“Tôi luôn tin rằng con người phải làm việc để sống một cuộc đời trọn vẹn.
Bản thân công việc đã là món quà trời ban.”
Thương nhớ quê hương Tongcheon
Từ Gangneung đi dọc theo bờ biển về phương bắc, qua Sokcho, Hwajinpo, Goseong là đến thị trấn Tongcheon. Ngay phía bắc Tongcheon là Chongseo Haegeumgang, nơi được đánh giá là một trong tám thắng cảnh đẹp nhất vùng Gwandong. Nếu tiếp tục đi về phía bắc, bạn sẽ đến bãi biển Songjeon thơ mộng. “Song jeon” trong tiếng Hàn nghĩa là “cánh đồng của những cây thông”, và đúng như tên gọi, nơi này được bao bọc bởi những triền thông và một bãi cát trắng trải dài bất tận ôm lấy bờ biển xanh như ngọc. Vào mùa xuân, những ngọn đồi thấp dưới chân núi gần đó được phủ một màu đỏ rực của hoa đỗ quyên, một loài hoa rực rỡ hơn cả hải đường. Từ nơi này, đi bộ khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ là tới nhà tôi ở thôn Asan, nơi trồng rất nhiều cây hồng.
Theo lời người lớn trong nhà, gia đình tôi vốn sinh sống ở Myeongcheon thuộc tỉnh Hamgyeong Bắc được mười một thế hệ, sau đó chuyển đến Gilju và trải qua bốn thế hệ ở đó. Đến năm Giáp Ngọ (1894), ông cố tôi mang theo ba người con chuyển đến Asan. Ông nội tôi có bảy người con, trong đó cha tôi là con trưởng. Ông nội vốn là một thầy giáo mở trường dạy chữ cho trẻ em trong làng. Vào thời đói khổ đó, cả làng chỉ có khoảng năm mươi hộ gia đình nghèo xơ xác. Ông nội chỉ biết đọc sách và dạy trẻ, không biết làm ruộng hay bất kỳ nghề nào khác để nuôi sống gia đình. Vì vậy, gánh nặng sinh nhai đổ lên vai cha tôi, con trai trưởng trong nhà. Cha tôi đã thay ông nội lo cho gia đình và chăm sóc sáu đứa em.
Cha tôi lập gia đình khá muộn, vì chẳng ai muốn gả con gái cho một người đàn ông đang gánh trách nhiệm nuôi cả sáu đứa em trong khi tài sản duy nhất chỉ là sự cần cù lao động. Khi cha tôi ba mươi hai tuổi, tôi mới chào đời. Tôi là con trai trưởng, sinh năm 1915. Năm đó mẹ tôi mới hai mươi hai tuổi. Vào mùa vụ, cha tôi làm lụng từ sáng đến tối muộn không biết đến ngày nghỉ. Ngay cả những lúc nông nhàn vào mùa đông, cha cũng chẳng bao giờ chịu ngồi không. Trong khi người khác nhậu nhẹt, chơi bời hoặc tụ tập bài bạc, cha tôi vẫn lặng lẽ làm việc. Ông cày đám ruộng bỏ hoang, san bằng chỗ cao, lấp chỗ thấp, xây đập và kéo nước tạo ruộng.
Cha tôi là người chỉ biết làm việc.
Cha tôi hào phóng chia ruộng đất mà mình đã tạo dựng nên bằng mồ hôi nước mắt cho từng người em để giúp họ có cuộc sống riêng khi lập gia đình. Tinh thần trách nhiệm của cha đối với người nhà thật sự khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng. Cũng như cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng con cái, người con cả trong gia đình cũng chịu trách nhiệm chăm lo cho các em của mình. Cha đã dạy tôi biết sống có trách nhiệm với gia đình, không phải bằng lời nói suông mà bằng cách làm gương cho tôi. Tôi luôn ghi khắc bài học này trong tim mình.
