành chương trình đào tạo đại học không? Tất nhiên, đó là nhiều điều sinh viên cần hỏi và nên hỏi thật nhiều trước khi bước chân vào trường đại học. Không ai có đủ sự trải nghiệm để trưởng thành và biết điều mình thực sự muốn là gì khi còn là học sinh trung học. Đây cũng chính là lý do phụ huynh nên tham gia tư vấn, khuyến khích và cung cấp thông tin hỗ trợ con cái vì chính các bậc phụ huynh mới có đủ khả năng để tìm hiểu tình hình thực tế và nhu cầu hiện tại của thị trường việc làm.
Phần lớn chướng ngại đều ở trong tâm trí của sinh viên. Nếu họ nghĩ lập trình là khó thì họ sẽ không học môn lập trình; nếu họ nghĩ toán là khó thì họ sẽ né tránh không học toán… Tình trạng này lặp đi lặp lại trong rất nhiều thế hệ sinh viên. Kỳ lạ ở chỗ chỉ cần sinh viên dám đối diện với nỗi sợ hãi của mình, sẵn lòng nỗ lực để cải thiện tình hình, phần lớn đều thành công. Đây là lý do tại sao sinh viên cần xây dựng mối quan hệ tốt với các giảng viên trong trường. Các giảng viên có tâm luôn sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ cho bất kỳ sinh viên nào, chỉ cần họ sẵn sàng cố gắng và chăm chỉ hơn.
Học đại học chính là khoảng thời gian để chuẩn bị cho tương lai của bạn. Xin hãy tìm hiểu và nghiên cứu mọi tình huống, khả năng có thể phát sinh trước khi bước vào đại học. Kinh nghiệm của những người đi trước luôn luôn có ích. Sinh viên có thể chủ động đề nghị phụ huynh tham khảo các mối quan hệ sẵn có hoặc trực tiếp đến trường đại học nơi bản thân muốn thi vào và đề nghị các anh chị sinh viên giúp đỡ, cho lời khuyên. Hãy học tập bằng một thái độ đúng. Không ngần ngại và đừng bao giờ để mình bị đánh bại bởi cảm giác “sợ hãi” chính là chìa khóa quan trọng giúp sinh viên đối mặt với mọi vấn đề có thể phát sinh trong môi trường đại học. Hãy chuẩn bị tốt tinh thần trước khi bước vào đại học.