ĐIỀU NGƯỜI MỚI TỐT NGHIỆP CẦN BIẾT
Theo một điều tra công nghiệp toàn cầu năm 2012, nhiều người tốt nghiệp đại học không có đủ hành trang cũng chưa sẵn sàng để gia nhập thị trường lao động như họ tưởng. Cuộc điều tra này cho thấy chỉ có 55% người tốt nghiệp “bằng cách nào đó” may mắn được chuẩn bị các kỹ năng phù hợp để đạt được thành công và có tới 42% người tốt nghiệp “không được chuẩn bị” cũng như không có bất cứ sự hỗ trợ nào. Lời phàn nàn thường thấy là sinh viên chỉ biết những điều được dạy trong trường chứ không biết gì hơn. Một lãnh đạo cấp cao từng nói: “Nếu sinh viên không đọc thêm và biết thêm về thị trường lao động, họ không thể tiến xa. Ngày nay, toàn thế giới đang thay đổi nhưng gần một nửa trong số họ chẳng biết gì về điều này. Một số ngây thơ, một số không quan tâm. Không có tri thức về cách thế giới dịch chuyển và cách các doanh nghiệp vận hành, sinh viên sẽ không bao giờ có thể vượt qua các cuộc sát hạch để trở thành nhân viên chính thức”.
Theo cuộc điều tra này, phần lớn các công ty đều mong đợi sinh viên có tri thức rộng về thị trường thế giới (xếp hạng số 1), xu hướng công nghệ (xếp hạng số 2), xu hướng doanh nghiệp (xếp hạng số 3). Nhưng phần lớn các sinh viên thường không có ý thức trau dồi hiểu biết về những gì đang xảy ra bên ngoài cánh cổng trường đại học hoặc bên ngoài địa phương nơi họ sinh sống. Sinh viên không chú ý tới các biến cố, xu hướng thị trường, xu hướng doanh nghiệp mang tính toàn cầu mà chỉ tìm đọc các thông tin liên quan đến xu hướng thời trang, tin tức giật gân về các ngôi sao điện ảnh và các vụ bê bối cũng như các tin đồn. Một cố vấn nhà trường từng than thở: “Sinh viên quan tâm tới những kiểu tin này vì đấy là điều bạn bè họ nói tới ở trường. Với họ, truy cập Internet và dùng các phương tiện truyền thông xã hội chẳng qua chỉ để ‘tán chuyện’. Nhiều người không biết cách tận dụng những công cụ này để tạo ra ưu thế và giá trị cho mình. Họ bị che mắt bởi các quảng cáo sản phẩm và phong cách sống. Sinh viên trẻ KHÔNG được hướng dẫn để dùng Internet một cách đúng đắn và biến chúng thành tri thức hữu dụng”.
Cuộc điều tra này còn liệt kê các kỹ năng mà người tốt nghiệp cần phải có. Kỹ năng quan trọng nhất là năng lực giải quyết vấn đề (xếp hạng số 1), khả năng cộng tác (xếp hạng số 2), tư duy phê phán (xếp hạng số 3), kỹ năng trao đổi (xếp hạng số 4) và kỹ năng thuyết phục (xếp hạng số 5). Một lãnh đạo cấp cao từng nói: “Các công ty cần người có khả năng thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin, sau đó biết cách áp dụng thông tin để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Chúng tôi không thuê người mới tốt nghiệp mà không có năng lực đó. Chỉ có mỗi kỹ năng chuyên môn thôi không đủ để đảm bảo thăng tiến trong nghề nghiệp. Ngày nay chúng tôi mong đợi những người tốt nghiệp đọc nhiều hơn và có hiểu biết thấu đáo về những chuyện đang diễn ra trên thế giới. Họ phải hiểu xu hướng của thị trường, của ngành công nghiệp cũng như xu hướng doanh nghiệp để có thể đưa ra quyết định tốt. Điều đó có nghĩa là họ phải thường xuyên cập nhật và đọc thật nhiều.”
