Khi tham gia dạy ở các nước châu Á, tôi thấy sinh viên đại học thường không có ý thức về việc lập kế hoạch nghề nghiệp. Nhiều sinh viên không đặt mục đích học tập cũng không biết phải làm gì với bằng cấp của họ. Khi được hỏi, sinh viên thường nói: “Chúng em sẽ nghĩ về điều đó sau khi tốt nghiệp”. Sau khi những sinh viên này tốt nghiệp, họ sẽ mang bằng cấp mình vừa nhận được đi xin việc và chấp nhận làm việc cho bất cứ ai thuê họ.
Tôi hỏi: “Nếu em tốt nghiệp lĩnh vực kỹ thuật nhưng chỉ tìm được việc làm trong ngành quảng cáo thì em có nhận công việc đó không?”. Một sinh viên trả lời: “Dạ, may mà có được việc làm. Em không thể kén chọn khi có hàng triệu người tốt nghiệp đang bị thất nghiệp”. Khi tôi hỏi một sinh viên vừa tốt nghiệp rằng liệu cô ấy có muốn học lên nữa và lấy bằng chuyên sâu không. Cô ấy đáp: “Em không biết. Em phải hỏi bố mẹ em”. Điều đó phản ánh một truyền thống của châu Á, nơi sinh viên chọn lĩnh vực học tập dựa trên điều bố mẹ họ muốn thay vì tự mình quyết định cho bản thân.
Tất nhiên là các bậc phụ huynh đều muốn điều tốt nhất cho con cái nhưng nhiều người trong số họ không có đủ hiểu biết về thị trường lao động hiện thời hoặc không có thời gian để nghiên cứu về các cơ hội việc làm sẵn có. Nhiều người vẫn tin rằng bằng cấp càng cao càng tốt cho nên họ khuyến khích con cái họ tiếp tục học lên nữa, lấy các bằng chuyên sâu như thạc sĩ và tiến sĩ mà không biết rằng bằng cấp càng cao càng giới hạn cơ hội việc làm của họ. Nhiều bố mẹ không biết rằng thế giới đã thay đổi và có nhiều chọn lựa nghề nghiệp, những nghề nghiệp tốt mà họ chưa từng nghe nói tới.
Không có bản kế hoạch nghề nghiệp, sinh viên châu Á gặp khó khăn khi chọn giữa điều họ thích và điều họ cần. Mỗi năm, sau kỳ tuyển sinh đại học, nhiều sinh viên phải đối diện với quyết định khó khăn liên quan đến việc chọn lĩnh vực học tập thích hợp. Đôi khi có sự xung đột giữa điều họ thích và điều bố mẹ họ muốn. Một sinh viên từng phàn nàn: “Bố mẹ em muốn em học y để trở thành bác sĩ nhưng em thích học nhạc và muốn trở thành nhạc sĩ”.
Vài năm trước, tôi có một sinh viên rất có tài liên quan đến lĩnh vực văn học. Anh ta muốn trở thành nhà văn nhưng bố mẹ buộc anh ta học Kỹ nghệ phần mềm. Sinh viên này không thể học tốt và không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Cuối cùng, sinh viên này buộc phải làm việc trong nhà hàng của bố mẹ anh ta. Tất nhiên, tôi kể câu chuyện này không phải để cổ vũ các bạn sinh viên “nhất định phải học thứ mình thích” vì thứ mà bạn thích chưa hẳn đã có thể mang lại cho bạn một công việc tốt. Khi lập kế hoạch nghề nghiệp, sinh viên cần phải cân bằng giữa “đam mê” và “thực tế”. Sinh viên cần lập kế hoạch nghề nghiệp dựa trên quá trình cân nhắc giữa hai yếu tố này. Sinh viên cần hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ thứ bản thân yêu thích. Sinh viên cần tự đặt câu hỏi, rằng điểm yếu và điểm mạnh của họ là gì, tương lai mà họ muốn là một tương lai thế nào và làm sao để có được điều bản thân mong muốn.
Tôi cho rằng sinh viên cần phải học cách thăm dò và khám phá tình hình thực tế của các nghề và lĩnh vực họ quan tâm. Một khi đã có ý tưởng về nghề nghiệp bản thân yêu thích, sinh viên cần nghiên cứu các kỹ năng và phẩm chất đặc biệt mà nghề nghiệp yêu cầu rồi so sánh với điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để xác định và thu hẹp phạm vi lựa chọn. Dựa trên các thông tin thu thập được, sinh viên phải tìm hiểu thị trường lao động để nhận diện các cơ hội tương lai phù hợp với tình hình hiện tại; lưu ý cân nhắc ưu điểm và nhược điểm cho từng lựa chọn. Sinh viên cần phải học cách cân bằng giữa điều họ thích với nhu cầu của thị trường lao động.