Đối với việc phát triển tính sáng tạo, tôi có đưa ra ý kiến về tính cần thiết của việc cho trải nghiệm sự đau buồn. Để giáo dục trẻ khả năng tự mình giải quyết sự đau buồn đó, người mẹ phải không được đưa tay ra giúp đỡ hay ủng hộ đối với sự thất bại của trẻ, cũng phải làm sao để trẻ không trách móc gì sự thất bại đó. Khi thất bại trong việc gì đó, cần phải cho trẻ cơ hội biến thất bại thành thành công bằng những lời khuyến khích như: “Cố gắng vào lần sau nhé!”.
Người sáng tạo thường làm những điều được xem là nực cười đối với người khác. Họ không theo khuôn mẫu, và muốn tự mình tìm ra phương pháp giải quyết. Cho dù người khác có nói gì, có cười mình đi nữa, họ vẫn trân trọng phương pháp của mình nên sẽ không bị lay động. Cứ như vậy, trong khi làm, mặc dù không hiệu quả nhưng những ý tưởng độc đáo mới vẫn nảy sinh. Dựa trên những ý tưởng chưa từng có đó, nhiều ý tưởng mới khác sẽ được sinh ra, nhiều loại máy móc mới sẽ được tạo ra.
Dù không có những thành tích xã hội lớn, nhưng những người mẹ có tính sáng tạo trong cuộc sống thường nhật cũng đang dựa vào những ý tưởng mới để cải thiện cuộc sống, nên dù làm việc nhà thôi cũng cảm thấy vui. Đối với việc chăm sóc trẻ cũng vậy, dù có tham khảo tài liệu về nuôi dạy trẻ đi nữa, họ vẫn có ý định nuôi dạy con luôn là chính mình, họ muốn con mình có một tính cách đặc trưng nên sẽ không bắt con mình phải theo học những khóa học tiên tiến nhất, hay phải vào được trường trung học tốt nhất… Họ nghĩ rằng sau bao khó khăn con mình mới được sinh ra trên thế giới này, và đang mang trong người bao nhiêu khả năng chưa được khám phá, nên sẽ không nghĩ đến chuyện đưa con mình vào một khuôn mẫu.
Nhờ suy nghĩ như vậy, họ đã nuôi con một cách nhẹ nhàng, những mặt đặc biệt của trẻ bắt đầu được thể hiện ra từ khi còn nhỏ. Cứ như vậy, cuộc sống của họ không có những chuyện như phải để ý người ngoài nhìn vào, hay sợ con mình sẽ bị người khác la mắng.
Tuy nhiên, trong nền giáo dục đồng nhất này, kiểu gì thì những phần vượt ra khỏi ranh giới sẽ xuất hiện, những giáo viên mong muốn sự đồng nhất sẽ xem đó là những đứa trẻ có vấn đề. Những suy nghĩ “Làm sao để trẻ không lo lắng cho dù bị giáo viên la mắng”, hay “Hãy nghĩ là nếu được thầy cô khen ở trường nhiều thì mới nguy hiểm cho trẻ” cứ luôn xuất hiện trong đầu tôi. Đó là do nền giáo dục hiện nay là một nền giáo dục đồng nhất, rất nhiều luật lệ, quy tắc được đưa ra ở trường học, và những đứa trẻ đang bị bắt phải tuân theo những điều đó.
Trong nền giáo dục như vậy, có thể nói là không có chỗ cho tính sáng tạo phát triển. Nền giáo dục đó đang tạo ra rất nhiều những đứa trẻ bị tụt lại phía sau. Những cha mẹ sáng tạo đã phát hiện ra những điểm mạnh và tin tưởng con mình, và trẻ cũng sẽ hành động với sự tin tưởng dành cho cha mẹ, nên chúng sẽ thoát ra khỏi khuôn mẫu cho dù có bị thầy cô nghĩ xấu, nói xấu đi chăng nữa, chúng sẽ không đi lệch hướng. Bởi vì cảm xúc của trẻ luôn ổn định khi có cha mẹ ủng hộ, thấu hiểu mình; và trẻ cũng đã hình thành được chính kiến của bản thân nhờ sự dạy dỗ của cha mẹ. Vì vậy, dạy cho trẻ tin vào bản thân là rất quan trọng và cha mẹ chính là người dạy cho trẻ niềm tin đó qua phương pháp nuôi dạy đề cao sự tự do.
Thành tích học tập ở trường giống như là chiếc thang máy đưa người ta lên hay xuống, nhưng mỗi ngày trôi qua, chúng ta phải tự mình hành động. Khi chiếc thang máy đi xuống, tự bản thân chúng ta phải hành động. Vì bản thân tự hành động nên trẻ sẽ không chỉ chú tâm vào mỗi việc học hành ở trường. Trẻ sẽ có khả năng mở ra một cuộc sống được là chính mình, nhờ có cha mẹ có thể thấu hiểu cho mọi chuyện.