Cuộc điều tra này phản ánh chiều hướng mới trong việc tuyển dụng và thuê người mới vào nghề. Không lâu trước đây, những người mới tốt nghiệp có thể dễ dàng gia nhập công ty, sau đó sẽ được đào tạo dần nhiều kỹ năng cũng như hiểu biết cần thiết trong công việc và phát triển từ từ theo thời gian. Bây giờ, các công ty muốn người tốt nghiệp khi đến xin việc phải có sẵn những năng lực cần thiết. Đa số các cuộc phỏng vấn việc làm đều sẽ xuất hiện các câu hỏi bao quát những yêu cầu này.
Vậy lỗi thuộc về ai trong trường hợp phần lớn những người tốt nghiệp đại học không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động? Cuộc điều tra cho thấy hơn ba phần tư (77%) số công ty đổ lỗi cho các trường đào tạo về những thiếu hụt của người mới tốt nghiệp. Một giám đốc điều hành đã nói: “Nếu nhà trường không giúp sinh viên có nền tảng tri thức cũng như hiểu biết rộng về những điều đang diễn ra trên thế giới thì chúng ta không nên thuê sinh viên tốt nghiệp từ các trường đó. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp có kiến thức ở khắp nơi trên thế giới. Sinh viên phải hiểu được rằng thị trường đã thay đổi, và nếu họ không đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn và nỗ lực rèn luyện để có được những kỹ năng cũng như hiểu biết mà chúng tôi cần, họ sẽ thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài”.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO SINH VIÊN CÓ Ý ĐỊNH HỌC THÊM VĂN BẰNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
Nhiều người tốt nghiệp đại học chờ cho tới khi gần tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp được vài tháng rồi mới làm hồ sơ xin học tiếp các khóa đào tạo sau đại học. Đó là một sai lầm lớn vì nếu bạn làm thế thì bạn sẽ bị trễ hạn nộp đơn. Nếu bạn có ý định học tiếp, bạn cần phải chuẩn bị đơn xin học từ năm cuối của bậc đại học. Phần lớn các trường đều có website với đầy đủ chi tiết thông tin liên quan đến thủ tục và thời hạn nhập học. Bạn cần đọc thông tin thật cẩn thận và chuẩn bị trước khi trường bắt đầu nhận đơn xin học.
Mức độ cạnh tranh của các khóa đào tạo sau đại học khá cao. Bạn nên xin sớm, nộp đơn vào ít nhất là 5 tới 7 trường để có thêm nhiều cơ hội. Mẫu đơn xin vào học thường đơn giản. Phần quan trọng nhất là phần “Mục đích học tập”. Đây là phần để bạn giải thích tại sao bạn muốn học tiếp khóa đào tạo sau đại học và tại sao bạn quan tâm tới lĩnh vực mà bạn chọn. Phần này quan trọng vì nó là dữ liệu giúp nhà trường xác định mối quan tâm, đam mê và ý tưởng của bạn về điều bạn muốn làm hay kiểu nghiên cứu mà bạn muốn tiến hành.
Với tư cách là thành viên của ban xét tuyển tại Đại học Carnegie Mellon, tôi đã kiểm hàng nghìn đơn xin học và tôi có thể khẳng định phần “Mục đích học tập” là một trong các yếu tố then chốt để chúng tôi quyết định chấp nhận hay bác bỏ một học viên. Do đó, bạn cần đầu tư nhiều thời gian và công sức để viết phần này một cách cẩn thận. Bạn nên nhờ cố vấn trường học hoặc giáo sư, người sẽ viết thư giới thiệu cho bạn, nhờ họ kiểm định nội dung đơn và cho bạn lời khuyên.
