Làm thế nào để nhận ra năng lực của trẻ và phát triển nó một cách tốt nhất? Các bậc cha mẹ hãy cùng suy nghĩ về vấn đề này, và đây cũng chính là mục đích tôi viết cuốn sách này.
Trẻ con có năng lực hay không? Trước khi suy nghĩ về điều này, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ về năng lực của bản thân mình. Có lẽ cũng có những bà mẹ đang nghĩ rằng: “Mình không có năng lực”, có những ông bố nghĩ rằng: “Mình có năng lực nào đó nhưng không biết nó là gì”. Và cũng có những ông bố bà mẹ đã phát huy năng lực của chính họ để trở nên thật giỏi giang, hoặc chỉ cần tận hưởng cuộc sống đúng với sở thích của bản thân họ, tôi nghĩ những bậc cha mẹ như thế sẽ có cuộc sống tích cực, đầy năng lượng mỗi ngày.
Tôi muốn hỏi các bậc cha mẹ nào nghĩ bản thân mình không có năng lực rằng: “Trong khoảng thời gian từ thời thơ ấu cho đến hôm nay, các anh chị đã thử nỗ lực phát triển năng lực bản thân hay chưa, đã gặp gỡ những người giúp các anh chị phát triển năng lực của bản thân hay chưa?”. Chắc hẳn khi còn nhỏ, các bậc cha mẹ đã từng được ai đó khen về năng lực của bản thân. Được khen như thế thì dù thế nào đi chăng nữa cũng thật sự thích thú.
Nhờ vào việc được ai đó coi trọng thì người được khen có cảm giác như bản thân mình có giá trị, họ sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn và tự tin hơn. Sự tự tin này có liên quan đến năng lực. Đối với trẻ em, việc được khen ngợi và coi trọng có tầm quan trọng như thế nào thì sau đây chúng ta cùng nhau chia sẻ nhé.
Có lẽ các bậc cha mẹ đã từng phát triển năng lực nào đó bằng chính sức lực của bản thân. Ở công ty, việc phát triển năng lực bản thân trong môi trường cùng làm việc với mọi người thì có vẻ hơi khó, nhưng chắc hẳn họ cũng từng tận dụng thời gian của mình một cách hiệu quả và cố gắng hết sức để phát triển năng lực bản thân liên quan đến những lĩnh vực thuộc sở thích cá nhân.
Liên quan đến điểm này, ta nên đặt vấn đề về tính hiếu học, nó có thể hiện một cách mạnh mẽ hay không. Nếu bạn có hứng thú đối với bất cứ việc gì thì bạn sẽ biết sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả hay không. Lúc đó, bạn đang sống một cuộc sống năng động. Tùy theo bạn đam mê cái gì mà năng lượng muốn khám phá, muốn tìm tòi sẽ xuất hiện. Ta có thể gọi đó là tính đam mê khám phá, hoặc cũng có thể gọi đó là sức mạnh sáng tạo. Vì vậy, đối với con trẻ, đầu tiên chúng ta cần nuôi dạy để chúng trở thành đứa trẻ ham thích tìm tòi, học hỏi.
“Dù làm bất cứ việc gì cũng được, hãy thử nỗ lực để có hứng thú với nó, và khi đã có hứng thú thì hãy thử say mê nó”. Đó là những gì tôi muốn nhắn nhủ đến những ông bố bà mẹ có những suy nghĩ như “Bản thân tôi không có năng lực gì cả”, hay là “Có vẻ là có nhưng không biết làm sao để phát triển năng lực”. Dù người khác có nghĩ bạn kỳ quặc, hay nói thế này thế kia về việc đó đi chăng nữa, cũng đừng quan tâm. Vì nếu vừa sống vừa quan tâm đến nhận định của người khác thì sẽ cản trở sự tìm kiếm và phát triển năng lực của bản thân. Tóm lại, việc ta đam mê những gì mà bản thân muốn trải nghiệm sẽ mang lại ý nghĩa lớn cho việc tìm thấy cá tính.
Nếu cha mẹ có cá tính thì hiển nhiên họ sẽ dễ dàng tìm thấy và phát triển năng lực của con cái. Cùng với việc vừa đọc cuốn sách này vừa tìm kiếm năng lực của trẻ, hãy thử nhận ra năng lực của chính mình, thử suy nghĩ xem phát triển nó như thế nào là tốt nhất. Từ bây giờ, chúng ta hãy sống một cuộc sống năng động và tràn đầy năng lượng. Sống tràn đầy năng lượng, sống vui vẻ ở đây có nghĩa là bạn đang sống có cá tính riêng. Vì bạn đã được sinh ra trên thế giới này, nên nếu bạn sống mà không phát huy năng lực có cá tính riêng thì cuộc đời bạn sẽ kết thúc trong sự nhàm chán. Tôi mong muốn cha mẹ hãy nuôi dạy con mình để chúng có một cuộc đời đáng sống. Hãy sống cho thật ý nghĩa và có cá tính để không uổng kiếp sống này.