Những cha mẹ như vậy hiểu rõ ý nghĩa của việc vui chơi. Họ quan sát để tìm ra sự phát triển tính sáng tạo hay tính tự giác trong khi vui chơi. Họ sẽ không nói những điều như: “Đừng có chơi hoài như vậy, lo học đi”. Chỉ cần con trải qua mỗi ngày một cách năng động, vui tươi, thì không cần câu nệ thành tích học tập ở trường. Trong số những người mẹ, cũng có người không xem phiếu liên lạc của con mình, vì họ biết phiếu liên lạc không phải là thứ dùng để đánh giá nhân cách của con. Các bà mẹ quan tâm đến thành tích luôn hỏi con: “Hôm nay con được bao nhiêu điểm ở trường?”, còn những bà mẹ quan tâm đến sự vui vẻ và trải nghiệm của con sẽ hỏi: “Hôm nay ở trường con học gì nào? Có gì vui không, kể mẹ nghe với?”. Đó là sự khác biệt giữa hai phương pháp giáo dục con trẻ.
Việc trân trọng con cái từ sâu trong tâm hồn có thể tạo ra mối quan hệ khăng khít giữa mẹ và con cái. Những người mẹ như vậy, dù cuộc sống có bận rộn vẫn sẽ không để trẻ thiếu sự tiếp xúc thân mật. Một lần nữa, mỗi khi trẻ đi học về, đứng trước cửa nói: “Con về rồi”, hãy trả lời rằng: “Con về rồi à!” và ôm lấy trẻ thật chặt.
Nếu nghĩ rằng bản thân mình đã nuôi dạy con tốt, thì hãy chọn người bạn đời có trái tim trẻ thơ. Ngoài ra, có người nói rằng trước khi kết hôn, cả hai người hãy cùng nhau đến những nơi có trẻ con, quan sát xem anh ta hành động như thế nào. Nếu anh ta chơi cùng với trẻ một cách vui vẻ thì quá tốt. Việc thích trẻ em là bằng chứng cho thấy anh ta có một trái tim trẻ thơ. Những người đàn ông hoàn toàn ghét bỏ điều đó và sống trong một xã hội của người lớn là do họ đã mất đi trái tim trẻ thơ rồi. Cũng có thể nói trái tim họ đã trở nên khô cằn. Nếu người đó không có hứng thú với trẻ em, bạn nên chào tạm biệt mà không cần phải hối tiếc. Kết hôn với những người như vậy, anh ta sẽ nói: “Việc dạy con giao cả cho em đấy”.
Khi chúng tôi tiếp nhận những cuộc trao đổi của người mẹ về việc trốn học của con, chúng tôi đã bày tỏ mong muốn người cha có thể cùng đến nhưng hầu hết các ông chồng đều không đến. Nhưng các ông lại luôn trách móc người mẹ: “Tại cách dạy con của cô có vấn đề đấy”.
Hoàn toàn không có sự gắn kết giữa hai trái tim của cha và mẹ. Chính vào những lúc xảy ra vấn đề trong gia đình, cả hai cùng nhau nỗ lực giải quyết mới gọi là vợ chồng, nếu cả hai thấu hiểu cho nhau thì chắc chắn sẽ làm được điều đó. Những người đổ lỗi cho vợ mình: “Tại cách dạy con của cô có vấn đề đấy” là những người đàn ông không hề có chút thấu hiểu. Những đứa trẻ trốn học thường có cảm xúc ức chế với mẹ và có những câu nói như: “Loại người như bố thì ly hôn quách đi”.
Tuy nhiên, những người cha như vậy cũng đang trải qua cảm giác bất an. Đó là do họ đã lạnh lùng trong việc nuôi dạy trẻ, hoặc họ là người quá lý thuyết trong việc đó. Người có trái tim ít thấu hiểu đa phần có khả năng trở thành người quy tắc. Hơn nữa, họ còn có xu hướng sử dụng bạo lực để khẳng định bản thân đối với trẻ em. Chính họ cũng được nuôi dạy theo cách như thế bởi cha của mình. Nhiều người đã lớn lên với cách dạy dỗ bằng đòn roi của cha mẹ.
Những đứa trẻ có suy nghĩ: “Hãy sống cuộc sống của chính mình với sự thúc đẩy của cha mẹ” là những đứa trẻ đang phát triển tính tự giác, và có thể có cả tính sáng tạo nữa. Chuyện đó là hoàn toàn có thể nếu sự thúc đẩy của cha mẹ thật mạnh mẽ. Trong số những đứa trẻ trốn học, có những đứa trẻ có cha luôn miệng nói mà không hề nhìn thẳng vào chúng. Quan hệ cha con đang trở nên tuyệt vọng, trẻ thậm chí có cảm giác cha mình đang có ác ý. Để tránh những tình trạng như vậy, khi trẻ còn nhỏ, việc người cha có thể cùng vui chơi có ý nghĩa rất quan trọng.