Bạn có thể sẽ phải viết đi viết lại vài lần. Trong phần “Mục đích học tập”, bạn phải giải thích rõ sự nghiệp mà bạn muốn gây dựng, kiểu công việc mà bạn muốn theo đuổi trong tương lai (Bạn muốn làm nghiên cứu hay muốn đi làm?)… Tất nhiên, một số sinh viên có thể chưa biết họ thực sự muốn gì và không biết phải viết thế nào. Lời khuyên của tôi là hãy vào website của các khoa mà bạn muốn xin vào, đọc phần giới thiệu viễn kiến (vision) hay phát biểu sứ mệnh (mission) rồi điều chỉnh, biến nó thành mục đích của bạn. Bạn có thể bắt đầu viện dẫn vài câu hay viết một đoạn dựa trên viễn kiến hay sứ mệnh của chương trình rồi soạn thảo sao cho khớp với hồ sơ của bạn. Tuy nhiên, ĐỪNG nói về gia đình của bạn, quan điểm cá nhân của bạn hay bất kỳ mối quan tâm không chuyên nghiệp nào khác. Các thành viên của ban xét tuyển, người phải đọc hàng trăm lá đơn đang tìm kiếm điều gì ở bạn? Họ thường chỉ đọc lướt qua và chọn người thực sự nổi bật hay khớp với mối quan tâm của họ.
Phần lớn các trường cung cấp khóa đào tạo sau đại học đều yêu cầu từ 2 tới 4 thư giới thiệu từ những người biết bạn. Những thư này phải được viết bởi các giáo sư trong trường mà bạn học hay người quản lý trong công ty nơi bạn làm việc. Quan trọng là bạn phải có được thư giới thiệu từ những người thực sự biết khả năng của bạn và nhiệt tình giới thiệu bạn. Trong trường hợp các giáo sư không biết rõ bạn, họ chỉ có thể viết những bức thư “làng nhàng” không nổi bật. Những lá thư kiểu như vậy sẽ chẳng giúp ích được gì cho bạn.
Nếu bạn muốn có những bức thư giới thiệu tốt thì bạn nên thiết lập mối quan hệ với một số giáo sư thông qua việc cố gắng tham gia vào các nghiên cứu của họ. Chỉ như vậy, họ mới có khả năng viết cái gì đó ấn tượng về bạn thay vì những câu chữ rập khuôn mà bất kỳ ai cũng có thể viết được. Tuy nhiên, đừng xin thư giới thiệu từ gia đình hoặc họ hàng của bạn vì dù bạn có giỏi tới đâu thì những lá thư kiểu này cũng không được mọi người xem trọng.
Điểm trung bình (Grade Point Averages - GPA) cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Mỗi trường đều có cách đánh giá GPA riêng. Các thành viên ban xét tuyển thường xem xét kỹ các môn học liên quan tới chuyên ngành hay lĩnh vực mà bạn đang xin vào thay vì xem tổng điểm của mọi môn học. Một số người sẽ chú trọng GPA của bạn trong hai năm cuối và bỏ qua các môn mà bạn đã học ở năm thứ nhất hay năm thứ hai. GPA được dùng để đánh giá xem liệu bạn có khả năng để hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học thành công hay không. Mức điểm vào khoảng 3,0 tới 3,2 (trên thang 4,0) là yêu cầu tối thiểu cho hầu hết các khóa đào tạo sau đại học.
Bên cạnh đó, các kỳ thi như GRE, GMAT… cũng là yếu tố được tính tới trước khi hội đồng đưa ra quyết định. Quan trọng là bạn phải tham gia thi tuyển TRƯỚC KHI tốt nghiệp càng sớm càng tốt bởi vì bạn cần phải có điểm này trước khi nộp đơn xin vào các trường cung cấp khóa đào tạo sau đại học. Phần lớn các đơn xin vào học đều yêu cầu bạn phải có bảng điểm chính thức gửi kèm theo đơn và điền vào mẫu đơn. Bạn có thể lấy các thông tin chi tiết về từ website hay các kênh quảng bá của trường.
