Trong việc phát triển tính sáng tạo thì việc không rập khuôn trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Nếu xem trọng việc đó, thì không nên đưa trẻ vào kỷ luật.
Chúng tôi đã không dạy cho cháu mình tính kỷ luật khi được nhờ chăm nom thằng bé. Tuy nhiên, đối với việc cư xử không đúng mực hay những lúc đùa giỡn thái quá, chúng tôi sẽ thể hiện thái độ như: “Nếu cháu làm như thế này thì ông sẽ vui hơn…”, hay là “Cháu đùa như vậy thì ông buồn lắm”… Tuy nhiên, cháu tôi có tiếp nhận điều đó hay không còn tùy thuộc vào tính tự giác của nó. Vậy nên, có lúc hành vi của thằng bé vẫn xấu như vậy, có lúc thì lại tiếp tục đùa giỡn thái quá.
Nhưng những hành động tiếp theo đó, nhìn vào có thể biết rõ ràng là thằng bé đang bắt đầu có khả năng tự điều khiển bản thân. Thằng bé bắt đầu chơi với tâm ý làm sao để không làm ông buồn, làm sao để ông vui… Cứ như vậy, nếu có thể xác định được cháu mình đang phát triển khả năng điều khiển bản thân từng chút một là có thể yên tâm được rồi.
Những người làm theo lý thuyết về kỷ luật sẽ bực tức, và mắng mỏ trẻ nếu trẻ không ngoan, không phục tùng mệnh lệnh đưa ra, và họ sẽ cố đưa trẻ vào khuôn mẫu một cách nhanh nhất. Những cha mẹ khó tính trong chuyện kỷ luật, vì muốn đưa trẻ vào khuôn mẫu mà la mắng rất nhiều, thêm cả đánh đòn nữa. Trẻ sẽ ngoan ngoãn làm theo khuôn mẫu vì sợ điều đó. Do những người theo lý thuyết kỷ luật khen những đứa trẻ đi vào khuôn khổ là những đứa trẻ ngoan, nên chúng sẽ vì muốn được nghe nhiều lời khen hơn mà dần không thể thoát ra khỏi khuôn mẫu đó. Kết quả là chúng ta sẽ dần chẳng còn muốn trẻ tự giác hay sáng tạo nữa. Đương nhiên là trẻ cũng chẳng còn khả năng tự mình xử lý tình huống nếu gặp phải khó khăn trong quá trình trưởng thành.
Trẻ thậm chí sẽ rơi vào trạng thái bất an khi không biết bản thân nên làm thế nào, trẻ bắt đầu có những hành vi bất thường, và cả những hành vi được coi là biểu hiện của những căn bệnh tinh thần. Khi hỏi kỹ hơn về những gì đã trải qua trong quá khứ của những đứa trẻ như vậy, tôi phát hiện ra rằng tính tự giác ở trẻ đã dừng phát triển vào khoảng năm ba tuổi. Nhưng cha mẹ lại đang nghĩ rằng mình đã thành công trong việc áp kỷ luật lên đứa con ngoan của mình. Có trẻ bắt đầu bỏ học, thậm chí có những ảo giác hay hoang tưởng. Có trẻ ném đá sang nhà bên cạnh, buột miệng ra nói những câu như: “Có người đang nhìn con”, hay “Người ta đang nói xấu con”…
Có những sinh viên đại học được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt do từ khi còn nhỏ đến khi đi học đã luôn là “đứa trẻ ngoan”. Thành tích học tập của những đứa trẻ này luôn tốt, nên từ khi học tiểu học đến trung học luôn nhận được lời khen từ thầy cô. Tuy nhiên, nếu nhìn từ quan điểm của chúng tôi thì sự phát triển tính tự giác của trẻ là cực kỳ thấp, không hề giúp ích cho việc ươm mầm tính sáng tạo ở trẻ. Người cha làm cho trẻ nghĩ rằng bản thân trẻ là đứa trẻ hư do luôn bị thầy cô, cha mẹ la mắng vì nghịch ngợm. Người mẹ theo hình mẫu mẹ hiền vợ tốt xưa cũ sẽ là người khen trẻ. Họ tin rằng việc trẻ được tiếp thu những quy củ khắc nghiệt từ cha mẹ như vậy là điều tốt, nên cha mẹ sẽ cùng nhau làm cho trẻ đi vào nề nếp bằng cách đưa trẻ vào khuôn mẫu. Điều đó càng tạo thêm áp lực cho trẻ.
Để phát triển tính tự giác khi còn nhỏ, cha mẹ phải áp dụng nhiều phương pháp để trẻ cảm thấy tự do. Sẽ mất khoảng năm năm cho đến khi trẻ có thể phát triển đầy đủ tính tự giác. Tính tự giác không phải là điều dễ có vì cần một yếu tố quan trọng là cha mẹ và những người thân trong gia đình phải thực sự dụng tâm trong việc nuôi dạy trẻ và kiên nhẫn không giới hạn.