Cháu trai tôi nghĩ ra rất nhiều sáng kiến kể cả khi mới học mẫu giáo, tôi đã rất vui khi được nghe kể về điều đó từ thầy cô giáo. Khi kiểm tra sức khỏe, thằng bé rất có hứng thú với cái cân, và có vẻ như trong một thời gian dài thằng bé đã mang theo trong người nhiều thứ hơn để cân nặng của mình tăng lên lúc cân. Nghĩa là thằng bé đã học được rằng cân nặng sẽ khác nhau tùy theo từng vật mặc dù chưa biết đến chữ số. Vì trường mẫu giáo mà thằng bé học rất quan tâm đến việc trẻ được tự do vui chơi, nên nhờ vậy cháu tôi đã có thể phát triển tính tự giác của nó.
Đã có một buổi kể chuyện để trình diễn cho các bà mẹ cùng xem. Giáo viên trong trường sẽ tham khảo ý kiến của những học sinh lớn: “Chúng ta sẽ cùng nhau làm gì đây?”. Những đứa trẻ sẽ cùng nhau đưa ra ý tưởng, và ý tưởng nào nhận được nhiều sự đồng tình thì mọi người sẽ cùng nhau thực hiện. Và thế là mọi người quyết định cùng nhau diễn vở kịch về ý tưởng của cháu tôi trong buổi biểu diễn cho các bà mẹ và cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của những đứa trẻ khác. Dĩ nhiên là trong quá trình luyện tập cũng gặp không ít khó khăn và làm cho những đứa trẻ phải than vãn: “Đúng là tụi mình sai lầm rồi…”. Tuy nhiên, bọn trẻ đã trình diễn rất nghiêm túc và vô cùng sống động.
Việc những đứa trẻ học thuộc lời kịch bản mà giáo viên nghĩ ra rồi trình diễn trên sân khấu giống như là những người huấn luyện bắt những con khỉ trình diễn trong rạp xiếc vậy. Đối với những đứa trẻ, tâm hồn chúng thật sự rất trong sáng, vì vậy cần phải đặc biệt chú ý đến lời thoại để tránh làm mất đi sự trong sáng trong lời nói của trẻ. Vở kịch đương nhiên cần phải diễn một cách sinh động. Tuy nhiên, cho dù vở kịch được giáo viên soạn hay đến thế nào đi chăng nữa mà bọn trẻ không cảm nhận được thì xem như vở kịch không thể sinh động như mong muốn được. Điều đó giống như đang tạo ra những đứa trẻ không cảm xúc. Việc nuôi dạy như vậy cần phải được thay đổi càng sớm càng tốt.
Việc trẻ được sinh hoạt với những điều mà chúng muốn có nghĩa là trẻ đang phát triển một cách thuận lợi, và óc sáng tạo của trẻ cũng đang được ươm mầm phát triển. Về điều này, chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về tầm quan trọng của bầu không khí tự do đối với trẻ là như thế nào. Làm thế nào để cho trẻ tự do? Trường tiểu học ở Nhật Bản có quá nhiều bài tập về nhà. Việc cho quá nhiều bài tập về nhà như vậy đang áp chế sự phát triển tính tự giác ở trẻ.
Bên cạnh nhà trường thì cha mẹ là nhân tố quan trọng trong những năm đầu đời từ khi trẻ được sinh ra. Cha mẹ cần phải cho con cái sự tự do đúng nghĩa, tôn trọng ý muốn của trẻ khi trẻ nói: “Con muốn tự làm”, hoặc “Con không thích ăn bằng muỗng mà thích dùng đũa cơ” dù rằng trẻ có thể làm vương vãi đồ ăn khắp bàn. Có như vậy, tính tự giác ở trẻ mới được ươm mầm tốt cho giai đoạn phát triển sau này. Nếu cha mẹ không trao cho trẻ sự tự do, đến khi trẻ bước vào tiểu học, rồi trung học… sẽ có những thầy cô khuôn mẫu bóp nghẹt sự tự do của trẻ thì những đứa trẻ này thật bất hạnh.