Nếu bạn là sinh viên nước ngoài, bạn sẽ cần làm chủ và sử dụng tốt tiếng Anh. Phần lớn các chương trình sau đại học đều có yêu cầu cụ thể về mức điểm tiếng Anh tối thiểu phải đạt được. Trung bình, các trường thường đòi hỏi tổng điểm TOEFL iBT cần đạt từ 95 điểm trở lên (trong đó không có điểm thành phần nào nhỏ hơn 23) hay tổng điểm IELTS cần đạt ít nhất là 7,5 điểm.
Phần lớn các trường thường xem xét đơn xin học từ tháng 1 tới tháng 3. Cho nên trước tháng 3, bạn phải có được thư chấp nhận hay bác bỏ. Một số chương trình sau đại học có cung cấp học bổng, tiền thưởng hay hỗ trợ tài chính. Bạn nên xác nhận lại với trường để xem liệu bạn có đủ tư cách nhận chúng hay không (phần lớn các trường có xu hướng phân bổ sự hỗ trợ về mặt tài chính cho công dân của họ hay cư dân thường trú nhưng cũng có một số trường có chính sách cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài).
Trong trường hợp không nhận được hỗ trợ, bạn cũng có thể đề nghị được làm trợ giảng (TA) dưới hình thức làm việc bán thời gian ngay tại trường để có thêm thu nhập chi trả một phần chi phí khi theo học tại trường. Với chương trình thạc sĩ, cơ hội được nhận làm trợ giảng thường được mở ra vào năm thứ hai sau khi nghiên cứu sinh đã có sẵn một lượng kiến thức chuyên môn nhất định. Với chương trình tiến sĩ, phần lớn các trường thường đề nghị công việc trợ lý nghiên cứu (RA) hay cấp học bổng để giúp chi trả học phí của bạn. Công việc phổ biến nhất chính là hỗ trợ hoặc làm việc cho một số giáo sư trong suốt khoảng thời gian bạn học ở đó. Học bổng, TA và RA đều có tính cạnh tranh cao cho nên bạn đừng mong đợi sẽ có được chúng một cách dễ dàng. Nhiều sinh viên tin rằng họ có thể lấy được học bổng hoặc nhận được công việc làm thêm tại trường ngay khi họ có được quyết định nhập học. Thực tế không đơn giản như vậy vì đây đều là những thứ bạn cần phải chuẩn bị và nỗ lực rất nhiều mới có được. Quan trọng là bạn cần chủ động liên hệ với nhà trường để xem bản thân có đủ điều kiện để nhận học bổng hoặc xin TA/RA hay không.
Trong trường hợp bạn nhận được nhiều lời đề nghị, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các giáo sư ngay trong trường của bạn. Nhiều sinh viên thường tự mình ra quyết định dựa trên khía cạnh tài chính và đó có thể là một quyết định sai lầm. Có sự khác biệt lớn giữa việc nhận học bổng từ một trường ít tên tuổi và cơ hội học tập ở một trường hàng đầu không có hỗ trợ về mặt tài chính vì điều đó có thể xác định nghề nghiệp tương lai của bạn. Lời khuyên của tôi là bạn cần xem xét cẩn thận mọi yếu tố và hỏi xin lời khuyên từ các giáo sư hay cố vấn trong trường của bạn vì họ đều là những người có kinh nghiệm, có khả năng giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp. Bạn cũng nên kiểm tra danh tiếng và xếp hạng của các trường cung cấp chương trình đào tạo sau đại học trước khi đưa ra quyết định. Tìm hiểu thêm về chương trình, các nghiên cứu họ đã thực hiện cũng như xếp hạng sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Hãy lên một danh sách các câu hỏi và liên hệ với trường nhờ giải đáp. Nếu có thể, hãy tới thăm trường, xin gặp các giáo sư ở đó để tìm hiểu thêm. Liên hệ với những sinh viên đang học trong chương trình và lấy ý kiến của họ trước khi ra quyết định. Tôi muốn lưu ý các bạn rằng, chọn lựa hôm nay là tương lai của các bạn. Đừng phó mặc và chờ đợi.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO SINH VIÊN CÓ Ý ĐỊNH ĐI DU HỌC
Một sinh viên đã gửi cho tôi câu hỏi: “Em chuẩn bị tốt nghiệp trong năm nay và chuẩn bị sang Mỹ để tiếp tục học lên thạc sĩ trong ngành khoa học máy tính. Em đã cố gắng cải thiện tiếng Anh của em trước khi đi nhưng em tiến bộ rất chậm. Em lo mình có thể sẽ không theo kịp chương trình và không thể học tốt khi đi du học. Thầy có lời khuyên nào dành cho những người như em không?”.