Cha tôi là người kiệm lời. Ngay cả khi cùng cha làm ruộng từ sáng tinh mơ đến chiều muộn, tôi hiếm khi nghe ông nói nhiều hơn đôi ba câu. Có lẽ cuộc trò chuyện dài nhất giữa cha con tôi với nhau là khi ông tìm được tôi - đứa con trai bỏ nhà ra đi - ôm tôi vào lòng và thuyết phục tôi trở về. Đó là lần đầu tôi bỏ nhà đi làm công nhân tải đất tại một công trường xây dựng đường sắt nơi vùng cao. Khi đó, cha đã đến tìm tôi và nói:
“Con là con trưởng trong nhà. Dù gia đình có bao nhiêu anh em thì con trưởng vẫn là trụ cột. Trụ cột không vững vàng thì gia đình sẽ sụp đổ. Bất kể có chuyện gì xảy ra, con phải có trách nhiệm ở lại quê hương và chăm lo cho các em. Nếu người bỏ nhà ra đi là các em của con thì cha sẽ không đi tìm như thế này đâu.”
Cuộc trò chuyện dài tiếp theo diễn ra khi tôi bỏ nhà ra đi lần thứ ba. Lần đó, tôi trộm 70 won(4)tiền bán bò, lên Seoul học Trường Kế toán Gyeongseong gần Cung điện Deoksu và lại bị cha tôi đến bắt về.
(4) Đơn vị tiền tệ của Hàn Quốc.
“Có bậc cha mẹ nào trên đời này không muốn con cái thành đạt? Nếu con có thể kiếm tiền để đưa cha mẹ cùng các em lên Seoul và chăm sóc cả nhà thì người cha già này chẳng ngăn cản con làm gì. Nhưng con nên nhớ con chỉ là một đứa trẻ nhà nông mới học xong tiểu học. Cha nghe nói ở Seoul có đầy người tốt nghiệp trung cấp mà vẫn thất nghiệp. Con nhìn lại xem bản thân mà xem. Con không có gì cả. Và một đứa không có gì như con sẽ không có chỗ đặt chân ở thành phố này. Cho dù có tốt nghiệp trường kế toán thì giỏi lắm là con chỉ có thể làm chân chạy vặt cho bọn Nhật Bản. Con sẽ khiến cả nhà ta phải ra đường ở trong lúc con mù quáng theo đuổi ước mơ ngu xuẩn đó của mình. Cha đã già rồi, vậy nên con phải là người gánh vác cả gia đình. Nếu con không nhận lấy trách nhiệm này thì nhà mình sẽ phải quay lại những tháng ngày bần cùng.”
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại dáng đứng khom khom và đôi mắt rưng rưng của cha khi nói với tôi những lời đó trước cổng Cung điện Deoksu.
Sau này, khi đã lên Seoul sống cùng tôi và thường xuyên thấy tôi bận rộn đi sớm về khuya vì công việc, cha cũng chưa một lần yêu cầu tôi phải về nhà sớm. Thay vào đó, ông thể hiện tình yêu thương không thể diễn tả bằng lời dành cho tôi bằng cách luôn thức đợi tôi về. Ông không ra đón hoặc cất tiếng gọi tôi mỗi khi tôi tan làm trở về, mà chỉ dùng tiếng “e hèm” thay cho lời chào “Mừng con về nhà”. Đó là cách người cha khắc khổ kiệm lời thể hiện tình yêu và sự quan tâm dành cho tôi.
Tôi không rõ lý do nào đã khiến mẹ tôi đồng ý kết hôn với cha tôi, một người đàn ông hơn bà tận mười tuổi và nghèo đến mức không có tiền lo việc cưới xin. Theo lời những người lớn trong làng, mẹ tôi là “phúc lành từ trên trời rơi xuống” cho cha tôi. Trong mắt mọi người, mẹ tôi là người vợ tốt nhất mà một nông phu giỏi nhất có thể mơ ước.
