Đã hơn bốn mươi năm kể từ khi tôi đề xuất phương pháp Giáo dục không la mắng. Khi đó, điều có ích đối với tôi chính là những điều thực tế thấy được khi áp dụng liệu pháp chơi cho những vấn đề trong hành vi của trẻ nhỏ.
Liệu pháp chơi là phương pháp bổ trợ đối với những đứa trẻ có nhiều vấn đề về hành vi, làm sao để vừa chơi cùng trẻ vừa có thể tháo gỡ những khúc mắc trong lòng trẻ. Với những đứa trẻ có vấn đề về hành vi, cách giáo dục sai lầm của cha mẹ và thầy cô có thể dẫn đến những nút thắt trong lòng trẻ, nên chúng ta cần phải gỡ được nút thắt đó. Nếu trẻ không tự mình làm thì những nút thắt đó sẽ không thể tháo gỡ hoàn toàn được.
Liệu pháp chơi cũng ảnh hưởng lớn đến nhân cách của những người áp dụng phương pháp trị liệu này. Trẻ phải cảm nhận được sự ấm áp, dịu dàng và cao thượng. Cao thượng nghĩa là có một trái tim luôn sẵn sàng tha thứ cho dù trẻ có làm gì đi nữa, luôn vui vẻ chơi cùng và thấu hiểu tâm tư của trẻ.
Trẻ chơi cùng với những người trị liệu này sẽ bắt đầu có thể tự do hoạt động, tự do thể hiện tình cảm của mình. Vì luôn được thấu hiểu mỗi khi thể hiện tình cảm nên trái tim trẻ sẽ được khôi phục lại cảm giác tự do. Đó chính là lúc trẻ tự mình tháo gỡ những nút thắt trong lòng. Đồng thời những vấn đề trong hành vi của trẻ sẽ không còn xuất hiện nữa.
Khi mới trở thành người trị liệu, tôi đã khá khó khăn để có thể rộng lượng tha thứ cho tất cả những hành vi của trẻ. Ngoài ra, rất khó để có thể thấu hiểu được tâm tư của trẻ. Thậm chí, đôi lúc tôi còn muốn la mắng chúng nữa. Nếu rơi vào trạng thái như vậy, người trị liệu sẽ vô cùng buồn phiền về sự hẹp hòi hay những hạn chế về đạo đức của bản thân, có lúc còn suy sụp và muốn từ bỏ việc làm người trị liệu. Tuy nhiên, trong khi liên tục khắc phục những điều phiền muộn đó, chính bạn cũng đang dần thay đổi, bản thân cũng rộng lượng hơn từng chút một, hoặc trở nên thấu hiểu trẻ hơn. Vì thế, có một câu nói vui là dạy trẻ cũng giúp cha mẹ tu tâm dưỡng tánh.
Trái ngược với sự thấu hiểu chính là sự ích kỷ. Ích kỷ là điều luôn tồn tại, rất khó từ bỏ. Vợ chồng chúng tôi luôn nói rằng tự bản thân phải luôn tiến bộ hơn trong điều này. Những nỗ lực này là điều rất cần thiết đối với người trị liệu. Đối với thầy cô ở trường hay cha mẹ ở nhà, học cách thấu hiểu cũng là điều đương nhiên phải có. Hãy hướng đến việc trở thành người có nhân cách rộng lượng, nghĩa vụ của cha mẹ và thầy cô là luôn không ngừng trau dồi bản thân.
Đối với việc phát triển nhân cách, chúng ta cần phải cảm ơn sự tồn tại của trẻ, vì nhờ chúng mà chúng ta mới có thể nỗ lực để trở thành những bậc cha mẹ không la mắng và biết làm gương cho con cái.
Trẻ có thể sinh hoạt tự do hay không là nhờ vào những nỗ lực đó của cha mẹ. Việc phát triển tính tự giác ở trẻ cũng từ đó mà tiến triển hơn. Trẻ sẽ phát triển khả năng tự mình suy nghĩ, hành động mà không cần nhờ vào người khác. Những hoạt động có chủ đích sẽ nhiều hơn, trẻ sẽ chơi đùa năng động hơn, sự thấu hiểu cũng sẽ được ươm mầm. Cứ như vậy, trẻ sẽ càng hiểu được tình cảm của cha mẹ hơn nữa. Những hành động vui vẻ của cha mẹ cũng sẽ nhiều hơn, trẻ sẽ dần kiểm soát được những hành động khiến cho cha mẹ buồn.
Vợ chồng chúng tôi dù đã lớn tuổi nhưng vẫn không thể có được tấm lòng thật sự thấu hiểu. Nên đối với trẻ em, sẽ không thể yêu cầu trẻ có được điều đó ngay được. Trong khoảng thời gian dài cho đến khi trở thành thanh niên, tốt nhất là nên quan tâm đến việc xác nhận xem sự thấu hiểu có đang được hình thành ở trẻ hay không.
Vậy thì chúng ta sẽ xác nhận bằng cách nào? Chính là bằng cách tự bản thân mỗi người cha người mẹ phải nuôi dưỡng một trái tim biết thấu hiểu. Và trong quá trình đó, chính họ sẽ nhận ra cách để xác nhận điều đó ở trẻ.
Nếu bạn giáo dục trẻ về sự thấu hiểu, con của bạn sẽ có một tuổi trẻ tuyệt vời. Đó là kết luận của tôi sau khi dành ra hơn năm mươi năm cuộc đời để nghiên cứu về trẻ em. Đồng thời, nhân cách của cha mẹ cũng sẽ được cải thiện thông qua việc cố gắng làm cho bản thân mình bớt vị kỷ đi.
Trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, có không ít cha mẹ lo lắng về việc khả năng học tập của con có thể bị tụt lại phía sau. Nhưng ở những ngôi trường giáo dục theo hướng áp chế tính tự giác của trẻ, chẳng phải cha mẹ cũng lo rằng những đứa trẻ mang trong mình nhiều động lực học tập có khả năng bị xa lánh hay sao? Tuy nhiên, đứa trẻ có động lực sẽ thách thức và khắc phục những khó khăn đó bằng chính khả năng của bản thân. Nếu nuôi dưỡng được sự thấu hiểu và tính tự giác, trẻ sẽ dần có thể giải quyết vấn đề cùng với những người bạn tốt.
Với một nền tảng tâm lý vững chắc, trẻ sẽ dần có được động lực trong học tập, không chừng còn nung nấu nhiệt huyết đối với những công việc mang tính sáng tạo nữa. Trẻ nhỏ mang trong mình nhiều khả năng tiềm ẩn. Và để cho khả năng của trẻ được phát huy, điều quan trọng hơn tất thảy chính là dạy cho trẻ hai điều: thấu hiểu và động lực. Cha mẹ phải cùng nhau nỗ lực, làm cho thời thanh xuân của trẻ tràn đầy những động lực và sự cảm thông, chia sẻ.