Chọn trường đại học là quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng tới tương lai của bạn trong nhiều năm liền. Tôi cho rằng bên cạnh lời khuyên của bố mẹ, lời khuyên của bạn bè cùng những suy tính liên quan đến vấn đề chi phí, các bạn nên cân nhắc đến một số yếu tố sau:
Uy tín của chương trình đào tạo chuyên ngành: Một số trường đại học chuyên cung cấp chương trình đào tạo chuyên ngành trong một số lĩnh vực. Họ có uy tín và danh tiếng trong ngành/nghề liên quan đến chuyên ngành đào tạo “mũi nhọn” của trường. Các công ty hàng đầu bao giờ cũng thích tuyển các sinh viên xuất thân từ trường tốt, được đánh giá cao. Không những thế, uy tín và danh tiếng của trường còn giúp thu hút các giáo sư giỏi cũng như những “cơ hội hợp tác” liên quan đến thế mạnh của trường. Bạn nên cân nhắc và kiểm tra thật kỹ thông tin về các trường từ nhiều nguồn để chọn cho mình một môi trường học tập tốt, đồng thời cũng là cách để làm đẹp hồ sơ khi đi xin việc.
Quy mô của trường: Các trường đại học thoạt nhìn tưởng giống nhau nhưng thực tế quy mô thường khác nhau. Trường lớn có thể khiến sinh viên mới vào trường bỡ ngỡ với nhiều thủ tục phức tạp. Trường nhỏ có thể thân thiện nhưng đôi khi bị giới hạn năng lực về nhiều mặt.
Trong trường hợp bạn là người có tính cách độc lập, trường lớn là chọn lựa tốt. Trong trường hợp bạn là người có tính cách rụt rè và cần cảm giác gần gũi, trường nhỏ sẽ cung cấp nhiều sự giúp đỡ hơn, thân thiện hơn trong đào tạo. Mặt khác, các bạn cũng cần phải lưu ý rằng các trường lớn thường có nhiều hoạt động đa dạng, nhiều môn học, nhiều chương trình xã hội hơn với sĩ số lớp đông hơn, cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với các giáo sư sẽ ít đi.
Một số sinh viên thích trường nhỏ, một số thích trường lớn tùy theo cá tính của từng người. Quy mô của trường cũng là một trong số những yếu tố cần cân nhắc trước khi quyết định chọn trường.
Các hoạt động xã hội của trường: Đại học không chỉ là nơi để sinh viên thu thập tri thức và phát triển kỹ năng mà còn là nơi để sinh viên tích lũy kinh nghiệm và phát triển cá nhân nữa. Bạn nên cân nhắc đến khía cạnh xã hội và các hoạt động bên ngoài chương trình đào tạo chuyên môn của trường.
Lĩnh vực học tập hoặc chuyên môn bản thân cần theo đuổi: Trước khi chọn trường, các bậc phụ huynh cũng như giáo viên hướng nghiệp cần hỗ trợ và giúp sinh viên ý thức được tầm quan trọng của việc “lập kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai”. Thông qua đó, xác định chuyên ngành và lĩnh vực học tập phù hợp với bản kế hoạch này.
Lựa chọn SAI chuyên ngành hoặc lĩnh vực học tập có thể gây ra nhiều vấn đề. Trong trường hợp bạn cảm thấy không chắc lắm, hãy tìm cách để tới tham quan và dự một số lớp trước khi ra quyết định. Nói chuyện với các giáo sư và sinh viên trong trường để hình thành ý niệm cá nhân về chuyên ngành/lĩnh vực.
Đam mê với ngành nghề bản thân chọn: Bạn cần phải có đam mê với ngành nghề mà bạn chọn. Trước khi trở thành một sinh viên giỏi rồi dần dần trở thành một người có chuyên môn giỏi, bạn cần phải yêu thích công việc mà bản thân dự định sẽ gắn bó suốt đời. Có lý tưởng riêng, chỉ khi đó bạn mới có thể không ngừng phấn đấu nhằm xây dựng sự nghiệp hướng tới mục đích làm lợi cho xã hội và kỳ vọng nhận được sự thừa nhận của cộng đồng. Hãy nhớ, bạn chỉ học trong trường vài năm nhưng bạn sẽ phải làm việc trong ngành nghề bạn chọn nhiều năm sau đó.