Không chỉ giúp đỡ việc đồng áng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, mẹ tôi còn biết dệt vải. Bà dệt vải gai và đem đổi lấy vải bông để may quần áo cho cả nhà. Bên cạnh đó, bà còn không ngừng nuôi tằm dệt lụa. Tài dệt lụa của mẹ tôi có tiếng trong vùng. Trong khi người khác phải mất năm ngày để dệt xong một cuộn vải loại 6 mét, mẹ tôi chỉ cần hai ngày. Bà luôn tự đặt ra hạn mức công việc trong ngày và chỉ rời khung cửi sau khi đã hoàn thành mục tiêu.
Để nuôi tằm dệt lụa, mẹ tôi cần một lượng lớn lá dâu tằm mỗi ngày. Vì không có ruộng dâu riêng nên chúng tôi phải lặn lội vào sâu trong núi hái lá dâu tằm dại. Tôi còn nhớ khi đó, anh em tôi mỗi đứa đều mang một cái bao theo mẹ lên núi từ sớm tinh mơ và hái lá dâu tằm cho đến khi hết sạch rồi mới về nhà. Mẹ tôi là một người không chịu thua kém người khác và không bao giờ để mình bị vượt mặt trong việc dệt vải. Ngay cả khi giẫy cỏ, người ta làm một luống thì mẹ tôi phải làm xong hai luống mới cảm thấy hài lòng.
Vào thời đó, phân bắc(5) là loại phân bón tốt nhất cho ruộng vườn. Vì vậy, cho dù là người lớn đang đến thăm bạn bè hoặc trẻ nhỏ đang chơi đùa quanh làng, ai cũng muốn đảm bảo rằng mình có thể đi vệ sinh tại nhà để đóng góp cho nguồn phân bón quan trọng này. Những đứa trẻ đến lớp học chữ Hán của ông tôi cũng không ngoại lệ. Nếu muốn đi vệ sinh thì chúng sẽ chạy về nhà, ngay cả khi chưa hết giờ học. Nhưng cũng có những đứa trẻ cảm thấy việc này quá phiền phức nên cứ bạ đâu đi đấy. Mẹ tôi tiếc chỗ “nguyên liệu phân bón” đó, nên một hôm bà mang một ít đậu rang đến và nói với bọn trẻ: “Từ nay về sau, trò nào đi tiểu vào thùng đựng nước tiểu đặt bên ngoài phòng học thì sẽ được thưởng một nắm đậu rang”. Nhờ sự tinh ý này, mẹ tôi đã thu thập được kha khá “nguyên liệu”.
(5) Một loại phân hữu cơ được tạo thành từ phân người chưa phân hủy hoàn toàn.
Khác với người cha trầm lặng chỉ biết cặm cụi làm việc của chúng tôi, mẹ tôi là người hoạt bát và năng động. Vào những đêm hè, khi cả gia đình quây quần quanh đống lửa và ăn bắp luộc, mẹ tôi thường kể những câu chuyện hài hước đến nỗi người trầm tĩnh như cha tôi cũng phải phì cười. Đối với anh em chúng tôi, gương mặt tươi cười đó của cha chính là biểu tượng của hạnh phúc.
Tuy phải lao động vất vả và hiếm có lúc ngơi tay, nhưng mẹ tôi vẫn hết mực yêu thương con cái. Trong đó, tình yêu mà mẹ dành cho tôi, con trai cả, là không lời nào kể hết. Mẹ luôn dành cho tôi loại trái cây, khoai tây và những trái bắp ngon nhất. Vì điều này mà In-yung, đứa em có vóc dáng nhỏ bé hơn tôi, thỉnh thoảng nói đùa rằng “Mẹ luôn dành cho anh cái to và cho em cái nhỏ nên em mới thấp bé như vầy!”.
Theo lời của em gái Hee-yung, dù đi đâu thì mẹ vẫn luôn cầu nguyện cho tôi thành đạt. Khi ở nhà, hầu như đêm nào bà cũng đặt chén nước trên cái chum giữa sân để dâng lời cầu nguyện. Khi đi ra ngoài, bà có thể cầu nguyện trước một tảng đá lớn, một hồ nước, một ngọn núi hoặc thậm chí là một gốc cổ thụ. Nội dung lời cầu nguyện của bà không dành cho chồng hoặc những đứa con khác, mà luôn dành cho chỉ một mình tôi: “Tôi có một cậu con trai tài giỏi tên Chung Ju-yung, xin thần linh phù hộ cho nó một đời sung túc”.