Điều cuối cùng, để nuôi dưỡng tính sáng tạo ở trẻ, hãy xem xét việc cho trẻ chơi những loại đồ chơi nào thì tốt. Những loại có gắn câu quảng bá như là “Đồ chơi giúp trẻ phát triển tính sáng tạo”… thì chẳng có gì chứng minh cho điều đó cả.
Với tôi, so với những loại đồ chơi ấy, những món đồ lặt vặt hay phế liệu còn giúp trẻ trải nghiệm nhiều điều hơn. Có trường mẫu giáo còn dành cả một nhà kho nhỏ để lưu giữ những thứ mà trẻ nhặt được từ nhà, và biến nơi đó trở thành nơi trẻ có thể tự do vui chơi. Mục đích là để phát triển tính sáng tạo của trẻ. Do là đồ phế liệu, nên dù có hư hỏng thì vẫn có thể cho trẻ chơi mà không cần nói gì.
Dù sao đi nữa, nếu có thể chơi đùa, sử dụng thoải mái mà không bị người lớn giới hạn thì sẽ nuôi dưỡng, ươm mầm cho sự phát triển tính sáng tạo ở trẻ. Để nuôi dưỡng tính sáng tạo thì điều không thể thiếu chính là sự tự do. Nếu không có điều đó, những ý tưởng đặc biệt sẽ không được sinh ra. Hãy suy nghĩ xem cha mẹ nên cho trẻ tự do như thế nào thì tốt. Hãy cùng nhau nỗ lực để trẻ có thể thực sự tìm đến cha mẹ nói chuyện mỗi khi thoáng có một ý tưởng hay nào đó.
Hãy quan sát xem trẻ có đang chơi một cách tự giác hay không, nếu được trẻ cho chơi cùng, hãy làm theo những yêu cầu của trẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trẻ có những ý tưởng độc đáo đến thế nào.
Trẻ em luôn có sự sáng tạo. Bạn sẽ bất ngờ với những ý tưởng sáng tạo vĩ đại của trẻ nếu có dịp chơi đùa cùng. Đừng cười nhạo những ý tưởng viển vông của trẻ. Chẳng phải ngày trước chúng ta không cho rằng mình có thể bay được thì nay đã bay được đó sao, thậm chí bay cả nửa vòng Trái đất trong thời gian ngắn với những chiếc máy bay lớn và siêu nhanh.
Việc cùng nhau vui chơi có thể thắt chặt thêm sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái nên điều này rất có ích đối với sự ổn định tình cảm và tinh thần của trẻ. Đồng thời, do nhận được sự thấu hiểu từ cha mẹ nên điều đó cũng đang nuôi dưỡng cho trẻ một trái tim biết thấu hiểu.
Hiện nay, có rất nhiều lý thuyết về giáo dục hay kỷ luật. “Để nuôi dưỡng một đứa trẻ biết cảm thông”, “Để tạo động lực cho trẻ”, “Để trẻ thông minh hơn”… là những cụm từ thường bắt gặp ở những tài liệu giáo dục. Tuy nhiên, sách chỉ nêu ra những điều chung chung theo dạng liệt kê chứ không hề nhắc đến mối quan hệ tương hỗ của vấn đề, hay những mâu thuẫn trong đó cũng không hề ít. Ví dụ, có người nói rằng hãy mắng trẻ một cách điềm đạm, nhưng nếu bạn điềm tĩnh thì sẽ không mắng mỏ trẻ nữa. Khi mắng trẻ, chắc chắn cảm xúc bực bội sẽ tăng lên, chính vì đang bực bội như vậy chúng ta mới mắng mỏ, chỉ trích trẻ. Bực tức là một cảm xúc cơ bản của con người, nên chúng ta luôn nỗ lực để kiểm soát cảm xúc này. Tóm lại, nếu ít bực tức, chúng ta có thể trở thành những người cha, người mẹ ít mắng mỏ con cái. Nếu bạn đứng trên lập trường của con cái mà suy nghĩ, hay có thể thông cảm với cảm xúc, tình cảm của trẻ thì việc la mắng cũng sẽ ít đi.
Khi la mắng trẻ, ngoài cảm xúc giận dữ, bạn thậm chí còn có sự căm ghét trong đó nữa. Thậm chí có người mẹ còn nói thẳng vào mặt con mình là: “Đồ đáng ghét!”. Căm ghét chính con ruột của mình là một điều vô cùng xấu hổ. Bạn hãy nỗ lực để không trở thành một người mẹ như vậy nhé!