Cuối cùng, tôi cho rằng bạn không nên vội quyết định và lên kế hoạch tài chính với phụ huynh khi chưa trực tiếp tới thăm ngôi trường mà bạn muốn thi vào. Bạn nên nói chuyện với sinh viên ở đó để có thêm các dữ kiện cần thiết về trường, xem liệu đây có phải là ngôi trường phù hợp với bạn hay không. Hãy nhớ, đấy là nơi bạn sẽ phải gắn bó trong suốt một khoảng thời gian học tập dài và vất vả. Không nên tùy tiện quyết định để rồi sau đó phải trả giá bằng nhiều phí tổn, thời gian và cả cảm xúc tiêu cực trong suốt những năm miệt mài trên giảng đường đại học.
CÓ NÊN CHỌN NGÀNH CHỌN NGHỀ MÌNH THÍCH?
Lời khuyên thông thường mà nhiều người sẽ nói là: “Lựa chọn lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành mà bạn thích. Hãy học thứ mà bạn muốn”. Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung thêm một lời khuyên thực tế: “Và hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm sống bằng nghề đó”.
Thanh niên thường lựa chọn lĩnh vực học tập dựa trên nhiều yếu tố nhưng phần lớn KHÔNG chú ý tới tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Họ không biết lĩnh vực nào hiện đang có nhu cầu nhân lực cao, cũng không biết khu vực nào đang tăng trưởng với nhiều tiềm năng phát triển.
Thanh niên ít khi tính tới việc “liệu lương bổng nhận được trong ngành/nghề này có đủ để chu cấp cho cuộc sống tương lai” của họ hay không. Thậm chí có nhiều thanh niên còn cố gắng thuyết phục bạn bè chọn học cùng lĩnh vực mà họ chọn, trong khi không nhận ra rằng khi vào đại học mọi thứ sẽ thay đổi và phần lớn tình bạn ở trường trung học sẽ không còn như trước khi bước vào đại học. Bạn không nên để bạn bè ảnh hưởng tới quyết định riêng của bạn. Lựa chọn của bạn là tương lai của bạn, là cuộc sống của bạn, không phải của họ.
CÓ NÊN CHỌN NGÀNH NGHỀ MÀ PHỤ HUYNH MONG MUỐN?
Ngày nay các bậc phụ huynh thường quá bận rộn. Họ không có thời gian để nghiên cứu thị trường việc làm, cũng không nhận thức đủ tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho con trẻ. Thật nguy hiểm khi các bậc phụ huynh dung túng và tạo cơ hội cho thanh niên đẩy hết mọi trách nhiệm liên quan đến việc chọn lựa tương lai cho bản thân lên vai bố mẹ. Khi họ thất bại, họ đổ lỗi và cho rằng bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của họ.
Hiện tượng này khiến cho phần lớn sinh viên ra trường trở nên ỷ lại và bị động đến mức không có khả năng để tự lo liệu và xử lý vấn đề của bản thân. Có rất nhiều sinh viên thậm chí còn không biết cách chuẩn bị hồ sơ xin việc làm, cũng không có kỹ năng tối thiểu để thích ứng với công việc để rồi bị đào thải, trở thành phần tử thất nghiệp, không có ý chí, không có tương lai.
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM
Từ năm 2010 cho tới năm 2020, mức lương cao nhất và việc làm tốt nhất thuộc về các ngành như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Trong khu vực khoa học có: y, dược và chăm sóc sức khỏe. Trong khu vực công nghệ có: công nghệ thông tin (khoa học máy tính, kỹ nghệ phần mềm và quản trị thông tin), công nghệ sinh học và công nghệ nano. Trong khu vực kỹ thuật có: kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu. Trong toán học có: kê khai, kế toán, thống kê và toán học ứng dụng.
Theo những báo cáo này, các lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, bán hàng và tiếp thị (marketing) vẫn còn phát triển nhưng không tăng trưởng nhanh như vài năm trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Do cung “từ các trường đại học” quá nhiều so với “thực tế của thị trường” khiến mức độ cạnh tranh trong môi trường làm việc của các ngành này ngày càng dữ dội; đồng thời mức lương cũng sẽ không tăng nhiều trong vài năm tới.