“Ăn ngon ngủ yên
Chung Ju-yung của mẹ
Khi vào ra Đông-Tây-Nam-Bắc
Mặc lời đồn ác ý
Vẫn chẳng chút nao lòng
Chân khỏe mắt sáng
Đi xa vạn nẻo đường
Vẫn luôn được hộ mệnh
Hãy nhìn xa trông rộng
Là chiếc lá trong mắt người khác
Là bông hoa trong mắt người khác
Đứng vững trên đất bằng
Thân tâm đều tinh anh
Cầu mong sống lâu trăm tuổi
Mỗi bước đi đều cho ra trái ngọt
Mỗi lời nói đều tỏa hương thơm
Để tất cả mọi người
Đều nhìn lên ngưỡng mộ.”
Hình ảnh mẹ lẩm nhẩm lời cầu nguyện cho tôi ngay cả khi đang ru em tôi ngủ, nhổ cỏ hay dệt vải… vẫn luôn là ký ức đáng quý nhất mà tôi có về bà.
“Tôi có một cậu con trai tài giỏi tên Chung Ju-yung, xin thần linh phù hộ cho nó một đời sung túc.” Vì hiểu mẹ nên tôi biết tại sao bà lại tích cực cầu nguyện như vậy. Bà đã bị vây khốn quá lâu bởi cái nghèo.
Mặc dù làm việc quần quật để trang trải cuộc sống, cha mẹ tôi vẫn sống rất kham khổ vì còn phải lo cho cuộc sống của các chú của tôi khi họ lập gia đình. Gia đình tôi nghèo đến mức vào ngày đầu năm mới, anh em chúng tôi phải chia nhau một chiếc áo durumagi(6) duy nhất để mặc đi chúc Tết người lớn trong làng. Tôi là người đầu tiên mặc chiếc áo khoác đó, sau đó mới lần lượt đến In-yung rồi Soon-yung.
(6) Áo khoác truyền thống của Hàn Quốc, dành cho phái nam.
Cuộc sống cơ cực của người nông dân thời đó thật sự không bút mực nào tả xiết. Họ chỉ có thể cầu trời mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. Nhưng ngay cả khi may mắn có được vụ mùa bội thu sau một năm còng lưng cày cuốc thì chúng tôi vẫn còn đó nỗi lo không biết có đủ lương thực dùng cho cả năm hay không. Ruộng đất nhà nào cũng chỉ có một khoảnh, phương pháp làm nông thì thô sơ, nông cụ sơ sài; mưa nhiều thì úng, mưa ít thì hạn; nếu mưa xuân đến muộn một chút, nếu sương giá đến sớm hơn dự kiến hoặc nếu trời đổ mưa đá thì chúng tôi không thoát được cảnh mất mùa. Có khi may mắn được một vụ mùa khả quan thì hai vụ kế tiếp lại thất thu.
Ông Chung Ju-yung (phải) với em trai Chung Soon-yung (giữa) vào khoảng đầu thập niên 1930
Khi mùa đông đến, quê hương Tongcheon của tôi phủ một màu tuyết trắng xóa. Có lúc tuyết rơi thành đống cao tới đầu, chúng tôi buộc phải đào đường hầm mà đi. Nếu gặp phải năm mất mùa, nhà ai cũng chỉ có chút lương thực cầm cự qua mùa đông. Vậy nên suốt những tháng tuyết phủ trắng núi Gangsan, chúng tôi chỉ có thể bữa sáng ăn cơm độn kê, bữa trưa nhịn, còn bữa tối thì cháo đậu qua ngày. Chúng tôi trải qua mùa đông khắc nghiệt như thế, và đến khi xuân sang thì lương thực hết sạch. Khi đó, chúng tôi lại lay lắt sống qua ngày bằng cách ăn rễ cây, vỏ cây và rau dại.
