Ngày nay, các công ty có xu hướng áp dụng công nghệ để cải thiện năng suất và hiệu quả kinh doanh, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cũng như bành trướng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, họ tự động hóa các quy trình hoạt động, tái kỹ nghệ doanh nghiệp và hợp nhất các bộ phận trong cùng một công ty để gia tăng hiệu quả và lợi nhuận. Họ bắt đầu với các dây chuyển sản xuất, sau đó chuyển sang tự động hóa văn phòng làm việc, dần dần thay thế nhân công bằng robot.
Trong tương lai gần, hầu hết công việc đều yêu cầu kiến thức liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (STEM). Những công nhân lao động thủ công, những người không chuyển dịch và không thay đổi để bắt kịp nền kinh tế tri thức sẽ bị bỏ lại. Đây là vấn đề nghiêm trọng với nhiều quốc gia vì xu hướng chuyển dịch này sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, nới rộng khoảng cách trong thu nhập, gây căng thẳng cho thị trường lao động và đe dọa đến sự ổn định cũng như an ninh của xã hội. Thấy trước điều đó, một số quốc gia đã nhanh chóng hành động và thay đổi để bắt nhịp thời đại; trong khi một số khác vẫn giữ thái độ “đợi và xem” mà không ý thức được rằng trước sự tiến bộ của công nghệ, sự chuyển dịch sẽ diễn ra rất nhanh.
Mười nghìn năm trước, con người sống trong thời đại săn bắn hái lượm. Khoảng 8.000 năm trước, con người chuyển sang xã hội nông nghiệp. Rồi con người phát minh ra máy móc, hình thành thời đại công nghiệp trong khoảng 200 năm. Tốc độ thay đổi càng lúc càng nhanh đến chóng mặt khi con người chuyển từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin trong vòng 50 năm. Tốc độ phát triển và tiến bộ càng lúc càng nhanh hơn nữa. Trong trường hợp chúng ta không hành động kịp thời, hậu quả phải gánh chịu sẽ trở thành thảm họa.
Mười năm trước, Nokia là công ty điện thoại di động lớn nhất thế giới. Nhưng vì không chịu thay đổi, bắt kịp thị trường nên bị mất thị phần smartphone vào tay các đối thủ, trong đó nặng ký nhất phải kể đến iPhone của Apple. Trong hai mươi năm, máy tính cá nhân (laptop) đã giúp Microsoft, Intel và HP thống lĩnh thị trường, trở thành 3 công ty công nghệ hàng đầu cho tới khi iPad được đưa vào thị trường, thay thế thói quen của người tiêu dùng, làm giảm lượng tiêu thụ máy tính cá nhân, khiến 3 công ty kể trên không còn nắm quyền chi phối tuyệt đối. Hai năm trước, màn hình phẳng là dòng ti vi bán chạy hàng đầu nhưng hôm nay dòng ti vi màn hình cong với độ phân giải cực cao lại trở thành sản phẩm được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất. Năm ngoái phần lớn xe hơi được sản xuất đều tích hợp máy tính và Wi-Fi lắp sẵn nhưng sang năm những dòng xe này sẽ có khả năng lái tự động tới bất kỳ nơi nào chủ muốn. Trong hai hay ba năm nữa, mọi người sẽ nói chuyện với xe của họ về nơi họ muốn đi, bảo bếp của họ nấu món gì đó và yêu cầu máy giặt giặt quần áo của họ thông qua công nghệ Internet of Thing (IoT), có thể tạm gọi là “các thiết bị công nghệ được kết nối với nhau bằng Internet”.
Ngày nay tốc độ phát triển của công nghệ đã thay đổi phần lớn bộ mặt của thế giới. Trong thời đại công nghệ mới này, người có khả năng làm việc trí óc được ưa chuộng hơn người lao động cơ bắp vì hầu hết các công việc hiện tại đều yêu cầu nhiều kỹ năng đặc biệt. Xu hướng này sẽ càng ngày càng nới rộng khoảng cách giữa các giai cấp, phân biệt sâu sắc giữa người “có kiến thức” và người “không có kiến thức”. Trong danh sách những người giàu nhất thế giới, 85% làm trong lĩnh vực công nghệ và phần lớn trong số đó có bằng đại học. Có tới 88% những người thuộc “tầng lớp trung lưu” có ít nhất một bằng cử nhân. Giáo dục đại học rõ ràng đã trở thành sự cần thiết chứ không còn là thứ xa xỉ.
Hôm nay, mọi người vẫn còn giới hạn quan niệm rằng giáo dục chỉ được giới hạn trong vài năm học tập tại trường; nhưng ngày mai giáo dục sẽ trở thành việc tự học cả đời. Hôm nay, sinh viên học từ tài liệu và giảng viên, họ ghi nhớ các sự kiện và các ý quan trọng để vượt qua các kỳ thi, đạt được bằng cấp; nhưng ngày mai sinh viên sẽ cần phải học thêm từ các nguồn tri thức khác, thông qua các công cụ trực tuyến. Họ sẽ phải học cách sử dụng các công cụ tiên tiến, mở rộng hiểu biết của bản thân và áp dụng lý thuyết nhằm giải quyết các vấn đề thực tế. Giáo dục của ngày hôm nay là quá trình giáo dục để phát triển tri thức một cách chung chung; nhưng giáo dục của ngày mai là quá trình thu thập và không ngừng rèn luyện những kỹ năng mang tính ứng dụng.
Có nhiều thảo luận về mô hình giáo dục mới trong vài năm qua. Một số người ủng hộ, một số người không ủng hộ. Quan trọng là dù mọi người thích hay không thích ý tưởng này thì xã hội vẫn sẽ chuyển biến mạnh mẽ dưới sự tác động của các tiến bộ công nghệ. Để thích nghi, con người buộc phải thay đổi. Một nhà kinh tế giải thích: “Thị trường sẽ chỉ đạo phương hướng phát triển tương lai vì mọi người sẽ làm bất kỳ điều gì để có thể sống còn”. Không có hệ thống giáo dục nào tốt hơn hệ thống giáo dục nào. Các hệ thống giáo dục hiện tại sớm muộn gì cũng phải điều chỉnh dựa trên nhu cầu xã hội.