Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ gian lận của sinh viên đang tăng lên trong các đại học trên toàn thế giới. Tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức cho tới Ấn Độ, Trung Quốc và Úc đều đã diễn ra nhiều trường hợp gian lận trong trường đại học. Ngay cả các trường danh tiếng như Harvard, Stanford và Princeton cũng cho biết nhiều sinh viên đã gian lận. Mặc dầu các trường này không nói có bao nhiêu sinh viên đã bị kỷ luật vì gian lận nhưng chỉ riêng năm ngoái đã có trên 500 sinh viên bị các trường này đuổi học. Vài tháng trước, Harvard đã thông báo, có hơn 100 sinh viên đã bị điều tra về việc ăn cắp ý tưởng trong các kỳ thi chính thức. Theo định nghĩa, ăn cắp ý tưởng là hành vi sao chép công trình của người khác làm của riêng mình mà không trích dẫn nguồn. Hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng các sinh viên thường không nghĩ ăn cắp ý tưởng là hành vi gian lận. Một sinh viên nói: “Em không sao chép từ sinh viên khác, em có được câu trả lời từ Internet và không có gì sai khi em làm như vậy”.
Donald L. McCabe, đồng tác giả của cuốn sách “Gian lận tại đại học” đã định nghĩa gian lận là việc sao chép tài liệu mà không có trích dẫn nguồn phù hợp, không có thư mục tài liệu, có được câu hỏi trước khi thi, có người làm giúp bài tập về nhà, nộp bài do người khác làm và sử dụng ghi chú trong khi làm bài thi. Ông cho thấy thói quen gian lận của các sinh viên đại học được hình thành và phát triển trước khi vào đại học, thường là ở trường phổ thông và có hơn 2/3 số sinh viên đại học bị báo cáo có tham gia vào hình thức gian lận nào đó.
Khi dạy học ở châu Á, tôi thường xuyên nghe các giáo sư phàn nàn rằng sinh viên ngày nay không biết xấu hổ và thường xuyên gian lận. Một giáo sư gọi nó là “căn bệnh phổ biến có khả năng lây lan nhanh chóng”. Khi nói chuyện với họ, tôi giải thích quan điểm của tôi rằng: “Gian lận không phải vấn đề mới phát sinh trong khoảng thời gian gần đây, sinh viên đại học đã gian lận trong nhiều năm liền. Thay vì phàn nàn về chuyện sinh viên gian lận, tôi muốn đặt câu hỏi là bằng cách nào chúng ta có thể giúp sinh viên thôi không gian lận? Lý do khiến sinh viên gian lận là vì họ muốn qua được kỳ thi. Nếu chúng ta không làm khó sinh viên bằng các kỳ thi thì việc gian lận sẽ ngừng lại. Trong lớp của tôi, tôi cho những sinh viên có điểm thi không tốt một cơ hội làm lại bài thi. Tôi không muốn đánh trượt sinh viên mà chỉ muốn đảm bảo rằng sinh viên có thể học lại và nắm bắt kiến thức tốt hơn. Đó là lý do tại sao sinh viên hiếm khi gian lận trong môn của tôi vì họ chẳng có lý do nào để gian lận”.
Trước khi bắt đầu môn học, tôi giải thích rõ điều gì quan trọng với sinh viên và mong sinh viên có thể chủ động phát triển kỹ năng của bản thân. Tôi yêu cầu họ trung thực với bản thân vì đây là một phần của quá trình giúp sinh viên trưởng thành, trở thành người có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, với xã hội và quốc gia của họ. Gian lận có thể giúp cho sinh viên vượt qua kỳ thi và thậm chí có được bằng cấp; nhưng gian lận khiến cho sinh viên không có tri thức và kỹ năng cần thiết để tiến xa trong nghề nghiệp của mình. Nếu sinh viên gian lận, họ sẽ phải tiếp tục gian lận và thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi, rằng một ngày nào đó họ sẽ bị phát hiện và phải đối mặt với hậu quả.
Tôi cũng giải thích sự khác biệt giữa cộng tác và câu kết. Cộng tác là làm việc cùng với những người khác. Mọi người cùng làm việc, cùng học hỏi và giúp nhau cùng tiến bộ. Câu kết là thông đồng với nhau để sao chép hoặc thực hiện các hành vi gian lận. Cộng tác có thể khiến sinh viên cùng nhau phát triển tri thức và kỹ năng; còn câu kết chỉ khiến sinh viên ngày càng thụt lùi và không còn ý chí để phấn đấu hay học tập đàng hoàng.
Tôi cũng giải thích sự khác biệt giữa ngụy tạo và xuyên tạc. Ngụy tạo là tô điểm dữ liệu hay kết quả nghiên cứu. Xuyên tạc là thay đổi kết quả để làm cho nó phù hợp với kết quả mong đợi và khiến cho nghiên cứu có vẻ ấn tượng. Một số sinh viên ngụy tạo bảng điểm, kết quả kiểm tra và học bạ khi xin việc với hy vọng có được việc làm tốt. Nhưng chỉ cần công ty phát hiện ra việc này, họ sẽ bị sa thải. Với hệ thống thông tin hiện nay, việc bị phát hiện ngụy tạo “hồ sơ cá nhân” dễ bị phát hiện hơn người ta tưởng rất nhiều. Chẳng hạn năm 2013, Annette Schavan, Bộ trưởng Giáo dục Đức đã bị phát hiện ngụy tạo luận văn tiến sĩ cách đây 32 năm. Bà đã bị thu hồi bằng tiến sĩ và bị buộc từ chức. Vài tháng trước đó, Karl Guttenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng bị phát hiện từng xuyên tạc dữ liệu trong luận án tiến sĩ và phải rời đi trong nhục nhã.
Về căn bản, việc gian lận không giúp sinh viên có được kiến thức và kỹ năng thật sự, không những thế, việc gian lận còn gây bất lợi cho bản thân người gian lận và những người chịu ảnh hưởng bởi kết quả gian lận ấy. Hãy thử tưởng tượng bạn được điều trị bởi một bác sĩ đã từng gian lận khi theo học tại trường đại học. Điều gì sẽ xảy ra nếu vị bác sĩ này thực hiện giải phẫu cho bạn hay người thân trong gia đình của bạn? Hãy thử tưởng tượng về một xã hội toàn những người không trung thực, nơi không ai có thể tin cậy vào người khác. Nếu sinh viên gian lận ngay khi họ còn đi học, họ sẽ gian lận trong suốt phần đời còn lại và khiến cho việc gian lận trở thành chuyện đương nhiên. Đừng tiếp tay tạo nên một xã hội không trung thực.