Sống trong cảnh đói khát thật sự rất bi thảm. Vào thời kỳ đó, nhiều người không chịu được cái đói nên đã khăn gói rời quê hương đến Mãn Châu hay Bắc Gando.
Thời niên thiếu và những lần tha hương lập nghiệp
Tôi ra đời vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1915, năm năm sau khi Hiệp ước sáp nhập Nhật Bản - Triều Tiên được công bố vào tháng Tám năm 1910. Vào giai đoạn đó, Nhật Bản ra sắc lệnh yêu cầu tất cả các trường học, bao gồm cả trường tư thục, phải hát quốc ca Nhật. Đó cũng là thời điểm các hội nhóm bí mật với quyết tâm giải phóng dân tộc được thành lập khắp nơi trên đất nước chúng tôi. Tuyến đường sắt Hamgyeong được khởi công; tuyến đường Gyeongwon được khai thông; cảng Busan, cảng Jinnampo và cảng Wonsan được hoàn thành; mẫu giày cao su của Nhật cũng xuất hiện. Thời điểm này cũng chỉ cách Phong trào Độc lập Kỷ Mùi(7) (01/03/1919) khoảng bốn năm.
(7) Còn gọi là Phong trào ngày một tháng Ba (năm 1919), một phong trào đấu tranh chống lại sự đô hộ của Đế quốc Nhật trên bán đảo Triều Tiên. Sau phong trào này, Chính phủ Lâm thời Đại Hàn Dân Quốc được thành lập vào ngày 13 tháng Tư năm 1919.
Trước khi vào tiểu học, tôi đã có ba năm học Thiên Tự Văn ở trường làng của ông tôi. Tôi cũng được ông dạy Mạnh Tử, Luận Ngữ, Tiểu Học, Đại Học(8), cả thơ không đề, thơ thất ngôn và thơ Đường. Tôi học thuộc lòng rồi trả bài cho ông nghe. Sở dĩ tôi chăm chỉ như thế chẳng phải vì tôi thích học hay thấy những bài học đó thú vị, mà vì tôi sợ chiếc roi của ông.
(8) Những tựa sách thuộc hệ thống giáo dục Nho giáo.
Mãi đến khi lớn hơn, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của các bài học mà tôi đọc làu làu khi bé. Tôi học tiểu học khi lên mười tuổi và chương trình học khi đó dễ đến mức tôi có thể học vượt từ lớp một lên thẳng lớp ba. Suốt thời tiểu học, vì học không tốt môn viết chữ và thanh nhạc nên tôi luôn xếp hạng nhì. Cầm cọ viết chữ đòi hỏi sự kiên nhẫn, trong khi tôi thường xuyên bị mắng vì tính nóng nảy, vội vàng đến mức mang giày cũng chân nọ xọ chân kia. Vậy nên môn học đó thật sự là vấn đề nan giải đối với tôi. Tôi cũng mù tịt về nhạc lý, không phân biệt nổi nốt nào với nốt nào nên kết quả môn thanh nhạc của tôi rất thảm hại. Người bạn luôn đứng nhất lớp tôi, cũng là người có kiên nhẫn hơn tôi, sau này đã đậu kỳ thi tuyển quản giáo và làm việc tại trại giam.
Ông Chung Ju-yung trong lễ tốt nghiệp tại Trường Tiểu học Songjeon ở quê nhà Tongcheon, tỉnh Gangwon, năm 1931
Khi tôi vào tiểu học cũng là lúc cha bắt đầu “đào tạo” tôi thành một nông dân giỏi giang. Vào mỗi Chủ nhật và ngày lễ, tôi đều phải theo cha ra đồng làm ruộng từ sáng sớm đến tối mịt. Ngay cả khoảng thời gian trống sau giờ học mỗi ngày cũng được tôi dùng trên những cánh đồng. Các bậc cha mẹ khác thì tương đối thoải mái với con mình khi chúng còn nhỏ, nhưng cha tôi thì luôn bắt tôi chăm chỉ thu hoạch kiều mạch cho đến tận đêm trước Trung thu. Đối với cha tôi, khái niệm “thời gian rảnh” không tồn tại. Dù vậy, tôi vẫn không xem việc phụ giúp cha tôi sau giờ học là làm nông đích thực.