Một người thường phải mất vài tháng hay thậm chí vài năm để có thể hiểu và nói tốt tiếng Anh. Tốc độ cải thiện tiếng Anh của bạn có thể chậm, nhưng đừng quá lo lắng về điều đó. Vì khi bạn sang Mỹ, bạn sẽ buộc phải thực hành tiếng Anh mỗi ngày. Hãy nỗ lực và mạnh dạn nói tiếng Anh với người bản địa càng nhiều càng tốt. Nhờ đó, khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng. Sai lầm thông thường của phần lớn du học sinh là chọn ở cùng một nhóm người sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Việc này tước đi cơ hội cải thiện tiếng Anh và khiến sinh viên không thể thích nghi với ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình giảng dạy.
Trong những tháng đầu tiên, bạn phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Đừng sợ người khác phán xét hay cười khi bạn nói sai. Hãy học thuộc một số mẫu câu quan trọng và chủ động nhờ những người xung quanh sửa giúp trong trường hợp mình phát âm hoặc nói sai điều gì đó. Thực tế là phần lớn sinh viên Mỹ đều hiểu khó khăn của các du học sinh và sẵn lòng giúp đỡ.
Có một khoảng cách lớn giữa tiếng Anh chuẩn được dạy trong nhà trường và tiếng Anh của người bản xứ. Không ai có thể nói tiếng Anh hoàn hảo ngay trong vài tháng đầu, bất kể bạn học ở đâu và học bao lâu. Cố gắng kết bạn với thật nhiều người, tự tạo cho mình thêm nhiều cơ hội để cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh trước khi chương trình học bắt đầu choán hết thời gian của bạn. Trong trường hợp bạn gặp khó khăn khi phát âm một từ hay cách nhấn giọng của bạn không đúng, hãy đề nghị một sinh viên Mỹ phát âm từ đó rồi thực hành chúng nhiều lần cho đến khi quen miệng.
Kỹ năng đọc rất quan trọng. Bạn cần ý thức và chủ động phát triển thói quen đọc tốt mới có thể hoàn thành tốt chương trình học của bạn. Trước khi đọc một chương trong sách giáo khoa, bạn cần xem kỹ mục lục để nắm bắt ý tưởng và kết cấu của cuốn sách. Sau khi đọc xong mỗi đoạn, hãy tạm ngừng một chút và tự hỏi bản thân ý chính của đoạn văn bản này là gì, tóm tắt ý chính rồi ghi chú vào sổ tay riêng. Phần lớn các sách giáo khoa khoa học đều có sơ đồ và biểu đồ. Bạn phải đảm bảo rằng bạn hiểu rõ chúng. Khi đọc, đừng cố dịch từng từ vì nếu bạn làm như vậy thì bạn sẽ bỏ lỡ ý chính của cả đoạn văn. Ban đầu, bạn nên đọc lướt cả đoạn để nắm lấy ý chung. Sau đó, hãy đọc lại một lần nữa. Nghĩa văn bản sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn đã nắm được ý chính. Nếu vẫn không hiểu thì bạn có thể dùng từ điển để kiểm tra nghĩa của một số từ quan trọng. Trước khi đi du học, bạn nên làm quen với việc đọc và nghiên cứu bằng cách đọc một số sách chuyên ngành viết bằng tiếng Anh để xây dựng thói quen đọc tốt.