Ngay khi tôi tốt nghiệp tiểu học, cha bắt đầu hướng dẫn tôi làm việc như một người nông dân “toàn thời gian”. Với hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ, tôi đành gác lại con đường học hành và ước mơ làm thầy giáo.
Thế nhưng, trong những lúc đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng, tôi không khỏi ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. “Lẽ nào tôi cứ phải làm một nông dân suốt đời khom lưng? Một nông dân cần cù cả đời nhưng không có nổi một bữa no? Lẽ nào tôi phải sống như vậy… một cuộc đời vất vả đến kiệt quệ như cha tôi? Cuộc sống này chỉ có vậy thôi ư?”
Những suy nghĩ đó khiến tôi ngột ngạt và cảm thấy tương lai thật mờ mịt. Nếu tôi cứ tiếp tục sống ở nơi ruộng đồng này, cuộc sống tương lai của tôi sẽ chẳng khác gì cuộc sống của cha tôi bây giờ. Tôi cảm thấy bất mãn vì thu nhập của nghề nông quá ít ỏi so với những cơ cực mà nông dân phải trải qua. Tôi muốn rời quê hương và thử làm một công việc gì đó khác với làm nông. Tuy vẫn còn mơ hồ, nhưng tôi nghĩ miễn là tôi chăm chỉ như lúc làm nông thì dù làm công việc gì đi nữa, tôi vẫn có thể có thu nhập tốt hơn.
Dù sao thì tôi cũng muốn lên thành phố.
Khi đó, thứ góp phần nung nấu quyết tâm tha hương lập nghiệp của tôi chính là tờ Đông Á Nhật báo, tờ báo duy nhất được giao đến nhà xã trưởng mỗi ngày. Những người lớn biết chữ trong làng chuyền tay nhau đọc hết một lượt tờ báo duy nhất đó, sau đó tôi mới có thể mượn đọc. Tôi thường đọc ngấu nghiến không sót một chữ vì ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh như quê tôi, tờ báo là nguồn thông tin duy nhất về thế giới ngoài kia.
Thuở đó, tôi ngây thơ đến mức nghĩ rằng những tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ không phải là sản phẩm hư cấu của nhà văn, mà là những câu chuyện thực tế diễn ra hằng ngày. Vậy nên tôi đã tin rằng cả Ngọn lửa của thủ đô Mado(9) và Đất(10) đều là chuyện người thật việc thật. Tôi có ấn tượng sâu sắc với luật sư Heo-sung, nhân vật chính trong tiểu thuyết Đất, và thậm chí còn mơ ước lên thành phố làm bất cứ việc gì để kiếm đủ tiền đi học rồi thi lấy bằng luật sư để trở thành một luật sư giỏi như Heo-sung. Trên thực tế, tôi thật sự đã lên thành phố, làm việc cật lực và mua những quyển sách về pháp chế như Lục pháp toàn thư để tìm hiểu ngoài giờ làm. Tôi cũng tham gia kỳ thi tuyển viên chức và tất nhiên là tôi đã thi trượt.
(9) Tiểu thuyết của tác giả Bang In-geun (1899-1975) được đăng nhiều kỳ trên Đông Á Nhật báo từ 11/1932 đến 06/1933.
(10) Tiểu thuyết của tác giả Yi Gwang-soo (1892-1950), là một trong những tác phẩm tiên phong cho dòng văn học hiện đại Hàn Quốc và được đăng nhiều kỳ trên Đông Á Nhật báo vào năm 1932.
Dù sao đi nữa, nhất định tôi phải rời khỏi quê hương. Tôi không muốn sống như cha mình, lam lũ cả đời rồi chết già ở nơi hẻo lánh này. Nếu có thể đi khỏi nơi này, tôi tin mình có thể tìm được một công việc và tạo dựng một cuộc sống tốt hơn.
Lần đầu tiên tôi bỏ nhà ra đi là cùng với một người bạn. Khi đó tôi vừa xem một bài viết trên Đông Á Nhật báo có thông tin rằng công trường xây dựng cảng và nhà máy thép ở Cheongjin đang cần rất nhiều công nhân.
Tuy nhiên, lần bỏ trốn đầu tiên, và cả lần thứ hai rồi thứ ba, cha tôi bằng cách nào đó đã tìm được và bắt tôi về nhà. Quyết tâm của ông trong việc giữ tôi ở lại quê nhà thật sự rất đáng nể, nhưng ý chí tha hương lập nghiệp của tôi cũng mạnh mẽ không kém. Vì nhiều lần bỏ nhà ra đi nên đối với người trong làng, tôi bị xem là đứa con bất hiếu chỉ biết làm khổ cha mẹ già, và thực tế đã có lần mẹ tôi vừa khóc vừa xé những bộ quần áo tôi để lại. Khi bị bắt về nhà lần thứ ba, tôi thật sự đã dốc lòng làm nông vì cảm thấy có lỗi với cha. Tôi đã cố gắng sống như cha, làm việc cật lực, mở rộng diện tích ruộng vườn, nuôi thêm gia súc và lo cho các em thành gia lập nghiệp. Thế nhưng năm đó chúng tôi lại mất mùa.
Chung Ju-yung và em gái Chung Hee-yung
Vào những năm mất mùa, cảnh vợ chồng cãi nhau diễn ra thường xuyên hơn. Nỗi lo không biết có đủ lương thực vượt qua mùa đông hay không khiến mọi người căng thẳng và dễ cáu gắt. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ là những cuộc cãi vã của cha mẹ tôi luôn vì vấn đề lương thực. Khi lương thực trong nhà đã cạn, mẹ buộc phải nói điều đó với cha, mà lại luôn nói vào lúc ăn sáng. Trong tình cảnh đó, cha tôi luôn đáp lại:
“Tôi vừa mới gặt lúa cách đây không lâu, sao lại ăn hết rồi?”
Bây giờ nghĩ lại, đó là câu trả lời trong tâm trạng khốn cùng của một người chủ gia đình thấy nhà mình lâm vào cảnh nghèo khó. Những lúc như vậy, giá mà mẹ tôi có thể nhẹ nhàng đáp “Ừm… đúng là chúng ta đã ăn hết rồi”. Nhưng không, câu trả lời của bà lại thường theo kiểu “Ý ông là một mình tôi ăn hết gạo hay sao?”.
“Tại sao bà cứ phải nói chuyện này vào bữa sáng?”
“Nếu không nói vào lúc ăn sáng thì tôi phải nói vào lúc nào đây? Tôi đâu có muốn làm người nói những chuyện này!”
Với cá tính mạnh mẽ, mẹ tôi chẳng chịu thua. Trận cãi vã ngày càng căng thẳng hơn và cuối cùng thì bàn ăn bị hất tung, thức ăn đổ vương vãi trên sàn nhà.
“Mình không thể nào tiếp tục sống như thế này được”, tôi tự nhủ. Quyết tâm sống đời nông dân của tôi tan rã và tôi quay lại với kế hoạch tha hương lập nghiệp của mình. Tôi phải lên Seoul và theo đuổi một công việc khác chứ không thể làm nông.
Thế là vào cuối mùa xuân năm tôi mười chín tuổi, tôi bỏ nhà đi lần thứ tư. Lần này tôi đã đi thẳng lên Seoul. Tôi mua vé tàu bằng số tiền mượn được từ Oh In-bo, người bạn sống cách làng tôi khoảng tám cây số, và hứa sẽ trả lại khi đã làm ra tiền. Oh In-bo cũng là bạn đồng hành với tôi trong chuyến đi này. Cậu ấy ra đi vì muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không có tình cảm của mình.
Hóa ra, lần bỏ nhà đi thứ tư đó chính là lần cuối cùng của tôi.