Phần lớn các trường ở Mỹ đều áp dụng phương pháp học tích cực. Các giáo sư thường tổ chức và tập trung tạo điều kiện cho sinh viên thảo luận trên lớp. Trước khi lên lớp, bạn phải đọc tài liệu và nắm bắt các ý quan trọng mà bài giảng sẽ đề cập tới. Khi lên lớp, hãy cố gắng lắng nghe các câu hỏi, ghi chú những ý quan trọng. Sau khi bài giảng kết thúc, bạn nên đọc lại các ghi chép càng sớm càng tốt, củng cố trí nhớ và hồi tưởng những điều vừa tiếp thu một cách rõ ràng. Nếu bạn vẫn không hiểu bài giảng, hãy đọc lại sách giáo khoa và đọc thêm các tài liệu (giảng viên gợi ý trên lớp). Bạn có thể thảo luận về những điều vừa học và những điều bản thân chưa hiểu với bạn cùng lớp, đề nghị họ chia sẻ ý tưởng với bạn.
Hệ thống giáo dục tại Mỹ tập trung vào việc học hiểu nhiều hơn là ghi nhớ sự kiện. Đừng cố ghi nhớ thông tin mà hãy tập trung tìm hiểu ý tưởng cũng như cách áp dụng chúng vào thực tế. Lượng thông tin được cung cấp trong mỗi bài giảng thường rất nhiều, bạn không thể ghi nhớ toàn bộ. Hơn nữa, phần lớn các bài kiểm tra đều tập trung sát hạch khả năng hiểu biết và ứng dụng kiến thức. Bạn không nên tiêu phí quá nhiều thời gian vào việc học thuộc lòng. Trong trường hợp dù bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không thể hiểu một nội dung nào đó, hãy ở lại sau giờ giảng để hỏi giáo sư hay tham gia vào nhóm học tập tự phát với các bạn cùng khóa, cùng lớp.
Vấn đề chung của nhiều sinh viên châu Á khi đi du học là thói quen học tập. Nhiều sinh viên được đánh giá cao trong nước vì có khả năng ghi nhớ tốt, khi đi du học thì trượt dài vì không thể thích nghi với kiểu học và đánh giá mới. Tôi đã thấy nhiều sinh viên như thế trong suốt 30 năm dạy đại học. Tôi đã dành nhiều thời gian để giải thích và giúp họ thay đổi thói quen học tập. Tôi thường bảo: “Học mà không hiểu, không biết cách thực hành điều bạn đã học, KHÔNG phải là học. Ghi nhớ hay thuộc lòng không phải là học. Nó chỉ là những kiến thức nông giúp cho bạn vượt qua kỳ thi. Loại kiến thức đó chẳng có lợi ích gì với bạn, với nhân cách của bạn, với tư duy của bạn vì bạn không thể sử dụng chúng. Việc học thực, học hiểu, học qua hành giúp bạn có tri thức và hiểu biết sâu về từng chủ đề hoặc từng lĩnh vực. Những tri thức này sẽ thẩm thấu và trở thành một phần của bạn; đồng thời tích hợp vào tư duy và ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Nếu bạn nỗ lực tìm hiểu và biết cách áp dụng điều bạn đã học thì bạn sẽ thành công. Đặc biệt đối với sinh viên theo học các chương trình chuyên sâu như thạc sĩ hay tiến sĩ. Vì bạn đã hỏi tôi lời khuyên, điều đó nghĩa là bạn đã nghiêm túc cân nhắc về chuyện học tập của bạn và tôi chắc chắn khi bạn đã có thái độ này, bạn sẽ học tốt.